Thiết kế mô phỏng theo lều trại truyền thống của người Mông Cổ nhưng vẫn hài hoà lồng ghép chất liệu cùng nét kiến trúc hiện đại, nhà cộng đồng tại Ulan Bato là dự án xây dựng không chỉ độc đáo, sáng tạo mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Thông tin công trình:
- Thể loại: Công trình cộng đồng
- Địa điểm: Thủ đô Ulan Bato, Mông Cổ
- Đội ngũ thiết kế: Joshua Bolchover và John Lin – Rural Urban Framework (Hongkong)
- Năm: 2019
- Ảnh: Rural Urban Framework.
Thiết kế hài hòa thiên nhiên, gắn kết cộng đồng
“Trung tâm Phát triển Ger” tọa lạc tại quận Songino Khairkhan, Thủ đô Ulan Bato, Mông Cổ. Nhóm thiết kế công trình là Rural Urban Framework (Hongkong) đã làm việc với những cư dân sinh sống tại đây, xây dựng trung tâm như một nơi để hội họp, tổ chức hội thảo, CLB cho học sinh và những sự kiện tập thể.
Vật liệu xây dựng chính của trung tâm là gỗ và polycarbonate. Hệ thống khung gỗ chắc chắn chính là trụ móng nâng đỡ toàn bộ công trình. Những trụ gỗ này còn được thiết kế và bố trí nhằm tạo các phòng nhỏ bên trong trung tâm, trám bằng gạch theo kết cấu hình chữ L làm thành vách ngăn phân chia không gian sử dụng.
Ulan Bato là thành phố có thời rất tiết khắc nghiệt vào mùa đông khi nhiệt độ luôn ở mức âm độ C, vô cùng giá lạnh. Trung tâm Ger đã được nhóm Kiến trúc sư nghiên cứu và thiết kế để có được sự phù hợp với hình thái thời tiết nơi đây, đồng thời còn phù hợp với tập quán cộng đồng của người dân bản địa.
Theo đó, mái và tường bao của công trình được làm từ chất liệu polycarbonate. Chất liệu này không chỉ tạo không gian nhiều ánh sáng mà còn hấp thụ tối đa nhiệt lượng từ mặt trời, làm ấm nội thất bên trong.
Ngoài ra, sự gia tăng nhiệt độ cho không gian cũng được tạo nên bởi lớp đệm giữ nhiệt được thiết kế là một hành lang nằm xen giữa các hội trường và cửa ra vào. Hành lang này cũng là nơi vui chơi của trẻ em khi trung tâm được sử dụng như một nhà trẻ.
Ở chính giữa trung tâm là băng ghế tròn được lắp đặt bên trong một hố âm sàn. Băng ghế gồm 2 tầng, phù hợp với những cuộc gặp mặt hoặc giao lưu tập thể, giúp mọi người ngồi sát lại gần nhau hơn trong thời tiết giá lạnh tại Mông Cổ.
Nhà cộng đồng hình lều – Thay đổi tập quán bằng ý nghĩa cộng đồng sâu sắc
Trung tâm Phát triển Ger có thiết kế ngoại quan được mô phỏng theo một loại lều trại lâu đời của người Mông Cổ, có khung làm từ gỗ, được bao bọc bên ngoài bằng nỉ hoặc da thú.
Quận Songino Khairkhan trước đây là nơi những người du mục chuyển đến, họ dựng những căn lều trại và những ngôi nhà gạch để định cư lâu dài. Tập quán di cư khiến người dân nơi đây không có những địa điểm để hoạt động cộng đồng. Trung tâm Phát triển Ger ra đời từ đó, là 1 sự thay đổi để gắn kết người dân vào một tập thể bền vững.
“Quá trình đô thị hoá tại đây đã khiến người dân du mục phải đối mặt với một loạt thách thức mới. Trong một nền văn hóa không có từ “cộng đồng”, mục đích của dự án là tạo không gian để mọi người có thể gắn kết với nhau tạo ra các phương thức hợp tác mới” – đại diện Rural Urban Framework nói.
Tại Ulan Bato, mỗi năm có đến hơn 30.000 người đến đây để tìm kiếm cơ hội việc làm cũng như để tiếp cận mới môi trường giáo dục và điều kiện chăm sóc sức khỏe tiên tiến. Rất nhiều gia đình sống phải sống các khu vực không có nước máy hoặc hệ thống thoát nước, phải tự xây dựng hệ thống vệ sinh và đốt than để giữ ấm trong mùa đông khắc nghiệt khi nhiệt độ xuống dưới âm 40 độ C.
Khi mùa đông tới, những căn nhà cộng đồng như Trung tâm Phát triển Ger chính là một nơi để mọi người có thể đến và giao lưu cùng nhau trong sự ấm áp.
Rural Urban Framework cho biết, những dự án nhà cộng đồng vẫn tại Ulan Bato vẫn đang được họ nghiên cứu để triển khai phát triển trong thời gian tới.
“Công việc của chúng tôi vẫn đang tiếp diễn khi chúng tôi đánh giá hiệu suất môi trường của các tòa nhà và theo dõi cách sử dụng của cư dân“.
Xem thêm hình ảnh về công trình:
Biên dịch: Thục Hạnh (Nguồn: Dezeen.com)