Aaranya là khu nghỉ dưỡng theo mô hình trang trại (farmstay) nằm tại rìa vườn Quốc gia Gir thuộc khu bảo tồn Sư tử Châu Á tại bang Gujarat, Ấn Độ. Nơi đây mang tới những nét hài hòa trong kiến trúc bản địa, hòa vào Mẹ Thiên nhiên một cách khéo léo trong lòng thủ phủ Ahmedabad.
Thông tin công trình:
Thiết kế: D6thD design Studio
Diện tích: 502 m2
Năm xây dựng: 2019
Ảnh: Inclines Studio
Kiến trúc trưởng: Himanshu Paltel
Đội ngũ thiết kế: Nitin, Jagdish, Mansukh, Jitu, Ramnik
Nhà sản xuất: AutoDesk, Jaquar, Nitco Limited, Adobe Systems Incorporated, Asian Paints, Daksh Prajapati, Larson and Toubro
Farmstay Aaranya – Lối kiến trúc hài hòa với thiên nhiên đất mẹ
Được xây dựng từ năm 2019 dưới sự thiết kế của studio D6thD, Aaranya là mô hình trang trại nghỉ dưỡng, đưa con người trở về với thiên nhiên và cùng trải nghiệm những hoạt động thường nhật của người dân bản địa tại miền Tây Ấn Độ.

Aaranya cũng là công sức sau sáu năm hình thành và phát triển của Dinesh K. Gandecha, một người đàn ông đã ngoài 60 tuổi đi tìm về với thiên nhiên bằng nền nông nghiệp organic. Ông đã biến nông trại cằn cỗi nguyên sơ thành trang trại xoài với 450 gốc và sử dụng hoàn toàn bằng hệ thống năng lượng mặt trời.
Với tiêu chí hướng tới việc bảo vệ môi trường trong bối cảnh đất nước hơn 1 tỉ 3 triệu dân đang là một trong những nơi có lượng rác thải cao nhất thế giới thải ra mỗi ngày, Aaranya là điểm đến lý tưởng cũng như cân bằng phần nào tình trạng ô nhiễm môi trường tại nơi đây.
Thay vì phải chi hàng triệu đô la để mang tới những công nghệ tốt nhất cho những công trình kiến trúc xanh, đội ngũ thiết kế của D6thD đã đưa ra thiết kế đơn giản đưa công trình tới gần thiên nhiên bằng chính những vật liệu sẵn có tại bản địa.
Kiến trúc bản địa từ chất liệu công trình
Vật liệu chủ yếu từ mái vòm là ngói được làm từ đất nung, một thứ quá đỗi quen thuộc, gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ gia đình và trở thành đại diện cho hình ảnh của nửa triệu ngôi làng tại Ấn Độ.
Những tấm ngói đỏ chữ nhật có in hoa văn, tạo nên nét vừa hiện đại, vừa truyền thống cho ngôi nhà tại ven khu bảo tồn Gir Lion.

Thiết kế nhà dài tránh tác động từ môi trường
Các nhà thiết kế của D6thD cũng nắm rõ đặc trưng của khí hậu của Ấn Độ và vị trí xây dựng khi để hướng chính nhà theo hướng bắc nam, giảm thiểu nhiệt, đón gió và luồng không khí trong lành từ cánh đồng nông nghiệp liền kề. Với mục tiêu giảm thiểu tác động trực quan và ứng phó với khu vực dễ xảy ra động đất, quy mô của ngôi nhà cũng là điểm nhấn. Bên cạnh việc hạn chế xây tầng, thiết kế nhà dài, nhóm kiến trúc sư Ấn Độ còn xây thêm nhà bên hông và mái ngói bao phủ, tạo độ chắc chắn trước gió bão.

Với thiết kế tinh tế này còn đảm bảo được sự riêng tư trong không gian phòng ngủ, tạo mái che cho lối vào tiền sảnh và giúp cho hệ thống thực vật dây leo có thể phát triển bao trùm toàn bộ ngôi nhà.
Phòng tắm cũng được thiết kế hài hòa với thiên nhiên, tận dụng ánh sáng từ bên ngoài bằng việc sử dụng những chai thủy tinh tái chế và cửa kính màu.
Các giếng trời tự nhiên từ mái vòm phía trên cũng tạo điểm nhấn nửa kín nửa mở trong không gian của Aaranya.
Kiến trúc bền vững trong thiết kế nền, tường tại Aaranya
Các kỹ thuật xây dựng cũ, sử dụng nền đá vuông nhỏ, tường đá cát tự nhiên, mái vòm bằng gạch khảm và mái ngói đất sét tạo nên được sự vững chắc, bền bỉ trước tác động của thời gian. Không những vậy, nó còn mang ý nghĩa, thông điệp về bước khởi đầu của việc xây dựng nền nông nghiệp organic bền vững, duy trì hạnh phúc chung, đưa con người tới gần với thiên nhiên.

Đúng như câu slogan về bảo vệ môi trường, ‘The Mother Earth has enough for everyone’s needs, but not everyone’s greed’ (Đất Mẹ luôn đủ cho những ai cần nhưng chẳng bao giờ là vừa cho những kẻ có lòng tham), Aaranya là sự kết hợp vừa đủ giữa kiến trúc bản địa và hướng tới kiến trúc xanh trong mỗi công trình trong bối cảnh Ấn Độ đang phải chịu những tác động nặng nề nhất từ nhiên nhiên.
Xem thêm về công trình tại đây:
BD | ArchDaily