Kengo Kuma không phải kiểu KTS thị trường. Tên tuổi của ông được định hình bằng tầm nhìn về sự hồi sinh các giá trị truyền thống Nhật Bản ở thế kỷ 21. Các công trình khác biệt, độc đáo trong bộ sưu tập của ông có thể kể đến là Trung tâm văn hóa và du lịch Asakusa – Tokyo và Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki.

Dưới đây là 5 sự thật về vị KTS nổi tiếng người Nhật – một bậc thầy sử dụng vật liệu gỗ
1. Thần tượng Kenzo Tange
Cha của Kuma là một kiến trúc sư yêu thích kiến trúc hiện đại. Từ những bước đầu chập chững, ông dành rất nhiều thời gian cho con trai, dẫn con đến thăm quan các tòa nhà của Kisho Kurokawa, Kunio Maekawa… từ khi Kuma còn bé.

Những bước đi chập chững của ông gắn liền với sự dìu dắt từ người cha, người thầy đỡ đầu để ông có những nền tảng kiến trúc vững chắc.
Và chính người cha đã dẫn lối Kuma đến với kiến trúc của Kenzo Tange – một KTS hiện đại tiêu biểu của Nhật Bản, người biết cách áp dụng tinh hoa của kiến trúc phương Đông và những công nghệ mới vào các công trình hiện đại.

Kengo Kuma đã tìm thấy trong kiến trúc của Kenzo sự hoài cổ và nét văn hóa truyền thống đang không được thời đại chú trọng.
Ảnh hưởng sâu sắc từ cha và thần tượng Kenzo đã định hướng cho vị KTS nổi tiếng ngày nay con đường kiến trúc của riêng mình. Đó là sự kế thừa và phát huy những nét đẹp sẵn có, sự học hỏi và nâng tầm khát vọng trong kiến trúc.
2. Niềm đam mê sử dụng vật liệu gỗ
Kengo Kuma là một trong những kiến trúc sư thành công nhất với việc sử dụng gỗ trong thiết kế tại Nhật Bản. Có thể kể đến như một số công trình: Bảo tàng cầu gỗ Yusuhara, Khách sạn Garden Terrace Nagasaki tây nam Nhật Bản và Khu nghỉ dưỡng Yunfeng Spa ở Trung Quốc.
Niềm đam mê với vật liệu gỗ dẫn ông đến nhiều thiết kế ấn tượng trong tương lai. Sân vận động tại Thế vận hội Tokyo 2020 là một ví dụ điển hình, ý tưởng đã giúp Kengo Kuma đã giành chiến thắng trong cuộc thi lựa chọn người thiết kế.

Ông cũng nhiều lần sử dụng gỗ tái chế từ các thành phố Nhật Bản bị phá hủy bởi trận sóng thần năm 2011. Theo quan niệm của mình, Kuma tin rằng bê tông và thép là vật liệu lạc hậu của thế kỷ trước. Ông đã hùng hồn tuyên bố gỗ chính là tương lai của thế kỷ 21.


3. Kengo Kuma luôn kiên định và thẳng thắn
Như đã nói trên, Kengo Kuma không phải kiểu kiến trúc sư nổi tiếng hay kiêu ngạo. Cách tiếp cận của ông luôn thực tế. Kể cả những thiết kế đã được lựa chọn để trưng bày, ông luôn tìm ra điểm không hài lòng và biết nhận lỗi trước dư luận. Tòa nhà M2 ở Tokyo là một điển hình cho một công trình nhận những lời chê bai nhiều hơn khen ngợi.
Kuma không bao giờ chơi ngông như nhiều KTS nổi tiếng khác. Ông luôn tránh những cử chỉ, phát ngôn có thể gây ảnh hưởng dư luận. Kiến trúc của ông có thể bị chê lập dị, ông thừa nhận chứa không phản kháng, vì cái đẹp là điều mà mỗi người có quan điểm của riêng mình.

4. Tự hào về kiến trúc truyền thống Nhật Bản
Sau khi thiết kế tòa nhà M2 ở Tokyo, Kengo Kuma tới học Đại học Columbia – New York, nơi ông phát triển những ý tưởng và tư duy thiết kế mới. Kuma ngày càng nhận ra kiến trúc gỗ của Nhật Bản cũng tuyệt vời như kiến trúc La Mã cổ đại. Sau khi tốt nghiệp, vị KTS trở về quê hương để tiếp tục hành trình hồi sinh giá trị truyền thống của kiến trúc gỗ.
Kinh đô thời trang Paris cũng từng ghi dấu lối thiết kế truyền thống Nhật của ông – đó là một khách sạn sinh thái cao cấp chỉ sử dụng gỗ và cảnh quan cây xanh.

5. Khát vọng đưa kiến trúc hòa vào thiên nhiên
“Các công trình của luôn phải phù hợp với bối cảnh. Tôi muốn hợp nhất chúng thành một phần của tự nhiên. Hài hòa chính là mục tiêu để tôi rèn luyện qua mỗi thiết kế”
Với quan điểm kiến trúc hòa mình vào thiên nhiên, KTS luôn đem đến cho người sử dụng những trải nghiệm sâu sắc nhất. Đó là một phần của kiến trúc truyền thống Nhật Bản, thứ mà ông luôn cố gắng truyền tải đến thế giới hiện đại.

Trong mỗi thiết kế, Kengo đặc biệt tập trung vào ánh sáng tự nhiên và vật liệu địa phương. Ông luôn quan niệm rằng, đó là những yếu tố mang lại sự thoải mái cả về thể chất lẫn tinh thần của con người.
Không chỉ với những công trình lớn như Trung tâm du lịch văn hóa Asakusa – Tokyo, thậm chí ở quy mô nhà ở, cách tiếp cận của một KTS nổi tiếng như Kuma rất đời thường. Thiên nhiên tạo ra con người, và kiến trúc cũng được sinh ra từ thiên nhiên. Điển hình nhất là căn nhà trong rừng New Canaan ở Connecticut, Hoa Kỳ.


Theo Arch2o
Duc Anh.