Nhà hàng MeatPlus nằm trong khu đô thị mới Vinhome Gardenia – Hàm Nghi, được thiết kế độc đáo với thác nước cao 11m chảy từ tầng 4 xuống. Không chỉ vậy, thiết kế nội thất theo phong cách công nghiệp kết hợp những vật liệu “tưởng chừng đã bỏ đi” như: bánh xe đạp, gạch, gỗ lấy từ nhà dân tộc vùng cao… tất cả tạo nên cảm xúc đương đại mà cốt lõi là những giá trị truyền thống.
Thông tin dự án
Chủ đầu tư: Công ty Laguna Beach
Địa điểm: Số 5B.01, Vinhome Gardenia, Hàm Nghi, Hà Nội
Tổng diện tích: 1000m2 x 5 tầng
Đơn vị thiết kế và thi công: Công ty kiến trúc 5A ( 5A Achitects)
Chủ trì thiết kế: KTS Nguyễn Tiến Dũng
Nhóm thiết kế: Phạm Phương Anh, Hữu Vinh, Tiến Mạnh, Hoàng Hảo, Trần Phương Thảo
Ảnh: Lưu Quang Minh
THUYẾT MINH BỞI CÁC KTS
Mong muốn một sự đổi mới thịnh vượng, chủ đầu tư của Meat Plus – một gia đình người Hàn Quốc tới Việt Nam mang theo văn hóa, ẩm thực và tinh thần của dân tộc. Họ tìm tới 5A Architects với mong muốn Kiến trúc sư giúp họ biến ý tưởng thành hiện thực, bài toán đặt ra là sự canh tân trong tạo hình nhưng rất đỗi gần gũi, thân quen trong ngôn ngữ.
Nắm bắt được nhu cầu của chủ đầu tư, các Kiến trúc sư của 5A Architects đề xuất ý tưởng sẽ phân chia không gian vừa có tính riêng tư, vừa có tính cộng đồng, tạo nên không gian thân thiện hơn cho khách hàng. Đồng thời, kết hợp giữa 3 yếu tố: công nghiệp, vật liệu tái chế và thiên nhiên nhằm tạo cảm giác tươi mới mà thân thuộc.
Gallery not found.Thiết kế thác nước cao 11m: “Dòng chảy” thiên nhiên bất tận

Dù áp dụng phương thức Kinh doanh nào hay ăn món ăn gì? thì trải nghiệm của khách hàng là điều mà chủ đầu tư luôn mong muốn đạt được. Khi đến với MeatPlus, khách hàng sẽ không chỉ được thưởng thức những bữa ăn ngon đậm chất Hàn Quốc mà còn được nghe tiếng nước reo vui với thác nước đổ từ tầng 4 xuống. Thác nước được bố trí ở trung tâm, trở thành “nhân vật chính” gây chú ý, góp phần làm tươi mát không gian xuyên suốt từ tầng 1 lên tầng 4.
Phong cách công nghiệp hiện đại phá cách nhờ sử dụng gam màu tương phản
Thiết kế theo phong cách công nghiệp nên không gian bên trong thể hiện khá chân thực với các loại vật liệu: gạch không nung, gạch tái chế, bê tông, kim loại và gỗ. Các loại vật liệu này được kiến trúc sư diễn một cách nhịp nhàng và mạnh mẽ với thủ pháp phô diễn kết cấu, ít bao bọc và che đậy.
Điểm “phá cách” trong MeatPlus phải kể đến màu sắc. Dù lựa chọn những vật liệu, chi tiết đậm chất công nghiệp nhưng thay vì sử dụng những gam màu “công nghiệp” như trắng, đen hay xám thì kiến trúc sư lại thêm vào đó những màu sắc rực rỡ, tạo sự tương phản. Điều này không chỉ gây ấn tượng cho thực khách mà còn tạo nên sự tươi vui, trẻ trung.

Bên cạnh màu sắc, ánh sáng tự nhiên và mở rộng không gian cũng là một yếu tố được kiến trúc sư đặc biệt chú ý. Phần tường ở mặt tiền được sử dụng toàn bộ bằng kính và thép để vừa đảm bảo ánh sáng, vừa tạo sự an toàn. Các bàn ăn được bố trí hợp lý sao cho không gian không bị tù túng, riêng tư và thoải mái nhất. Ngoài khu vực không gian chung, kiến trúc sư còn bố trí thêm khu vực dành cho khách VIP dành cho những người yêu thích sự yên tĩnh.





Gợi nhắc về quá khứ từ những vật liệu “bỏ đi”
Trong quá trình đô thị hóa, những ngôi nhà cũ bằng gạch, gỗ dần bị phá bỏ, thay thế bằng những ngôi nhà đầy bê tông, cốt thép. Nhận thấy được điều này, kiến trúc sư đã tận dụng “chất liệu” bỏ đi đó để sử dụng trong công trình. Gạch, gỗ được thu gom lại, sơ chế và trở thành một yếu tố lạ mà quen trong MeatPlus.

Trong MeatPlus, hình ảnh những chiếc vành xe đạp cũ gợi nhắc về quá khứ của mỗi người. Được thu mua từ những người bán sắt vụn, qua bàn tay “phù phép” của kiến trúc sư, những chiếc vành xe đã biến thành một món đồ trang trí đặc biệt và tốn khá ít chi phí.
