Trong nhiều năm qua, giới kiến trúc luôn trăn trở làm thế nào để đẩy mạnh công tác truyền thông, nhằm đưa các thông tin liên quan đến bạn đọc, không chỉ trong giới KTS mà cả xã hội quan tâm. Lãnh đạo hội KTS Việt Nam, thông qua hoạt động của Tạp chí Kiến trúc đã rất quan tâm công tác này và định kỳ hàng năm có những cuộc trao đổi gặp gỡ với các KTS tham gia công tác truyền thông để chia sẻ những kinh nghiệm đã thực hành, những kế hoạch sẽ thực hiện trong tương lai.
Cách đây 36 năm, công tác truyền thông kiến trúc chỉ có một kênh duy nhất là Tạp chí Kiến trúc (trước đó là Bản tin Kiến trúc) đảm nhiệm, cũng có một số báo/ tạp chí đăng các bài viết liên quan do các KTS thực hiện. Trong nhiều năm, các sách xuất bản có nội dung Kiến trúc cũng hạn chế. Ngày nay, đã có rất nhiều ấn phẩm được xuất bản với nội dung phong phú và hình thức đẹp – Đó là thuận lợi nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi các tờ báo Kiến trúc và truyền thông trong lĩnh vực kiến trúc cần có bước tiến mới.
Trước kỷ nguyên số, độc giả ngày nay đối mặt với lượng thông tin khổng lồ; truyền thông trong lĩnh vực kiến trúc thu hút sự quan tâm của độc giả ngày một khó khăn. Điều đáng mừng là truyền thông kiến trúc do các KTS thực hiện với sự hỗ trợ tinh thần của Hội KTS Việt Nam và các cơ quan khác như Bộ Xây dựng, Tổng hội Xây dựng, các tổ chức cá nhân tài trợ đã có bước tiến mới, ta có thể điểm qua vài tờ báo liên quan Kiến trúc:
– Tạp chí Kiến trúc (TCKT) – Hội KTS Việt Nam đã có chiến lược tạo hình ảnh chuyên biệt để có chỗ đứng vững trên thị trường báo giấy, thu hút tài trợ quảng cáo thương mại, mở rộng các liên kết hoạt động như tổ chức các cuộc thi kiến trúc, tổ chức sự kiện kết hợp với quảng cáo BĐS – VLXD và đã rất cố gắng vươn ra quảng bá quốc tế;
Website của Tạp chí Kiến trúc đã từng bước nâng cấp công nghệ, thiết kế giao diện thuận tiện, thông minh để trở thành kho tư liệu phục vụ công tác học tập, nghiên cứu kiến trúc hiện đại. Bạn đọc dần nhận ra tờ báo của Hội chú trọng nhiều đến tính sáng tạo, nghệ thuật Kiến trúc và xu hướng duy mỹ giữ vai trò chủ đạo.
– Kienviet.net đã có chiến lược phát triển dài hơi khi liên kết với các đơn vị chuyên nghiệp tổ chức các hoạt động truyền thông đa phương tiện (Multimedia) và trở thành một kênh truyền thông kiến trúc hiện đại – tin cậy – hiệu quả. Không chỉ phát triển sâu về công nghệ, Kienviet.net còn chú tâm đến những cuộc đối thoại giữa các KTS với nghề kiến trúc, quản trị doanh nghiệp tư vấn Kiến trúc và những câu chuyện giản dị và sâu sắc về con đường thành công và những gian truân của các KTS trong nước và quốc tế.
– Tạp chí Kiến trúc Việt Nam – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng đã âm thầm chuyển động nhưng rất kiên định theo đuổi từng chủ đề chuyên sâu trong các số báo ra hàng tháng. Là tạp chí của Bộ Xây dựng, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam còn đảm nhận trọng trách thông tin quản lý hoạt động kiến trúc, không chỉ cung cấp các văn bản quy trình quản lý mà còn tương tác với nhiều bên để có những nhận định, phản hồi tác động của các chính sách quản lý với thực tế cuộc sống.
Nằm ngoài khuôn khổ của Hội KTS Việt Nam, nhưng lại tập hợp được nhiều KTS hoặc nhiều nhà văn hóa, khoa học tham gia thảo luận về các vấn đề Kiến trúc – Đô thị; đó là Tạp chí Người đô thị của Tổng hội Xây dựng (báo giấy và báo mạng). Xét về mức độ chuyên nghiệp báo chí, tờ báo này đã khẳng định sự vượt trội cả về hình thức/ nội dung/ công nghệ và thương mại. Tờ báo đã và đang cung cấp cho xã hội đương đại những bước tiến mới trong nhận thức về đô thị của nhân loại: Đó không chỉ là bức tranh màu sắc được tô vẽ mà là một thực thể chuyển động không ngừng, nơi màu hồng và màu xám lẫn lộn, nơi mà tương lai đẹp đẽ sẽ được gây dựng hay những nguy cơ rình rập nơi nơi. Điều đó do chính chủ nhân – Những cư dân đô thị tự quyết định.
Truyền thông hiện đại đã được chuyển hóa uyển chuyển bằng cách kết hợp truyền thông đa phương tiện với những cuộc gặp gỡ thảo luận tương tác giữa các loại hình và các giới nghệ thuật trong không gian thực. Đó là một kênh truyền thông do các KTS tạo dựng: Không gian Ago Hub – 12 Hòa Mã (Hà Nội). Đây là một nơi gặp gỡ ấm áp của các KTS và cộng đồng xã hội yêu mến Kiến trúc. Sau hơn một năm hoạt động, “Ago Hub” đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi giữa cộng đồng KTS với nhiều diễn giả từ các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, triết học, mỹ học, nhiếp ảnh, điện ảnh, mỹ thuật đương đại, nghiên cứu nghệ thuật và xã hội.
Trong vài năm trở lại đây, truyền thông Kiến trúc Việt Nam đã từng bước biến đổi cho phù hợp với truyền thông hiện đại và đóng góp không nhỏ cho sự tiến bộ của kiến trúc nói riêng, của các cuộc đối thoại giữa kiến trúc và xã hội nói chung. Quay trở lại với Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, đã có một số ý kiến cho rằng tạp chí nên phát huy thể hiện thế mạnh là ngày càng tập trung chuyên sâu trong nội dung của mình. Theo ý kiến cá nhân tôi, để tăng cường thế mạnh ấy, TCKT nên phát triển trở thành kho tư liệu sáng tác lý luận của các KTS. Nền tảng của kho tư liệu ấy chính là các tác phẩm đã được các KTS viết ra trong suốt 70 năm lịch sử hình thành Hội, Đoàn KTS Việt Nam và có thể là hơn 100 năm (bởi các KTS trường Mỹ Thuật Đông Dương, những người đã từng tốt nghiệp trường này gần 100 năm trước). Hàng năm, không chỉ riêng Hội KTS mà còn nhiều cơ quan liên quan tổ chức nhiều cuộc thảo luận về lý luận kiến trúc, đô thị… Song chúng ta vẫn thừa nhận công tác này vẫn còn hạn chế. Vậy nên TCKT nên chăng mở ra chuyên mục “Kho tàng tài nguyên tri thức Kiến trúc Việt Nam”, đăng tải dần các Luận văn Tiến sĩ của các thế hệ TS. KTS Việt Nam, trước mắt là các luận văn trong nước, tiếp đó là nước ngoài. Đây chính là sản phẩm của truyền thông trong nền công nghiệp 4.0 mà TCKT có khả năng công nghệ thực hiện.
Hy vọng với nhiều cách khác nhau, TCKT nói riêng, truyền thông trong lĩnh vực kiến trúc nói chung sẽ là hình mẫu tiên phong trong lĩnh vực truyền thông hiện đại.
KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội