Mặc dù đến với kiến trúc muộn màng nhưng Geoffrey Manning Bawa FRIBA (23/7/1919 – 27/5/2003) đã tạo ra phong cách thiết kế độc đáo, ấn tượng và có ảnh hưởng lâu dài đến các kiến trúc sư trên toàn thế giới – kiến trúc Nhiệt đới Hiện đại (Tropical Modernism).
Am hiểu lí thuyết kiến trúc hiện đại, Bawa là một trong những người đề xướng kiến trúc Nhiệt đới Hiện đại (Tropical Modernism) – phong cách thiết kế thích ứng với điều kiện nhiệt đới mà vẫn đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của kiến trúc hiện đại. Thiết kế của Bawa đã tạo tiền đề hình thành bản sắc kiến trúc và thẩm mỹ riêng cho môi trường nhiệt đới. Ông cũng giành nhiều thành tựu trong đó có giải thưởng Kiến trúc của Chủ tịch Aga Kahn (2001) và danh hiệu Deshamanya ghi nhận đóng góp cho đất nước của chính phủ Sri Lanka.

Bawa sinh ra tại Ceylon (năm 1972 trở thành Sri Lanka). Sau khi theo học tại trường St. Catharine’s College, Cambridge, ông bắt đầu sự nghiệp trong ngành luật ở Anh nhiều năm. Sau cái chết của mẹ mình, ông bỏ việc để đi du lịch thế giới. Năm 1948, Bawa mua đồn điền cao su Lunuganga và bắt đầu quan tâm đến thiết kế kiến trúc cũng như cảnh quan.




Bawa có lòng ham học hỏi mạnh mẽ và ông đã tự xin vào học việc ở HH Reid, một công ty kiến trúc ở Colombo, Ceylon. Khát vọng mở rộng kiến thức hơn nữa, Bawa theo học tại Hiệp hội Kiến trúc và tốt nghiệp năm 1957, vào năm 38 tuổi. Khi trở về quê hương, Bawa trở thành cộng sự tại các công ty Edwards, Reid, và Begg, và sau đó tiếp tục làm việc trong ngành kiến trúc.
Trong các công trình của mình, Bawa đã cố gắng đạt được mục tiêu mà tờ The Guardian gọi là “một kiến trúc mới, sống động – nhưng mang đặc trưng của Sri Lanka.” Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong kiến trúc của Bawa đã thu hút sự chú ý của nhiều KTS và nghệ sĩ khác, đáng chú ý nhất là Ulrik Plesner, người đã làm việc với Bawa từ năm 1961 đến 1967.


Ngay từ những công trình đầu tay của mình, Bawa đã thể hiện phong cách kiến trúc Nhiệt đới hiện đại. Trong công trình nhà Ena de Silva (1960), ông kết hợp yếu tố hiện đại trong các mặt bằng mở và trang trí bằng các chi tiết đặc trưng của trang viên ở Colombo. Tương tự, yếu tố hiện đại trong thiết kế Batujimbar Estate (1973) đã được điều chỉnh để thích hợp với truyền thống địa phương Bali. Tư tưởng của Bawa tiếp tục được thể hiện qua nhiều dự án khác nhau; đặc biệt, kiến trúc khách sạn của ông có khả năng thích ứng với các địa điểm khác nhau – ở thời điểm đó là sự khởi đầu đầy ấn tượng trong xu hướng thiết kế khách sạn phù hợp với bất kỳ nơi nào trên thế giới. Trong dự án Bentota Beach Hotel (1970), Bawa đã tạo ra một khu nghỉ dưỡng tham chiếu môi trường xung quanh trong lối sống hiện đại.


Sau những thay đổi xã hội và chính trị những năm 1960 và thập niên 70 ở Sri Lanka, Bawa nhận được các dự án lớn hơn. Thiết kế của Bawa cho Tòa nhà Quốc hội Sri Lanka (1982) là sự tiếp nối lý thuyết kiến trúc nhiệt đới hiện đại trước đó; công trình sử dụng mái dốc và các yếu tố kiến trúc địa phương để thể hiện dòng truyền thừa của chính phủ. Vào thời điểm đó, tòa nhà Quốc hội là dự án lớn nhất của Bawa. Công trình đã thu hút sự chú ý của quốc tế đến cách tiếp cận kiến trúc của ông. Cùng khoảng thời gian này, Bawa đã thiết kế một số tòa nhà mới cho Đại học Ruhuna (1988). Việc sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống và các yếu tố kiến trúc thích nghi với khí hậu địa phương giúp giảm chi phí và phù hợp với bối cảnh cũng như người sử dụng.



Bawa đóng cửa công ty của mình vào năm ông bảy mươi tuổi, nhưng công việc thiết kế của ông không ngừng lại từ đó. Phần lớn thời gian sau này ông nghiên cứu các khái niệm, concept. Trong giai đoạn này ông đã xây dựng một số công trình thú vị như khách sạn Kandalama Hotel (1991) và Blue Water Hotel (1997), với phương pháp tiếp cận tối giản hơn so với những thiết kế thời kì trước.


Theo Archdaily
HN | kienviet.net