Các công trình của công ty kiến trúc WOHA đã góp phần giải quyết vấn đề mật độ đô thị gia tăng nhanh chóng và khí hậu ở Singapore. Nhà báo Vladimir Belogolovsky đã có cuộc phỏng vấn với 2 nhà sáng lập công ty kiến trúc WOHA, ông Wong Mun Summ và ông Richard Hassell về lĩnh vực kiến trúc xanh.

Vladimir Belogolovsky (VB): Hai người gặp nhau như thế nào và điều gì khiến hai người hợp tác với nhau?
Wong Mun Summ (WMS): Tôi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore năm 1989 và Richard tốt nghiệp Đại học Tây Úc ở Perth cùng năm.Vào thời điểm đó, kinh tế Úc đang bị suy thoái nên Richard đã đến Singapore để tìm việc làm.
Richard Hassell (RH): Tôi đặt chân đến Châu Á vào thời điểm kinh tế và ngành kiến trúc bắt đầu “ bùng nổ”. Nhu cầu của khách hàng hướng đến các giải pháp sống tiết kiệm và thông minh. Chúng tôi bắt đầu với các dự án nhỏ, chủ yếu là nhà ở.

VB: Ý tưởng kiến trúc xanh có phải là ý tưởng ban đầu khi hai ông thành lập công ty không?
WMS: Đúng vậy. Cả hai chúng tôi đều học về nguyên tắc thiết kế thụ động tăng hiệu quả sử dụng năng lượng.
RH: Hiệu trưởng ở trường tôi là một nhà khoa học môi trường, không phải là một kiến trúc sư. Các giáo sư ở trường Đại học từng trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng nên họ rất quan tâm đến vấn đề môi trường.
WMS: Yếu tố môi trường đã trở thành chiến lược thiết kế của chúng tôi. Chúng tôi chú trọng tới những thiết kế cảnh quan kết hợp cây xanh và không gian công cộng.

VB: Một trong những triển lãm nổi bật của WOHA là triển lãm “Kiến trúc thở”. Đây có phải là nguyên tắc chính để tạo ra các tòa nhà có thể “thở” được không?
RH: Chính xác. Triển lãm “Kiến trúc thở” được tổ chức tại Đức, những tòa nhà ở Đức đều được thiết kế khép kín hoàn toàn để có thể kiểm soát môi trường bên trong. Chúng tôi muốn chứng minh hiệu quả của các tòa nhà với hiệu ứng đục lỗ. Một tòa nhà khép kín hoàn toàn cần tiêu tốn rất nhiều năng lượng trong việc điều hòa không khí.
WMS: Vì vậy, chúng tôi luôn tìm cách tốt nhất giúp duy trì lưu thông không khí trong mỗi tòa nhà.

VB: Theo như chúng tôi được biết triển lãm Exotic More or Less của WOHA cũng đang được tổ chức?
RH: Đó là triển lãm hợp tác giữa WOHA và công ty kiến trúc W Architects, Singgapore được tổ chức ở Đức với tên gọi Exotic More or Less. Khu vực triển lãm của chúng tôi có tiêu đề WOHA More on Less. Chúng tôi muốn chứng minh làm thế nào để tạo sự thoải mái trong môi trường dân cư đông đúc với nguồn lực hạn chế.

VB: Đó là điều mà kiến trúc Singapore đang hướng tới?
WMS: Vâng, tạo sự thoải mái trong môi trường dân cư đông đúc với nguồn lực hạn chế là điều mà các kiến trúc sư đang hướng tới.
RH: Các kiến trúc sư Singapore luôn chú trọng yếu tố khí hậu địa phương trong quá trình thiết kế và xây dựng công trình.
VB: Vậy theo ông kiến trúc có đặc trưng cho từng miền khí hậu? Thủ đô Kuala Lumpur nằm gần Singapore, tuy nhiên kiến trúc ở đây không mang những nét riêng biệt.
WMS: Vâng, khí hậu Kuala Lumpur rất giống Singapore.
RH: Singapore bị hạn chế do có diện tích nhỏ trong khi Malaysia có rất nhiều đất đai. Công trình Kuala Lumpur có thể mở rộng theo chiều ngang, trong khi ở Singapore chỉ có thể phát triển lên trên. Giá bất động sản ở Singapore cao hơn nhiều, làm tăng ngân sách xây dựng, mang đến cho chúng tôi nhiều cơ hội để đổi mới hình thức và vật liệu xây dựng.

VB: Đâu là dự án khởi nguồn cho phong cách kiến trúc của WOHA?
WMS: Đó là một dự án trong Cuộc thi Duxton Plain Public Housing International Competition được tổ chức tại Singapore năm 2001 do Cơ quan Tái phát triển Đô thị tổ chức. Chúng tôi đã không giành chiến thắng nhưng nó đã mang đến cơ hội thử nghiệm nhiều chiến lược thiết kế mà chúng tôi vẫn thực hiện cho tới thời điểm hiện tại. Vào năm 2015, chúng tôi đã xây dựng dự án nhà ở công cộng SkyVille @ Dawson ở Singapore, dựa trên những ý tưởng ban đầu đó. Dự án bao gồm mười hai tòa tháp 47 tầng, tạo thành ba giếng trời hình kim cương.

VB: Cảm hứng thiết kế của WOHA từ đâu?
RH: Cảm hứng thiết kế của chúng tôi có thể đến từ nhiều nguồn như nghệ thuật truyền thống, đồ thủ công như dệt may, phong cảnh …
WMS: Hầu như không có nguồn cảm hứng cụ thể cho chúng tôi. Ở Singapore, một nơi giới hạn về đất đai, chúng tôi luôn phải cân nhắc đến mật độ dân cư cao. Đó là động lực quan trọng nhất đối với chúng tôi.

VB: Các ông nghĩ gì về công trình của các kiến trúc sư xanh tiên phong như Emilio Ambasz?WMS:Những tòa nhà do Ambasz thiết kế ảnh hưởng rất lớn tới các công trình của chúng tôi sau này.
VB: Các ông có thể mô tả về các công trình kiến trúc của WOHA không?
RH: Hào phóng.
WMS: Đáng tin cậy.
RH: Thú vị.
WMS: Hấp dẫn.
RH: Rất nhiều công trình của chúng tôi gắn liền với văn hóa, nghệ thuật và kỹ thuật thủ công châu Á.
WMS: Nhiều dự án của chúng tôi có quy mô tương đối lớn, chúng tôi luôn cố gắng mang lại sự thoải mái nhất cho khách hàng.

VB: Mục tiêu chính của công ty WOHA là gì?
RH: Mục tiêu chính của chúng tôi là mang đến các công trình tốt nhất cho người dân, cho thành phố và cho thế giới.
WMS: Và tốt cho nhà phát triển. [Cười.] Càng nhiều người hài lòng hơn. Điều quan trọng là đạt được một số kết quả nhất định có lợi cho mọi người.
VB: Các ông nghĩ gì về kiến trúc hiện đại? Đây có phải là thời kỳ khủng hoảng của kiến trúc và kiến trúc xanh có phải là xu hướng của triết học?
RH: Tôi không nói kiến trúc đang trong thời kỳ khủng hoảng. Có lẽ thế giới đang trong thời kỳ khủng hoảng và kiến trúc phản ánh điều đó. Chúng tôi đang có những đổi mới trong mười lăm năm qua.

VB: Bạn có quan tâm đến sự đổi mới không?
WMS: Đó là một phần của kiến trúc! Chúng tôi không muốn từ bỏ điều đó. Kiến trúc là về tạo hình. Nhưng chúng tôi nghĩ có nhiều thứ hơn nữa. Chúng ta cần phải sáng tạo nhiều tòa kiến trúc với hình dạng thú vị hơn.
VB: Singapore nổi tiếng với những tòa nhà chọc trời. Làm thế nào để các ông nhìn thấy tương lai của thành phố?
WMS: Singapore là một đảo quốc, diện tích không đổi. Chúng tôi là ví dụ cho việc phát triển thành phố diện tích không quá lớn nhưng vẫn bảo tồn được hệ sinh thái.
RH: Các sinh viên của chúng tôi phát triển những ý tưởng tự cung tự cấp ở các thành phố trong tương lai, không phụ thuộc vào vùng ngoại ô và nội địa. Vì vậy, chúng tôi đang phát triển các chiến lược để hạn chế sự phát triển về kích thước và mật độ của các siêu đô thị.

VB: Khi thiết kế những tòa nhà chọc trời, như tòa tháp Oasia Downtown mới được hoàn thành ở trung tâm Singapore, các ông có tưởng tượng những cấu trúc này một ngày trở thành một cơ sở hạ tầng lưu thông giữa các tòa nhà dành cho người đi bộ?
WMS: Chúng tôi hy vọng như vậy.
VB: Vì vậy, những tòa tháp này, theo cách nào đó, là cầu nối trong tương lai, phải không?
WMS: Đó là toàn bộ vấn đề. Chúng tôi cố gắng khởi xướng các ý tưởng dự án tiềm năng ở thành phố trong tương lai. Một ngày nào đó các thành phố trong tương lai sẽ được kết nối nhiều hơn.

VB: Vì vậy, các ý tưởng về các siêu đô thị trong tương lai từ những năm 1960 có thể được xem xét lại.
WMS: Chắc chắn rồi. Nhưng trong quá khứ, trọng tâm kiến trúc là tính thẩm mỹ, trong khi bây giờ mục tiêu là làm cho thành phố của chúng ta dễ sống hơn.
RH: Mục đích của chúng tôi là kết hợp dự án megacity trong quá khứ với ý tưởng về một thành phố xanh trong tương lai. Chúng tôi muốn xây dựng thành phố ấm cúng, thoải mái,gần gũi với tự nhiên.
WMS: Ý tưởng của chúng tôi là xây dựng các tòa nhà xanh.

VB: WOHA đang gây dựng tiếng nói riêng của mình trong lĩnh vực kiến trúc?
RH: Chúng tôi có tiếng nói riêng trong kiến trúc mặc dù không mang phong cách đặc biệt như một số kiến trúc sư tiêu biểu khác đã đạt được. Các dự án của chúng tôi có thể không hoàn toàn phù hợp 100% về phong cách, nhưng các ý tưởng chiến lược và triết lý về những điều quan trọng và có giá trị đã trở thành biểu tượng của chúng tôi. Chúng tôi cố gắng xóa đi ranh giới giữa kiến trúc và cảnh quan. Niềm tin rằng con người tách biệt với thiên nhiên và thành phố tách rời khỏi vùng nông thôn đã lỗi thời. Trong thời đại Nhân sinh, cách duy nhất để bảo tồn thiên nhiên là tích hợp nó vào môi trường xây dựng.

Tác giả VLADIMIR BELOGOLOVSKY là người sáng lập Dự án giám định phi lợi nhuận có trụ sở tại New York. Ông là kiến trúc sư được đào tạo tại Cooper Union, New York. Ông đã viết năm cuốn sách, bao gồm “Cuộc trò chuyện với kiến trúc sư trong kỷ nguyên của danh vọng” (DOM, 2015), “Harry Seidler: LIFEWORK “(Rizzoli, 2014) và “Chủ nghĩa hiện đại của Liên Xô: 1955-1985” ( TATLIN, 2010).
Các cuộc triển lãm tiêu biểu của ông gồm: triển lãm “Anthony Ames: Object-Type Landscapes” tại Casa Curutchet, La Plata, Argentina (2015); triển lãm “Colombia: Transformed” (American Tour, 2013-15); “Harry Seidler: Vẽ tranh hướng tới Kiến trúc” (tour diễn thế giới từ năm 2012); và Gian hàng cờ vua Nga tại Triển lãm Venice Biennale lần thứ 11 (2008). Belogolovsky là phóng viên tạp chí kiến trúc có trụ sở tại Berlin SPEECH và ông đã giảng dạy tại các trường đại học và viện bảo tàng ở hơn 20 quốc gia.
Theo Archdaily
BD: Hương Giang