Điều gì ở những khối màu của Piet Mondrian đã thu hút các nghệ sĩ và nhà thiết kế trong thời gian dài đến vậy ?
Vào những năm 1920, họa sĩ người Hà Lan Piet Mondrian đã bắt đầu vẽ các lưới đen với những ô màu sắc cơ bản mang tính biểu tượng của mình. Ngôn ngữ đơn giản của Mondrian qua những đường kẻ và hình chữ nhật được gọi là thuyết Neo Plasticism – khám phá chuyển động qua màu sắc và hình thức đơn thể.
Những khối màu đỏ, vàng và xanh lam của ông là thành tố quan trọng trong phong trào De Stijl vào đầu những năm 1900. Và gần một thế kỷ sau đó, sự trừu tượng của Mondrian vẫn truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư trên toàn cầu.

Trường hợp đầu tiên trong kiến trúc thừa nhận sự ảnh hưởng của Mondrian là công trình đầu tay của KTS Gerrit Rietveld. Tòa nhà hai tầng thuộc sở hữu của goá phụ Truus Schröder và ba đứa con ở Utrecht, Hà Lan. Được xây dựng từ năm 1923 đến năm 1924, ở ngôi nhà Schröder House, hệ lưới đen của họa sĩ được chuyển thành các thanh kim loại, các khối gỗ dài và các thanh thép hình ống màu đỏ, xanh và vàng, tạo thành các mặt phẳng chuyển động của mái, cửa sổ và tường. Các bức tường bên trong nhà không phải chịu lực và không gian trong nhà biến đổi linh hoạt.

Năm 1926, họa sĩ, KTS Theo van Doesburg được ủy nhiệm thiết kế Café L’Aubette. Ông đã cải tạo nội thất công trình trở thành một bức tranh lưới De Stijl nghiêng 45 độ bao quanh các bức tường và trần nhà của phòng “Ciné-Dancing”, với màu sắc rực rỡ như đỏ, vàng, xanh dương và xanh lá cây. Chỉ hai năm sau, Mies van der Rohe đã biến đổi tác phẩm Composition in Colour A (1917) của Mondrian thành những khung kính rộng, đá hoa, đá travertine và thép, tạo nên công trình Barcelona Pavilion.

Sự quan tâm của KTS đến các tác phẩm của Mondrian suy giảm trong những năm trước Chiến tranh thế giới II, cho tới khi chủ nghĩa tiêu thụ sau chiến tranh thúc đẩy sự phát triển concept StorageWall (1945) của KTS George Nelson. Trong khi những tấm panel nhôm màu trong giá sách của Charlotte Perriand, Jean Prouvé và Sonia Delaunay biểu lộ sự thống trị hoàn toàn của chủ nghĩa Neo Plasticism.


Hai nhà thiết kế Charles và Ray Eames đã chuyển đổi hệ lưới đen của Mondrian vào các khung thép đúc sẵn bao bọc hai khối nhà Viện Nghiên cứu số 8 (1949), Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc.

Trong thiết kế cấu trúc đúc sẵn, đáp ứng sự bùng nổ nhà ở, hệ lưới và những mảng màu trừu tượng của Mondrian trở thành biểu tượng tự nhiên cho sản xuất công nghiệp và các kỹ thuật chiến tranh. Màu sắc cơ bản đậm nét đã làm nổi bật ban công của công trình Uno d’Habitiation (1952, KTS Le Corbusier), ở Pavilion Le Corbusier là những khối panel tráng men màu. Thậm chí nhà thiết kế thời trang Yves Saint Laurent đã biến tác phẩm của Mondrian thành một chiếc váy vào năm 1965.
Ảnh hưởng của Mondrian đối với kiến trúc vẫn còn cho tới nay – từ Khách sạn Mondrian ở LA và Mondrian Residences ở Muntinlupa, Philippines tới lớp vỏ bọc của Tòa thị chính (1955) của Richard Meier ở Hague Netherlands.
Ngôn ngữ trừu tượng của Mondrian đã thu hút các kiến trúc sư trong việc khám phá các không gian mới. Tầm nhìn của họa sĩ về sự dẻo dai của thế giới xây dựng cho phép ông đề xuất ý tưởng giảm thiểu khối lượng kiến trúc, coi kiến trúc như một tấm khung năng động kết nối các hoạt động trong cuộc sống con người.

Theo Archdaily
HN | kienviet.net