Quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận là một dự án lớn và quá nhạy cảm. Nó đã và sẽ tiếp tục tạo nên những dư luận trái chiều. Để tránh đi những rủi ro, hạn chế các xung đột, có lẽ đây cũng chính là thời điểm, là cơ hội để cả chủ dự án, chủ đầu tư, nhà tư vấn, các chuyên gia và mỗi người dân Hà nội cần an tĩnh, để hồi ức lại những biến động thăng trầm của vùng văn hóa Hàng Cỏ?

Lịch sử- Văn hóa vốn hàm chứa, cất giấu, gìn giữ rất nhiều phương án quy hoạch và sẵn sàng tư vấn miễn phí cho những dự án phát triển bền vững hôm nay? Thiên Cơ, cơ nguyên, cơ duyên, cơ sinh, định hay biến đều do TÂM an nhiên và cách ứng xử nhân văn của mỗi người dân Hà Nội?

Kiến Việt giới thiệu Hàng Cỏ- Thiên lý- Thiên cư và…Thiên cơ? như một bày tỏ, chia sẻ ban đầu của một người dân.

 Ga Hàng Cỏ và hành trình đổi thay của những đường chân trời?

a 1
Bản đồ Hà Nội 1873. Con đường Thiên Lý chưa hình thành. Hàng cỏ vẫn chỉ là những hồ đầm hoang

Cách đây vài trăm năm thôi khu đất VÀNG Hàng Cỏ hôm nay chỉ là chợ bán cỏ cho voi, ngựa.

Đàn voi như là một phần của lịch sử. Những con voi không mấy lần xung trận, chỉ chăm nom việc diễu hành của đấng quân vương hay cứu hỏa. Những con voi chỉ để thực hiện đòn “ voi giày” nhằm trừng phạt những người đàn bà hoang dâm, ngoại tình hay những bà phi trót thèm khát chuyện gối chăn, dục tình với những người đàn ông thừa sinh lực những không có số làm vua… Theo “phượt thủ” Jean – Baptiste Tavernier viết lại trong Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài thì những năm 1649, Thăng long có chừng 400 con voi. Theo những ghi chép tỉ mỉ, cẩn trọng của Linh mục khả kính De Rhodes thì chi phí chăm nuôi mỗi con voi còn hơn 40 người lính. Những dấu ấn này còn kịp để lại địa danh hồ Voi ở vườn hoa kế bên Cột Cờ.

a 2
Bản đồ Hà Nội 1899. quy hoạch ga hàng Cỏ bắt đầu hiện diện.

Theo thời gian, bên những đồng ruộng, hồ đầm hoang vu, Hàng Cỏ một chợ bán cỏ tự phát mở ra và kéo dài từ cửa Nam cho đến đầu phố Khâm Thiên. Chợ cỏ còn lấn sang Hàng Đẫy, lưu danh trên ngõ Hàng Cỏ (108 Trần Hưng Đạo). Trong 36 phố Hàng, cỏ là loại “hàng hóa nguyên thủy” và rẻ mạt nhất vậy mà chợ cỏ cũng đã thành Hàng Cỏ sánh vai với những phố Hàng danh giá như Hàng Đường, Hàng Gạo, Hàng Than, Hàng Thiếc, Hàng Bông…

a 3
Nhưng số phận Hàng Cỏ sẽ chẳng thay đổi là bao nếu nó không trở thành Ga Hàng Cỏ- một sơ sểnh hy hữu và duy nhất của ông trùm thực dân- Toàn quyền Paul Doumer? Trong một tầm nhìn Địa chiến lược vỹ đại, với tham vọng lớn tạo cho thủ phủ Đông Dương một tầm vóc mới, ỷ thế có những ảnh hưởng lớn trong chính trường Pháp khi còn là Bộ trưởng Tài chính… thay vì để ga Hà Nội ở Gia Lâm, tả ngạn sông Hồng, Tổng thống tương lai của nước Pháp Paul Doumer đã chuyển nó về Hàng Cỏ? Đại lộ Vân Nam- Hải Phòng nối Đông Dương và phần còn lại của thế giới hơi bị bẻ ghi, nắn dòng lệch sang hữu ngạn sông Hồng.

ga ha noi ky uc moi tinh cua nhung co nhan bb baaacT6M14Đó là nguyên cớ để cây cầu lớn nhất thế giới ra đời và làm rạng danh không chỉ cá nhân Paul Doumer. Tham vọng chính trị trước mắt đã thắng thế một tầm nhìn Địa- Kinh tế vỹ đại. Điều này trực tiếp kiến tạo ga Hàng Cỏ trở nên sừng sững, bề thế, hoành tráng, phô trương sức mạnh Pháp quốc chẳng khác nào Nhà hát lớn, Bảo tàng Louis Finot hay Trường Đại học Đông Dương- những điểm dừng đột khởi, đẩy kiến trúc trở thành một dấu mốc không gian đô thị, một biểu tượng lớn, đúng như tinh thần quy hoạch của KTS lừng danh E.Hébrard. Cùng với cầu Paul Doumer, quá trình đô thị hóa của HN, ga Hàng Cỏ góp phần không hề nhỏ vào viêc chứng tỏ “ sức mạnh của nền văn minh Pháp. Tiến bộ khoa học, sức mạnh công nghệ của chúng ta đã chinh phục được người dân địa phương, những người từng không khuất phục trước súng đạn”( Hồi ký Paul Doumer)

150574969186684 tien sanh chinh ga hang coTiếp theo, từ 1902, không ai có thể ngờ, khi gắn bó với khu Trung tâm hành chính, đô thị Hà Nội mới và những tham vọng của người Pháp, vùng văn hóa Hàng Cỏ lại chao đảo dữ dội hơn.

c 15
Khu vực Cột cờ 1907. Con đường lớn cắt chéo ảnh là Hoàng Diệu và Điện biên Phủ. Vườn hoa có tượng đài Canh Nông chuyển thành tượng đài Lê Nin….

Từ những gò cao, bãi hoang, hồ đầm, nơi tắm cho voi thành vườn hoa với tượng đài Lê Nin và đài trận vong tuênh huênh, buồn tẻ. Nhạc viện thành Đại sứ quán bỏ hoang (17-19 Điện Biên Phủ). Nhà in thành Cửa hàng bách hóa rồi Trung tâm thương mại số 5 Cửa nam. Không còn ao, hồ, đầm, Hàng Lờ bán những công cụ phương tiện đánh bắt cá cũng biến mất. Không còn vua, quan, Đãi Lậu viện ( nơi đón quan lại vào chầu), Hàng Lọng ( bán cờ quạt võng lọng ở đoạn Cửa Nam- Nam Ngư) hay Quảng Văn đình- nơi yết thị các bố cáo của triều đình, nơi đánh trống kêu oan của dân đen cũng mất dạng. Chùa Tiên Tích chẳng còn hấp dẫn, quyến rũ vua Lê đi theo người đẹp. Đại lộ mang tên Trung tá Carreau đổi thành đường Lý Thường Kiệt. Đại lộ mang tên Thủ tướng Pháp Gambetta đổi thành đường Trần Hưng Đạo. Trường ĐH Mỹ thuật Đông Dương bị xoay mặt về đường Yết Kiêu. Nhà Đấu xảo tinh tế, hoành tráng, trị giá 3 triệu Fr, bằng nửa chi phí xây cầu Paul Doumer bị bom Mỹ san phẳng để rồi mọc lên Cung hữu nghị theo phong cách Xô viết nặng nề, thô tháp. Đường Trần Quốc Toản bị cắt cụt phần cuối, ngăn hướng kết nối với vườn quýt Mandarine nay là đường Giải Phóng. Con đường mang tên Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải cắt chéo từ cuối đường Trần Nhân Tông qua mép hồ Bảy Mẫu tới đường Blanc (Julien) nay là Nguyễn Đình Chiểu cũng bị xóa bỏ. Bản thân con đường trước mặt ga Hàng Cỏ cũng liên tục xoay đổi tên gọi từ Hàng Lọng, Hàng Cỏ, Mandarine, de Lattre de Tassgny, Nam bộ sang Lê Duẩn đến Giải Phóng…

Từ chỗ gắn bó có phần tự phát, lỏng lẻo với Hoàng thành, cửa Đại Hưng ( thời Lý), Cửa Nam, thành nội, Cột cờ, Quảng Văn đình… không gian văn hóa Hàng Cỏ trở thành yếu huyệt trong các kế hoạch xâm chiếm, bình định Đông Dương của ông vua đường sắt Paul Doumer.

c 7
Bên con đường Thiên Lý mùa lụt 1996

Nhưng điều cay đắng nhất lại chính là tầm nhìn vỹ đại nhằm tạo cục diện mới cho Đông Dương và vùng đất nội địa phía Tây Nam Trung Quốc của Paul Doumer vẫn còn phải tiếp tục thấp thỏm chờ đợi, hy vọng, kỳ vọng vào “Một vành đai, một con đường” của một cường quốc Trung Hoa mới, để có cơ hội thực sự thông tuyến, mở khẩu cho Vân Nam ra với Con đường tơ lụa trên biển.

Điều đáng suy ngẫm hơn nhất của người Hà Nội, người Việt là gì? Sau 115 năm, từ Hàng Cỏ, một điểm khởi phát của con đường Thiên lý, hành phương Nam hôm nay vẫn còn nguyên đó bao nhiêu nhọc nhằn, trắc trở?

Bài , ảnh, tư liệu: Xuân Bình
(Còn nữa)

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more