Trong khuôn khổ của chương trình Architecture Leader’s Perspectives, kienviet.net thực hiện phỏng vấn 19 Kiến trúc sư Những góc nhìn , quan điểm thiết kế của Kiến trúc sư cũng như văn phòng của họ sẽ được thể hiện trong cuốn sách ALP.
Dưới đây là nội dung trao đổi giữa Kiến Việt và KTS Nguyễn Văn Tất từ Công ty kiến trúc TAD – Ông sẽ là một trong những diễn giả chính ở sự kiện ALP 2017 tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 15.09.2017
Chủ đề của Hội thảo Architecture Leader Perspective 2017 là “Kiến trúc – Triết lý – Con người – Thiên nhiên”. Ông có suy nghĩ gì về chủ đề này trong bối cảnh kiến trúc Việt Nam cũng như thế giới đang có nhiều biến đổi theo xu hướng xanh và bền vững?
Cũng như mọi thời đại, mọi thời điểm, luôn tồn tại một số xu hướng kiến trúc “nóng” (xu hướng Xanh – Bền vững như hiện nay là một dẫn chứng). Nhưng dù là xu hướng nào, giá trị cốt lõi của phạm trù Con người – Thiên nhiên trong triết lý kiến trúc không bao giờ mất đi vị trí chủ đạo.
Ông đánh giá như thế nào về nền kiến trúc Việt Nam trong suốt ba thập kỷ qua với những biến đổi theo cả hai hướng cơ hội và thách thức?
Ở tầm vóc văn hóa của một nền kiến trúc, thì không có nền kiến trúc nào thấp kém hay dừng lại. Hơn ba thập kỷ qua, Kiến trúc Việt Nam đang vất vả tìm đường đi trong sự chậm chạp và nhiều nguy cơ đe dọa. Nhưng trong hiểm nguy bao giờ cũng hàm chứa cơ hội. Tất cả sẽ phải cùng cố gắng nhiều hơn mà thôi.
Ở những thành phố lớn, các khu đô thị mới không ngừng mở rộng và phát triển quy mô xây dựng. Quá trình đó đồng thời phá vỡ tính liên kết trong quy hoạch tổng thể đô thị. Từ góc độ quy hoạch, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Phát triển đô thị nhanh và rộng khắp là một thực tế tích cực trong vài thập niên gần đây. Cùng với tốc độ và khối lượng xây dựng rất lớn là sự thiếu cân nhắc đầy đủ và tương thích về giá trị quy luật xã hội (trong đánh giá hiện trạng và quy chế quản lý) cũng như giá trị bền vững của yếu tố nhân văn (nhất là cân bằng bảo tồn và phát triển).
Theo ông, Kiến trúc sư có vai trò gì và họ có thể sử dụng ảnh hưởng nào của mình để tác động tích cực đến xã hội ?
Xét cho cùng, không ai khác hơn, chính giới Kiến trúc sư phải chịu trách nhiệm về hiện tại và tương lai của nền kiến trúc nước nhà. Vấn đề quan trọng là họ có được giao quyền chịu trách nhiệm một cách rõ ràng và hiệu quả bằng luật định hay không mà thôi.
Ông có đánh giá gì về các công trình kiến trúc hiện nay tại Việt Nam?
Như trong một khu rừng, muôn ngàn cây cần lớn lên một cách tươi tốt, mỗi sinh thể Kiến trúc cũng cần một “môi trường sinh thái” cân bằng và lành mạnh để đó phát triển, phát lộ và chia sẻ tốt nhất giá trị đặc thù của mình.
Kiến trúc Việt Nam hiện nay vẫn có những tác giả, tác phẩm thành công, nhưng sức lan tỏa xã hội không lớn, chưa có sức gợi mở và thúc đẩy môi trường đầu tư sáng tác. Những thành công mà họ đạt được đa phần do sự khắc kỷ tự nguyện để làm nghề của Kiến trúc sư, hoặc may mắn hiếm hoi có Nhà đầu tư đồng cảm, đồng thời có điều kiện quyết định độc lập.
Giá trị đích thực của Kiến trúc thuộc phạm trù phi vật thể. Điều kiện kinh tế xã hội hiện tại lại chủ yếu nghiêng và thiên lệch về giá trị vật thể (tiện nghi và hình thức). Sự mất cân bằng các thang bậc, giá trị, chuẩn mực đang tạo ra những môi trường không tốt cho việc nuôi dưỡng tài năng và tác phẩm kiến trúc. Vì vậy, tác phẩm kiến trúc hiện vẫn là mục tiêu xa xỉ so với áp lực hình thành nhanh chóng các công trình xây dựng.
Hiện nay, đang có rất nhiều định nghĩa, quan niệm cũng như cách thẩm định công trình kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, ông có nhận định nào về điều này?
Đánh giá một công trình kiến trúc có thể có nhiều tiêu chí. Nhưng những tiêu chí sẽ không còn ý nghĩa nếu tiêu chí cốt lõi không đạt được. Đó là phần giá trị phi vật thể của kiến trúc, là tính nhân văn sâu sắc và bền vững, là sự hòa quyện của văn hóa, truyền thống, triết lý sống, … Mặt khác, khi đã có mục tiêu ý tưởng nhưng diễn đạt bằng kỹ năng và trải nghiệm nghề nghiệp kém, công trình kiến trúc sẽ dễ rơi vào trường hợp “đại ngôn thô thiển”.
Đồng hành cùng kiến trúc, ông có một niềm đam mê nhiếp ảnh. ?
Nhiếp ảnh là nghệ thuật đánh động lòng người bằng những khoảnh khắc vượt qua cả những giới hạn thị giác. Được thường xuyên đắm mình trong tác phẩm hoặc không gian kiến trúc là một thuận lợi, cơ hội để “lảy” ra những khoảnh khắc thú vị. Tôi thật sự may mắn làm nghề Kiến trúc và niềm vui chụp ảnh không chỉ giúp tôi có những góc nhìn, cách nhìn khác nhau. Nó giúp tôi tiếp cận một tầm nhìn khác, ít nhất là trong kiến trúc./.
Gallery not found.Nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin và kết nối hơn nữa các lãnh đạo công ty kiến trúc –xây dựng – Tập đoàn LIXIL Việt Nam cùng kienviet.net đồng tổ chức chuỗi Hội thảo “Architecture Leader Perspective” tại hai thành phố lớn: Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với chủ đề: “Kiến trúc – Triết lý – Con người – Thiên nhiên”.
Architecture Leader Perspective năm nay tập trung chủ yếu vào mối quan hệ giữa kiến trúc và triết lý trong mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên trước bối cảnh công trình xây dựng không ngừng gia tăng tại các thành phố lớn làm biến đổi cảnh quan, môi trường và không gian sống xung quanh. Hội thảo dự kiến diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 15/09 và Hà Nội vào ngày 22/09.
Tham gia hội thảo có 9 diễn giả trong nước và quốc tế: KTS Alessandra Cianchetta – công ty kiến trúc AWP (Pháp); KTS Chris Bosse – giám đốc công ty LAVA; KTS Sanuki Daisuke – văn phòng kiến trúc SDA (Nhật Bản); KTS Hoàng Thúc Hào – văn phòng kiến trúc 1+1>2; KTS Nguyễn Hoàng Mạnh – công ty MIA Design Studio; KTS Nicolas Moser – công ty kiến Group8Asia (Thụy Sĩ), KTS Pierre Huyard – công ty kiến trúc Huni Artchitectes; KTSNguyễn Văn Tất – công ty tư vấn&thiết kế TAD; KTS Lê Trương – công ty kiến trúc xây dựng TT-AS.
Kiến Việt Team