Trong khuôn khổ của chương trình Architecture Leader’s Perspectives, kienviet.net thực hiện phỏng vấn 19 Kiến trúc sư Những góc nhìn , quan điểm thiết kế của Kiến trúc sư cũng như văn phòng của họ sẽ được thể hiện trong cuốn sách ALP.
Dưới đây là nội dung trao đổi giữa Kiến Việt và KTS Alessandra Cianchetta từ văn phòng AWP (Pháp) – Bà sẽ là một trong những diễn giả chính ở sự kiện ALP 2017 tại Hà Nội vào ngày 22.09.2017
Là kiến trúc sư, giáo sư, đồng thời quản lý công ty thiết kế AWP, bà hẳn rất bận rộn. Bà có bí quyết quản lý thời gian nào để theo đuổi sự nghiệp thiết kế của mình và cân bằng với các giá trị khác của cuộc sống?
Tôi thực sự rất bận rộn. Tôi vừa quản lý các dự án quốc tế, tham gia vào các công việc sáng tạo cùng với nhóm thiết kế, giảng bài và thỉnh giảng theo lời mời của các trường ở Bắc Mỹ. Đó là một cuộc sống với cường độ cao, đòi hỏi nhiều nghị lực. Tôi đoán rằng sự cân bằng có thể được duy trì chừng nào mà một cá nhân còn cảm thấy quan tâm sâu sắc và thực sự say mê với công việc của mình, và khi các sản phẩm của công việc – trong trường hợp này là các dự án – mang nhiều ý nghĩa và được lựa chọn cẩn thận. Lằn ranh giới giữa đời sống cá nhân và hoạt động nghề nghiệp trong thực tế rất mong manh. Bạn hẳn sẽ rất thích thú điều đó. Một lối sống thật lành mạnh cũng rất quan trọng. Tôi đều đặn đi bơi và chèo thuyền. Một đội ngũ cộng sự đáng tin cậy, chủ động và làm việc hăng say không biết mệt cũng là yếu tố then chốt. Và đương nhiên chúng ta phải giao nhiệm vụ cho những người thích hợp. Cách thức quản lý thông minh cũng không kém phần quan trọng. Cá nhân tôi chỉ thích làm việc với những cá nhân chủ động, nhiệt tình và hăng hái.
Bà có thể kể một chút về công ty thiết kế AWP?

Tôi đồng sáng lập Công ty AWP tại Paris năm 2003, sau đó mở văn phòng AWP tại Anh Quốc năm 2011. Hiện nay tôi sống cả ở Paris lẫn London, quản lý các dự án quốc tế từ trụ sở đặt tại London.
Mấy tháng qua tôi làm việc trong một dự án tái phát triển một bến cảng tại một địa điểm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào danh sách di sản, rộng 55 ha. Khu vực này cần được chuyển đổi thành một khu phố sáng tạo tại thành phố Liverpool. Còn trước đó, tôi đã thực hiện một dự án khung và chuyển đổi căn bản diện mạo một không gian công cộng cho khu thương mại trung tâm Paris – La Défense – với quy mô 161 ha. Cùng lúc tôi thiết kế các cấu trúc cỡ nhỏ phục vụ triển lãm tại Viện Bảo tàng Louvre và Đại sứ quán Cộng hòa Italia tại Paris, …
Cách thức công ty tiếp cận thiết kế kiến trúc như thế nào ?
Cách tiếp cận của AWP là sáng tạo một cách mạnh dạn và táo bạo, thể hiện tính liên ngành một cách mạnh mẽ và mang tính quốc tế cao. Chúng tôi thường thiết kế xuyên suốt nhiều cấp độ và kết hợp nhiều thể loại công việc, ở vùng giao thoa giữa kiến trúc, quy hoạch chiến lược, cảnh quan và thiết kế đô thị. Đó là năng lực tư duy tầm chiến lược về kiến trúc ở nhiều mức độ khác nhau và là chìa khóa của chúng tôi.
Chúng tôi làm việc một cách chặt chẽ với các đơn vị tư vấn hàng đầu khắp thế giới để hiện thực hóa các ý tưởng thiết kế kiến trúc và dự án quy hoạch bền vững mang tính chính thể. Các quy trình sáng tạo rất rộng mở và cảm hứng thường đến từ các chuyên ngành khác, chẳng hạn như nghệ thuật, khoa học, thời trang, điện ảnh, kinh tế học, …
Các giá trị cốt lõi của công ty là gì ?
Đó là năng lực giải quyết các vấn đề trong thiết kế trên nhiều cấp độ và kết hợp các yếu tố tư duy chiến lược trong mỗi quy trình, vượt tầm tư duy “gạch vữa” thông thường. Thử suy nghĩ xem địa điểm đó sẽ phát triển ra sao, với tư cách là kiến trúc sư thì chúng ta có thể đóng góp như thế nào và thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế cũng như xã hội trên quan điểm nhìn về tương lai. Chúng ta có thể tận dụng những gì từ các công trình có sẵn và đô thị hiện hữu, tái sử dụng và thích ứng thêm một lần nữa các di sản được kế thừa và hòa trộn những di sản này vào trong các bản thiết kế đương đại tốt nhất. Từ góc độ đô thị làm cách nào để có thể thiết kế các không gian thông minh và mềm dẻo nhằm phát triển với mục đích cuối cùng là cung cấp một môi trường sống tốt hơn cho cư dân tại đó.


Trong bối cảnh hiện tại, với cuộc cách mạng công nghệ, trí thông minh nhân tạo, sự xuất hiện của người máy, những tác động tiêu cực từ vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và các vấn đề xã hội, Bà suy nghĩ gì về tương lai của kiến trúc?
Vâng, trong thế giới Phương Tây, bạn có thể thấy rõ một số xu hướng trong dòng chảy của kiến trúc. Một mặt, tại Bắc Mỹ và nhất là trong giới hàn lâm, sự phát triển của kiến trúc (và hệ quả là nhiệm vụ thiết kế trong các trường đại học) đang ngày một thiên về giải quyết các vấn đề khẩn cấp do biến đổi khí hậu gây ra như nước biển dâng, ngập lụt, bão lốc, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, khan hiếm nước, xây dựng trong các khu vực có môi trường khắc nghiệt, sự di cư trên quy mô chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu tiếp diễn song song.
“Mềm dẻo” là từ khóa tiếp tục xuất hiện đầy ám ảnh trong hầu hết các trường hợp. Tuy vậy, có một xu thế với khả năng áp dụng rộng rãi và phong phú là xử lý các vấn đề khu ở tồi tàn và các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai – thảm họa. Đó là một thái độ có vẻ áp đặt tới các quốc gia đang phát triển mà nhiều lần tôi nhận thấy quá nông cạn và chỉ là lớp sơn hào nhoáng rẻ tiền bề ngoài. Và xin cho tôi được phát biểu thẳng thắn, nó gây khó chịu, như thể không có khoảng trung gian giữa khái niệm đã quá lỗi thời “kiến trúc biểu tượng” với các dự án phù phiếm tốn kém nhiều triệu đô-la và sự can thiệp giúp làm giảm nhẹ tác động của thảm họa – tốt hơn cả là ở xa nơi cư trú.
Các tuyên bố mặt khác lại mang tính pháp nhân của một tập thể và không quan tâm nhiều đến các vấn đề nói trên.
Ở Châu Âu, trên một bình diện khác, giới hàn lâm và giới thực hành liên kết với nhau chặt chẽ hơn (hơn ở Hoa Kỳ) và đại đa số các dự án thực tế (ngoại trừ một vài trường hợp hầu hết xuất phát từ Anh Quốc) có vẻ ít mang tính công ty hay nghiệp đoàn hơn và quy mô từ vừa đến nhỏ. Vì thế, vẫn còn tồn tại sự quan tâm đến các nguyên tắc nền tảng của kiến trúc, chất lượng của một bản thiết kế tốt, áp dụng thiết kế tốt đó (điều này tương đương với thiết kế thời trang hoặc sản phẩm cao cấp, đắt tiền và thực sự không hiệu quả về mặt kinh tế xét theo một khía cạnh nào đó). Điều này đối ngược với xu thế đơn thuần thương mại và mang tính liên kết (hẳn nhiên là rất tốt dù rằng điểm hạn chế là khâu thiết kế kiến trúc chưa được chú ý phát triển nhiều, hay ít nhất là chưa bằng về mặt tốc độ như các ngành và lĩnh vực khác).
Vấn đề cơ bản là bước tiến của kiến trúc, quy hoạch và xây dựng hãy còn chậm hơn so với các lĩnh vực then chốt khác: tài chính, đổi mới công nghệ… Và như bạn đã đề cập, sự tiến bộ nhanh đến chóng mặt của trí thông minh nhân tạo (AI), và trong kiến trúc tồn tại các vấn đề kỹ thuật có bước phát triển chậm hơn tác động của biến đổi khí hậu. Lĩnh vực này cần có sự chuyển đổi sâu sắc và mang tính chính thể, khởi đầu từ ngành giáo dục, nếu như vẫn duy trì mong muốn phù hợp với sự phát triển trong tương lai. Sự hợp tác chặt chẽ hơn và chuẩn mực giữa các chuyên ngành là một trong những yêu cầu, là cách tiếp cận phiên bản 2 của phương pháp Leibniz.
Bà có suy nghĩ gì về môi tường nhân tạo và môi trường tự nhiên trong kiến trúc?
Tôi tin rằng có rất ít thứ còn sót lại từ “môi trường tự nhiên” . Không như chúng ta vẫn thường hình dung một cách lãng mạn về điều ấy, hầu hết thế giới đã bị thay đổi về cơ bản bởi hoạt động của con người, bằng cách này hoặc cách khác.
Tại Châu Âu, Thụy Sỹ là một ví dụ rất phù hợp về nghĩa tích cực của vấn đề: Thiên nhiên trông có vẻ tự nhiên, song mỗi tấc đất của vùng lãnh thổ bao gồm cả các khu băng tuyết bao phủ được con người can thiệp ở mức độ cao nhưng lại rất tinh vi. Các kỹ sư tài năng đã tạo lập khung cảnh một cách khéo léo, gần như là vô hình. Thế giới nghệ thuật đương đại đã gia tăng sự tìm kiếm khái niệm Anthropocene (tạm dịch là Kỷ Nhân Sinh, tức là thời gian mà con người xuất hiện và để lại những tác động lớn đến thiên nhiên cùng với cảnh quan).
Đây không hoàn toàn là một thời kỳ địa chất chính thức, được đặc trưng bởi tác động to lớn với cường độ mạnh của con người cả về mặt hệ sinh thái lẫn tầng bậc địa chất. Tất cả mọi thứ được thiết kế,chỉnh sửa một cách tự nguyện hoặc miễn cưỡng, như là tác dụng thứ cấp của hoạt động của con người. Mặt khác, mỗi người có thể lập luận cho rằng về đại thể tất cả mọi vật đều quy được về cảnh quan, và tất cả các yếu tố như kiến trúc, không gian công cộng, các đô thị, khoảng trống và khoảng được xây kín cùng tạo thành cảnh vật và cảnh quan …
Bà có thể kể về các dự án đang thực hiện?
Các dự án đang thực hiện bao gồm quy hoạch tổng thể chiến lược cho các không gian công cộng tại khu La Défense ở Paris có diện tích 161 ha, dự án này phục hồi 100.000 m2 không gian không được khai thác cho cộng đồng sử dụng, thiết kế một không gian công cộng rộng 70,000 m2 bên dưới Cổng Vòm Lớn (La Grande Arche) – hiện vẫn đang thi công – với tham vọng kết nối các khu vực thiếu thốn và biệt lập của ngoại ô Paris tới khu kinh doanh trung tâm và từ đây sẽ đến trung tâm thành phố. Một công trình tổ hợp văn phòng, nhà ở và khu hỗn hợp chức năng cũng đang được triển khai với diện tích sử dụng lên tới 85.000 m2 tại Crissier (thành phố Lausanne) trên nền một khu công nghiệp bị bỏ hoang. Khu vực này sẽ chuyển đổi cảnh quan đô thị và quy hoạch tổng thể quận dành cho các tác phẩm và hoạt động nghệ thuật tại bến cảng Stanley ở thành phố Liverpool được UNESCO công nhận là di sản. Tôi cũng tư vấn cho văn phòng Strelka KB ở Moscow về vấn đề các khu ở hỗ hợp chức năng trong 20 đô thị tại Liên bang Nga và đang làm cố vấn cho tập đoàn ETHZ tại Singapore trong một dự án quy mô lớn.
Cũng phải kể đến chuỗi công trình công cộng và công trình mang tính trang trí trong một công viên dọc bờ sông Seine được đề cử cho giải thưởng kiến trúc mang tên Mies Van der Rohe năm 2016, mái che cho không gian công cộng kiểu đèn lồng ở Sandes, Na Uy được đề cử cho giải thưởng kiến trúc Mies Van der Rohe năm 2009, nhà máy nước Evry và công viên lọc nước cho giải thưởng kiến trúc Mies Van der Rohe năm 2015.
Bà đã từng thiết kế dự án nào tại Châu Á?
Đến giờ phút này tôi chưa có cơ hội và tôi rất muốn được xây dựng công trình tại Châu Á. Hiện nay tôi đang hợp tác với Xưởng Thiết kế Thực nghiệm Đô thị Tương lai ETHZ tại Singapore với tư cách là cố vấn cho các dự án lớn về phát triển bền vững tại Châu Á và những nơi khác, và cũng tư vấn cho họ trong một dự án tái chuyển đổi bến cảng quy mô lớn tại Singapore. Tôi đang có một số kế hoạch khởi động các dự án đô thị quy mô lớn liên kết với các kiến trúc sư địa phương. Vài năm trước, Công ty AWP tham dự một cuộc thi thiết kế quy mô lớn và rất uy tín tại Bắc Kinh, phối hợp với các sân bay vùng thủ đô Paris. Trên một bình diện mang tính cá nhân nhiều hơn, tôi thường xuyên đi công tác dài ngày tới Châu Á (Myanmar, Cam-pu-chia, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Sri Lanka và một số nước khác). Thời còn là sinh viên, tôi có tham gia một khóa học kéo dài một năm nghiên cứu Phương Đông tại trường EHESS ở Paris, tập trung vào các vấn đề lý thuyết cảnh quan và địa lý, và khóa học đó thực sự rất quan trọng đối với tôi trong việc học tập.
Theo bà, sự khác biệt về môi trường và văn hóa Châu Á có ảnh hưởng như thế nào?
Tôi tin rằng sự khác biệt nổi bật nhất của Châu Á là một thể chế kinh tế đang mở rộng và phát triển nhanh, còn Châu Âu thì đang trên đà giảm sút, với các đô thị và cụm đô thị nhỏ hơn. Tuy vậy, có thể học được nhiều điều từ Châu Âu, cả những điều không nên làm và quan trọng hơn là các ví dụ thực tiễn tốt nhất.
Bà suy nghĩ gì về chủ đề của chương trình ALP năm 2017 “Kiến trúc – Triết lý – Con người – Thiên nhiên”?
Vâng, điều này khiến tôi nghĩ tới ý tưởng Thiên nhiên Thứ hai. Đó là một mô hình được dàn xếp bởi các phân tích về mặt tâm lý và có mối liên kết với Khoa Triết học tại Frankfurt. Mô hình này ngày càng hiện thực trong sự phát triển kiến trúc và cảnh quan. Ý tưởng về thiên nhiên trông như thể thiên nhiên đó không thật sự tồn tại, một ý tưởng mang tính xây dựng được trí thức hóa đến mức cao độ, và điều này có thể dẫn ngược về các thiết kế sân vườn theo kiểu truyền thống và truyền thống của thiết kế sân vườn kiểu Anh Quốc trong thế kỷ 18 với điểm nhìn tuyệt đẹp trông ra khu vườn của Hoàng hậu Marie Antoinette, lâu đài Trianon trong Cung điện Versailles, các trang trại mô phỏng, và thậm chí còn cả các yếu tố khác. Đó là nơi mọi thứ có vẻ tự nhiên và tự phát, nhưng không phải như vậy. Mọi thứ được sắp xếp theo một trật tự văn hóa với cấp độ cao.
Nghệ thuật cảnh quan của Anh Quốc có một mối liên hệ rất mạnh mẽ đối với tôi, với các nhà thiết kế như Capability Brown trong số những người khác. Tôi cho rằng mọi điều mà chúng ta trông thấy, Kiến trúc đồng thời là Thiên nhiên Thứ hai. Nếu tôi đem Kiến trúc vào Cảnh quan, tôi sẽ suy nghĩ đến các vấn đề này, bằng sự kết hợp các yếu tố được thu xếp bằng văn hóa, bằng sự tham khảo, và điều này sẽ không phải là môi trường như thực chất.
Các vấn đề về phân tâm học, nhận thức luận và các yếu tố khác cũng có liên quan. Tôi xem xét mọi thứ như là Cảnh quan, là nơi để nhiều sự vật – hiện tượng diễn ra theo một cách thức tạm thời, sự tạm thời của các yếu tố thường xuyên thay đổi, yếu tố tạo nên sự vận động tiến triển và các yếu tố thường xuyên thay đổi này mạnh mẽ hơn (trong lĩnh vực Cảnh quan) hơn là trong tự bản thân Kiến trúc./.
Nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin và kết nối hơn nữa các lãnh đạo công ty kiến trúc –xây dựng – Tập đoàn LIXIL Việt Nam cùng kienviet.net đồng tổ chức chuỗi Hội thảo “Architecture Leader Perspective” tại hai thành phố lớn: Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với chủ đề: “Kiến trúc – Triết lý – Con người – Thiên nhiên”.
Architecture Leader Perspective năm nay tập trung chủ yếu vào mối quan hệ giữa kiến trúc và triết lý trong mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên trước bối cảnh công trình xây dựng không ngừng gia tăng tại các thành phố lớn làm biến đổi cảnh quan, môi trường và không gian sống xung quanh. Hội thảo dự kiến diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 15/09 và Hà Nội vào ngày 22/09.
Tham gia hội thảo có 9 diễn giả trong nước và quốc tế: KTS Alessandra Cianchetta – công ty kiến trúc AWP (Pháp); KTS Chris Bosse – giám đốc công ty LAVA; KTS Sanuki Daisuke – văn phòng kiến trúc SDA (Nhật Bản); KTS Hoàng Thúc Hào – văn phòng kiến trúc 1+1>2; KTS Nguyễn Hoàng Mạnh – công ty MIA Design Studio; KTS Nicolas Moser – công ty kiến Group8Asia (Thụy Sĩ), KTS Pierre Huyard – công ty kiến trúc Huni Artchitectes; KTSNguyễn Văn Tất – công ty tư vấn&thiết kế TAD; KTS Lê Trương – công ty kiến trúc xây dựng TT-AS.
Kiến Việt Team