Trong khuôn khổ của chương trình Architecture Leader’s Perspectives, kienviet.net thực hiện phỏng vấn 19 Kiến trúc sư Những góc nhìn , quan điểm thiết kế của Kiến trúc sư cũng như văn phòng của họsẽ được thể hiện trong cuốn sách ALP.
Dưới đây là nội dung trao đổi giữa Kiến Việt và KTS Nguyễn Đức Mạnh Tường từ văn phòng e-ND Architects
1. Cơ duyên nào đã đưa anh đến với Kiến trúc?
Tôi đã có hai lựa chọn ở đại học và sau cùng đã quyết định học Kiến trúc theo lời khuyên của Ba tôi.
2. Anh cảm nhận thế nào về sự khác biệt giữa Văn hóa Kiến trúc và Thị hiếu Kiến trúc?
Tôi tạm hiểu “Văn hóa Kiến trúc” là sự ứng xử dựa trên sự thấu hiểu những ảnh hưởng mà kiến trúc mang lại. “Thị hiếu Kiến trúc” có thể là những phản ứng, biểu hiện bên ngoài đối với các hiện tượng kiến trúc. Như vậy, với “Văn hóa Kiến trúc” chúng ta có nhiều cơ hội để tiếp nhận và thụ hưởng kiến trúc ở chiều sâu của khái niệm ấy.
3. Cuốn sách Kiến trúc nào mang tới anh nhiều cảm hứng nhất?
Đó là cuốn sách “S, M, L, XL” của OMA và Rem Koolhass. Mỗi một trang sách chứa đựng một hàm lượng lớn thông tin và tri thức ở chiều sâu về các mối tương tác trong hoạt động của con người với môi trường mà họ tạo ra – kiến trúc và thành phố. Lý thú nhất là cuốn sách mô tả kiến trúc, các cách thức tiếp cận cũng như thực hành kiến trúc ở phạm vi mà trước đó chưa từng có.
4. Điều gì khiến anh quan tâm tới Rem Koolhass và các thiết kế của OMA?
Sự quan tâm của tôi tới các thiết kế của OMA (Rem Koolhass) đến giờ vẫn vậy. Các thiết kế đó đem lại cho tôi nhiều cảm hứng trong việc nhận thức sự liên hệ của kiến trúc đối với các quá trình văn hóa và xã hội.
Những gì Rem Koolhass trình bày và tạo ra thực sự rất khác biệt với lịch sử kiến trúc trước đó. Đó không còn là một kiểu nghệ thuật với những triết lý “thần bí” và quyến rũ. Rem Koolhass (OMA) đã viết hai tiểu luận quan trọng để mô tả tư duy thiết kế đó: “Bigness” nói về kiến trúc và “Generic City” đề cập đến quy hoạch đô thị. Trong đó Rem Koolhass xem kiến trúc hoạt động như một thành phố thay vì chỉ là một yếu tố cấu thành. Điều cốt lõi trong kiến trúc của Rem Koolhass là ở tính chương trình (programmatic) được trích xuất từ nhận thức sự tương tác giữa con người và các thành phố. “The city – the way it is – is all we have”, thành phố – như cách nó tồn tại, là tất cả những gì Rem Koolhass muốn mang vào trong kiến trúc. Từ cực nhỏ cho đến siêu lớn, từ một giảng đường, một nơi cư trú, một chiếc ghế đến tòa siêu tháp hay một quy hoạch tổng thể … tất cả đều được tiếp cận từ tư tưởng này.
Các chương trình (programme) này được xáo trộn một cách chưa từng có và gây ảnh hưởng trực tiếp vào việc quyết định cấu trúc không gian (diagram), cách thức không gian vận hành thông qua các dòng lưu chuyển của con người (circulation). Không dừng lại ở lý thuyết, các ý tưởng và viễn kiến của Rem Koolhass được cụ thể hóa bằng các quá trình tiếp cận, thực hành và trình diễn rất khác biệt. Rem Koolhass gọi đó là Metropolitan Architecture và ông tin rằng đó là những diễn biến sau cùng của kiến trúc, khi tính nhân văn, nhân bản (humanity) còn được xét đến.
5. Phong cách thiết kế của anh là gì, nó có chịu ảnh hưởng từ trường phái hoặc cá nhân nào không?
Với tôi, “phong cách thiết kế” không phải là một yêu sách, cho dù bạn có thể tìm thấy sự quen thuộc trong các hình thể (form) các hệ hình (typology) mà chúng tôi tạo nên.
Tôi tin tưởng vào triết lý “Less is more” của Kiến trúc sư Mies van der Rohe. Về sau tôi tìm thấy sự hồi sinh triết lý đó trong các đồ án của Kiến trúc sư Paulo Mendes Da Rocha. Đó là thứ kiến trúc duy lý đến mức thơ mộng… Có thể tôi vẫn còn tìm thấy sự thuyết phục và cảm hứng trong các biểu hiện của chủ nghĩa hiện đại (Modernism).
6. Theo anh, tại sao “Kiến trúc tốt” nên là một “Kiến trúc biết kể chuyện”?
Tôi đã xem một diễn thuyết của Ole Scheeren và ý nghĩ của ông về “Kiến trúc biết kể chuyện” khá là thú vị. Luận điểm đó có thể sẽ mang lại một sắc thái mới, một cảm hứng mới cho sự tiếp cận kiến trúc. Trong thực tế, kiến trúc nếu được nhận thức như một quá trình thì trong giai đoạn hình thành các chương trình, tự bản thân kiến trúc đã chứa đựng một “kịch bản” hay một “câu chuyện”. Vì vậy, với tôi, “biết kể chuyện” chỉ là một tên gọi mới của một nội dung vốn dĩ phải có của kiến trúc. Vậy thì không phải là “nên” mà là, một “Kiến trúc tốt” chắc chắn phải có một “câu chuyện” nào đó để kể.
7. e-ND Architects đã hình thành như thế nào?
e-ND Architects được lập ra cách đây hơn 3 năm, một văn phòng nhỏ mà mục đích là thực hành kiến trúc như cách mình nhận thức. Chúng tôi không có triết lý gì to lớn ngoài việc cố gắng đối diện với mối quan tâm của mình trong mỗi dự án.
8. Cách thức anh làm việc với các cộng sự của mình có gì đặc biệt không?
Cộng sự của tôi cho đến giờ đều là những người trẻ tuổi. Tôi thấy họ có niềm vui khi làm kiến trúc. Chúng tôi trao đổi một cách thoải mái về kiến trúc, công việc thiết kế và cả những điều còn nghi vấn. Tôi không nói quá nhiều về sự “sáng tạo” và mong muốn các cộng sự trẻ quan tâm nhiều hơn về những nền tảng trong nhận thức và lối tư duy…Tôi tin vào sự “bền vững” mà các mối liên hệ đó mang lại, từ đó sự sáng tạo sẽ đến một cách tự nhiên.
9. Theo anh, điều khó nhất khi lãnh đạo một văn phòng kiến trúc là gì?
Tôi không có kinh nghiệm và bí quyết nào khi lãnh đạo một văn phòng kiến trúc. e-ND Architects chỉ giống như một xưởng làm việc nhỏ với vài ba cộng sự. Có thể nói, sự tồn tại của e-ND Architects phụ thuộc vào niềm vui của chúng tôi đối với các dự án. Kiến trúc, ngay trong khía cạnh duy lý vẫn có tính cách cá nhân. Trong khi đó đời sống thực của một công trình kiến trúc lại tồn tại với đầy đủ các tương tác xã hội. Vậy nên, với tôi, điều khó nhất để lãnh đạo một văn phòng là cùng mọi người thúc đẩy lẫn nhau giữa các khuynh hướng ngược chiều, khác biệt. Điều đó thực sự rất cần thiết.
10. Theo anh, cá tính, quan niệm hoặc triết lý thiết kế có ảnh hưởng thế nào đối với một KTS, một văn phòng Kiến trúc? Nó xuyên suốt và dẫn dắt họ?
Các kiến trúc sư thường nhận được lời khuyên rằng hãy kiên định với một quan niệm, tư tưởng nào đó. Điều đó không có gì quá lớn lao. Nó có thể chỉ là sự theo đuổi và kiên nhẫn với một mối quan tâm nho nhỏ nào đó. Và chừng nào mà bạn chưa cảm thấy nhàm chán với công việc đang làm thì sự “xuyên suốt” sẽ vẫn diễn ra một cách tự nhiên. Trong thực tế, kiến trúc sẽ đi theo nhận thức của người thực hành nó. Nếu bạn có chuyển biến trong tư tưởng, những gì bạn làm ra sẽ thay đổi theo. Điều đó thật dễ hiểu. Sau cùng thì “ kiên định” luôn là một mỹ từ và rất có sức ám ảnh trong nghề nghiệp của kiến trúc sư.
11. Trong một dự án, từ khi bắt đầu thiết kế tới khi chủ đầu tư đưa công trình vào sử dụng, giai đoạn nào là quan trọng nhất? Câu chuyện e-ND Architects muốn hướng tới trong mỗi dự án là gì?
Tôi chắc chắn rằng tất cả các giai đoạn đều quan trọng như nhau cho đến khi bạn thôi quan tâm về dự án. Nếu có một giai đoạn nào đó, không phải “quan trọng nhất” mà là tạo ra nhiều cảm xúc nhất, thì đó là thời điểm chúng tôi bắt đầu cảm nhận sự hình thành của các không gian. Liệu rằng mối quan tâm của chúng tôi có thực tế không, hay chỉ là một sự tưởng tượng?

Như đã nói, e-ND Architects mong muốn thực hành kiến trúc như những gì mình nhận thức. Trong các dự án của mình, chúng tôi quan tâm đến sự tương quan giữa các chiều kích (dimention) của tính cá nhân (private) và tính công cộng (public). Nếu có điều gì đó “xuyên suốt” trong các thiết kế của tôi thì có thể là tình trạng luôn bị thúc ép bởi nhận thức và cảm giác được ranh giới tưởng chừng rất rõ ràng nhưng lại vô hình giữa sự riêng tư và tính công cộng. Tôi cảm giác rằng mỗi “vị trí” của ranh giới đó đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các hành vi và biểu hiện văn hóa của con người trong xã hội.
12. Anh suy nghĩ như thế nào về chủ đề ALP năm nay: Kiến trúc – Triết lý – Con người – Thiên nhiên?
Đây là một “chủ đề” quá rộng. Kiến trúc sư, nhất là chúng ta hiện nay, có lẽ cần sự đào xới theo chiều sâu một vấn đề hơn là cần một mảnh đất quá rộng để tưởng tượng. Sự quan tâm sẽ sâu sắc hơn nếu phạm vi chủ đề được thu hẹp. Tốt hơn hết, có thể chúng ta không nên đặt ra một chủ đề nào cả, tự các quan điểm và hành động sẽ diễn đạt một cách đầy đủ và thuyết phục nhất
Nhằm tạo diễn đàn trao đổi thông tin và kết nối hơn nữa các lãnh đạo công ty kiến trúc –xây dựng – Tập đoàn LIXIL Việt Nam cùng kienviet.net đồng tổ chức chuỗi Hội thảo “Architecture Leader Perspective” tại hai thành phố lớn: Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với chủ đề: “Kiến trúc – Triết lý – Con người – Thiên nhiên”.
Architecture Leader Perspective năm nay tập trung chủ yếu vào mối quan hệ giữa kiến trúc và triết lý trong mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên trước bối cảnh công trình xây dựng không ngừng gia tăng tại các thành phố lớn làm biến đổi cảnh quan, môi trường và không gian sống xung quanh. Hội thảo dự kiến diễn ra tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 15/09 và Hà Nội vào ngày 22/09.
Tham gia hội thảo có 9 diễn giả trong nước và quốc tế: KTS Alessandra Cianchetta – công ty kiến trúc AWP (Pháp); KTS Chris Bosse – giám đốc công ty LAVA; KTS Sanuki Daisuke – văn phòng kiến trúc SDA (Nhật Bản); KTS Hoàng Thúc Hào – văn phòng kiến trúc 1+1>2; KTS Nguyễn Hoàng Mạnh – công ty MIA Design Studio; KTS Nicolas Moser – công ty kiến Group8Asia (Thụy Sĩ), KTS Pierre Huyard – công ty kiến trúc Huni Artchitectes; KTSNguyễn Văn Tất – công ty tư vấn&thiết kế TAD; KTS Lê Trương – công ty kiến trúc xây dựng TT-AS.
Kiến Việt Team