Thông tin đục thông các vòm cầu Phùng Hưng đến ga Đầu Cầu (tên cũ của ga Long Biên) được Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm ngày 20/6, trước kỳ hop thứ tư HĐND thành phố khóa XV.


Theo ông Chung, thời gian tới, UBND thành phố sẽ thực hiện một số dự án để tạo thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân Thủ đô nói riêng, người dân cả nước nói chung. Việc đục thông các vòm cầu nằm trong dự án này.
“Trước đây 131 vòm cầu này rỗng, sau đó để đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực, Thành phố đã cho xây bịt kín. Mới đây, thành phố đã giao UBND quận Hoàn Kiếm mời các chuyên gia nghiên cứu xây dựng dự án. Sau đó sẽ báo cáo, xin ý kiến Thường trực Thành ủy theo hướng sẽ đục thông các vòm”, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết.
Hiện, xung quanh các vòm cầu là nơi sinh hoạt, cất đồ, buôn bán của hàng trăm hộ dân dọc phố Phùng Hưng, chạy qua phố Gầm Cầu đến ga Đầu Cầu. 131 vòm cầu được xây dựng cách đây trên 100 năm, đây là gói thầu phụ do Nha công chính Đông Dương đảm nhận. Các vòm cầu liên tiếp nhau bằng vật liệu xi măng đá hộc (vòm sát với mố cầu Long Biên bên bờ sông Hồng phía Hà Nội là vòm số 131). Xen kẽ với các vòm đá là ba cây cầu vượt qua phố Nguyễn Thiệp, Hàng Lược và Phùng Hưng .
Theo báo cáo của Hà Nội, hiện có 4 vòm cầu đã làm đường đi, 127 vòm cầu còn lại sẽ được cải tạo, tạo thành không gian công cộng, hoạt động theo mô hình phố sách hoặc là địa điểm tổ chức các hoạt động nghệ thuật, hội họa…
Các vòm cầu này là trụ đỡ cho tuyến đường sắt (do hai hãng Daydé và Pillé của người Pháp đảm nhận) nối nhiều tỉnh phía Bắc với ga Long Biên.


Dọc phố Gầm Cầu, người dân tận dụng không gian quanh các vòm cầu để dựng các kiốt buôn bán.





“Việc đục thông các vòm cầu không chỉ tạo thêm không gian sinh hoạt văn hóa cho người dân Thủ đô, kích cầu du lịch, đồng thời giải quyết nhu cầu đi lại và sinh hoạt của nhân dân”, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói.
Gallery not found.Lê Hiếu ( Zing)