Trước khi bắt đầu theo học ngành kiến trúc, cụm từ “lưu tuyến” trong tiếng Anh đơn thuần miêu tả sự lưu thông của máu bên trong cơ thể. Trong kiến trúc, định nghĩa lưu tuyến cũng không khác biệt nhiều lắm. Nó là cách con người – những mạch máu của công trình, di chuyển trong không gian.
Lưu tuyến là gì?
Lưu tuyến là các luồng giao thông mọi người tham gia trong, ngoài công trình hoặc các khu đô thị. Các tuyến đường này thường được coi là ‘không gian giữa các không gian’, có chức năng kết nối, nhưng nó có thể làm được nhiều hơn thế. Lưu thông còn là sự di chuyển xung quanh công trình, theo thời gian và không gian.
Tôi sẽ định nghĩa về lưu tuyến và cách thiết kế nó – sử dụng những quy luật và phá vỡ chúng. Tôi cũng sẽ hướng dẫn bạn cách các kiến trúc sư trình bày lưu tuyến trong công trình của mình bằng cách sử dụng sơ đồ (diagrams), và cách lưu tuyến liên kết với những yêu cầu trong xây dựng.

Các thành phần của lưu tuyến
Mặc dù bất kì không gian nào người dùng có thể tiếp cận hoặc sử dụng đều là một phần trong hệ thống lưu tuyến của tòa nhà, khi nói về lưu tuyến, chúng ta thường không tính toán tất cả những không gian mọi người có thể di chuyển. Thay vào đó, chúng ta thường chỉ tính toán các tuyến đường của đa số người dùng.
Để đơn giản hơn, kiến trúc sư thường phân chia ý tưởng của mình theo các loại hình lưu thông khác nhau. Các luồng giao thông này thường chồng chéo nhau trong quy hoạch tổng thể. Loại hình và phạm vi của các luồng lưu thông này phụ thuộc vào công năng công trình, nhưng có thể bao gồm:
– Phương chuyển động: ngang hoặc đứng;
– Loại hình sử dụng: công cộng hay cá nhân, phía trước hay sau công trình;
– Tần suất sử dụng: thường xuyên hay chỉ trong trường hợp khẩn cấp;
– Thời gian sử dụng: sáng, chiều, tối, liên tục.
Mỗi loại luồng lưu thông sẽ yêu cầu thiết kế khác nhau. Chuyển động có thể nhanh hoặc chậm, cơ khí hay thủ công, cần ánh sáng hay không, đông đúc hay đơn lẻ. Trong tất cả các loại hình lưu tuyến nói trên, hướng và loại hình sử dụng có vai trò quan trọng nhất trong thiết kế công trình.
Hướng
Lưu thông theo chiều ngang bao gồm hành lang, sảnh, lối đi, cửa ra vào. Sự lưu thông này bị ảnh hưởng bởi cách bố trí nội thất và các vật thể khác như cột, cây cối, địa hình. Đây là lí do tại sao kiến trúc sư thường bố trí nội thất như một phần trong concept thiết kế, bởi nó có vai trò quan trọng trong việc định hình không gian và luồng giao thông.
Lưu thông theo chiều đứng là cách con người di chuyển lên và xuống trong công trình, bao gồm cầu thang, thang máy, đường dốc, thang và thang cuốn.

Loại hình sử dụng
Giao thông công cộng là khu vực dễ dàng và được nhiều người tiếp cận nhất trong công trình. Trong trường hợp này, giao thông công cộng thường chồng chéo với những loại hình lưu thông khác như sảnh, tiền sảnh, phòng trưng bày, và được thiết kế với chất lượng kiến trúc cao. Chìa khoá để thiết kế là các vấn đề về tầm nhìn, cách di chuyển của đám đông và lối thoát hiểm.
Giao thông cá nhân đòi hỏi mức độ riêng tư cao hơn. Trong một căn nhà, nó có thể là cửa sau, và trong công trình lớn đây là khu vực phía sau công trình, văn phòng và kho lưu trữ.
Thiết kế lưu tuyến
Có hai quy tắc trong việc thiết kế những luồng giao thông. Trục đường giao thông chính nên:
- Thông thoáng và tránh bị xao nhãng
- Tận dụng quãng đường ngắn nhất giữa hai đối tượng
Nguyên nhân ra đời hai quy tắc trên rất đơn giản: Mọi người muốn được di chuyển xung quanh công trình dễ dàng và tiện lợi, tránh bị lạc đường. Tuy nhiên, một khi bạn nắm chắc được hai quy tắc này, bạn có thể phá vỡ chúng.
Đôi khi trong thiết kế bạn muốn cắt ngang một trục giao thông bằng các đồ nội thất hoặc thay đổi cốt cao độ để phân biệt sự thay đổi của địa điểm, làm chậm tốc độ di chuyển của dòng người hay tạo điểm nhấn. Tương tự, trục giao thông chính không cần thiết phải là quãng đường ngắn nhất giữa hai đối tượng. Thay vào đó, nó liên quan đến việc tính toán chuỗi không gian, ngưỡng cửa và không khí, giúp bạn chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi từ không gian này sang không gian tiếp theo. Sự chuyển tiếp này có thể được biên tập để tạo ra hứng thú cho người sử dụng.
Bằng cách này, lưu tuyến được kết hợp ăn khớp với các bộ phận khác của công trình. Đây cũng là một trong những chìa khoá để thực hiện concept kiến trúc mà tôi sẽ hướng dẫn sau đây.

Hiệu quả và cách bố trí không gian lưu thông
Lưu tuyến đôi khi bị coi như không gian vô ích, tốn kém chi phí xây dựng. Kết quả là, cụm từ “hiệu quả” thường đi kèm với “lưu tuyến”.
Các công trình văn phòng thương mại và căn hộ chung cư thường tìm cách giảm thiểu khối lượng không gian lưu thông, và biến đổi không gian này trở lại thành các căn hộ hoặc văn phòng có thể cho thuê, tăng thêm lợi nhuận. Trong những trường hợp này, các công trình thường là nhà cao tầng, không gian lưu thông theo chiều đứng là phần lõi ở trung tâm toà nhà, với cầu thang và buồng thang máy gắn liền với nhau, và các hành lang ngắn ở mỗi tầng nối từ phần lõi này đến các căn hộ hay văn phòng.
Ở phương pháp trên, khu vực lưu tuyến đều nằm ở trung tâm và thường bị giấu kín. Ngược lại, lưu tuyến có thể được thể hiện trên mặt tiền hoặc trong toà nhà. Ngay cả trong các công trình nhỏ hơn như nhà ở, các khu vực lưu thông như cầu thang đều có thể trở thành điểm nhấn kiến trúc của ngôi nhà.
Một ví dụ nổi tiếng cho kĩ thuật này là trung tâm Pompidou Centre ở Paris, được thiết kế theo phong cách high-tech bởi Richard Rogers và Renzo Piano. Ở đây, bạn có thể thấy các thang cuốn trong mờ với phần đáy màu đỏ uốn khúc quanh mặt tiền toà nhà. Sự chuyển động liên tục của con người khiến công trình trở nên sống động.
Thể hiện lưu tuyến
Lưu tuyến thường được thể hiện bằng các sơ đồ (diagram), với những mũi tên là những “dòng” chuyển động của con người hoặc sự đóng mở của không gian. Bạn có thể dùng những đường màu sắc khác nhau để diễn tả nhiều loại chuyển động. Những ý tưởng này có thể được tìm kiếm trên pinterest hay những trang mạng xã hội khác.
Mặc dù là một phần quan trọng trong thiết kế nhưng không gian lưu thông thường không được thể hiện trực tiếp trong những bản vẽ kiến trúc cuối. Nó chỉ là không gian trắng và khoảng trống giữa những yếu tố cấu trúc khác. Tuy nhiên, một số trường hợp các lối thoát hiểm cần được trình bày trên bản vẽ. Ví dụ như thiết kế một công trình công cộng, lối thoát hiểm cần được xác định rõ ràng để thẩm định độ an toàn.
Lưu tuyến và luật xây dựng
Mặc dù trong các trường đào tạo kiến trúc, đồ án của bạn có thể không đòi hỏi phải tuân thủ các điều luật xây dựng thì những tài liệu này cũng là một điểm khởi đầu tốt cho công việc sau này. Đơn giản như sắp xếp sao cho góc cua cầu thang của bạn trông có vẻ hợp lí, hay để biết được độ rộng của hành lang cho các đối tượng khác nhau sử dụng – hai khía cạnh của đồ án thường được các giảng viên soi xét.
Theo portico.space
Biên dịch: Hà Ngô | kienviet.net