Thông tin dự án:
- Địa điểm quy hoạch: huyện Ninh Hải – tỉnh Ninh Thuận;
- Chủ đầu tư: Ban quản lý các dự án quy hoạch sở xây dựng tỉnh Ninh Thuận;
- Đơn vị lập QH: Tư vấn độc lập và Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia;
- Năm thiết kế: 2014;
- Năm phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng: 2015;
- Diện tích khu đất: 1.684,65ha.
Đánh giá sơ bộ hiện trạng
Đây là vùng động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và vùng phụ cận cũng như của toàn tỉnh Ninh Thuận. Với sản phẩm chính được dự kiến là những hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với không gian mặt nước Đầm Nại và cộng đồng dân cư hiện hữu, cũng như các khu vực đô thị và dịch vụ phát triển mới, hứa hẹn mang những giá trị bản sắc riêng.



Quan điểm tương đối thống nhất là hệ sinh thái Đầm Nại rất có liên quan đến rừng ngập mặn, và muốn khôi phục hệ sinh thái thì việc đầu tiên phải nghĩ đến là khôi phục rừng ngập mặn. Câu hỏi đặt ra là cần bao nhiêu diện tích rừng ngập mặn và ở đâu?
Muốn phục hồi và bảo tồn sinh thái khu hồ, cần quan tâm rộng hơn ra toàn bộ lưu vực các kênh nước, ít nhất là dọc theo các kênh nước đó. Nếu nguồn nước từ trên bị ô nhiễm do phá rừng và hóa chất thì sinh thái trong hồ không thể cứu vãn, kể cả có rừng ngập mặn hay không. Đồ án này chỉ có thể tập trung vào các giải pháp trong phạm vi nghiên cứu.
Giải pháp & định hướng nghiên cứu Quy hoạch
- Phục hồi khu sinh thái ngập mặn chính ở các khu vực đã và đang trồng rừng ngập mặn theo dự án và khu vực theo quy hoạch của Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn. Các khu vực rừng ngập mặn này cần được kết nối, trao đổi nước trực tiếp với Đầm Nại.
- Khu vực nuôi trồng thủy sản được duy trì và cải tạo nâng cao hiệu quả. Trong đó, khu vực giáp đường ven đầm đến khoảng cách 500m so với đường ven đầm, thực hiện nuôi trồng bánthâm canh đan xen trong rừng ngập mặn, góp phần đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái; Tại các khu vực còn lại , có thể nuôi tập trung. Trong khu vực nuôi trồng thủy sản bán thâm canh, cần tổ chức các lõi sinh thái là rừng ngập mặn, chạy dọc theo các trục nước.
- Khu vực ruộng muối giữ nguyên vị trí hiện nay.
- Khu đô thị vườn, kết hợp ở với trồng cây ăn quả, rau sạch, liên kết với vùng nông nghiệp ở phía Tây Nam đầm, bao gồm, khu vực nhà vườn sản xuất và đô thị vườn.
- Bốn khu đô thị khác với mật độ cao hơn, được bố trí ở những khu vực đã có dân cư hiện trạng khá tập trung. Trong đó, các khu đô thị nhỏ phía Tây Nam, Đông Nam và Tây Bắc chủ yếu là nâng cấp cải tạọ từ các khu dân cư hiện trạng và mở rộng chút ít để hoàn thiện không gian và các chức năng dịch vụ đô thị. Khu đô thị nằm phía Đông Nam QL1A ra đến ven Đầm Nại là trọng tâm và là vùng phát triển lớn nhất. Trong khu đô thị này, lấy những giá trị cảnh quan sinh thái ngập mặn và cảnh quan mặt nước đầm làm giá trị đặc trưng.





Đồ án Quy hoạch phân khu Khu vực ven Đầm Nại đã nghiên cứu, phân tích các yếu tố vị trí địa lý, sinh thái và hiện trạng phát triển trong khu vực, làm cơ sở đề xuất các giải pháp quy hoạch phù hợp, phát triển Khu vực Đầm Nại trở thành một khu vực phát triển đa dạng, cung cấp thực phẩm và không gian du lịch mang bản sắc riêng của các khu đô thị ven mặt nước, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các định hướng phát triển tổng thể của cả thành phố.