Một bài nói chuyện chắc chắn bạn nên xem từ đầu đến cuối, tôi tin rằng bạn sẽ thích cách diễn giả chơi với những khái niệm liên quan giữa “không gian – cơ thể”, cách tác giả hữu hình không gian và thời gian, đem con người tới gần những khái niệm vốn được coi là khó nắm bắt, định nghĩa…dần dần cách tiếp cận này dẫn tới những gợi ý về cách tạo ra những không gian công cộng, và xa hơn nữa, dẫn tới những khái niệm: dân chủ, nghị viện, quốc hội, tập thể và cá nhân…nghệ thuật 1 cách nào đó làm con người nhận thức được vị trí của mình trong thế giới , và từ đó phải có trách nhiệm hơn với sự tham gia ( tồn tại ) của mình.
Phụ đề tiếng Việt:
Tôi có một studio ở Berlin — hãy để tôi chú thích ở đây — mới tuần trước,studio đó nằm ở dưới này, trong lớp tuyết. Trong studio chúng tôi tiến hành rất nhiều thử nghiệm. Tôi coi nó giống một phòng thí nghiệm hơn. Có nhiều dịp tôi được tiếp xúc với các nhà khoa học. Và tôi quản lý một học viện, là một phần của trường Đại học Mỹ Thuật tại Berlin. Hằng năm chúng tôi tổ chức một cuộc họp mặt thường niên có tên Cuộc Sống trong Không Gian. Cuộc Sống trong Không Gian không nhất thiết là phải về phương thức tạo ra các tác phẩm mà là tại sao chúng tôi sáng tạo ra chúng.
0:43
Các bạn không phiền khi cùng tôi nhìn lên hình chữ thập nhỏ ở giữa đó chứ? Các bạn hãy tiếp tục nhìn đi. Đừng để ý đến tôi nhé. Các bạn sẽ thấy một vòng tròn vàng. Và chúng tôi sẽ tiến hành một thử nghiệm hậu hình ảnh (hình ảnh không gian 3 chiều đơn giản gồm nhiều lớp chồng lên nhau). Khi vòng tròn biến mất bạn sẽ có một màu nữa, màu phụ tố. Khi tôi nói điều gì đó thì mắt và não của bạn sẽ phản hồi lại. Toàn bộ ý tưởng về sự chia sẻ, về xây dựng thực tại bằng cách chồng ghép điều tôi nói và điều bạn nói — hãy nghĩ đến nó như một bộ phim.
1:11
Hai năm vừa qua, với số lương nhận được từ Bộ Khoa học ở Berlin, tôi đã hợp tác với các đồng nghiệp sản xuất các bộ phim. Theo tôi, bộ phim không cần thiết phải thật hay. Hiển nhiên bộ phim này không hay chút nào do hình thức kể chuyện. Tuy nhiên, giá trị tiềm ẩn của nó là — các bạn hãy tiếp tục nhìn vào đây — giá trị tiềm ẩn là việc di chuyển ranh giới giữa tác giả và người tiếp nhận. Ai là người tiêu dùng và ai phải chịu trách nhiệm cho nội dung mọi người xem? Tôi nghĩ có một chiều xã hội hóa di chuyển ranh giới đó. Ai là người quyết định hiện thực là gì?
1:50
Đây là bảo tàng nghệ thuật quốc gia Tate Modern ở Luân Đôn. Cuộc triển lãm nói về điều đó. Nó bao gồm một không gian nơi tôi đặt vào đó một đĩa bán nguyệt màu vàng. Tiếp đó, tôi đặt một tấm gương trên trần nhà và một ít sương khói giả. Ý tưởng của tôi là hữu hình hóa không gian đó. Với một không gian lớn như thế thì khó khăn là sự thiếu nhất quán giữa cái mà cơ thể bạn có thể ôm trọn và toàn bộ không gian. Và tôi hy vọng bằng cách thêm vào đó các yếu tố tự nhiên như một chút sương mù thì tôi có thể hữu hình hóa không gian.
2:21
Và đã xảy ra một chuyện thú vị, khi mọi người bắt đầu thấy mình trong không gian đó. Các bạn hãy nhìn vào đây, vào cô gái này. Dĩ nhiên họ phải nhìn qua một chiếc camera trong bảo tàng. Đúng không nhỉ? Đó là cách làm việc của các bảo tàng ngày nay. Nhưng hãy nhìn vào khuôn mặt cô ấy, khi cô ấy đang kiểm nghiệm, soi mình trong tấm gương. “Ô! Chân mình kìa!” Cô ấy không chắc liệu đó có phải mình không nữa. Và [câu hỏi là]: Chúng ta định hình mối quan hệ giữa cơ thể và không gian ra sao? Chúng ta định hình nó bằng cách nào? Làm sao chúng ta biết khi ở trong một không gian sẽ tạo ra sự khác biệt?
2:53
Các bạn có để ý khi lúc đầu tôi nói, tôi tập trung vào “tại sao” chứ không phải “làm thế nào”? Câu hỏi tại sao có nghĩa là, ” Khi tôi tiến thêm một bước thì các hệ quả tiếp theo là gì?” “Nó có ảnh hưởng gì?” “Việc tôi đang tồn tại trên thế giới này hay không có ảnh hưởng gì không? “Và liệu có ảnh hưởng gì không nếu hành động tôi làm có hoặc thiếu ý thức trách nhiệm?” Có phải nghệ thuật là thế? Tôi xin trả lời là có. Rõ ràng nghệ thuật không chỉ có chức năng tô điểm thế giới và khiến nó trông tốt đẹp hơn. Thậm chí còn tệ hơn thế.
3:23
Nghê thuật còn phải chịu trách nhiệm, như khi tôi thả màu nhuộm xanh xuống dòng sông ở L.A, Stockholm, Na Uy và Tokyo, và các nơi khác nữa. Màu nhuộm xanh không gây nguy hại cho môi trường, nhưng nước mà nhuộm màu đó trông thật ghê. Mặt khác tôi thấy trông nó cũng khá đẹp đấy chứ. Nó cho thấy sự hỗn loạn ở các khu vực trung tâm thành phố, ở các nơi khác nhau trên thế giới.
3:49
“Dòng sông xanh,” một ý tưởng hoạt động, không phải một phần của cuộc triển lãm, mà mục đích của nó là cho mọi người thấy, trong thành phố này, khi họ đi lại thì không gian đó có các chiều. Một không gian chứa đựng thời gian. Và dòng nước chảy qua thành phố với thời gian. Nước có khả năng chảy qua thành phố và biến thành phố thành vật hữu hình. Có thể thương lượng nghĩa là khi bạn làm hoặc không làm việc gì đó, sẽ có kết quả khác nhau. Sẽ khác nếu bạn nói, “Tôi là một phần của thành phố này. Và nếu tôi bỏ phiếu bầu, sẽ là một chuyện. Nếu ra ứng cử, thì chuyện sẽ khác.”
4:21
Toàn bộ ý tưởng về thành phố không chỉ là một bức tranh, theo tôi là thứ mà nghệ thuật luôn vận dụng được. Ý tưởng nghệ thuật có thể đánh giá mối quan hệ giữa ý nghĩa khi ở trong một bức tranh và khi ở trong một không gian. Điểm khác biệt là gì? Đó là sự khác nhau giữa nghĩ và làm. Đây là các thí nghiệm khác nhau để làm sáng tỏ điều đó. Tôi sẽ không nói chi tiết về chúng. Iceland, góc bên phải thấp hơn, vùng đất tôi yêu mến.
4:49
Các thí nghiệm này chuyển thành các mô hình kiến trúc. Đó là các thí nghiệm đang được tiến hành. Một cái là tôi làm cho hãng BMW, trong một nỗ lực chế tạo một chiếc xe, làm từ băng đá. Tôi đang cố gắng vận dụng nguyên lý tinh thể xếp chồng ở giữa đỉnh vào một sảnh nhà hát ở Iceland. Gần như một đường chạy, hoặc một lối đi trên mái bảo tàng ở Đan Mạch, làm từ kính màu, xếp tròn. Nên khi chân bạn chuyển động sẽ làm thay đổi màu sắc chân trời. Cách đây 2 mùa hè, tại công viên Hyde Park ở Luân Đôn, với phòng tranh Ống Xoắn: Một sảnh đường thái dương nơi bạn phải di chuyển để có thể thấy cái vòm cong. Mùa hè này ở New York: Một điều đáng chú ý về thác nước là thời gian cần thiết để nước đổ xuống. Nó khá đơn giản và cơ bản.
5:42
Tôi hay đi leo núi ở Iceland. Và khi đến một thung lũng mới, đến một cảnh quan mới, các bạn sẽ có một tầm nhìn nhất định. Nếu đứng yên, cảnh quan đó sẽ không cho bạn thấy nó lớn cỡ nào. Và các bạn không biết mình đang nhìn cái gì. Nhưng ngay khi bạn bắt đầu di chuyển, ngọn núi cũng di chuyển theo. Các ngọn núi lớn ở đằng xa sẽ chuyển động ít hơn. Các ngọn núi nhỏ ở gần phía trước sẽ chuyển động nhiều hơn. Và khi dừng lại lần nữa, bạn tự hỏi, “Đó có phải thung lũng một giờ không nhỉ? Hoặc đó có phải chuyến leo núi 3 giờ không, hay mình đang nhìn vào cả ngày?”
6:11
Nếu có một thác nước ở đó, ngang đường chân trời; các bạn nhìn thác nước và nghĩ, “Ồ, nước chảy thật chậm.” Và, ” Trời ạ, nó thật xa, đúng là một thác nước khổng lồ.” Nếu một thác nước chảy xiết thì nó là một thác nước nhỏ hơn và gần với ta hơn vì tốc độ rơi của nước không đổi ở bất kỳ độ cao nào. Và cơ thể của bạn biết điều đó. Điều này đồng nghĩa với việc thác nước là một cách đo không gian.
6:39
Chắc chắn một thành phố biểu tượng như New York, luôn thích chơi đùa với cảm nhận không gian, có thể nói nó luôn muốn trông càng to càng tốt. Ngoài ra còn một phương pháp thú vị: nước chảy từ thác nước bỗng nhiên cho bạn cảm giác ,”Ồ, Brooklyn hóa ra cách xa Manhattan thế này cơ á, lúc này Hạ lưu sông Đông trông thật rộng lớn.”
7:04
Không chỉ là đặt thiên nhiên vào các thành phố, mà còn cho thành phố một cảm nhận về chiều không gian. Và tại sao chúng ta muốn làm thế? Vì tôi nghĩ nó tạo nên sự khác biệt khi cơ thể bạn cảm nhận được một phần của không gian chứ không phải một cơ thể khi đứng trước một bức tranh. Và “Ha-ha, đó là bức tranh và mình ở đây. Thế nó có ảnh hưởng gì chứ?” Có hay không các hệ quả?
7:26
Vậy nếu tôi có cảm giác về không gian, cảm nhận được không gian là hữu hình, cảm nhận được thời gian trong không gian, nếu có một chiều mà tôi có thể gọi là thời gian, thì tôi cũng cảm thấy mình có thể thay đổi không gian. Và bỗng nhiên nó tạo nên sự khác biệt trong việc gần gũi hóa không gian. Có thể nói nó tập trung vào cộng đồng, tập thể. Và liên kết với nhau.
7:47
Làm cách nào để xây dựng không gian chung? Ngày nay từ “công cộng” có nghĩa gì? Theo cách hỏi đó, tôi nghĩ nó gợi lên những điều tuyệt vời về các ý tưởng về nghị viện, dân chủ, không gian công cộng, liên kết cùng nhau, tính cá nhân. Làm thế nào để hình thành một ý tưởng bao hàm cả tính cá nhân và tính tập thể, mà không phân biệt rạch ròi hai phạm trù này thành hai điểm đối lập nhau? Các cơ quan chính trị trên thế giới đã rất ám ảnh khi phân hóa hai phạm trù đó đối lập nhau, thành các chuẩn mực khác nhau.
8:22
Tôi cho rằng nghệ thuật và văn hóa đã chứng minh việc tạo ra môt không gian nhạy cảm với cả cá nhân và tập thể là hoàn toàn có thể đấy cũng là lý do tại sao nghệ thuật và văn hóa trong thời đại của chúng ta lại thú vị đến thế. Nó liên quan đến luật nhân quả. Và cách thức chúng ta liên kết việc nghĩ và làm. Vậy, cái gì đứng giữa nghĩ và làm? Tôi cho rằng chính là trải nghiệm. Và trải nghiệm không chỉ là việc giải trí vô thưởng vô phạt. Trải nghiệm là trách nhiệm. Một khi đã trải nghiệm là đã tham gia vào thế giới. Tham gia vào thế giới là chia sẻ trách nhiệm. Thế nên, nghệ thuật hiểu theo cách đó, nó giữ một vị trí cực kỳ quan trọng trong thế giới chúng ta đang hướng tới. Đặc biệt là bây giờ. Xin được kết thúc tại đây. Xin cảm ơn. (Vỗ tay)
Về diễn giả:

Olafur Eliasson (Icelandic: Ólafur Elíasson; born 1967) một nghệ sỹ Đan Mạch gốc Iceland nổi tiếng với những điêu khắc và sắp đặt sử dụng các vật liệu như ánh sáng, nước và nhiệt độ không khí để gia tăng trải nghiệm của người xem. Năm 1995 anh thành lập Studio Studio Olafur Eliasson tại Berlin, một phòng thí nghiệm để nghiên cứu không gian. Olafur đại diện cho Đan Mạch tại Venice Biennale lần thứ 50 vào năm 2003 và vào cuối năm đó anh ra mắt sắp đặt “Dự án khí hậu” tại Sảnh Turbine của Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Tate Modern, London, Anh.
Olafur được gắn với một số dự án trong không gian công cộng gồm: “Nhuộm xanh dòng sông” ở một số thành phố gtuwf 1998 – 2001, tham gia thiết kế Serpentine Gallery Pavilion tại London cùng với KTS Na Uy: Kjetil Thorsen ào năm 2007, Dự án thác nước New York được thực hiện với Quỹ nghệ thuật công cộng vào năm 2008. Ông là Giáo sư tại Đại học Nghệ thuật Berlin từ năm 2009-2014 và giáo sư thỉnh giảng tại Trường nghệ thuật Mỹ nghệ & thiết kế Alle tại Addis Ababa từ năm 2014.