Cuối tháng 7/2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề xuất với UBND TP Hà Nội về chủ trương lát đá 11 tuyến phố đi bộ tại khu vực bảo tồn cấp I phố cổ Hà Nội. Đề xuất này hiện đang nhận được những ý kiến nhiều chiều.
heo ông Phạm Tuấn Long – Phó Trưởng Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, phương án cải tạo mặt đường các tuyến phố đi bộ nằm trong khu phố cổ, cụ thể là đề xuất lát đá 11 tuyến phố cổ, được quận Hoàn Kiếm triển khai nghiên cứu, là phương án gắn với hai đồ án thiết kế đô thị khu vực này.
Đồ án thiết kế đô thị thứ nhất gồm các tuyến phố đi bộ đợt 1 (năm 2004) là Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy. Đồ án thiết kế thứ hai gồm các phố đi bộ mới mở rộng năm 2014 là Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Đào Duy Từ và phố Tạ Hiện (đoạn còn lại từ ngã tư Hàng Bạc đến ngã tư Lương Ngọc Quyến và từ ngã ba ngõ Đào Duy Từ đến ngã ba Hàng Buồm).
Ông Long nhận định: Việc nghiên cứu thiết kế đô thị, nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, cải tạo kiến trúc cảnh quan 11 khu phố trên là cần thiết. Chúng tôi đã nghiên cứu hoạt động của các tuyến bộ hàng ngày vào ban ngày và lúc chỉ cho phép đi bộ, sự biến đổi lưu lượng theo giờ. Hiện chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu cải tạo hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc mặt đứng, mái hiên, mái vẩy… và cả mặt đường nhằm khai thác tối đa giá trị thương mại, văn hoá đường phố, không gian giao tiếp các tuyến phố…
Ông Long cũng cho biết, trước đó, trong dự án cải tạo thí điểm một đoạn phố Tạ Hiện do TP Toulous (Pháp) hỗ trợ, ngoài việc cải tạo mặt đứng các công trình kiến trúc, cải tạo đồng bộ mái hiên, mái che, mái vẩy, mặt đường phố Tạ Hiện cũng đã được hoàn thành việc lát được đá tự nhiên, khổ 10x10x10cm (năm 2011).
Kết quả sau cải tạo cho thấy, Tạ Hiện đã trở thành khu phố thu hút khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội và nổi tiếng với tên gọi “Ngã tư Quốc tế”. Đặc biệt, tại Tạ Hiện, giờ không chỉ có chủ đầu tư kinh doanh là người Việt Nam mà cả người nước ngoài cũng đã đến thuê mặt bằng kinh doanh quán bia, café… Hiện tại chất lượng mặt đường của Tạ Hiện còn tốt…
Mặc dù vậy dự án thí điểm Tạ Hiện nhận được sự ủng hộ của giới chuyên môn và người dân nhưng việc lát đá mở rộng 11 tuyến phố đi bộ đang gặp những phản ứng nhiều chiều.
Với tư cách là công dân Thủ đô, dành nhiều tình cảm cho khu phố cổ Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh đã đặt hàng loạt câu hỏi mong mỏi các nhà quản lý trả lời đó là việc lát đá 11 tuyến phố đi bộ có đẹp hơn? Có tạo giá trị cảnh quan đô thị không? Việc lát đá có tính đến các phương tiện lưu thông khác không? Có bảo đảm yếu tố phòng cháy, chữa cháy? Hiệu quả dự án đến đâu? Chỉ khi trả lời được các câu hỏi ấy và nếu thấy việc lát đá đem lại lợi ích thì mới nên làm.
Trong khi đó, KTS Đoàn Kỳ Thanh thì bày tỏ sự ủng hộ. Bởi thứ nhất, việc lát đá góp phần tôn tạo bộ mặt cảnh quan đô thị. Viên đá lát nhỏ, khiến cho mặt đường đi bộ gần gũi, ấm cúng hơn. Ở nước ngoài, người ta không lát đá mà xếp đá để con đường “thở được”, nước dễ thẩm thấu, tốt cho môi trường. Thứ hai, đường lát đá thi công đúng tiêu chuẩn kỹ thuật thì mặt đường có độ bền cao, dễ bảo trì, bảo dưỡng. Khi cần chỉ cần cậy lên, sửa chữa, cải tạo, bảo dưỡng xong thì lát lại.
Trước quan điểm mặt đường lát đá dễ trơn trượt, KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng làm nhám mặt đá là có thể hạn chế được vấn đề này. Trên thế giới, các TP lát đá đường phố rất nhiều nên đây cũng không phải là vấn đề mới mẻ. Phản biện trước ý kiến lát đá mặt đường là đặc trưng của phương Tây mà không phải là đặc trưng của đường phố Việt Nam, KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, nếu vậy với phố cổ thì chỉ có làm đường đất bởi đường nhựa cũng không phải đặc trưng của Việt Nam.
KTS Thanh thẳng thắn: Tôi không phải là nhà kinh tế nên không bàn vấn đề ở góc độ kinh tế, cũng không bàn chuyện lát đá đắt tiền hay không. Tôi chỉ có thể nói, đối với tuyến phố đi bộ, lát đá được là tốt nhất, khi không có điều kiện mới làm đường nhựa, đường bê tông… Dẫu vậy, KTS Thanh cũng rất mong những thông tin liên quan việc đầu tư tài chính, lợi ích của việc triển khai dự án cần được cung cấp công khai cho người dân biết.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính – Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia thì nhấn mạnh quan điểm của mình: Cần nhìn thẳng vào sự thật, phố cổ Hà Nội phải được nhìn nhận là di sản chứ không phải ứng xử như là một di tích, giống như chùa Một Cột… Phố cổ Hà Nội là không gian quần cư cộng sinh, cộng sinh kiến trúc, cộng sinh văn hóa, cộng sinh các thời kỳ lịch sử… Phố cổ Hà Nội cần phải được bảo tồn, là bảo tồn cấu trúc phố, các công trình có giá trị… Nhưng phố cổ cũng cần phát triển vì phố cổ là cơ thể sống, 8 – 9 vạn người dân phố cổ không phải là đối tượng bảo tồn.
Mặc dù đánh giá cao mô hình cải tạo ở phố Tạ Hiện và Lãn Ông mà Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã làm được trong thời gian qua, “đó là những mô hình rất tốt”, song với đề xuất lát đá 11 tuyến phố đi bộ, GS Hoàng Đạo Kính cho rằng: Vấn đề là thời điểm. Phố cổ hiện nay còn nhiều việc cần ưu tiên làm trước. Những tuyến phố đi bộ này hiện đã được trải nhựa, đi tốt, do vậy đừng lát đá vội. Hãy nghiên cứu thêm về kỹ thuật lát đá và thực hiện dự án ở thời điểm phù hợp.
Tại cuộc họp báo chiều 17/8, Phó Trưởng Ban quản lý Phố cổ Hà Nội Phạm Tuấn Long cho biết: Việc lát đá 11 tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ hiện đang trong giai đoạn xin chủ trương của UBND TP Hà Nội. Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu phương án kỹ thuật lát đá 11 tuyến phố. Chiều dài của 5 phố đi bộ đưa vào khai thác từ năm 2004 khoảng 1km và 6 phố đi bộ mới đưa vào khai thác từ năm 2014 khoảng 1,2km. Việc nghiên cứu giảm lưu lượng phương tiện trên các tuyến phố trên vào từng thời điểm cũng đồng thời được tiến hành. |
(Theo Báo xây dựng)