Hẹn hò mãi cuối cùng tôi cũng gặp Đại úy QNCN Bùi Thị Kim Dung, Viện Thiết kế, Bộ Quốc phòng tại cơ quan. Giọng nói ngọt ngào, Kim Dung bảo: “Lát nữa có chương trình văn nghệ hay lắm, mời chị đến xem”.
Nhìn người dẫn chương trình trong chương trình văn nghệ hôm ấy, ít ai nghĩ cô gái trẻ trung, xinh đẹp và nhỏ nhắn sinh năm 1983 ấy đã giữ cương vị Phó giám đốc Trung tâm tư vấn xây dựng 2 – một trong những trung tâm lớn và có uy tín của Viện – đã 3 năm nay.
Khi nói về Dung, Đại tá Trần Đức Xương, Chủ nhiệm Chính trị Viện Thiết kế, khoe: “Cô ấy là “sơn ca” của Viện chúng tôi đấy. Các chương trình giao lưu, văn nghệ và hoạt động phong trào mà thiếu cô ấy thì như món ăn trong cỗ thiếu muối, nhạt thếch. Nhưng không chỉ có thế thôi đâu, cô ấy còn là một kiến trúc sư tài năng đấy”.

Kim Dung mở đầu câu chuyện sau khi chương trình gặp mặt phụ nữ kết thúc: “Phụ nữ theo nghề kiến trúc sư không nhiều lắm. Do vậy, để thành danh với nghề quả là khó và vất vả chị ạ”.
Tâm sự ấy của Dung quả chẳng sai. Với nam giới, những người có sức khỏe, lại không phải chạy đôn chạy đáo, tất bật với công việc nội trợ, những việc không tên trong gia đình hay việc chăm sóc con nhỏ… mà thành danh với nghề kiến trúc đã là rất khó, huống chi phụ nữ làm nghề này, bởi lẽ, đây là nghề đòi hỏi cao về tư duy sáng tạo. Trước mỗi công trình, người kiến trúc sư phải có các giải pháp thiết kế đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng và nhu cầu thẩm mĩ của chủ đầu tư. Các kiến trúc sư phải chuyển đổi được nhu cầu sử dụng của người dùng vào các giải pháp mặt bằng – không gian – kỹ thuật của công trình… Vậy nên, muốn thành danh trong nghề, khi thiết kế công trình, các kiến trúc sư phải lựa chọn các đồ án có ý tưởng sáng tạo và mang tính đột phá; có quan điểm sáng tác tiến bộ, đạt chất lượng kiến trúc cao mà vẫn bảo đảm hài hòa giữa cảnh quan môi trường và văn hóa dân tộc…

Dung cũng tâm sự, ngày nay, các nhà đầu tư thường tìm đến những doanh nghiệp thiết kế uy tín, những kiến trúc sư sáng tạo để hợp tác. Do vậy, muốn tồn tại và phát triển, muốn có chỗ đứng vững vàng trong làng thiết kế thì mỗi kiến trúc sư phải hết sức nỗ lực, không chỉ vững về kiến thức chuyên ngành mà còn giỏi cả ở các lĩnh vực khác.
Dung kể, cách đây vài năm, Trung tâm tư vấn 2 nhận được hợp đồng với đối tác của các nước: Israel, Nhật Bản, Singapore… Lúc này, việc giao tiếp bằng tiếng Anh trở nên cấp thiết bởi số cán bộ của Viện biết và sử dụng tốt ngoại ngữ không nhiều. Dung được giao nhiệm vụ phụ trách quản lý chung về dự án, các bộ môn, trong đó tập trung chủ yếu vào thiết kế kiến trúc và trực tiếp làm việc với các đối tác. Dung nhớ nhất khi làm việc với đối tác người Nhật Bản trong thực hiện dự án Đường sắt trên cao – Cụm ga Ngọc Hồi. Công trình này có 100 hạng mục lớn nhỏ, trong đó công trình Nhà văn phòng, điều hành (U1), Xưởng sửa chữa tàu điện (U2)… là những hạng mục mà đối tác đòi hỏi độ chính xác cao về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ. Ở dự án này, Nhà thầu Nhật Bản sử dụng phương án thi công theo công nghệ mới mà Việt Nam chưa áp dụng. Dung đã phát huy thế mạnh vốn tiếng Anh hiện có để làm việc với đối tác. Trong suốt thời gian gần ba năm thực hiện dự án, Dung phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, phải tranh thủ làm thêm ngoài giờ hành chính. Để hiểu được các yêu cầu của đối tác, vào các buổi tối, Dung phải tranh thủ chăm sóc con để có thời gian tra từ điển tìm các từ kỹ thuật chuyên ngành, trau dồi thêm vốn từ vựng để đáp ứng nhu cầu công việc.
Đại tá Trần Đức Xương khoe, năm 2012, Dung được bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn xây dựng 2 và được bầu là Phó chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở.
Là cán bộ quản lý trẻ nhất của Viện có trình độ thạc sĩ, để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ, Dung đã tích cực học tập và tích lũy kinh nghiệm quản lý, thường xuyên nắm bắt nhu cầu thị trường xây dựng trong nước, tư vấn kịp thời cho khách hàng và đối tác; giúp khách hàng, đối tác có giải pháp tối ưu trong lựa chọn mẫu thiết kế các loại công trình dân dụng, công nghiệp; bảo đảm cho công trình ổn định, phát huy tối đa công năng khi đưa vào sử dụng mà vốn đầu tư xây dựng chi ra tiết kiệm nhất. Dung đã cùng với các đồng chí cán bộ tích cực xây dựng tinh thần đoàn kết trong Trung tâm và với các đơn vị khác trong Viện. Hiện nay, Trung tâm Tư vấn xây dựng 2 có môi trường làm việc mẫu mực, chuyên nghiệp, lịch sự, văn hóa, hiện đại. Các thành viên trong trung tâm đều có ý thức trách nhiệm cao, không chỉ có khả năng làm việc độc lập hiệu quả mà còn có khả năng làm việc nhóm, đủ sức đảm nhận nhiều công trình thiết kế lớn, hiện đại và có tính thẩm mỹ cao.
Thiết kế là chuyên ngành hiếm và khó so với các ngành, nghề khác có trong xã hội. Đó là ngành có nhiều đòi hỏi khắt khe về các tiêu chuẩn kỹ thuật và phải luôn luôn cập nhật thông tin mới. Do đó, chẳng hề vô lý khi mọi người ví những người làm nghề thiết kế công trình xây dựng như một họa sĩ. Nhưng hiện nay, khi tốc độ đô thị hóa nhanh, mạnh thì cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực thiết kế cũng khốc liệt hơn. Để Trung tâm phát triển bền vững, có uy tín, có chỗ đứng trên thị trường thiết kế công trình, Dung đã đầu tư nhiều thời gian cho công việc chuyên môn hơn so với các nhiệm vụ khác. Các công trình do Dung trực tiếp làm chủ nhiệm đề án đều được chủ đầu tư đánh giá cao, điển hình như Trung tâm nghiên cứu Y sinh học quốc tế tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, tổ hợp trường tiểu học và trung học cơ sở Times City trên đường Minh Khai… Tính cả trong 5 năm, Dung đã làm chủ nhiệm đề tài và trực tiếp tiến hành thiết kế gần 30 công trình lớn nhỏ có trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng, mang lại doanh thu cao cho doanh nghiệp.
Không chỉ giỏi chuyên môn mà Kim Dung còn luôn đi đầu trong mọi hoạt động của Hội phụ nữ. Dung trực tiếp tổ chức và tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, góp công lớn để đội văn nghệ quần chúng của Viện giành giải cao trong Liên hoan nghệ thuật quần chúng của Bộ Tổng tham mưu và đạt giải tiết mục tuyên truyền xuất sắc trong Hội thi cán bộ phụ nữ và tuyên truyền viên giỏi toàn quân khu vực phía Bắc. Dung chủ động tham mưu, đề xuất, tổ chức được nhiều hoạt động được hội viên hưởng ứng nhiệt tình, tiêu biểu như: Tổ chức các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn như khóa học kỹ năng thuyết trình, khóa học phong thủy, các kiến thức về xây dựng cơ bản, ngoại ngữ; mời chuyên gia tới nói chuyện về “Bình đẳng giới và hạnh phúc gia đình”…, tham gia tổ chức gặp mặt tuyên dương con em các gia đình quân nhân có thành tích tốt trong học tập với nhiều hoạt động sôi nổi. Chẳng thế mà khi nói về Dung, Đại úy Trần Thị Việt Hoa, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn dự án và công trình đặc biệt 1, Chủ tịch Hội phụ nữ của Viện, đã nhấn mạnh, Dung rất năng động và có nhiều phương pháp tổ chức hoạt động, thu hút chị em tham gia. Vì vậy mà hoạt động phong trào của Hội mấy năm nay rất hiệu quả và được trên đánh giá rất cao.
Người có nghị lực, chịu khó, tích cực học hỏi, biết ứng dụng kiến thức học, khả năng vào thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc như Bùi Thị Kim Dung quả là đáng khen. Hy vọng cô “sơn ca” của Viện Thiết kế còn “bay cao, bay xa” hơn nữa trong thời gian tới.
(Theo qdnd)