“Song xưa phố cũ và những câu chuyện bên lề” (SXPC) là tên một cuốn sách của Trần Hậu Yên Thế vừa đoạt hai giải thưởng lớn (giải Bùi Xuân Phái năm 2014 và giải Sách hay năm 2014). “Hà Nội – một bảo tàng sống” (HNMBTS) là tên một cuộc triển lãm mới nhất của Nguyễn Thế Sơn nằm trong số những triển lãm cá nhân gây tiếng vang thời gian qua vừa diễn ra ngày 24/4/2015 tại Hà Nội.
Người thuyết trình: TS Đinh Hồng Hải
Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội
50 Đào Duy Từ, P. Hàng Buồm, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian 16h30 ngày 15/5/2015
|
Hai tác phẩm – một góc nhìn, đó là chính là một góc nhìn nhân văn về Hà Nội trong bối cảnh những di sản văn hóa quý báu đang có nguy cơ bị xóa sổ bởi quá trình phát triển bùng nổ và sự biến đổi nhanh chóng của đô thị Hà Nội.
Hà Nội sẽ còn gì nếu như những ngôi nhà rêu phong được thay thế hoàn toàn bằng bê tông, kính và sắt thép? Hà Nội sẽ còn gì nếu như người Hà Nội không còn là những cư dân Tràng An – Kẻ Chợ?
Hà Nội được xem như một bảo tàng sống chính là nhờ ở yếu tố nhân văn của đô thị này. SXPC và HNMBTS đóng vai trò như những tấm bảng chỉ dẫn để những ai còn băn khoăn về những giá trị di sản vô giá của Hà Nội tìm được sự khẳng định cho chính mình.
Giá trị đặc sắc của di sản Hà Nội khó có thể thể cân-đong-đo-đếm được đầy đủ bằng phê bình nghệ thuật, càng không thể xếp gọn trong “các ngăn lịch đại” của lịch sử nghệ thuật, mà nó cần được soi chiếu từ một góc nhìn mới: Góc nhìn xã hội và nhân văn. Nhân học nghệ thuật (một hướng tiếp cận lý thuyết mới nhất đối với nghệ thuật, được Alfred Gell viết ra trước khi ông qua đời và được xuất bản trong đêm trước của thế kỷ 21) chính là lăng kính rõ nét nhất mà chúng ta có thể nhìn xuyên qua để thấy được những giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội và nhân văn đặc sắc của Hà Nội qua SXPC và HNMBTS.
Đinh Hồng Hải là Tiến sĩ Nhân học văn hoá, nghiên cứu sinh trao đổi (Visiting Fellow) tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ 2008-2010, hiện làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.