Cần Thơ gạo trắng nước trong,
Ai đi đến đó lòng không muốn về
Cần Thơ là trung tâm kinh tế của vùng Tây Nam Bộ, và được mệnh danh là Tây Đô với mạng lưới sông ngòi dày đặc. Hệ thống sông ngòi kênh rạch ở đây chính là phương thức vận chuyển hàng hóa chính của Cần Thơ. Trong bài viết này, Kienviet xin được giới thiệu đến quý độc giả một đồ án của nhóm sinh viên trường Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh với đề tài Cải tạo chợ Tân An, Cần Thơ.
Thông tin đồ án:
Tên đồ án: Văn hóa chợ trong nhịp sống hiện đại
Giáo viên hướng dẫn: thầy Trần Đình Nam
Nhóm sinh viên thực hiện: Trịnh Hiếu Hiền, Huỳnh Xuân Hoài, Nguyễn Văn Diễn, Nguyễn Tấn Thanh
Lớp: K10 – CT
Khóa: 2010 – 2015
Khoa: Kiến trúc
Trường: Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh
Chợ Tân An nằm kế bên sông Cần Thơ, thuộc Quận Ninh Kiều. Như một quy luật tất yếu – chợ muốn phát triển thì phải gắn liền với sông nước. Có như vậy, giao thông mới thuận tiện, hàng hóa được vận chuyển dễ dàng.


Chợ nói chung và chợ Tân An nói riêng đều kéo theo hàng loạt các vấn đề về môi trường, an ninh, giao thông, trật tự, an toàn, rác thải, ẩm thấp,…



Không chỉ tồn tại nhiều bài toán khó tự thân nó phát sinh. Trong nhịp sống hiện đại với sự vươn lên của hàng loạt các hệ thống siêu thị hàng đầu; chợ dần mất đi chỗ đứng.

Với những bài toán khó đặt ra, đồ án “Văn hóa chợ” đưa ra một mô hình chợ mới, văn minh hơn để vừa phù hợp với nhịp sống hiện đại lại vừa không mất đi không khí dân dã của chợ mà siêu thị, trung tâm thương mại không mang lại được.



Khai thác hình ảnh tiêu biểu của Cần Thơ là “Gạo trắng”, “nước trong”, tác giả đã nghiên cứu những hình ảnh đó để tìm ra hình khối phù hợp với công năng. Kết cấu mái là kết cấu giàn không gian được đỡ bằng các trụ cột xiên (cột chịu lực chính cho hệ mái). Các tấm lợp mái lấy ý tưởng từ hạt lúa – hạt ngọc trời.





Tính chất của chợ là không gian mở, tập trung, phục vụ nhiều người. Nên cần không gian thoáng đãng, giải phóng lưới cột và các vách ngăn không cần thiết. Tạo khoảng mở tối đa liên thông với nhau.


Dù mô hình chợ có mới đến đâu, văn minh đến đâu cũng không thể thiếu các cây bẹo – nét đặc sắc của chợ vùng sông nước và cũng chỉ chợ nơi đây mới có hình ảnh này.

Nắm bắt được tầm ảnh hưởng quan trọng của sông nước đối với chợ. Tác giả đã đưa hình ảnh ấy vào công trình kiến trúc như một biểu tượng của chợ cũng như của khu vực, phá vỡ những tư duy kiến trúc xưa cũ. Công nghệ phát triển cho phép xây dựng hình thức kiến trúc tự do mềm mại từ những hình ảnh thân quen.
Xem tất cả ảnh trong bài tại đây:
Gallery not found.
Biên tập: Tuyết Phương – Kienviet.net