1. Người đầu tiên tôi tìm gặp đó là kiến trúc sư (KTS) Lữ Trúc Phương. Ông nổi tiếng với nhiều ý tưởng thật khác lạ, như ngôi nhà 100 mái chẳng hạn. Dù hiện giờ ngôi nhà này đã bị phá, nhưng ý tưởng đó vẫn nguyên vẹn trong ông.
Buổi tối ở Đà Lạt, trời rất lạnh, chỉ khoảng 10 độ C. Những người già sống lâu với thành phố này bảo với tôi, vài chục năm nay Đà Lạt mới lạnh thế này. Còn anh lái xe taxi tên là Bình thì than, trời rét mà khách vẫn không chịu đón xe của anh để đi cho đỡ lạnh, vẫn thích đi bộ hơn… Tôi đến quán café Đường lên trăng của KTS Lữ Trúc Phương ở 54 Phan Bội Châu. Thực tế, nhìn bên ngoài, nơi đây chỉ là một ngôi nhà hình ống như biết bao ngôi nhà khác ở đô thị, vậy nhưng bước vào trong – đó là một mê cung rất dễ… lạc. Với cái đầu của người làm kiến trúc, ông đã thiết kế ra rất nhiều “phòng”, lối đi, lối xuống… Nói chung, nhiều chỗ giống như một cái hang cái hốc… Như là để giải tỏa ẩn ức của khát vọng ngôi nhà 100 mái từng bị đập bỏ, Lữ Trúc Phương cũng đặt thêm cái tên Quán Café 100 mái. Tôi không kịp xem có đủ 100 mái hay không, nhưng Đường lên trăng thì cũng chỉ là… khát vọng tốt đẹp của ông. Bởi, công trình này của ông cũng gặp phải những hạn chế từ chính quyền địa phương vì ngoài sự an toàn của kết cấu còn phải đảm bảo tính… an ninh cho những ngôi nhà xung quanh. KTS Lữ Trúc Phương kể rằng, từng có người ở Sài Gòn lên Đà Lạt tìm ông, ngỏ ý muốn nhờ ông xây dựng cho một cái tương tự như Đường lên trăng ở dưới Sài Gòn nhưng khi nghe ông bảo: để thực hiện được công trình này, vợ chồng ông đã giận nhau tới 3 năm, thì người khách nọ thực sự… đắn đo.
Lữ Trúc Phương là người có vẻ bề ngoài trầm lặng, hơi buồn nhưng khi trò chuyện, ông lại khác hẳn: hăng hái, nồng nhiệt, và ăm ắp những dự định. KTS Lữ Trúc Phương vẫn đang mê mải theo đuổi dự án ngôi nhà 100 mái khác, ở trong một quần thể khác, và lần này hứa hẹn sự đồ sộ và chuyên nghiệp hơn. Ngồi cả buổi trò chuyện, tôi cảm nhận, ông là một người mộng mơ nhưng cô độc trong sự thể hiện ý tưởng của mình. Hình như mảnh đất du lịch với hồ và thác này không đủ rộng cho những ý tưởng của ông. Và vì thế, thật lòng, tôi muốn những ý tưởng ấy phải có một khu vực khác để… dụng võ. Khi tôi nói điều này với nhà báo Lưu Trọng Văn – người đã từng cũng em trai mình: Lưu Trọng Ninh quay phim truyền hình “Dốc tình” ở quán Café 100 mái này anh cũng gật đầu đồng ý… Tuy nhiên, tên KTS Lữ Trúc Phương đã được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận bằng những công trình như tượng Con gà, tượng ông Phật Cười lớn nhất…
2. Khi ngồi trong quán Café 100 mái của KTS Lữ Trúc Phương với những hang hốc, tôi chợt nhớ tới lần ghé thăm “Crazy House” (Ngôi nhà quái dị) ở số 3 Huỳnh Thúc Kháng cùng GS Tôn Đại ở Đại học Xây dựng (cháu ngoại cụ Phạm Quỳnh) vào mùa Giáng sinh năm trước.
“Kỳ nhân” Đà Lạt đồng thời là người chủ của “Crazy House” là KTS Đặng Việt Nga – con gái cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Lần đầu gặp bà, tôi ấn tượng với tấm áo choàng màu đỏ, rất ấm. Bà còn đội chiếc mũ đỏ, và quàng thêm một chiếc khăn len… Ở thành phố này, bất cứ dân lái taxi hay chạy xe ôm nào cũng biết tới bà với công trình “Crazy House” (hay còn được du khách nước ngoài gọi là: Biệt thự Hằng Nga). Không phải là công trình thiên tạo, dưới bàn tay của một người đam mê kiến trúc, Đặng Việt Nga đã biến mảnh đất của mình thành một địa điểm du lịch. Khách đến phải mua vé vào cửa, và từ những đồng tiền ấy, người đàn bà có giọng nói nhẹ khẽ này lại chắt chiu dành dụm để mua thêm những thửa đất của hàng xóm mà nới rộng công trình của mình.
KTS Đặng Việt Nga kể rằng lần đầu bà lên Đà Lạt vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước và thấy vùng đất này quá đẹp. Và vì chỉ muốn “làm người thường chứ không muốn làm công chúa”, nên bà đã sớm chọn Đà Lạt để làm nơi sống và làm việc với niềm đam mê của mình. Đặng Việt Nga bắt đầu xây dựng “Crazy House” từ năm 1990 theo trường phái biểu hiện, trông giống như những gốc cây, hang động, những mạng nhện trong rừng già. Tự nhận rằng có học tập ở KTS Lữ Trúc Phương một chút, nhưng với “ngôi nhà” kỳ quái có một không hai này, KTS Đặng Việt Nga muốn gửi gắm một cách làm du lịch của riêng mình. Đó là muốn gửi gắm một thông điệp, con người ngày càng tàn phá thiên nhiên, vì thế, qua công trình này, bà muốn con người trở về với thiên nhiên.
Ở “Crazy House”, ngoài những lối đi quanh co, gấp khúc tạo cảm giác như trong khu rừng hoang, còn có khách sạn Hốc Cây và lâu đài Mạng Nhện trong đó có hơn chục phòng phục vụ du khách lưu trú. Những phòng nghỉ này cũng được thiết kế rất gần gũi với thiên nhiên, và mang những cái tên khá thân thiện, như phòng ngủ con gấu, phòng tổ kiến, phòng con hổ, phòng quả bầu… Tôi vẫn còn nhớ cảm giác đầu tiên khi bước vào những căn phòng này, đó là sự “choáng ngợp”. Tuy mỗi phòng đều nhỏ, với các hình thù không giống ở bất cứ đâu nhưng các tiện nghi sinh hoạt tối thiểu đều có đủ, thậm chí, có phòng, ngay phía trên chiếc giường ngủ còn được gắn một chiếc gương to bằng chiếc giường. KTS Đặng Việt Nga giải thích rằng, thiết kế căn nhà này để thỏa thích những ý tưởng thể hiện của bản thân và những đam mê sáng tạo của một người làm nghề kiến trúc vì thế bà đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào công trình này. Nhưng cũng chính vì kiểu dáng kỳ quái không giống ai, các kết cấu xây dựng uốn lượn ngẫu hứng không theo các quy luật xây dựng và thiết kế thông thường đã khiến “Crazy House” gặp phải sự phản ứng từ các cơ quan chức năng tại Đà Lạt, thậm chí cơ quan quản lý từ chối cấp giấy chứng nhận sở hữu, cũng như không thừa nhận sơ đồ thiết kế công trình, thậm chí có lúc đứng trước nguy cơ phải tháo dỡ.
Tôi và GS Tôn Đại bữa ấy có lẽ là một người khách may mắn khi qua cửa mà không mất vé, lại còn được KTS Đặng Việt Nga đốt lò sưởi thật lớn, ngay trong phòng khách, để làm loãng đi cái lạnh xứ cao nguyên. Có lẽ đây là một cái lò sưởi độc đáo nhất mà tôi từng gặp: mang hình của một cái cối giã, và toàn bộ khói được thoát qua ống khói mang hình dáng của cái chày. Bà còn mở lại đĩa ghi hình công trình Nhà thờ Liên Khương mà cách đây ít năm bà từng mê mải theo đuổi, để rồi khi sân bay Liên Khương được mở rộng, công trình Nhà thờ gửi gắm nhiều tâm huyết của bà đã đành thành đống gạch vụn.
Lần gần đây trở lại Đà Lạt, tôi gặp lại KTS Đặng Việt Nga và nghe bà thông báo một tin vui: “Crazy House” đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho chủ quyền sở hữu công trình. Vậy là lần đầu tiên chính quyền tỉnh cao nguyên thừa nhận sự tồn tại của một công trình kiến trúc thiết kế kiểu phá cách. Và sau 18 năm kể từ ngày khởi công xây dựng, “kỳ nhân” Đặng Việt Nga mới thở phào với những thử nghiệm của mình. Bây giờ, hàng ngày bà đắm say trong “Ngôi nhà quái dị” của mình, và tiếp tục nuôi dưỡng những khát vọng được thể hiện.
Bây giờ thì “Crazy House” đang trở thành một điểm khám phá của du khách mỗi khi đặt chân tới Đà Lạt. Với gần 1.600m2, du khách bước vào “Crazy House” như khám phá một thế giới diệu kỳ nho nhỏ do con người tạo dựng. Và đặc biệt hơn, con người đó là một người phụ nữ nhỏ bé, nhẹ nhàng. Có lẽ chia sẻ với tâm huyết ấy của KTS Đặng Việt Nga mà “Crazy House” đã được tạp chí People’s Daily bình chọn là một trong 9 công trình kỳ dị nhất thế giới.
3.“Kỳ nhân” thứ 3 tôi gặp ở Đà Lạt không phải trong giới KTS, mà là một nghệ sĩ nhiếp ảnh nhiều người đã biết: Nguyễn Văn Phước, nghệ danh: MPK, tên quen thuộc: Phước “khùng”!
Nếu có cuộc bình chọn về nghệ sĩ lãng tử nhất ở xứ này, tôi không ngần ngại để bầu chọn cho MPK. Anh không có căn nhà ống mặt phố như KTS Lữ Trúc Phương để thiết kế thành Café 100 mái. Anh cũng lại càng không mảnh đất đẹp cùng với số tiền nhiều tỷ đồng để ấp ủ thành một thương hiệu “Crazy House”. MPK chỉ có chiếc máy ảnh cũ kỹ, được sửa sang từ những vật liệu bỏ đi. Sau nhiều “tin đồn” đại loại như khi lấy vợ anh phải bán bớt bộ ảnh để lấy tiền mua một chỗ chui ra chui vào, mới đây gặp lại MPK, anh vẫn “nguyên vẹn sống” trong căn phòng trọ trên tầng 2 của khu nhà trên đường Thủ Khoa Huân. Đó là căn phòng MPK đã thuê và gắn bó nhiều năm nay; là chốn đi về của chàng lãng tử này. Tôi đã đến đây nhiều lần, và lần nào MPK cũng cười khì dặn cứ để xe bên dệ đường, không cần khóa xe đâu, vì người Đà Lạt là thế. Lần theo những lối đi loách ngoách, chiếc hành lang bé tẹo, rồi căn phòng của MPK cũng được mở ra, khi nào cũng bừa bộn và rất MPK: tràn ngập phim, ảnh, sách báo, đĩa nhạc các loại và những… chai rượu.
“Người vô sản” MPK vì thế trở thành một “đặc sản” của xứ sở này, để mỗi khi dừng chân ở đây, nhiều người muốn ngồi với anh trong quán cà phê Tùng quen thuộc để mà trò chuyện, để nghe anh kể về Đà Lạt, và tiếng đàn của anh có thể làm bạn yêu hơn cái xứ cao nguyên này.
MPK dường như vô tình đã tạo ra một hấp lực “quyến rũ” mọi người. Chẳng phải bởi vẻ bề ngoài đầy chất lãng tử, cũng không phải bởi cách nói chuyện quyến rũ rất hấp dẫn đối với các thiếu nữ, mà vì những bộ ảnh cầu kỳ, đẹp một cách lạ lùng ngợi ca đất, người và thiên nhiên Đà Lạt. Hàng chục năm trời sống và thở ở xứ này, MPK thuộc lòng những ngõ ngách, thuộc lòng thời tiết đất này. Bởi thế, anh không chỉ chụp những bức hình đẹp về phong cảnh. MPK đi sâu vào từng chuyên đề cụ thể. Này đây là bộ ảnh Sương và Hoa long lanh hàng trăm tấm. Này đây là những bộ ảnh về Nhụy, Mưa, Nắng, và Hoa dại. Kia nữa, Mắt côn trùng là cả một kỳ công của MPK nếu biết rằng chiếc máy ảnh anh dùng được cải tạo lại từ mươi năm trước chứ không phải được chụp bởi những chiếc máy ảnh tân kỳ. Lần này gặp tôi, MPK vui mừng “tiết lộ” rằng anh vừa “cải tiến” được một thiết bị hỗ trợ cho việc chụp ảnh từ… chiếc mũ bảo hiểm hỏng. “Lãng tử xứ hoa” MPK lại say sưa kể về chủ đề ảnh anh đang hứng thú theo đuổi, đó là Mủ ngo (tức là những giọt nhựa của cây thông). Thông là biểu tượng của Đà Lạt, nhưng Đà Lạt đang đánh mất rất nhiều hàng thông cổ thụ. Người ta vì những lý do khác nhau đã và đang ngày hủy diệt những dãy thông tuyệt đẹp. Và trong một chuyến lang thang, khi chứng kiến những gốc thông bị chặt ứa ra những giọt mủ (nhựa), MPK chợt phát hiện ra vẻ đẹp biến đổi của nó. Ở đó, giờ không chỉ là một giọt nhựa với những màu sắc lúc trong veo, lúc vàng vọt, khi đen thẫm nữa. Mà đó chính là những giọt nước mắt, là lời kêu cứu trong nỗi tuyệt vọng của những gốc thông già. Và hơn thế, qua sự phản chiếu của những giọt nhựa thông là hình ảnh của cả thế giới con người hiện vào trong giọt mủ đó. MPK quỳ xuống dưới những gốc thông và đưa ống kính máy ảnh vào từng giọt mủ li ti ấy, chờ đợi phút giây tuyệt diệu nhất, có ý nghĩa “kể chuyện” nhất để bấm máy… Bây giờ, sau nhiều tháng âm thầm len lỏi giữa các gốc thông già bị chặt, bộ ảnh Mủ ngo của MPK đã trở nên đầy đặn đủ để làm một cuộc triển lãm không chỉ để cho công chúng thưởng lãm, mà sâu xa hơn, để kêu gọi mọi người hãy ứng xử công bằng với thiên nhiên cây cỏ, góp một chút gì như là sự đánh thức lòng trắc ẩn dường như đang hao hụt đi ở con người ta trước vẻ đẹp của cánh rừng thông Đà Lạt. Cuối tháng 3-2011, theo thông tin công bố từ một hội nghị về đánh giá, nhìn nhận lại công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) trong vòng 5 năm (từ 2005 đến 2010), cơ quan chức năng đã đưa ra con số: 108ha rừng thông tự nhiên đã bị “biến mất” bởi nhiều lý do.
Trong ngôi nhà chật, MPK chất đống những tấm ảnh đã được phóng lớn của mình, anh vẫn mơ tới một ngày, những tấm ảnh ấy có chỗ trưng ra cho mọi người chiêm ngưỡng; anh vẫn mơ về một tập sách ảnh của chính mình được in ấn và trình bày cẩn thận. Nhưng điều ấy, vẫn mãi chỉ là một giấc mơ, vì anh không biết làm cách gì để biến giấc mơ đó thành hiện thực. Vì anh chỉ biết sống thật hồn nhiên, đắm say với thiên nhiên cây cỏ, thi thoảng buồn thì với tay cầm cây đàn hoặc cầm bút viết ra những truyện ngắn về con ve, cái kiến, về chú ếch xanh hay kể những câu chuyện của mây trời… Và dù Đà Lạt đã không còn như xưa, khiến đôi lúc cảm thấy hụt hẫng và chạnh buồn, nhưng MPK vẫn không từ bỏ mảnh đất này. Với anh, Đà Lạt như là máu thịt của chính mình.
4.Ở Đà Lạt, còn có những con người kỳ lạ khác. Đó là thiền sư Viên Thức trụ trì chùa Lâm Tì Ni – người nổi tiếng với tài cầm kì thi họa. Ông đặc biệt đến nỗi đã mê dụ anh em nhà thơ – đạo diễn Lưu Trọng Văn – Lưu Trọng Ninh khi làm phim “Dốc tình” đã nhất quyết đưa hình ảnh thiền sư Viên Thức vào phim. Và khi không một diễn viên nào có thể đảm nhận được, anh em họ Lưu lại cố gắng thuyết phục thiền sư nhập vai chính mình. Cho tới tận bây giờ, nhắc tới phim “Dốc tình” những hình ảnh ám ảnh tâm trí tôi nhiều nhất chính là của một nhà sư “lạ lùng” có tên Viên Thức.
Khi ngồi ở trong căn biệt thư cũ trên đường Huyền Trân Công Chúa, họa sĩ Vi Quốc Hiệp đã kể thêm nhiều chuyện về thiền sư Viên Thức càng dấy lên sự tò mò trong tôi. Và dù đã được vợ chồng họa sĩ Vi Quốc Hiệp chỉ đường tôi cũng phải loay hoay mãi với mấy con đường loách ngoách để chạm tới cổng chùa Lâm Tì Ni. Khi gặp thiền sư Viên Thức, tôi cảm phục trước sự uyên thâm của một nhà sư có thể nói được các ngôn ngữ như Anh, Pháp, Thái Lan, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc… Ấn tượng trước những bức tượng của ông, hay cách viết thư pháp và những ký họa chân dung ông vẽ những người bạn của mình như họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, hay người mà ông ngưỡng mộ như họa sĩ Bùi Xuân Phái. Và điều lạ lùng là từ ngoại hình của ông, với chiếc mũ đặc biệt, không lẫn với bất cứ ai trên cõi đời này. Người ta kể rằng, suốt nửa thế kỷ qua, chưa bao giờ thấy thầy Viên Thức đội một chiếc mũ nào có hình hài khác. Tự tay thầy làm hay ai đó đã làm cho thầy? Không ai biết về nguồn gốc của chiếc mũ ấy. Khi trò chuyện với nhà thơ trẻ Bình Nguyên Trang – thiền sư Viên Thức nói, đó là một hình ảnh cố định của thầy trong cuộc đời mà thầy muốn lưu giữ, không muốn thay đổi. Năm tháng có thể làm con người già đi, đó chỉ là sự di chuyển của thời gian, còn hình ảnh của con người là bất biến. Những lần đến nước Mỹ, dù thời tiết có lạnh hay nóng đến đâu, thiền sư cũng không rời chiếc mũ. Giống như những bức họa, cần hình khối và màu sắc để thể hiện tư tưởng của người nghệ sĩ, chiếc mũ là cách để thiền sư Viên Thức vẽ hình hài của riêng mình vào bức tranh đời sống.
5.Tôi còn muốn kể thêm một “kỳ nhân” nữa ở Đà Lạt, đó là điêu khắc gia Phạm Văn Hạng – người nổi tiếng với vườn tượng ngoài trời đầu tiên ở Đà Lạt và mới đây là pho tượng chân dung A. Yersin lớn nhất được tạc từ tảng đá nguyên khối nặng 24 tấn. Nhưng lần này, đi tìm ông thì ông đã vừa đi đâu đó. Thôi đành để một dịp khác, để còn có “cớ” trở lại vùng đất này.
Bởi nếu chỉ có thông, có hoa, có thác thôi thì e Đà Lạt đã đánh mất những điều quyến rũ.
(Theo Hoàng Thu Phố / Báo Đại đoàn kết)
Bình luận từ Facebook