Tất cả các đô thị phát triển trên thế giới đều có những không gian công cộng điển hình. Đó là diện mạo, là hình ảnh tượng trưng cho từng thành phố, chẳng hạn nhắc đến Paris thì không thể nào bỏ qua sông Seine, Quảng trường Champs de Mars, La Concorde, vườn Luxembourg…Nghe đến New York người ta mường tượng ra Central Park, nhắc đến London thì là bờ sông Thames, Thượng Hải có Phố Đông dọc suốt bờ sông Hoàng Phố, Hà Nội có Bờ hồ Hoàn Kiếm…
Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều được định hình xung quanh các nguồn nước tự nhiên, phong phú và giàu có đơn giản vì nước là yếu tố sống còn với cuộc sống, từ thời sơ khai cho đến các bước phát triển ngày càng phức tạp của các cộng đồng xã hội. Nước có thể hiểu là sông rạch, là ao hồ, là vịnh biển. Diện tích mặt nước là diện tích “hạ tầng tự nhiên” gần như miễn phí và tạo ra giá trị thặng dư đáng kể trong quá trình phát triển thông thương của các thành phố lớn. Diện tích mặt nước cũng mặc nhiên là không gian công cộng quý giá nhất, bởi chẳng của riêng ai, và tất cả mọi người đều có quyền hưởng lợi chung.
Quay lại với vùng đất Sài gòn – TP HCM, bản thân cái tên Sài Gòn đã gắn liền với dòng nước huyết mạch, kiến tạo nên vùng đất đặc thù với địa hình, địa phận trù phú, thuận lợi để rồi người tứ xứ tụ hợp cùng xây dựng, định hình một đô thị phát triển hàng đầu của Việt Nam (ngay cả cái tên Hồ Chí Minh cũng gắn liền với hình ảnh người lãnh tụ xuôi dòng Nước nhỏ để tìm ra hình hài của Nước – Biển lớn). Thế nhưng, thực tế không nhiều người dân sống ở Sài Gòn hiểu tường tận, rõ nét về bờ sông Sài Gòn. Khách du lịch đến đây cũng chỉ có thể tiếp cận một đoạn bờ sông ngắn từ Bến Nhà Rồng, qua cầu Khánh Hội, dọc quảng trường Mê Linh, và ngay cả đoạn bờ sông này cũng là những đoạn đứt khúc, pha trộn và vụn vặt giữa sân chơi, bến tàu, bãi xe, cây xanh thảm cỏ, khu kỹ thuật, ụ sửa tàu …
Trong lịch sử hình thành Sài Gòn, con đường Nguyễn Huệ với bao giá trị, đã trở thành hình ảnh đặc trưng của thành phố (đặc biệt là dịp Hội Hoa Tết Nguyên Đán), cũng vốn dĩ là một tuyến kênh chính (kênh Chợ Vải, Kênh Lớn), một không gian công cộng sầm uất phục vụ thông thương trong nhiều thập kỉ. Đến khi người Pháp lấp kênh (đổi tên thành đường Kinh Lấp) thì các hoạt động thương mại, kinh doanh vẫn không hề mất đi, tuyến đường trở thành Đại lộ đẹp nhất và có giá nhất của thành phố.
Người ta thường coi Đại lộ đẹp nhất Paris không hẳn là Champs Elysées, mà chính là sông Seine (với chiều dài khoảng 12km tương đương sông Sài Gòn đoạn chảy qua đô thị). Nếu như so sánh với sông Seine thì có lẽ sông Sài Gòn vẫn chưa thực được sự chăm sóc đúng mức để có thể phát lộ cái duyên, thậm chí là cái hồn tiềm ẩn ở hai bên bờ con sông hiền hòa này.
Điều này cần hiểu một cách đơn giản là hiện nay chưa có một không gian công cộng liền mạch dọc theo bờ sông, và các không gian công cộng hiện hữu cũng chưa thể nói là đã được quan tâm đúng mức. Hiểu một cách khác thì có nghĩa là thành phố chưa có được “mặt tiền” hướng ra con sông quan trọng nhất. Do đó, một diện mạo đặc thù, đậm bản sắc của một thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa được định hình.
Từ thập niên 70 của thế kỉ 19, Người Pháp khi vào Nam Kỳ rồi lưu trú, xây dựng khu vực trung tâm Sài Gòn hiện hữu đã gia cố, cải tạo và làm đẹp đoạn bờ tây sông Sài Gòn từ khu vực Bến Nhà Rồng (nhà Hải quan, bưu tín) cho đến đầu kênh Thị Nghè (kho cảng quân sự Ba Son) với mục đích trấn giữ bộ mặt cửa sông, từ quân sự, thương mại, dịch vụ cho đến thông tin liên lạc (cảng sông khi đó là đầu mối giao thương chính yếu ra bên ngoài).
Không gian công cộng dọc bờ sông Sài Gòn chỉ hình thành và bám trụ dọc theo các hoạt động thương mại và dịch vụ của đoạn “mặt tiền” ngắn ngủi tồn tại cho đến hôm nay như đã nhắc đến ở trên. Các khu vực bờ sông sau đó được phát triển dần về phía Bắc và Nam cho mục đích cầu cảng, phục vụ nhu cầu sản xuất, thương nghiệp, nhưng đó cũng là lúc mà mặt tiền bờ sông càng ngày càng bị “tư hữu hóa”.
Tiếp đó, trong suốt giai đoạn chiến tranh thống nhất đất nước thì toàn bộ khu vực bờ cảng này cũng được phục vụ chủ yếu vào mục đích an ninh, quân sự. Một không gian công cộng không phải là mục tiêu hàng đầu lúc này.
Trong suốt quá trình phát triển từ sau khi thống nhất đất nước 1975 đến nay, phải thừa nhận rằng tiềm năng kinh tế, nội lực của TP HCM vẫn chưa thực sự đủ sức để đầu tư xây dựng một quy hoạch hoàn chỉnh và mạch lạc dải mặt tiền quý giá này của Thành phố. Diện mạo chính của dòng sông, và kèm theo đó là của cả đô thị mang tên Sài Gòn vẫn trong giai đoạn “dậy thì”.
Các phê duyệt quy hoạch gần đây cũng một lần nữa nhấn mạnh tính cần thiết của việc định hình các không gian công cộng đúng nghĩa và có chất lượng dọc hai bên bờ sông, đặc biệt ở khu vực Trung tâm.
Tuyến đường Đông Tây dọc theo hai bờ kênh Tàu Hủ và nối qua hầm Thủ Thiêm là một nỗ lực đáng kể để kiến tạo lại bộ mặt đô thị. Các khoảng xanh, bờ kè dọc bờ kênh, dù khiêm tốn về diện tích, chưa được quy hoạch xây dựng thành một dải xanh hoàn chỉnh, nhưng cũng đã tạo ra các không gian công cộng được người dân tìm đến thụ hưởng. Các nghiên cứu quy hoạch đang được tiếp tục đào sâu theo hướng phát triển các mô hình giao thông đô thị hiệu quả, thân thiện với môi trường, phủ xanh tối đa các không gian công cộng, vỉa hè… Nếu được thực hiện tốt chắc chắn sẽ đem lại giá trị vững chắc cho sự phát triển, tính hấp dẫn và cạnh tranh của thành phố, qua đó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, tài chính một cách trực tiếp. Đây là điều mà cấp quản lý của tất cả các thành phố lớn, phát triển trên thế giới đều hiểu rõ về mối liên quan khăng khít giữa đầu tư và hiệu quả.
Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm không nằm ngoài lề của các chính sách chiến lược này. Được kỳ vọng tương đương Phố Đông của Thượng Hải (và thực tế cũng nằm ở bờ Đông sông Sài Gòn), các ý tưởng quy hoạch Thủ Thiêm không phải là hiếm, ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Sài Gòn, cách đây gần 150 năm các nhà quy hoạch Pháp đã hình dung và thiết lập bản đồ một đô thị mới cho 300 000 dân (bản đồ quy hoạch của Eyriaud de Vergnes -1862), không ít bản đồ quy hoạch lớn nhỏ khác nhau, kể cả những ý kiến phê bình, phân tích, phản bác qua nhiều thời kì bởi nhiều chuyên gia trong nước, ngoài nước kể cả Mỹ, Nga …
Quy hoạch phát triển Thủ Thiêm cũng đồng nghĩa với việc kiến tạo, định hình lại diện mạo không gian công cộng, không gian cảnh quan hiện hữu của bờ Tây, bởi hai bờ sông là yếu tố song sinh thúc đẩy sự nối kết và phát triển đồng bộ.
Quy hoạch hoàn chỉnh và có chất lượng ngay từ đầu các không gian công cộng dọc bờ sông Sài Gòn của Thủ Thiêm là một thách thức lớn và cũng là cơ hội có một không hai để đem lại hình hài trưởng thành của một đô thị phát triển ở quy mô vùng Đông Nam Á, thậm chí là châu Á và thế giới, điều mà Sài Gòn – TP HCM vẫn luôn trăn trở.
Không gian công cộng có chất lượng cộng với cơ sở hạ tầng kỹ thuật ổn định bền vững là yếu tố tiên quyết tạo ra giá trị và tính hấp dẫn của một đô thị, là cơ sở để thu hút đầu tư, để tạo ra môi trường nhân sinh, xã hội và văn hóa phát triển bền vững.
Ngay cả các đô thị đã phát triển phồn thịnh cũng vẫn không ngừng đầu tư, cải tạo, nâng cấp các không gian công cộng để tạo sự tin tưởng, thậm chí là tự hào của người dân, bởi đó chính là sự đảm bảo vững bền nhất cho sự thịnh vượng của một đô thị – như trường hợp của New York với quy hoạch Highline; London với các quy hoạch mới làm đẹp và nâng hiệu quả sử dụng các không gian công cộng, cảnh quan dọc các bờ sông; hay các thành phố lớn khác không có bờ sông như Marseilles, Barcelone, Rio de Janero … thì cũng tập trung mọi nỗ lực quanh các không gian công cộng dọc theo bờ biển. Ở Việt Nam, ai cũng biết trung tâm Hà Nội là Hồ Gươm là tháp Rùa, cùng con đường công viên bao quanh bờ hồ: Đó là bộ mặt, nhưng cũng là cái hồn, cái bản sắc riêng của Hà Nội.
Một tín hiệu đáng lưu ý khác là việc xây dựng tuyến đường tàu điện ngầm. Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp dùng từ Métro chỉ tàu điện ngầm và Métropole để chỉ Đô thị Chính. Việc thiết lập hệ thống tàu điện ngầm (đầu tiên tại châu Âu) cũng là lúc mà Paris tập trung khai triển hàng loạt quy hoạch cải tạo, nâng cấp, làm đẹp các không gian công cộng vốn đã hoành tráng của Thủ đô nước Pháp. Khi đưa hệ thống giao thông công cộng tàu điện đi ngầm cùng lớp với các hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác thì các không gian công cộng trên bề mặt có nhiều không gian để thở, để phủ xanh, để thưởng ngoạn hơn. Song song với nhiều dự án lớn khác, TP HCM cũng đang tích cực triển khai xây dựng tuyến tàu điện ngầm đầu tiên, với đoạn ngầm đi hẳn vào trung tâm thành phố, trước quảng trường Nhà hát Lớn. Toàn thể không gian công cộng khu vực trung tâm khi đó cần tạo thành một mạng lưới liên hoàn, và dẫn kết ra phía bờ sông, để mở sang bờ kia Thủ Thiêm.
Sài Gòn – TP HCM không thể lỡ hẹn với chính dòng sông đã tạo cho nó cái tên, cũng như không thể mường tượng đến con sông mà không có hình hài của đôi bờ. Có lẽ đây sẽ là thời điểm để người dân Sài Gòn sớm được chiêm ngưỡng vẻ đẹp, sự trưởng thành của một đô thị trẻ trung và năng động, thời điểm để Sài Gòn bước qua cái giai đoạn “dậy thì” rất sôi động nhưng cũng nhiều suy tư, trăn trở tìm kiếm …
Sài Gòn, tháng 7 – 2014
KTS Olivier Souquet
KTS Nguyễn Khánh Duy, DPLG
(Theo tapchikientruc)