Gắn bó với nghề Quy hoạch đô thị suốt mấy chục năm, từng là Kiến trúc sư trưởng TP. Hà Nội, TS. Đào Ngọc Nghiêm là người chứng kiến từng bước chuyển mình, tường tận sự đổi thay từng chút về diện mạo một Hà Nội từ sau ngày Giải phóng, để trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại sau 60 năm…
Xin ông cho biết, trong những năm đầu sau Giải phóng, Thủ đô trong tâm trí ông là một hình ảnh Hà Nội như thế nào?
Trong những năm đầu sau Giải phóng thì ấn tượng Thủ đô trong tôi là một Hà Nội rất nhỏ bé, được quản lý vô cùng chặt chẽ, có những nếp sống mà người dân phải trăn trở, suy nghĩ rất nhiều.
Sở dĩ tôi nói như vậy là vì khi đó phân hóa giàu nghèo rất rõ ràng. Những người lao động phải ở trong những khu nhà tồi tàn, chật hẹp, không đảm bảo chất lượng cuộc sống. Còn những người thu nhập cao, giai cấp thống trị thì ở trong những ngôi nhà khang trang, hiện đại.
Nhưng càng về sau này thì lại càng có sự khác biệt rất lớn. Nói cách khác, Thủ đô Hà Nội trước kia chỉ là một trung tâm hành chính, còn bây giờ đã trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục của cả nước. Sự chuyển hóa của Hà Nội trong 60 năm qua chính là sự chuyển hóa mang tính chất tích cực hơn nhiều, trở thành Thủ đô của cả nước, của cả cộng đồng dân cư chứ không phải chỉ là một không gian sống của một nhóm người giàu.
Hình ảnh về Hà Nội trong những năm tiếp theo đã thay đổi và phát triển như thế nào, thưa ông?
Nếu nhìn nhận lại bộ mặt của TP. Hà Nội sau 60 năm qua thì thấy có rất nhiều thay đổi. Sự thay đổi này thể hiện đầu tiên ở cấu trúc của đô thị. Nếu trước Giải phóng, Thủ đô Hà Nội là một thành phố tiêu thụ là chính, một thành phố phân hóa giàu nghèo rất rõ ràng thì trong những giai đoạn tiếp theo, chúng ta đã cấu trúc lại hoàn toàn đô thị Hà Nội. Người dân lao động, cán bộ công nhân viên chức đã được coi trọng và là chủ thể của xã hội. Đây là sự thay đổi mà theo tôi được thể hiện rõ rệt nhất.
Sang đến những năm tiếp theo, mặc dù ở vào thời kỳ kế hoạch hóa như thời điểm 1954 – 1975 hay cho đến năm 1986, mặc dù quá trình xây dựng chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhưng Hà Nội đã có sự biến đổi lớn về diện mạo.
Trước hết, nhà ở là loại công trình được quan tâm nhiều nhất. Từ những năm đầu, nhà ở chỉ là những căn phòng, còn lại tất cả các công trình phụ là sử dụng chung theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Sau đó, chúng ta đã xây dựng lên những khu nhà ở, những căn hộ và từng bước độc lập dần, có đầy đủ bếp núc, công trình phụ. Cho đến ngày nay chúng ta có thể thấy, hình ảnh của Hà Nội đã gắn liền với những khu nhà ở cao cấp, hiện đại. Đó chính là quá trình chuyển hóa rất nhanh và mạnh mẽ.
Nói về những điều không phải để ca tụng nhau, mà ngay cả những vị khách nước ngoài đến Việt Nam cũng đều khẳng định: trong một giai đoạn như thế, Việt Nam đã làm được những khu nhà ở như thế thì nên xem là những di sản của một thời kỳ, nên xem đây là dấu ấn của sự vươn lên của con người mà trong đó Hà Nội là thành phố dẫn đầu.
Sự thay đổi thứ hai mà chúng ta có thể nhận thấy là sự ứng dụng của khoa học kỹ thuật mới vào trong kiến trúc. Kiến trúc phải gắn kết với yếu tố truyền thống, nhưng luôn luôn phải gắn với cả yếu tố hiện đại. Để chắp cánh cho sự hiện đại trong kiến trúc thì phải có khoa học kỹ thuật. 60 năm qua là 60 năm mà kiến trúc Hà Nội đã được khoa học kỹ thuật tiếp sức rất lớn.
Ví dụ như về kết cấu, về vật liệu xây dựng, về thẩm mỹ của con người thể hiện trong kiến trúc đã có thay đổi. Trước khi Giải phóng, Hà Nội chỉ có một ngôi nhà cao nhất là ngôi nhà 7 tầng ở Phố Tràng Thi, đó là báo Nhân dân cũ. Cho đến năm 1986 là giai đoạn bao cấp thì ngôi nhà cao nhất được giải thưởng là ngôi nhà 11 tầng. Nhưng đến nay, sau 60 năm chúng ta đã có những ngôi nhà mang tầm vóc khu vực, tầm cỡ thế giới là ngôi nhà hơn 70 tầng và chắc chắn sau này còn cao hơn nữa. Chúng ta đã tiếp cận được những kỹ thuật hiện đại và chính những kỹ thuật này đã chắp cánh cho kiến trúc, kiến trúc đã tiếp cận gần hơn với những ý tưởng mà con người mong muốn. Đây là sự thành công của những người làm kiến trúc.
Thứ ba, kiến trúc của chúng ta đã từng bước hội nhập với quốc tế và có kết quả. Trong 60 năm qua, từ chỗ chúng ta kế thừa những kiến trúc mà người Pháp mang đến, là kiến trúc Châu Âu, thì đến nay, không những chúng ta tiếp cận mà còn tiếp tục đổi mới để đưa kiến trúc đó không chỉ là của Việt Nam mà còn gắn với những yếu tố hiện đại. Đây là nét rất đặc trưng.
Cho nên, trong một số giải thưởng kiến trúc vừa qua, Việt Nam chúng ta cũng được rất nhiều giải thưởng. Trong nhìn nhận, đánh giá kiến trúc hiện nay, người ta cũng nhận thấy kiến trúc không phải là sản phẩm của hội nhập quốc tế, nghĩa là xây ở đâu cũng được, mà phải mang bản sắc riêng. Chúng ta đã từng bước làm được điều này. Đây cũng là một trong những yếu tố thể hiện sự thay đổi diện mạo của Thủ đô.
Nói như vậy không có nghĩa là quá trình quy hoạch kiến trúc Hà Nội không có những hạn chế nhất định?
Đúng là vậy, hình ảnh Hà Nội đã thay đổi rất tích cực, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận những tồn tại mà cần phải xem xét. Đó là mối quan hệ giữa phát triển mới và bảo tồn.
Hiếm có một đô thị nào có một Quỹ di sản như ở Hà Nội. Sau mở rộng vào năm 2008, Hà Nội đã là 1 trong 13 Thủ đô có 1000 năm tuổi, và là đô thị có diện tích lớn nhất cả nước. Hà Nội cũng là một trong 10 Thủ đô có diện tích lớn trên thế giới.
Hà Nội có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Suốt chiều dài phát triển, bên cạnh việc tôn tạo những giá trị di sản, được thể hiện ở việc tôn tạo, gìn giữ các khu phố cổ, những khu phố cũ, những danh lam thắng cảnh… chúng ta đã xây dựng được những khu đô thị mới hiện đại, gắn kết lại giữa cũ và mới, đồng thời tạo ra được bộ mặt mới.
Nhưng cái tồn tại, yếu kém ở đây là chúng ta chú trọng đến việc phát triển cái mới, nhưng đặt nó trong mối liên hệ với bảo tồn như thế nào để vừa phát triển, vừa bảo tồn thì lại chưa được quan tâm đúng mức.
Bao nhiêu năm nay, khu nội đô, khu phố cổ đã được bàn luận rất nhiều nhưng việc bảo tồn lại mới chỉ có mức độ. Đây là một trong những vấn đề không chỉ nằm ở vai trò của cộng đồng mà còn là cơ chế chính sách. Tôi nghĩ đây chính là tồn tại mà chúng ta cần phải lưu ý.
Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để trong thời gian tới, vừa tạo được hình ảnh một Hà Nội hiện đại, văn minh, sánh ngang với các Thủ đô trong khu vực, nhưng vẫn lưu giữ được bản sắc riêng của mình?
Trong định hướng phát triển, chúng ta đã khẳng định, phải xây dựng một Hà Nội không chỉ xứng tầm là Thủ đô của cả nước, mà còn phải là đô thị có vị trí ở khu vực và trên thế giới. Vậy một đô thị muốn có sức cạnh tranh, muốn phát triển lớn mạnh thì không phải chỉ hòa đồng với các đô thị khác mà còn phải tạo ra được bản sắc riêng.
Bản sắc riêng ở đây chính là một Hà Nội xanh. Tỷ lệ 30/70 đã phần nào thể hiện sự xanh, nhưng cái xanh ở đây không chỉ là nông nghiệp, lâm nghiệp mà còn phải thể hiện ở cả các khu bảo tồn, ở cả các khu nội đô cũ. Một Tthủ đô văn hiến thì phải tiếp tục có sự kế thừa để tạo ra nét đặc trưng.
Vấn đề này một số nước đã có sự khai thác rất tốt. Còn Hà Nội của chúng ta có cả trăm nghìn di tích, trong đó có khoảng 4000 di tích xếp hạng quốc gia, có 9 di tích quốc gia đặc biệt và 4-5 di tích, di sản văn hóa thế giới, thì làm thế nào chúng ta phải phát triển được nó để thu hút người dân, thu hút được khách nước ngoài. Có một bài học rất lớn ở các nước, đó là chỉ cần một di sản văn hóa được xếp hạng thế giới thôi thì đã mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước rồi.
Hà Nội vừa qua cũng vậy, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, với việc phát triển các di tích, tổ chức các hình thức du lịch đã thu hút được rất nhiều khách nước ngoài. Thế giới người ta cũng đã nói: không có một biểu tượng nào có sức thu hút lớn hơn việc phát triển và bảo tồn các di tích.
Nhưng Hà Nội không chỉ có văn hiến mà còn có văn minh. Văn minh có nghĩa là chúng ta phải tiếp cận những yếu tố mới có sàng lọc để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Người dân ở đây không chỉ là những người cao tuổi mà còn là giới trẻ. Đây là định hướng phát triển của TP. Hà Nội và muốn như vậy thì phải tạo lập được hệ thống các công trình phục vụ điều này, như các công trình thể dục, thể thao, công trình văn hóa, giáo dục… Cái này chúng ta đang làm, nhưng cũng còn những tồn tại.
TP. Hà Nội cũng còn phải hiện đại. Hiện nay, chúng ta đã có những khu đô thị hiện đại, có các công trình giao thông, điện nước, xử lý rác thải… nhưng cũng còn nhiều vấn đề mà không cần nói ra ai cũng biết.
Thế thì, với những định hướng như vậy thì kiến trúc phải có một sự chuyển mình lớn để phù hợp với sự phát triển sau 60 năm. Sự chuyển mình này theo hướng xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại, nhưng đặc biệt là phải đáp ứng được phát triển bền vững. Để làm được điều này, những nhà kiến trúc sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Trong thời gian tôi làm quản lý, bài học rõ rệt nhất có thể thấy là giai đoạn hiện nay, muốn một kiến trúc có chất lượng, muốn một kiến trúc trở thành biểu tượng, muốn một kiến trúc đi vào lòng dân thì rõ ràng người làm quản lý phải hiểu nghề và người làm nghề phải có cái tâm, chứ không phải chỉ xem nghề của mình là một ngành nghề kinh doanh. Hiện nay chúng ta vẫn còn rời rạc quá, mạnh ai nấy làm.
(Theo motthegioi)
Bình luận từ Facebook