“Tôi thấy không nên dùng khu di sản quý nhất của thủ đô vào việc làm sân ga, bởi vì nếu như vậy không khác nào đâm thẳng vào trái tim đó”.
Cần giữ cho Hồ Gươm một không gian yên tĩnh
Chia sẻ thông tin với PV ngày 9/10, nói rõ hơn về việc nhà ga C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo sẽ được đặt trên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội) – vị trí sát ngay hồ Gươm, KTS.Nguyễn Xuân Anh – Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng) cho rằng xây dựng đường sắt đô thị là cần thiết, nhưng đừng áp sát quá vào khu vực Hồ Gươm.
Ông Anh cho biết thêm: “Cần phải giữ cho Hồ Gươm một không gian yên tĩnh, sở dĩ nơi này đẹp là vì không có quá nhiều người sử dụng, nên nếu xây dựng nhà ga lùi xa được độ khoảng 500m là rất tốt”.
Mặc dù, quan điểm của ông Anh không phản đối việc đưa ga tàu điện ngầm vào trung tâm, bởi đây là việc làm đúng, nhưng không có nghĩa nó cần nằm chính giữa trung tâm, mà nó chỉ cần nằm trong phạm vi khu trung tâm là hoàn toàn được. Về mặt chuyên môn quy hoạch thì thường sẽ không bao giờ cho thẳng vào điểm vốn dĩ rất nhạy cảm.
Phân tích rõ hơn về chuyện này, ông Anh nói: “Ai cũng biết nhà ga, ở tất cả các nước trên thế giới, thì nhà ga vẫn là nơi hỗn độn, tệ nạn, lừa đảo nhiều nhất. Còn ở phương Tây họ cũng có những ga đường sắt đi vào trung tâm, nhưng họ sẽ đưa khách lên quảng trường rất lớn, để giải tỏa người vào ga”.
Theo ông Anh, không nên dùng di sản quý nhất của thủ đô vào việc làm sân ga. Vì Hồ Gươm trước hết là biểu tượng của ký ức ngàn năm đô thị, chứng kiến và lưu dấu ấn của cả thời tiền Thăng Long, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Pháp thuộc… và toàn bộ lịch sử hiện đại của Thủ đô. Trong suốt chiều dài lịch sử nó luôn là không gian trọng yếu.
Điều đáng quan tâm hiện nay, theo ông Anh thì các dấu tích lâu đời của các triều đại xưa xung quanh hồ cũng không còn nhiều, do vậy cần được làm nổi bật. Thậm chí, chỉ còn một nhóm nhỏ, ngày xưa Pháp cũng đã phá đi nhiều, chỉ giữ lại vài điểm nhấn nhỏ như đền Ngọc Sơn, đình Vua Lê, tháp rùa, có nghĩa còn một số di tích nhất định, nhưng không còn nhiều. Hơn nữa, thực ra Hồ Gươm là một tổng thể, là trái tim thủ đô nên chúng ta phải bảo vệ.
Đưa ra phương án cụ thể, ông Anh chỉ rõ, đoạn đường từ quảng trường ngày xưa ra đến tận Ngân hàng nhà nước, khoảng đất này nếu làm nhà ga thì tốt hơn, thậm chí có thể được xa hơn nữa.
Giao thông đang đi ngược chủ trương thành phố
Trước mục đích của dự án được nêu ra, vị trí nhà ga đặt sát hồ Gươm được cho là sẽ giảm thiểu tác động và bảo tồn di tích quanh hồ như tháp Bút, đền Bà Kiệu, đồng thời tạo điều kiện để hành khách tiếp cận thuận tiện các địa điểm văn hóa, lịch sử khu vực hồ Gươm.
Ông Anh cho rằng, nếu muốn chứng minh được chuyện này thì phải dựa trên sự tính toán, có nghĩa phải được chứng minh bằng thực tế, lưu lượng người ra vào hàng ngày, có mấy vạn người, sức tải không gian bao nhiêu, cộng với sức tải hiện trạng thế nào?.
Hiện nay, không có nhà ga mà vào thời gian cao điểm có lễ hội khu vực này đã chật cứng người, nếu phải tải thêm một lượng khách như vậy nữa, thì họ phải chứng minh đánh giá môi trường xã hội, môi trường chiến lược, sẽ cần chứng minh không gian đó tải được bao nhiêu thì mới nói đến được chuyện phục vụ du lịch.
Còn chuyện bảo tồn sắc thái không gian này thì phải cần đến ý kiến của nhiều nhà bảo tồn phân tích. Bởi đây là câu chuyện liên quan đến nhiều lĩnh vực không chỉ là giao thông, mà còn là bảo tồn, thiết kế đô thị nên cần được chứng minh bằng những luận chứng cụ thể.
Cũng không hoàn toàn phủ nhận những mặt tích cực có được từ công trình này, ông Anh nhận định: “Đương nhiên khi có điểm giao thông công cộng, sẽ thuận tiện hơn cho việc tham quan, nhưng cần tiếp cận một cách nhẹ nhàng. Tôi nói ngay đến một hình tượng, cũng như khi bạn đón khách vào nhà chơi, bạn sẽ đón họ ở cổng thay vì phòng ngủ, bạn cần tạo ra một khoảng đệm để họ có thể đi vào theo một đường dẫn nào đó, hơn là đi trực tiếp vào không gian nhạy cảm”.
Ở các đô thị phương Tây vốn dĩ họ làm có bố cục rất tốt, cũng bởi họ có nhiều trung tâm gần nhau, giảm tải lẫn nhau, hỗ trợ nhau. Trường hợp của Hà Nội lại khác, một là, hiện nay dân số vượt mức chúng ta có thể quản lý, hai là, Hà Nội là đô thị một tâm, tức là tất cả các công trình đều vòng quanh đúng một tâm, sẽ thật nguy hại nếu có một công trình đâm vào tâm đó.
Hơn thế, ông Anh chỉ ra một nghịch lý, trong khi xu hướng của Hà Nội hiện nay là tập trung hóa trung tâm, đưa trường Đại học, đưa công sở ra ngoài, đây là xu hướng rất đúng. Nhưng xu hướng giao thông lại đi ngược lại chủ trương chung của thành phố, nên chắc chắn sẽ có tác hại nhất định.
Thiếu sự đồng bộ
Nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Anh cho biết thêm: “Sự phối hợp giữa giao thông và sử dụng đất hiện nay không đồng bộ, tức là giao thông có thể trình lên 1 dự án độc lập, không thông qua ý kiến của các chuyên gia về quy hoạch. Cũng như việc có một con đường mới, sẽ tạo ra giá trị mới ở xung quanh 2 con đường”.
Thế nhưng, theo ông Anh, khi có một đề xuất mới về giao thông đi qua một đô thị thì việc rất quan trọng là nghiên cứu tác động xã hội, sau đó có chiến lược để đồng tiền nhà nước được đầu tư hiệu quả.
Nhiều khi xây một con đường mới, người hưởng lợi lại là ông chủ nào đó hai bên đường chứ không phải nhà nước. Nên ở đây phải làm rất kỹ giao thông kết hợp với sử dụng đất như thế nào, nhưng hiện nay đề xuất giao thông đang một mình một kiểu.
Mặt khác, sau đó nó lại được phê duyệt sớm, hậu quả là đô thị chạy sau đồng tiền lợi nhuận, từ việc nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị nó sẽ bị rơi trượt ra ngoài rơi vào tay ông chủ khác.
Bên cạnh đó, ông Anh cũng đề nghị biến 3/4 đường phố khu vực quanh Hồ Gươm thành không gian đi bộ. Kế hoạch này sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và sẽ là cơ hội giao lưu lớn. Tuy nhiên, theo ông Anh, đây là một chiến lược dài hạn và rất khó khăn vì phương tiện xe máy đang rất nhiều ở khu vực này.
Theo kế hoạch từ đầu năm 2013, nhà ga C9 thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo sẽ được đặt trên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội) – vị trí sát ngay hồ Gươm. Vị trí nhà ga đặt sát hồ Gươm được cho là sẽ giảm thiểu tác động và bảo tồn di tích quanh hồ như tháp Bút, đền Bà Kiệu, đồng thời tạo điều kiện để hành khách tiếp cận thuận tiện các địa điểm văn hóa, lịch sử khu vực hồ Gươm… Toàn tuyến đường sắt đô thị số 2 có tổng chiều dài 11,5km, trong đó có 8,5km ngầm và 3km trên cao. Dự kiến, năm 2017 tuyến sẽ có bốn toa tàu, sau năm 2017 sẽ tăng lên sáu toa, tới năm 2020 tàu sẽ vận chuyển khoảng 535.000 lượt hành khách mỗi ngày. Tuyến metro số 2 sẽ xuất phát từ Nam Thăng Long (khu đô thị Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng qua khu vực phố cổ (Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào) tới phố Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài và kết thúc ở đường Trần Hưng Đạo. |
(Theo bizlive)