Kienviet.net – Giải thưởng Pritzker đã có lịch sử hơn 35 năm trao giải, đựơc đánh giá là một giải thưởng danh giá trong ngành Kiến trúc, được so sánh như là giải Nobel trong ngành này nên được trở thành người được giải (một Laurete) là niềm tự hào của bất cứ kiến trúc sư nào trên thế giới.
Lịch sử của giải thưởng
Giải Pritzker bắt đầu từ khi gia đình Pritzker, khi ông Jay A. Pritzker cùng vợ thành lập giải thưởng này vào năm 1979 tại thành phố Chicago. Ngay từ khởi đầu, mục tiêu giải thưởng là:”Để vinh danh một KTS còn sống mà công trình đã thực hiện của họ thể hiện một sự kết hợp những phẩm chất: tài năng, tầm nhìn và cam kết từ đó tạo nên những đóng góp phù hợp và quan trọng cho nhân loại , cho môi trường xây dựng thông qua nghệ thuật kiến trúc ”.
Theo lời của Ông Thomas J. Pritzker chủ tịch của Quỹ Hyatt Foundation, cha & mẹ ông tin rằng một giải thưởng có uy tín không chỉ khuyến khích, kích thích công chúng chú ý tới một vài công trình cụ thể mà còn có khả năng truyền cảm hứng sáng tạo lớn lao trong nghề kiến trúc.
Nhưng những ý tưởng về một giải thưởng như vậy lại được xuất phát từ nhận thức kinh doanh của một gia tộc nổi tiếng kinh doanh ở Mỹ, vốn đặt nền móng tại TP Chicago, trung tâm của những tòa nhà cao chọc trời, những công trình đựợc thiết kế bởi những KTS huyền thoại như Louis Sullivan, Frank Lloyd Wright , Mies van der Rohe…Vào năm 1967, gia tộc này mua được một tòa nhà chưa hoàn thiện mà nay là Hyatt Legacy Atlanta, thiết kế thông tầng có mái che của công trình này đã cực kỳ thành công và yếu tố này trở thành một dấu hiệu nhận diện của cụm khách sạn Hyatt trên toàn thế giới. Thiết kế này ngay lập tức thể hiện sự tác động rõ rệt tới tâm trạng của khách hàng & thái độ của nhân viên khách sạn. Với bối cảnh kiến trúc của TP Chicago, cùng với công việc thiết kế và xây dựng khách sạn làm gia tộc Pritzker nhận thức được sự tác động của kiến trúc tới hành vi của con người.

Chính vì những điều kiện cơ bản trên mà ông Jay A. Pritzker cùng vợ là Cindy Pritzker đi tới quyết định thành lập một giải thưởng mà vinh danh những kiến trúc sư đang còn sống vào năm 1978, kể từ đó tới nay, giải thưởng này càng ngày càng uy tín và có tiếng vang trên toàn thế giới.
Uy tín đến từ đâu ?
Để trả lời được câu hỏi này không dễ dàng nhưng dưới đây là những điểm đóng vai trò là “những viên đá tảng” đảm bảo cho sự thành công trong suốt 34 năm qua của giải thưởng “Nobel Kiến trúc” này:
Đơn vị bảo trợ có uy tín: Trước tiên phải nói tới sự bảo trợ của gia tộc Pritzker , một trong những gia tộc thế lực nhất nước Mỹ. Gia tộc này xuất hiện trong danh sách của Forbes từ năm 1982, nhiều thành viên gia tộc này thường xuất hiện trong bảng xếp hạng 400 người giàu nhất thế do tạp chí Forber bình chọn. Ngoài việc sở hữu tập đoàn khách sạn Hyatt, gia tộc này còn nắm trong tay tập đoàn kinh tế Marmon Group, hãng tín dụng TransUnion, ngân hàng Superior Bank of Chicago, công ty thuốc lá Conwood, và hãng tàu Royal Caribbean.
Uy tín của gia tộc Pritzker cùng khả năng tài chính của họ đủ để đảm bảo một giải thưởng có ý định ảnh hưởng toàn cầu có thể thành công chắc chắn.
Có định dạng tốt: Ngay từ đầu, giải thưởng này tiếp cận với ý định là “Giải Nobel kiến trúc” với việc sử dụng lại cấu trúc giải thưởng Nobel, đây cũng có thể coi là một cách tiếp cận mang tính chất kinh điển trong truyền thông, sử dụng uy tín sẵn có của giải Nobel để làm nền tảng cho một giải thưởng mới, thông qua đó giải thưởng mới thế hiện được kỳ vọng cũng như tầm vóc của mình.
Có quy trình đề cử rõ ràng: Giải Pritzker nhấn mạnh vào việc không phân biệt quốc tịch, chủng tộc, tín ngưỡng hay ý thức hệ., điều này nhấn mạnh yếu tố kiến trúc là tối thượng với giải thưởng này.
Kiến trúc sư được mọi người đề cử để bình chọn cho giải thưởng, đây cũng là hình thức tương tự như giải thưởng Nobel, mọi đề cử có thể đến từ nhiều thành phần khác nhau, miễn là những người bầu chọn cho đề cử có kiến thức, sự quan tâm tới việc thúc đẩy sự phát trỉên của kiến trúc.Cách này đảm bảo rằng KTS được đề cử được thừa nhận từ cộng đồng và xã hội.
Giám đốc điều hành giải đồng thời cũng lấy những đề cử từ những người đã từng đoạt giải, từ các kiến trúc sư, học giả, nhà phê bình, các chính trị gia, các chuyên gia lien quan các hoạt động văn hóa,..có chuyên môn, mối quan tâm tới lĩnh vực kiến trúc.Đây là một cách để đảm bảo KTS được đề cử và đánh giá bởi giới chuyên môn& đồng nghiệp.
Ngoài ra KTS có thể trực tiếp tự đề cử mình vào danh sách bầu chọn, đây là một điểm độc đáo và đã từng có một tiền lệ trong giải Pritzker, khi mà vào năm 1988, KTS Gordon Bunshaft tự đề cử mình vào giải thưởng và thành công. Điểm thú vị này khiến giải thưởng trở nên thân thiện và chặt chẽ.
Giảm khảo danh tiếng & qui định khắt khe: Luôn luôn có một luật bất thành văn cho việc đánh giá chất lượng bất cứ cuộc thi & giải thưởng kiến trúc nào, hãy xem danh sách Ban giám khảo. Uy tín của từng cá nhân giám khảo chính là chỉ dấu cũng như biểu hiện “giá trị”, “sự chuyên nghiệp”, “tầm vóc” của giải thưởng. Dưới đây là những qui định về Giám khảo của Giải thưởng Pritzker:
Ban giám khảo là những thành viên độc lập với số lượng từ 5-9 người, các thành viên ban giám khảo phải hoạt động trong nhiều năm nhằm đảm bảo cân bằng giữa số thành viên mới và cũ.

Thành viên ban giám khảo phải là những người được thừa nhận là chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực sau: kiến trúc, kinh doanh, giáo dục, xuất bản & văn hóa.
Không có bất cứ thành viên nào của gia tộc Pritzker hay người quan sát bên ngoài có mặt trong các cuộc thảo luận của ban giám khảo mà thường được tổ chức vào tháng đầu tiên của năm dương lịch.
Truyền thông độc đáo: Kể từ khi thai nghén, giải thưởng Pritzker đã được đặt trên một bệ phóng truyền thông lớn, bằng việc sử dụng lại định dạng của giải thưởng danh giá Nobel, được bảo trợ bởi một gia tộc có thế lực tại Mỹ…Sự đặc biệt giải thưởng này còn được thể hiện qua cách trao giải thưởng &chiếc mề đay bằng đồng được thiết kế độc đáo, một chiến thuật truyền thông kinh điển nhằm làm gia tăng giá trị giải thưởng.
Lễ trao giải sẽ được tổ chức hàng năm (thường vào tháng Năm) tại một địa điểm kiến trúc quan trọng toàn cầu. Trên website của Giải thưởng cũng nhất mạnh: “Việc lựa chọn địa điểm lễ trao giải nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường xây dựng đồng thời đem tới sự độc đáo cho buổi lễ”, việc thay đổi địa điểm tổ chức lễ trao giải cũng nhằm thể hiện sự tôn kính với kiến trúc của những thời đại và các tác phẩm của những người đoạt giải trước đó.
Chiếc mề đay bằng đồng biểu tượng của giải thưởng dựa trên những thiết kế của KTS Louis Sullivan, người được mệnh danh là cha đẻ của nhà cao tầng. Một mặt thể hiện tên cuả giải thưởng, mặt còn lại có khắc 03 chữ La tinh firmitas, utilitas, venustas nhắc lại những nguyên tắc cơ bản của KTS người La Mã Vitruvius: bền vững, tiện ích & mỹ quan. Thậm chí trước năm 1987, người đoạt giải thưởng còn được tặng kèm một phiên bản hạn chế của tác phẩm do cố điêu khắc gia Henry More thực hiện.


Giải thưởng còn sử dụng website www.pritzkerprize.com truyền tải thông tin giải thưởng chi tiết, kịp thời, đầy đủ những thông tin về cuộc thi: mục đích, tiêu chí, lịch sử, giám khảo, giải thưởng, người đoạt giải….đã tạo nên sự minh bạch , thể hiện được chuyên nghiệp tổ chức của giải Pritzker.
Những tồn tại
Vào năm 2013, một tổ chức sinh viên có tên gọi “Phụ nữ trong thiết kế” tại trường Havard Graduate School of Designthay mặt cho bà Denise Scott Brown đã xúc tiến một bản kiến nghị tới Hội đồng để được công nhận là đồng nhận giải thưởng Pritzker với chồng mình là Robert Venturi (vào năm 1991). Vụ việc nhắc đến những rào cản và sự phân biệt đối với phụ nữ trong việc họ nhận được giải thưởng cao quí trong lĩnh vực Kiến trúc cho mãi tới khi Zaha Hadid được trao giải vào năm 2004. Mặc dù bản kiến nghị nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, nhưng ban tổ chức tuyên bố rằng họ không thể xem xét lại quyết định của ban giám khảo trong quá khứ để có thể trao giải cho Denise Scott Brown cũng như Lu Wenyu, vợ & đồng nghiệp của KTS Wangshu, người đoạt giải vào năm 2012.

Câu chuyện bình đẳng giới trong việc trao tặng giải thưởng cao quí này sẽ còn tiếp tục dài dòng, trong lúc đó, kể từ 2004 mới chỉ có thêm nữ KTS Kazuyo Sejima. (SANAA) đoạt giải ( 2010).
Vài suy nghĩ
Giải thưởng Pritzker đã trải qua 34 năm hoạt động, đối với một giải thưởng thời gian chính là nhân tố tạo dựng thêm giá trị cũng như có thể là xóa mờ những thành tựu của một giải thưởng.Uy tín của giải thưởng Pritzker bắt đầu từ việc nâng đỡ của gia tộc Pritzker nhưng cùng với thời gian nó vượt lên trở thành biểu tượng của sự cao quí nhất của nghề nghiệp kiến trúc.Đứng trước những đòi hỏi mới của thời đại, giải Pritzker chắc hẳn sẽ phải có những biến đổi phù hợp để tiếp tục duy trì vị thế của một giải thưởng lớn,
“Nhìn người mà ngẫm tới ta”, đối với “Giải thưởng Kiến trúc quốc gia” sau những di sản qua năm tháng phát triển, thời đại mới đưa ra những đòi hỏi mới yêu cầu Hội KTSVN thích ứng để phù hợp với một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và hội nhập quốc tế.



KTS Vương Đạo Hoàng
(Theo Tạp chí Kiến trúc số tháng 3 năm 2014)