Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, với tư cách chủ tịch hội kiến trúc sư Hà Tây, tôi được tham gia là thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Ngày ra mắt ủy ban hôm đó, ngồi ở một hàng ghế, bên tay trái tôi nhà văn Phượng Vũ, giám đốc sở văn hóa Thông tin, phía phải là nhà báo Đắc Hữu Tổng biên tập báo Hà Tây. Nhà văn Phượng Vũ dúi vào tay tôi cuốn tạp chí Sông Hương và khẽ khàng: “Cậu đọc đi!”. Tôi vội cầm lấy và mở đúng  vào vị trí bài anh giới thiệu câu chuyện “Năm người cùng tuổi”. Tôi cùng nhà báo Đắc Hữu đọc nghiến ngấu. Bây giờ nhà văn Phượng Vũ đã đi xa, câu chuyện của 5 người cùng tuổi cũng đã đi vào quá khứ. Được biết hậu câu chuyện ấy còn có cả dư âm bi hài nên chẳng ai nhắc lại làm gì.

Hội nghị đang tập trung cao, người chủ trì giới thiệu một vị lãnh đạo cấp côi của tỉnh lên quán triệt. Nhà văn Phượng Vũ lại đưa cho tôi một tập tài liệu dày, những bản tham luận của các nhà khoa học chuyên môn về  chủ đề “Bà Trưng quê gốc ở đâu?”. Do thời gian ngắn, tôi chỉ kịp đọc lướt mới được khoảng non nửa. Một số bài các tác giả đã khẳng định: “Bà Trưng quê ở Hà Tây”. Điều này làm tôi không hiểu ra làm sao cả. Dân ta ai chả thuộc lòng câu ca: “Bà Trưng quê ở Châu Phong”. Câu ca xưa đã đi vào cõi sâu thẳm lòng người dân đất Việt bao đời.

Cổng làng Đường Lâm
Cổng làng Đường Lâm

Vào khoảng năm  2005, tôi và kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Chu về nghiên cứu làng nghề xã Tam Hiệp. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm con thú nhồi bông và may mặc. Một làng mà có tới 1500 máy may Zuki của Nhật, số máy may này do các gia đình tự sắm và con em họ may gia công tại nhà cho các thương lái đưa hàng và thu gom sản phẩm tận nơi. Trong khi đi nghiên cứu, chúng tôi có dịp đến thăm ngôi đình làng Mỹ Giang trong xã. Đình thờ Đức Thành Hoàng Đỗ Năng Tiến.Được cụ thủ từ tiếp đón thân tình.Cụ đã đến 82 tuổi nhưng còn rất minh mẫn.Cụ giới thiệu cho chúng tôi xem cuốn Thần Phả của ngôi đình, trong đó có đoạn đại ý: “Sinh thời ông Đỗ Năng Tiến là thầy dạy của Trưng Trắc và Trưng Nhị. Khi thái thú Tô Định tấn công miền đất ấy và giết Thi Sách chồng bà Trưng Trắc.Với lòng quyết tâm “rửa hận nước trả thù nhà”, hai Bà quên phận nữ nhi, cưỡi trên lưng voi ra trận. Hai ông bà Đỗ Năng Tiến đều tham gia gắng sức giúp đỡ cho các học trò của mình và kêu gọi toàn dân đứng dậy diệt giặc cứu nước. Cuộc chiến đấu kéo dài từ năm 40 đến năm 43 sau công nguyên thì bị mưu kế hiểm độc và hèn hạ của Tô Định, hai bà thế cùng lực kiệt đành nhẩy xuống sông Hát Giang trẫm mình bảo toàn khí tiết. Bà Man Thiện đang ở vùng Sơn Tây, được tin bèn mang theo chiến thuyền xuống ứng cứu. Đến nơi bà được biết tin dữ lại bị quân giặc tiến đánh, bà đành quay lui và về đến bến Cam Thịnh rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Hiện nay trên cánh đồng làng Cam Thịnh thuộc Đường Lâm vẫn còn ngôi mộ của bà. Vậy bà Man Thiện mẹ của hai bà Trưng Trắc Trưng Nhị quê gốc Đường Lâm như một số nhà khoa học khẳng định là có thể tin được.

Vào năm 2005,  làng Cổ Đường Lâm được công nhận là Di Tích lịch sử cấp quốc gia với Đất 2 vua, đền Thờ Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương), đền thờ và lăng Ngô Quyền (Tiền Ngô Vương bia ký dựng năm 1473) nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh (xây năm 1635) với khí phách hiên ngang “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” và chùa Mía xây dựng vào năm 1621…

Xã Đường Lâm có 9 làng, mỗi làng đều có đình chùa và đang lưu giữ hàng trăm ngôi nhà cổ, nhà thờ họ. Đặc biệt làng Mông Phụ có ngôi đình thờ Đức Thánh Tản Viên và lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ và có giá trị nghệ thuật nhất trong xã, chiếm đến trên 80% tổng số nhà cổ của Đường Lâm. Ngoài ra còn lưu giữ nhiều nhà thờ của các dòng họ như nhà từ đường họ Giang, họ Hà và họ Phan thuộc dòng trâm anh thế phiệt. Tôi nhớ lại bài thơ viết khi bước chân vào làng cổ: “Con đường đất hút vào làng cổ/ Tường đá ong trầm mặc thời gian/ Rặng duối nghìn năm thiền đại thụ/ Phải khí thiêng tụ hội đất làng”. Nơi đây quả là vùng đất khí thiêng tụ hội suốt cả quá trình chiều dài lịch sử từ sau công nguyên cho đến tận ngày hôm nay.

DSC_0573_847x1200

Làng cổ Đường Lâm còn có một công trình nổi tiếng khác. Nó đơn sơ mộc mạc như một ngôi nhà bình thường nhưng nó đã tồn tại hàng trăm năm và đã khắc sâu vào tình cảm người dân trong làng cũng như du khách thập phương và chính nó đã tạo nên hồn bóng quê hương làng cổ.

Chúng tôi những người nghiên cứu về nhà cổ dân gian xứ Đoài đến Đường Lâm vào đúng ngày giỗ lần thứ 375 Thám hoa Giang Văn Minh. Tiếp chúng tôi là đồng chí chủ tịch UBND xã, đồng chí còn là hậu duệ của cụ Thám Hoa. Được đồng chí giới thiệu chi tiết về ngôi đền thờ của cụ, sau đó đồng chí đã cử người đưa chúng tôi đến những ngôi nhà cổ trong làng. Đây chính là phần tạo linh hồn cơ bản của làng cổ. Từng con đường đất đỏ, từng bức tường đá ong, từng cái cổng nhà, từng chiếc giếng đá ong trong mát dải khắp mỏi ngả đường lối xóm. Với một không gian xanh mát tĩnh lặng đã gieo vào lòng chúng tôi những cảm xúc thân thương và gần gũi.

Vừa qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đồng loạt nêu những vấn đề bức xúc diễn ra trong quá trình tu bổ và tôn tạo từ đường, lăng của tiền Ngô Vương. Chúng tôi không rõ thực hư thế nào và cũng kịp có mặt. Tại sao vấn đề lại quá phức tạp và gây quá nhiều bức xúc với dư luận đến vậy, nhất là đối với con cháu dòng họ Ngô cũng như nhân dân địa phương, không ít những người biết quý trọng văn hóa truyền thống , khách du lịch thập phương kể cả du khách nước ngoài.

Khi chúng tôi đến hiện trường thì thấy nỗi bức xúc của nhân dân có phần đúng của họ.Chúng tôi đảo quanh khu vực lăng một lượt và cảm thấy bàng hoàng. Đến sau chúng tôi, một đoàn người Pháp có đến vài ba chục người, họ lịch sự nghiêm túc và thân thiện. Sau khi được người thông dịch giới thiệu về lịch sử của ngôi đền và lăng mộ của vị Tiền Ngô Vương. Họ nhìn cảnh tượng mới tân trang có vẻ kịch cỡm ấy, một người trong đoàn với dáng thanh nhã, tóc bạc như mây, dáng vẻ của một nhà nghiên cứu nói với người thông dịch: “Giá như bảo tồn lưu giữ được nét Cổ xưa của một công trình quý giá này thì giá trị biết bao”. Tôi thấy họ nói ít mà thật là trí lý.

Họ đi rồi, chúng tôi mới đi sâu vào công trình để xem xét cặn kẽ thì thấy rằng việc trùng tu tôn tạo là chủ trương đúng và cần thiết với bất cứ một công trình cổ nào khi đã xuống cấp. Có điều mọi công việc đều có nguyên lý của nó. Nói trùng tu tôn tạo là phải đảm bảo nguyên giá trị thực của công trình và ta chỉ thay thế những phần hư hỏng đến mức độ không còn giữ lại được và sau khi tôn tạo công trình còn lại giá trị đích thực như thời hoàng nguyên của nó. (bài học lăng Lam Kinh, chùa Trăm Gian không có tác động gì sao?). Chúng tôi nhận thấy phần đế lăng và những mảng tường 4 góc lăng sơn màu trắng khó coi, lạnh buốt, bạc nhược. Ngay tấm bia là vật cổ thiêng liêng và hai tay ngai là đôi rồng chầu tạo thế uy quyền, có sứt mẻ gì đâu sao không giữ nguyên như bản chất vốn có mà lại tô vẽ xanh, đỏ lòe loẹt đến phản cảm. Phía trước lăng, bức bình phong mới được dựng lên. Theo ý kiến của nhiều du khách, nhân dân địa phương và đặc biệt một đoàn quân đội đến dâng lễ. Vì có bức bình phong nên họ không đủ chỗ xếp hàng hành lễ, họ đành đứng ra phía ngoài và bực bội nói rằng: “Chúng tôi lễ bức tường à?”

Nghiên cứu địa hình theo góc độ chuyên ngành có tính đến thuật phong thủy tại khu vực lăng, chúng tôi nhận thấy các cụ ta xưa đặt hướng lăng là có tính toán kỹ lưỡng: phía trước mặt lăng là quả đồi (Chu Tước Tiền nhang án) hai bên phải trái có hai quả đồi khác là tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Ngăn cách giữ lăng và dãy đồi trước mặt là mặt hồ nước thoáng.Vị trí tối ưu đắc địa tạo thế phong thủy linh diệu mà người xưa để lại. Và chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của một du khách Pháp. Vấn đề bây giờ là không nên để tồn tại bức bình phong quái dị và vô nghĩa ấy.

Về đến thị xã Sơn Tây, chúng tôi còn được biết thêm thông tin chiếc cổng làng Mông Phụ từng khắc sâu trong tâm khảm thiêng liêng của bao thế hệ. Nhưng trong thời gian không xa nữa sẽ được thay bằng một chiếc cổng mới có ba cửa. Người ta gọi bức bình phong trong lăng Ngô Quyền là con quái vật thì chiếc cổng mới này không biết đặt tên cho nó là gì nữa? Liệu có bàn tay chỉ huy nào đấy của vị giáo sư nọ hay không? Có lẽ chỉ các vị trọng trách quyết định mới rõ được.

Mảnh đất làng cổ Đường Lâm một miền địa linh nhân kiệt đặc biệt nơi nhân dân sống yên ấm ngàn đời, bỗng chốc phải vượt qua bao thăng trầm thách thức. Hãy tôn trọng và giữ nguyên đúng giá trị mà cha ông bao thế hệ nơi đây làm nên. Nếu bức bình phong trong lăng Ngô Quyền còn đó, nếu chiếc cổng làng cổ kia một khi biến mất thì hồn làng nơi đây sẽ đi về đâu? Khẩn thiết mong những người có trách nhiệm từ mọi cấp mọi ngành hãy lên tiếng, hãy ra tay cứu vớt bảo vệ những gì mà ta yêu quý.

           Đường Lâm thật gần mà sao thật xa!

KTS Nguyễn Địch Long

Nguyên Chủ tịch Hội KTS Hà Tây

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more