Trong trái tim mỗi người luôn có những phần đặc biệt dành cho người phụ nữ của cuộc đời mình. Dường những người phụ nữ ấy đều mang đến cho chúng ta sự ấm áp, an lành, hạnh phúc khi thành công cũng như lúc thất bại, để ta sống tốt hơn, vững vàng tin tưởng hơn ở cuộc đời này. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Kienviet.net xin giới thiệu tới quý độc giả bài phỏng vấn PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan, người phụ nữ của sự bận rộn trong công việc nhưng rất đỗi lãng mạn, tinh tế trong cuộc sống đời thường.
Chào chị, được biết chị đã từng theo học ở Nhật bản và hiện nay đây cũng là đất nước được nhiều sinh viên lựa chọn để du học, đặc biệt là sinh viên ngành Kiến trúc. Chị có thể truyền đạt một số “bí kíp” để đến với Nhật Bản cho các bạn sinh viên?
Nhật Bản là một quốc gia châu Á rất phát triển, lĩnh vực kiến trúc của Nhật Bản cũng có những thành tựu rực rỡ không kém các lĩnh vực khác, với những ngôi sao sáng trên bầu trời kiến trúc thế giới như Kenzo Tange, Tadao Ando, Naito Hiroshi… Các bạn lựa chọn đất nước mặt trời mọc để du học là rất thông minh đấy. “Bí kíp” ư? Theo tôi, điều đầu tiên và tối quan trọng để có thể đi du học đó là ‘khát khao học hỏi’ và ‘quyết tâm mạnh mẽ’; đương nhiên sau đó còn là yếu tố may mắn nữa.
Chính phủ Nhật Bản có quỹ học bổng dành cho sinh viên các nước, trong đó Việt Nam là quốc gia rất được ưu tiên. Để chuẩn bị một hồ sơ đi du học, trước hết các bạn cần tìm hiểu về lĩnh vực mình định theo học và chọn trường đại học có ngành học đó. Hồ sơ xin học cần trình bày rõ ràng mục đích đi học, ngành học, chủ đề nghiên cứu, tại sao, và việc ứng dụng hay đóng góp những kết quả học tập được ở Nhật cho sự phát triển của quốc gia mình trong tương lai như thế nào. Thư giới thiệu của các chuyên gia có uy tín cũng rất quan trọng. Nếu các bạn được một giáo sư người Nhật Bản biết đến thông qua một hoạt động học thuật nào đó và được vị GS đó viết thư giới thiệu thì tuyệt. Người Nhật đánh giá cao uy tín cá nhân nên khi có được sự ‘bảo lãnh’ bằng thư của một GS Nhật, khả năng thành công của bạn sẽ rất cao. Trường hợp của tôi chính là như vậy đấy, thật may mắn (cười).
Theo chị, việc học tập tại Nhật Bản và Việt Nam có những sự khác biệt như thế nào?
Tất nhiên là nó cũng sẽ có sự khác biệt nhất định, Nhật Bản và Việt Nam đều là hai quốc gia có nền văn hóa đặt trọng tâm vào giáo dục và đào tạo. Nhìn chung các bậc phụ huynh của cả hai quốc gia đều quan tâm và chú trọng tới việc dạy dỗ và giáo dục con cái. Tuy nhiên cách làm của người Nhật thực chất và sâu sắc hơn chúng ta. Người Nhật không đề cao bằng cấp một cách mù quáng và thái quá; Người Nhật tôn vinh sự khéo léo và tinh thần lao động, nên ‘kỹ năng’ và ‘thái độ’ được rèn dũa có hệ thống qua các bậc giáo dục và đào tạo. Với người Nhật, một người làm sushi hay sasimi (cá sống) cũng có thể được công nhận là nghệ nhân và cũng được xã hội tôn vinh như một giảng viên đại học. Tương tự, bạn có thể bị đánh giá là thiếu chỉn chu nếu có đôi giày không sạch sẽ và dù có thông minh đến mấy cũng chưa chắc đã là người hoàn thành công việc một cách tươm tất. Xả thân vì công việc, ý thức trách nhiệm cao, ý thức kỷ luật, tính nghiêm túc… là những chuẩn giá trị của xã hội Nhật nên hệ thống giáo dục của họ đặc biệt chú trọng việc xây dựng những phẩm chất trên cho lực lượng lao động. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến công cuộc công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của Nhật Bản lại thành công nhanh chóng và ấn tượng như vậy. Hệ thống giáo dục của chúng ta cũng nên học tập điểm mạnh này của họ.

Chị có ý kiến đóng góp gì cho chương trình đào tạo ngành quy hoạch tại Việt Nam ?
Đào tạo ngành quy hoạch của Việt Nam còn mới và non trẻ hơn nhiều so với đào tạo kiến trúc sư thiết kế công trình, đã có truyền thống lâu dài. Các KTS Quy hoạch cần có hiểu biết rộng trên nhiều lĩnh vực như địa lý, kinh tế xã hội, kỹ thuật, thẩm mỹ không gian, cùng nhiều kỹ năng đặc thù khác. Theo tôi, với một thời lượng hữu hạn 5 năm học, để công tác đào tạo ngành Quy hoạch hiệu quả hơn, chúng ta nên lược bớt những môn phụ, dành thời gian cho một số lĩnh vực chính phục vụ công tác quy hoạch và quản lý đô thị, kết nối lí thuyết với thực hành, kết nối giữa việc rèn luyện kiến thức với các kĩ năng trình bày và làm việc với đối tác. Nên có những đổi mới hệ thống đồ án theo hướng studio hay workshop, tức là làm việc theo nhóm lớn và tập trung trong khoảng 2 tuần hoặc 1 tháng.
Hơn 10 năm gắn bó với công tác giảng dạy chị có nhận định như thế nào về sự khác biệt của sinh viên trước đây và bây giờ? Chị có lời khuyên nào cho các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường hay không?
Tôi đã từng là sinh viên và bây giờ được làm việc cùng các bạn sinh viên trong hơn 10 năm nên tôi có cơ hội quan sát, và cảm nhận về những sự khác biệt này. Đầu tiên tôi có thể khẳng định là trước đây hay bây giờ thì sinh viên chúng ta đều rất thông minh. Nhưng có lẽ sự khác biệt giữa các thế hệ có thể là do bối cảnh thay đổi. Sinh viên bây giờ có rất nhiều cơ hội như internet, công nghệ nên các bạn tiếp cận thông tin rất nhiều nhưng đồng thời các bạn cũng bị chi phối rất nhiều, bị phân tán tư tưởng rất nhiều như: chơi game, facebook, điện thoại, tin nhắn,… Trước đây, những thứ đó rất ít, có thể những thông tin Kiến trúc trên thế giới chỉ ở một vài quyển tạp chí cũ, được cày nát và truyền qua các thế hệ. Còn bây giờ, trong bối cảnh công nghệ hiện đại, các bạn sinh viên rất dễ bị ngợp giữa một biển các thông tin, dẫn đến nguy cơ sinh viên của chúng ta hiện nay hiểu biết mọi thứ khá rộng và nhanh nhưng lại không sâu. Còn những thế hệ sinh viên trước đây họ có thể có ít nguồn thông tin hơn nhưng lại tiếp nhận có chiều sâu, độ chắc chắn, độ bền bỉ nhất định.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh vào sự thay đổi của bối cảnh dẫn đến sinh viên bây giờ có ưu điểm là năng động, tiếp cận cái mới nhanh nhưng lại thiếu kiên trì để hiểu đến cốt lõi vấn đề nên không có chiều sâu. Tôi cũng có nhiều dịp trao đổi thân tình với các bạn sinh viên và nhận thấy các bạn có người thì rất lúng túng, thậm chí là hoang mang vì không biết mục đích thực sự của việc đi học là gì? Mục đích cuộc đời là gì? Và hầu hết là các bạn không biết là mình không có mục đích gì. Đó là một thực tế phản ánh tính hời hợt và sính bề nổi trong sinh viên và chính các bậc phụ huynh. Nếu đã không có mục đích thì không bao giờ đến đích.
Đối với một kiến trúc sư vừa mới ra trường, theo chị nên làm thế nào để có được kinh nghiệm thực tế một cách tốt nhất?
Không có cách nào để có kinh nghiệm thực tế mà lại không lao vào làm thực tế cả. Chịu. Đừng e ngại, hãy thử, hãy làm với mọi cơ hội công việc đến, đừng kén chọn mà cứ làm thử đi vì đấy chính là cách mà chúng ta trang bi những kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra nếu các bạn có thể tham gia vào quá trình thực tế ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường thì càng tuyệt vời. Vào thực tế, các bạn sẽ có được bên cạnh kiến thức và nhiều kỹ năng, kể cả kỹ năng mềm và thái độ phù hợp với môi trường tương tác đa chủ thể, rất cần cho nghề nghiệp sau này.
Với nền tảng là kiến trúc sư thiết kế công trình nhưng lại hành nghề về Quy hoạch, theo chị có những khó khăn như thế nào?
|
Tôi nghĩ là không có khó khăn gì cả. (cười) vì theo tôi thì chuyện đấy là hoàn toàn bình thường. Chúng ta có thể học một lĩnh vực rồi sau đó trong cuộc sống có những nhu cầu đòi hỏi chúng ta phải học hỏi thêm, chuyển đổi nghề nghiệp. Học Kiến trúc rồi làm Quy hoạch, hay học Quy hoạch rồi làm Kiến trúc không phải là vấn đề quá lớn. Điều này được minh chứng trong khi tôi học tập ở nước ngoài thì nơi tôi học ngành Đô thị cũng có nhiều bạn đến từ các ngành khác như: xã hội khoa học nhân văn, quan hệ quốc tế hay chính sách công,…
Quá trình làm việc có thể coi như chúng ta đang tiếp tục học. Và tôi nghĩ rằng quá trình học là quá trình hết cả cuộc đời, học, học nữa, học mãi.
Từng là người giảng dạy trong suốt thời gian dài nhưng hiện nay chị đã chuyển công tác khác, chị có thể chia sẻ suy nghĩ về thay đổi này?
Quyết định chuyển đổi công việc của tôi thực ra cũng phản ánh phần nào vấn đề bạn đặt ra trong hai câu hỏi trước. Thứ nhất, tôi muốn có thêm kinh nghiệm thực tế. Trước đây khi ở trường ĐHXD thì chủ yếu tôi nghiên cứu những vấn đề lý thuyết, cố gắng cập nhật lý thuyết mới tiên tiến từ quốc tế, rồi giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, tất nhiên cũng có làm một số dự án thực tiễn. Cơ quan mới của tôi là Viện Kiến trúc Quốc gia và mảng công việc chính của tôi là nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế. Đây là công việc có thể kế thừa những kiến thức kinh nghiệm trước đây của tôi, nhưng cũng mở ra những cơ hội và thách thức mới về chuyên môn và thực tiễn xã hội. Và điều đó làm tôi rất thích thú. Thứ hai là, như tôi đã nói, không có cách nào có được kinh nghiệm thực tế mà không lao vào thực tế… nên cứ dấn thân và làm thôi (cười).
Gắn bó với ngành giáo dục đào tạo trong suốt thời gian dài thì việc chia tay với công việc cũ cũng không dễ dàng vì thực ra tôi rất thích đi dạy và có duyên với nghề sư phạm. Nhưng tôi nghĩ công việc là quá trình học tập suốt đời và nếu mình không học thì cũng sẽ không có gì để chia sẻ với mọi người.
Như vậy là chị vẫn sẽ tiếp tục công việc giảng dạy của mình trong thời gian tới?
Tôi nghĩ là như vậy bởi cá nhân tôi là một người thích tiếp nhận và chia sẻ, có thể có rất nhiều hình thức như: đứng trên bục giảng, trao đổi với sinh viên trên lớp hay những cái cuộc trao đổi đơn giản hàng ngày, tôi nghĩ tôi luôn gắn với nghiệp giảng dạy.

Chị có định hướng như nào về nghề nghiệp cho hai cô con gái chị vẫn thường chia sẻ trên facebook cá nhân? Liệu chị có muốn các con theo nghiệp của mình không?
Không (cười). Vì theo tôi cần phải tôn trọng trẻ và trong quá trình nuôi dạy các con tôi sẽ quan sát để hiểu được các con có thể phù hợp với lĩnh vực hay ngành nghề gì để tôi có định hướng một chút. Nhưng tôi nghĩ vấn đề không phải là nghề nghiệp mà là một số nguyên tắc trong cuộc sống là: ý thức trách nhiệm, tính độc lập và lòng nhân ái. Đó là những yếu tố trọng tâm trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc con của tôi.
Có thể nói rằng chị là người phụ nữ đã có những thành công nhất định ở độ tuổi còn khá trẻ, điều này chắc hẳn sẽ chiếm khá nhiều thời gian trong cuộc sống, vậy chị có thể chia sẻ về việc phân chia quỹ thời gian cho gia đình và công việc như thế nào?
(Cười) Thực ra tôi cũng vất vả lắm, lúc nào đi cũng như chạy, nhưng cũng nhận được sự hỗ trợ lớn lao từ gia đình thì mới hoàn thành được mọi việc. Một khía cạnh khác, là sử dụng thời gian hiệu quả. Mọi người trong một ngày đều có 24 giờ và chúng ta phải phân chia quỹ thời gian đó cho công việc, các nhu cầu cá nhân cơ bản, chăm sóc gia đình và người thân, giao tế bạn bè, rồi tập thể thao, chăm sóc tâm hồn…Vậy nên không có cách nào khác là sử dụng thời gian hiệu quả, làm việc nào ra việc nấy và dứt điểm. Muốn hiệu quả thì phải tĩnh tâm. Theo Phật Pháp thì tâm ta như một mặt nước. Khi nó lao xao dậy sóng thì ta chẳng thấy được gì qua nó, còn khi nó thật phẳng lặng ta mới có thể nhìn nhận sự vật hiện tượng rõ nét như nó chính là. Khi đó ta nghĩ gì, làm gì mới chuẩn. Các bạn có muốn tĩnh tâm không, hãy thử phương pháp thiền có tên gọi là Vypassana hiện được chia sẻ và giới thiệu rộng rãi trên thế giới nhé. Tôi đã học thiền Vypassana và thấy thật tuyệt vời. Các bạn hãy thử đi, càng sớm càng tốt. Thử rồi nhớ cám ơn tôi đấy (cười).
Thay mặt cho Ban biên tập Kienviet.net, cảm ơn chị đã tham gia buổi phỏng vấn. Chúc chị luôn giữ được nụ cười rạng rỡ và ngày càng thành công hơn nữa!
TÓM TẮT CÁ NHÂNNgày sinh: 22 tháng 10 năm 1974
GIẢI THƯỞNG – HỌC BỔNG
|
Gallery not found.
DuongK – Kienviet.net