Kiến trúc là nghệ thuật, cũng là khoa học về tạo dựng những không gian thích hợp cho hoạt động sống của con người, do đó có thể nói kiến trúc là một dạng tổ hợp đặc biệt của văn hóa. Công trình kiến trúc (CTKT) vì vậy mang đầy đủ các thuộc tính của vật phẩm văn hóa (VPVH). Hiểu bản chất văn hóa của kiến trúc qua những thuộc tính này sẽ giúp KTS có một nền tảng vững chắc trong nhìn nhận, đánh giá, nghiên cứu và sáng tác. Dưới đây trình bày một số thuộc tính văn hóa của kiến trúc theo hiểu biết của người viết.
Cộng sinh văn hóa:
Mỗi VPVH – vật thể do con người sáng tạo ra – từ ngôi nhà, quyển sách, cây bút… đều được cấu thành từ ba yếu tố: vật lí, xã hội và tinh thần. Yếu tố vật lý là kết cấu các phần tử vật chất của vật thể, bao gồm cả những đặc trưng vật lí của vật thể như đường nét, hình dạng, tầm vóc, bề mặt, các khối rỗng hoặc đặc, màu sắc, âm thanh, mùi vị, độ sáng, các tính chất lí-hóa… mà nhờ đó ta phân biệt được các loại VPVH khác nhau, cho dù một số trong chúng có thể giống nhau về vật liệu và nguyên tắc kết cấu. Chẳng hạn, đình, chùa, đền, miếu, cung điện ở Huế thời Nguyễn đều bắt nguồn từ ngôi nhà rường đặc trưng của Trung bộ được cải biên đi [1, tr.47], nhưng ta có thể phân biệt được nhờ sự khác biệt của các đặc trưng vật lí, cấu tạo hình thức kích thước khác nhau.
Yếu tố xã hội là công năng hay chức năng của VPVH, đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người trong xã hội, thí dụ cái nhà để ở, quyển sách để đọc, cái bút để viết …. Yếu tố tinh thần là chức năng của VPVH đáp ứng những nhu cầu nội tâm (thẩm mĩ, tâm linh, tình cảm, giải trí, tri thức, đạo đức, suy tưởng,…) hoặc biểu thị nhân sinh quan, thế giới quan của con người.
Ba yếu tố vật lí – xã hội – tinh thần không tách rời nhau: yếu tố vật lí (vật chất) như thể xác, các yếu tố xã hội và tinh thần (phi vật chất) như linh hồn cần thể xác để tồn tại, còn thể xác nhờ có linh hồn mà trở thành vật thể sống, nghĩa là chúng gắn bó ở mức không thể thiếu nhau. Chính vì vậy mà KTS Kenzo Tange coi CTKT như một hệ thống Tam nguyên “Công năng – Kết cấu – Biểu tượng” với kết cấu là yếu tố vật lí, công năng – yếu tố xã hội, và biểu tượng – thể hiện yếu tố tinh thần.
Có thể vay mượn hai thuật ngữ trong hệ thống kí hiệu học của Ferdinand de Saussure: cái mang nghĩa hay “cái biểu đạt” (A. signifying, P. signifiant) để chỉ yếu tố vật lí và “cái có nghĩa” hay “cái được biểu đạt” (A. singnified, P. signifíé) để chỉ cặp yếu tố xã hội – tinh thần, cái có nghĩa cần cái mang nghĩa để tồn tại, cái mang nghĩa nhờ cái có nghĩa mà trở nên có giá trị và giá trị càng cao nếu hàm lượng xã hội và tinh thần càng nhiều, nghĩa là chúng liên kết đem lại lợi ích cho nhau, cộng sinh với nhau. Như vậy, VPVH là thể cộng sinh văn hóa giữa “cái mang nghĩa” – yếu tố vật lí và “cái có nghĩa” – cặp yếu tố xã hội – tinh thần. Khác với cộng sinh trong tự nhiên là sự tự liên kết giữa các cá thể để đem lại lợi ích cho sự sống của mỗi bên (thí dụ giữa ong và cây có hoa), cộng sinh văn hóa có tính áp đặt: do con người tạo ra giữa hai hay nhiều thực thể những mối liên kết hỗ trợ lẫn nhau mà con người cho là có lợi.
Trong VPVH, hai yếu tố xã hội và tinh thần cùng tồn tại và quan hệ mật thiết với nhau, theo nghĩa giá trị tinh thần làm tăng giá trị xã hội và ngược lại. Chẳng hạn, một ngôi đền càng có tiếng là linh thiêng thì càng được nhiều người tìm đến chiêm ngưỡng, lễ bái, tức giá trị xã hội của CTKT này tăng nhờ giá trị tinh thần của nó. Ngược lại, một VPVH càng có nhiều tiện ích và dễ dàng sử dụng đối với mọi người như chiếc điện thọai di động thông minh chẳng hạn, thì càng tạo được cảm giác hài lòng thích thú và sự tín nhiệm ở người sử dụng, tức giá trị tinh thần của VPVH này tăng nhờ giá trị xã hội của nó.
Những vật phẩm tự nhiên được con người sử dụng thì có công năng hay yếu tố xã hội (cái có nghĩa) bên cạnh yếu tố vật lí (cái mang nghĩa), do đó cũng có yếu tố cộng sinh văn hóa. Trong số này có những vật được con người gắn cho cả yếu tố tinh thần, như ngọn núi, con sông được người Việt xưa coi là vương quốc của Sơn tinh và Thủy tinh, hay con bò được người theo đạo Hindu coi là con vật thiêng và đôi mắt bò là biểu tượng của đôi mắt đẹp. Ta sẽ gọi những vật phẩm tự nhiên được gắn yếu tố tinh thần là VPVH tự nhiên, vì cũng có đủ ba yếu tố như sản phẩm nhân tạo.
Kí hiệu:
Con người có thể dùng những yếu tố vật lí nhất định có ở mỗi vật hoặc ở một số phần tử của cùng một vật để làm dấu hiệu giúp nhận biết và phân biệt chúng. Để mọi người trong cộng đồng cùng hiểu dấu hiệu như nhau, người ta gán cho mỗi dấu hiệu một nghĩa nào đó và ngữ hóa nghĩa này, tức là quy ước nghĩa bằng những từ trong ngôn ngữ cộng đồng, và khi đó có thể dùng dấu hiệu làm tín hiệu truyền thông. Công việc trên gọi là tạo kí hiệu. Mỗi kí hiệu gồm “cái mang nghĩa” (cái biểu đạt) là một yếu tố vật lí nào đó và “cái có nghĩa” (cái được biểu đạt) là nghĩa đã ngữ hóa được gán cho cái mang nghĩa. Người thấy kí hiệu sẽ nhận được một thông điệp là nghĩa đã ngữ hóa, nhờ đó hiểu được nội dung. Con người thường tạo ra một hệ thống kí hiệu đối với mỗi vật thể có công năng (VPVH hay vật phẩm tự nhiên mà con người sử dụng) để nhận biết và phân biệt công dụng của chúng. Vài thí dụ minh họa: 1/ Tấm biển tròn cấm đường một chiều, trong đó kí hiệu thứ nhất là màu đỏ (cái biểu đạt) với nghĩa “dừng lại” (cái được biểu đạt), kí hiệu thứ hai là kí hiệu của ba-ri-e gồm vạch dài trắng (cái biểu đạt) với nghĩa “không được qua” (cái được biểu đạt). 2/ Ngữ đoạn “Từ điển Anh -Việt” trên bìa một cuốn sách là một kí hiệu, cái mang nghĩa là bốn chữ in trên bìa, cái có nghĩa là công dụng tra cứu nghĩa các từ tiếng Anh qua tiếng Việt. 3/ Củi là kí hiệu của một vật phẩm tự nhiên (bó cây khô chẳng hạn), cái mang nghĩa là tính chất dễ cháy tạo lửa sinh nhiệt và phát sáng, cái có nghĩa là công dụng đun nấu, sưởi ấm và chiếu sáng khi cháy…
Một vật thể gồm nhiều bộ phận công năng (chức năng sử dụng) thì hệ thống kí hiệu ở nó phải phức tạp, gồm một hoặc nhiều tập kí hiệu với nghĩa được ngữ hóa thành những kí hiệu – từ vựng, trong mỗi tập thì các kí hiệu – từ vựng được sắp xếp kết nối theo những quy tắc ngữ pháp nhất định để thành một phân hệ kí hiệu. Thí dụ, CTKT như nhà ở gồm phân hệ kí hiệu về các không gian sử dụng, phận hệ kí hiệu về các thành phần kết cấu và phân hệ kí hiệu các cấu tạo. Phân hệ kí hiệu không gian lại gồm các kí hiệu – từ vựng như hiên, sảnh khách, phòng làm việc, buồng ngủ, bếp, phòng vệ sinh, kho, cầu thang, hành lang, ban công, phòng thờ, giếng trời… được KTS sắp xếp theo các “quy tắc thiết kế” như quy luật thông gió và chiếu sáng, phù hợp với văn hóa ở của cộng đồng, tối ưu về thời gian di chuyển (thuận tiện sử dụng). Người đến ở hiểu nội dung các thông điệp mà các kí hiệu không gian gửi tới, nhưng anh ta có thể thay đổi một số kí hiệu bằng cách chuyển đổi công năng của không gian cho phù hợp với hoàn cảnh và sở thích của mình.
Biểu tượng:
Một dạng đặc biệt của kí hiệu là biểu tượng. Các nhu cầu nội tâm và khát vọng, những xúc cảm, nỗi niềm, những quan niệm về nhân sinh và thế giới, về chân, thiện, mĩ, những hiểu biết, suy tư, tưởng tượng, những ước định, quy chuẩn, quan hệ, những ứng xử… của con người được diễn đạt bằng những ý niệm trong đầu óc, và con người biểu hiện ý niệm ra bên ngoài thông qua biểu tượng. Biểu tượng do con người sáng tạo ra, gồm cái mang nghĩa (cái biểu đạt) và cái có nghĩa (cái được biểu đạt), trong đó con người mượn những cái có trong thế giới thực tại (sự vật, hiện tượng, không gian, thời gian, từ ngữ, con số, màu sắc, âm thanh, mùi vị…) hoặc hình tượng của chúng làm cái biểu đạt, tức làm hình thức tồn tại, cho cái cần được biểu đạt là những ý niệm trong đầu óc con người. Từ đó, mỗi biểu tượng gợi ra một ý niệm nhất định. Vì mọi hoạt động sống của con người (trừ hoạt động bản năng) đều diễn ra theo những ý niệm hình thành trong đầu óc, nên biểu tượng có trong mọi hoạt động cũng như sản phẩm văn hóa (vật thể và phi vật thể), và là cái thể hiện yếu tố tinh thần. Như vậy, con người sáng tạo ra thế giới biểu tượng là để làm cầu nối giữa thế giới thực tại bên ngoài và thế giới ý niệm trong đầu óc. Các nhà văn hóa học cho rằng, thế giới văn hóa thực chất là thế giới biểu tượng, con người sống trong thế giới văn hóa bị bao bọc trong thế giới biểu tượng và hành vi của con người, ngoài những hành vi bản năng, đều được điều khiển bởi các thực thể biểu tượng [2, tr.202]. Theo Leslie A. White thì biểu tượng là đơn vị nền tảng của mọi cách ứng xử và văn minh con người. Vì vậy, thế giới biểu tượng cùng với hệ thống giá trị trong nền văn hóa của một dân tộc làm thành nền tảng tinh thần của dân tộc đó.
Vài thí dụ minh họa: Con người mượn màu đỏ của đèn tín hiệu giao thông và hình tượng thanh chắn ba-ri-e để biểu đạt ý niệm “lưu thông một chiều”, vậy tấm biển tròn nền đỏ, vạch trắng giữa là biểu tượng của đường một chiều. Chim bồ câu trắng hoặc hình tượng của nó là biểu tượng của hòa bình, dùng để biểu đạt “khát vọng hòa bình”. Hình tượng cái cân thăng bằng là biểu tượng của công lí vì được ngành tòa án mượn để biểu đạt ý niệm “nhân danh công lí”. Tương tự, biểu tượng của sự thanh khiết là hoa sen, của người quân tử là cây trúc, của tình yêu là hình trái tim; của làng xã Việt trước đây là ngôi đình, cây đa, bến nước (hoặc giếng nước); của nước Việt Nam ngày nay là cờ đỏ sao vàng; của Hà Nội là hồ Gươm tháp Rùa … Trong giao lưu thì bắt tay là biểu tượng của sự thân mật; cúi đầu chắp tay là biểu tượng của sự tôn kính (cúi đầu biểu đạt ý niệm kính trọng, chắp tay trước ngực biểu đạt ý niệm chân thành); hai ngón tay giơ ra thành chữ V là biểu tượng của thắng lợi (victory). Ở một số lĩnh vực văn hóa phi vật thể như văn học thì trong nhiều trường hợp… sản phẩm được tạo ra theo những tưởng tượng sâu xa của người sáng tác và thể hiện những ý niệm đó ở chiều sâu, vì vậy chúng mang tính biểu tượng hơn là chứa đựng trực tiếp những biểu tượng, thí dụ như ở hai câu Kiều “Sầu đong càng lắc càng đầy, Ba thu dồn lại một ngày dài ghê”, Nguyễn Du mượn các hình tượng đong, lắc để biểu đạt các ý niệm “sầu kết lại như những hạt vật chất, càng nén càng chất chứa”, và hình tượng dồn lại để biểu đạt ý niệm “một ngày chờ đợi dài như 3 năm”.
Như vậy, tiêu chí để phân biệt VPVH với vật phẩm tự nhiên là yếu tố tinh thần, thể hiện qua biểu tượng thường đã được cộng đồng chấp nhận, mọi người cùng hiểu ý niệm trong đó như nhau. Chẳng hạn, bánh chưng vuông gợi ý niệm về đất và mẹ (yếu tố tinh thần tâm linh – tình cảm) qua hình vuông và các chất liệu của nó: hình vuông biểu đạt quan niệm của người Việt xưa rằng trái đất vuông và đất tượng trưng cho mẹ; chất liệu bánh (nếp, đậu, lá… – những sản phẩm do đất ban cho) biểu đạt ý niệm về “công ơn nuôi dưỡng đùm bọc của đất, của mẹ”; chùa Một Cột gợi ý niệm về bông sen trên hồ. Đối với một căn phòng, cửa đi gợi ý niệm về liên thông không gian; cửa sổ – về thoáng sáng; tường, vách, màn che – về kín đáo riêng tư; màu sơn trắng – về sạch sẽ, vàng – sáng sủa, xanh – mát dịu… Như vậy, mỗi VPVH gồm nhiều bộ phận công năng có cả một hệ thống biểu tượng.
Ở những thời kì khác nhau, một ý niệm có thể được biểu đạt bằng hình tượng khác nhau. Chẳng hạn, người Hán xưa thường gắn ở mỗi đầu đường gấp chính của mái nhà một viên ngói có dạng đuôi của một con quái giống chim cú để biểu đạt ý niệm về khả năng dẫn mưa dập lửa của nó khi có hỏa hoạn; về sau thay hình đuôi cú bằng hình đuôi cá và đến đời Thanh thì thay bằng hình miệng rồng [3, tr.35]
Mỗi hình tượng cũng có thể được dùng để biểu đạt vài ý niệm hoặc một ý niệm có thể được biểu đạt bằng nhiều hình tượng. Thí dụ, rùa là biểu tượng của sự chậm chạp, cũng là biểu tượng vật linh (trong long, lân, quy, phượng); ý niệm về âm (dương) tùy từng trường hợp được biểu đạt bởi: đất (trời), nước (lửa), nữ (nam), tĩnh (động), thấp (cao), mềm (cứng), số chẵn (số lẻ)….
Mỗi dân tộc thường có những biểu tượng mà dân tộc khác không có, hoặc có khi các dân tộc khác nhau biểu đạt cùng một ý niệm bằng hình tượng khác nhau, hoặc dùng cùng một hình tượng để biểu đạt những ý niệm khác nhau. Vài ví dụ minh họa qua kiến trúc: Việt Nam: không gian của ba nhà tiền đường, thiêu hương, thượng điện trong ngôi chùa là biểu tượng của tam giới trong vũ trụ luận Phật giáo: Dục giới (thế giới trần tục), Sắc giới (thế giới tu sĩ) và Vô sắc giới (thế giới chư Phật); cửa Tam quan là biểu tượng của ba cách nhìn nhận thế giới (tam quán) là Không quán (bản thể là không), Giả quán (mọi sự vật, hiện tượng hay vạn pháp là giả, do nhân duyên mà thành) và Trung quán (vạn pháp không phải là không, cũng không phải là giả) [4, tr.13,18].
Theo thuyết Phong Thủy (Trung Quốc, Việt Nam), CTKT đối xứng qua trục Nam – Bắc biểu đạt ý niệm “chuyển hóa âm – dương” (luân chuyển giữa ngày và đêm, mùa hè và mùa đông); quay mặt hướng Nam, lưng hướng Bắc để hứng gió mát mùa hè, chắn gió lạnh mùa đông, là biểu đạt “âm dương đối đãi” để tạo cân bằng: bụng âm nhìn về Nam dương, lưng dương quay về Bắc âm. Về thế đất, biểu tượng của phương Tây là Bạch Hổ, biểu đạt ý niệm rằng phương Tây nhiều núi non chứa nhiều kim loại (màu trắng) và là nơi sống của hổ, vì vậy bên phải CTKT (phía Tây) nên có những gò đồi hay núi làm biểu tượng của Bạch Hổ; biểu tượng của phương Đông là Thanh Long, vì phía Đông mặt trời mọc cây cối xanh tốt và có biển nơi sống của rồng, vì vậy bên trái CTKT nên có những khe suối hay lạch làm biểu tượng của Thanh Long – Tả Thanh Long hữu bạch hổ:
Từ xưa người phương Đông quan niệm: không gian kiến trúc phải biểu đạt trật tự vũ trụ và quy luật tự nhiên thì con người sống trong đó mới khỏe mạnh, mọi việc mới thuận lợi; còn giới cầm quyền quan niệm: kiến trúc phải thể hiện trật tự tôn ti xã hội. Người Ấn cổ (người Aryen) quan niệm hình tròn biểu trưng cho thế giới mặt đất, cho chuyển động và thời gian tuần hoàn; hình vuông biểu trưng cho các thế giới trên trời, cho cái tuyệt đối và cái cố định; hình vuông tự nó không thể chuyển động, mà cái tuyệt đối thì toàn mĩ, toàn bích, nên hình vuông biểu trưng cho cái cố định toàn mĩ, toàn bích. Chính vì vậy, khu đất xây dựng đền thờ, đô thị phải là hình vuông, và nếu bên trong có nhiều công trình thì chia đất thành những ô vuông (số ô là n2 = 4, 9,16, 25, …, tối đa 1024); mỗi ô được quan niệm là nơi trấn giữ của một thiên thần cụ thể, vì vậy khu đất chia ô (gọi là mandala Vastu Purusha) là biểu tượng của trật tự vũ trụ được áp đặt cho mặt đất, là chuẩn vũ trụ trong xây dựng [5, tr.44,45]. Người Hán cổ quan niệm trời tròn, đất vuông, không gian như những hình vuông lồng nhau theo trật tự thứ bậc và bao quanh một không gian hạt nhân, nơi hội tụ mọi ảnh hưởng của vũ trụ. Từ đó, thành phố, khu phố, ô phố xuống đến ngôi nhà dân được thể hiện như một chuỗi những thế giới khép kín, hoàn chỉnh, nhỏ dần, cái trong như một tiểu vũ trụ lặp lại hình hài của vũ trụ lớn hơn bao ngoài, ngôi nhà như thành phố thu nhỏ, thành phố như ngôi nhà khổng lồ; hạt nhân của kinh đô là hoàng cung với 4 cổng mở ra 4 hướng chính, của nhà ở là sân trong với 4 dãy nhà bao quanh, quay lưng ra 4 hướng chính [3, tr.27].
Ở Ấn Độ cổ, lúc đầu mỗi thành phố là biểu tượng của một loại dân cư, chẳng hạn, đẳng cấp brahmin (tu sĩ, thầy giáo, nhà làm luật) ở thành phố mặt bằng vuông, các đẳng cấp khác thấp kém hơn ở các thành phố mặt bằng chữ nhật (kém hoàn mĩ), và phân ra thành phố thợ rèn, thành phố thợ dệt, v.v…. Về sau, trong mỗi thành phố có sự trộn lẫn các loại dân nên khu ở thành biểu tượng đẳng cấp, chẳng hạn, đẳng cấp brahmin ở khu Bắc, kshatriya (vua, võ tướng, chiến binh) ở khu Đông và Đông Nam, vaishya (thợ thủ công, thương nhân) ở khu Nam, sudra (tiện dân, tôi tớ) ở khu Tây [5, tr.47]. Ở Trung Quốc xưa, mỗi CTKT tư cũng là biểu tượng địa vị xã hội của người chủ, vì kích thước, bố trí nội thất, hình thức mái và vật liệu lợp, trang trí kiến trúc của mỗi ngôi nhà phải theo quy định cho tầng lớp mà chủ nhân thuộc về, chẳng hạn, cửa cổng chính của cung điện, lăng mộ vua chúa, vườn thượng uyển sơn đỏ gắn 81 đinh vàng thành 9 hàng; của dinh thự vương thân, quan nhất và nhị phẩm sơn màu xanh, của dinh quan tam phẩm trở xuống sơn màu đen, số đinh vàng giảm dần theo phẩm trật [3, tr.35,36]. Ở Việt Nam, bộ luật Gia Long quy định nhà dân không làm từ gỗ quý như lim, táu, giáng hương, không xây trên nền 2 cấp hay chồng mái, không sơn và trang trí [6, tr.29]…
Bản sắc văn hóa dân tộc:
Tóm lại, mỗi VPVH là một hệ thống kí hiệu gồm 2 loại: kí hiệu với “cái có nghĩa” là công năng (yếu tố xã hội) và kí hiệu – biểu tượng với “cái có nghĩa” là ý niệm (yếu tố tinh thần). Hệ thống kí hiệu trong VPVH của mỗi dân tộc thường thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc (BSVHDT). Điều này có nguồn gốc từ ngôn ngữ, vì ngôn ngữ là điều kiện tiên quyết của văn hóa. Với mỗi dân tộc, ngôn ngữ mẹ đẻ không chỉ là phương tiện tư duy và trao đổi thông tin giữa các thành viên, mà còn quyết định kiểu “tư duy và nhận thức” của họ trong hoạt động văn hóa [2, tr.227], từ đó dẫn đến kiểu “lựa chọn” kí hiệu và biểu tượng của mỗi dân tộc, nói chung là khác với các dân tộc khác, thể hiện ở cả sự lựa chọn cái biểu đạt lẫn cái được biểu đạt như các thí dụ trên đã cho thấy. Tuy nhiên, do giao lưu văn hóa, các dân tộc khác nhau cũng có những kí hiệu và biểu tượng giống nhau, như ở các tín hiệu giao thông chẳng hạn.
TS Nguyễn Thế Cường
ĐH Kiến Trúc TP HCM
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế, nxb Hội nhà văn, TP.HCM, 1992.
2. Ludwig V. Bertalanffy, Théorie générale des systèmes, Dunod, 1973.
3. Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thế Cường, Kiến trúc Cổ Trung Quốc, nxb Tổng hợp TP.HCM, 2004
4. Nguyễn Duy Hinh, Kiến trúc cổ Việt Nam (10 bài giảng tại ĐH Kiến trúc TP.HCM), 1997.
5. Andreas Volwahsen, Inde (Architecture universelle), Office du Livre, 1968.
6. Viện Mỹ thuật, Trung tâm BTDTCĐ Huế, Mỹ thuật Huế, 1992.
Theo Tapchikientruc số tháng 7/2011
Bình luận từ Facebook