Trong bài viết này, tác giả Rowan Fraser bàn về một xu hướng nhiều triển vọng của các thành phố châu Á khi họ nỗ lực thu hút giới trí thức nước ngoài làm động lực phát triển kinh tế. Dù vậy, nhiều thành phố cần phải chú trọng hơn đến chiến lược của mình để giải bài toán xã hội khi bất bình đẳng nhà ở và chủ nghĩa toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.
Ngày càng có nhiều các thành phố ở châu Á tìm cách phát triển kinh tế địa phương bằng cách dựa vào tri thức. Một biểu hiện của hướng phát triển này đó là vai trò ngày càng cao của nguồn chất xám đến từ châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và những khu vực khác của châu Á.
Một ví dụ về “thành phố tri thức” như vậy là một đặc khu kinh tế mang tên Multimedia Super Corridor (MSC) ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Chương trình phát triển tham vọng này là một bước hiện thực hóa chiến lược Tầm nhìn 2020 của Malaysia với mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Xét trên nhiều khía cạnh, MSC đại diện cho tham vọng và thách thức của việc phát triển đô thị dựa vào tri thức ở châu Á và mở ra những câu hỏi rộng hơn về diện mạo tương lai của những thành phố này.
Trí thức nhập cư làm nền tảng
Bắt đầu từ năm 1996, MSC có chiến lược nhập khẩu những lao động tri thức và đầu tư vào công nghệ thông tin và lĩnh vực dịch vụ. MSC trải dài trên 750 km2 từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur đến trung tâm thành phố. Khu kinh tế này bao gồm nhiều đô thị nhỏ, trong đó có Cyberjaya và Putrajaya, và hoạt động theo những cơ chế trực tiếp để thu hút các công ty nước ngoài và lao động tri thức. Những cơ chế này gồm có học bổng và các khoản hỗ trợ dành cho sinh viên và giới nghiên cứu, kèm theo những chế độ ưu đãi tài chính khác để thu hút các công ty và lao động có chất lượng. Đây là một khâu quan trọng để cải thiện nguồn nhân lực và nâng cao mặt bằng kỹ năng cho khu vực. Các công ty hoạt động ở khu kinh tế này sẽ được cấp “chứng nhận MSC” để được miễn trừ các giới hạn về tiền tệ và được miễn thuế trong 10 năm đầu hoạt động. Chứng nhận MSC cũng giúp giảm bớt các rào cản nhập cư đối với các lao động tri thức nước ngoài trong những công ty này. Trong khoảng 1996-2006, MSC đã tạo ra khoảng 22 ngàn việc làm và thu hút hơn một ngàn công ty quốc tế.
Chương trình còn phát triển dựa vào việc thành lập những khu đô thị trong MSC để làm trung tâm cho các lĩnh vực mũi nhọn. Một đô thị như vậy là Cyberjaya với vai trò là một trung tâm công nghệ thông tin mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Hỗ trợ cho mục tiêu này là các trường đại học chuyên về công nghệ thông tin, trong đó có Limkokwing University of Creative Technology, Multimedia University và Cyberjaya University of Medical Sciences. Những trường này thu hút hơn 120 ngàn sinh viên đến thành phố, nhiều người đã ở lại một vài năm sau tốt nghiệp để làm việc cho các công ty ở MSC.
Tôi đã có trao đổi với Sharfaraz Habib, một nhân viên người Bangladesh theo học ngành điện tử viễn thông tại Cyberjaya từ 2004 đến 2008 theo chương trình của đại gia viễn thông Telekom Malaysia, cũng là công ty sở hữu Multimedia University. Habib nói anh yêu thích không gian quang đãng, yên bình của thành phố với những khoảnh rừng và con đồi xen giữa những tiện nghi hiện đại.
Đối với Habib, Cyberjaya là một đô thị tốt dành cho người nước ngoài, bởi nơi đây có nhiều sinh viên và lao động tri thức người nước ngoài làm việc tại các trụ sở khu vựccủa các công ty đa quốc gia như Ericson (viễn thông), Shell (dầu khí), DHL (kho vận). Khi được hỏi về xuất thân của những người này, Habib trả lời rằng phần lớn đến từ các nước Trung đông, Nam á và Đông Nam Á. Tuy đã trở về sinh sống tại thành phố Dhaka ở quê nhà theo quy định của chương trình học bổng, Habib cho biết anh sẽ quay lại làm việc tại Cyberjaya bởi thành phố này rất hấp dẫn với nhiều cơ hội và điều kiện làm việc tốt.
Xu hướng mới trong khu vực
Nhiều thành phố phát triển nhanh tại châu Á cho thấy những xu hướng tương tự: sự bùng nổ kinh tế đô thị dựa vào phát triển công nghiệp cũng như dịch vụ. Trong nhiều trường hợp, theo đổi nền công nghiệp tri thức được xem là bước chiến lược tiếp theo sau một giai đoạn hơn 30 năm phát triển dựa vào công nghiệp nặng. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 vừa được Trung Quốc công bố là ví dụ rõ nét cho sự thay đổi này.
Ngoài Kuala Lumpur, các thành phố khác trong khu vực cũng đang thực hiện những chương trình cụ thể để phát triển kinh tế tri thức, dù thành công có phận hạn chế hơn. Ví dụ, thành phố Hồ Chí Minh được dự báo sẽ tăng dân số từ khoảng 9 triêu lên đến 14 triệu trong 10 năm tới và đóng góp hơn 20% GDP của đất nước. Tăng trưởng trong sản xuất lẫn dịch vụ luôn ở mức cao kể từ đầu những năm 90 (khoàng 10% mỗi năm), nhưng với mức tăng của khu vực sản xuất thấp hơn trung bình cả nước từ cuối những năm 90, thành phố này đã chuyến hướng tập trung vào cung cấp những sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, đặc biệt là IT, công nghệ sinh học, ngân hàng, giáo dục và du lịch.
Dù vậy không phải là không có khó khăn. Một báo cáo gần đây của trường quản lý hành chính Kennedy thuộc đại học Harvard về tính cạnh tranh của các thành phố Việt Nam đã phân tích những thách thức chính khi thành phố chuyển đổi sang những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và thâm dụng tri thức hơn. Những thách thức này bao gồm sự thiếu hụt đáng kể nguồn lao động chất lượng cao, hệ thống luật pháp kém hiệu quả và không rõ ràng, tình trạng gian lận ngày càng tăng và những quan ngại về năng lực và sự trung thực của chính quyền. Nhiều thành phố trong khu vực có cùng những thách thức này với thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ hội đi cùng rủi ro
Cũng như thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền nhiều thành phố đang nhìn nhận nghiêm túc sự thiếu hụt tài năng trong thị trường lao động địa phương sẽ gây cản trở sự phát triển của nền kinh tế tri thức. Điều này lý giải cho sự hình thành cho các chính sách ưu đãi đối với trí thức nước ngoài tại MSC Kuala Lumpur. Đây cũng là chiến lược của Singapore, nơi đang thực hiện một chương trình quy mô hướng đến đối tượng mà chính quyền ở đây gọi là “nhân tài bốn phương”. Chương trình bao gồm các hỗ trợ về tài chính và nhà ở cũng như những quy định nhập cư nới lỏng, nhưng chúng chỉ dành cho các tài năng người nước ngoài có thể đóng góp cho các lịnh vực dịch vụ, tài chính và công nghệ thông tin của Singapore. Tuy nhiên, theo báo cáo của Harvard, không như Singapore và MSC, sự kém hiệu quả của thành phố Hồ Chí Minh khiến cho việc tuyển chọn những nhân tài trong và ngoài nước trong các lĩnh vực này trở nên khó khăn. Do dó, chỉ một vài thành phố trong khu vực có thể thực hiện và duy trì những chính sách cụ thể đối với trí thức nước ngoài để hỗ trợ tăng trưởng, phần lớn số còn lại phải bước đi chật vật hơn.
Vào năm 2012, lần đầu tiên các thành phố châu Á dẫn đầu các bảng xếp hạng toàn cầu về tính hấp dẫn của các thành phố. Sự thăng hạng này tạo cơ hội cho các thành phố tuyển dụng nhiều tài năng cho các lĩnh vực mũi nhọn. Các thành phố châu Á phải làm tốt để tận dụng cơ hội trên thị trường lao động thế giới nhằm hỗ trợ các chiến lược tăng trưởng với những mục tiêu cụ thể.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi này, cả chính quyền địa phương lẫn trung ương phải quan tâm đến rất nhiều tác động dài hạn. Một vài câu hỏi được đặt ra là: vai trò của những lao động ngoại quốc đối với thành phố là gì, và nó khác với những lao động trong nước thế nào? Các đô thị châu Á chào đón sự đa dạng văn hóa như thế nào? Lao động ngoại quốc chỉ làm những dự án ngắn hạn hay nên ở lại lâu dài? Chính quyền các thành phố châu Á thực sự có muốn những quốc tịch nước ngoài trong thị trường lao động của mình hay không, và họ mong muốn toàn cầu hóa đến mức nào? Những vấn đề xã hội lớn hơn phải được tính đến. Phát triển kinh tế tri thức đã dần loại những người ít kỹ năng hơn ra khỏi cuộc chơi. Một nghiên cứu gần đây về thị trường nhà ở của Cyberjaya cho thấy sản phẩm nhà ở giá rẻ gần như hoàn toàn vắng bóng ở đây. Những người kinh doanh nhà đất tỏ ra vô tình khi nghĩ rằng thị trường sẽ tự quyết định nhu cầu dành cho sản phẩm này, và khi cho rằng nhu cầu không có, họ lại tiếp tục phát triển nhà ở cho những đối tượng giúp đem lại nhiều lợi nhuận hơn, chính là những lao động tri thức, đặc biệt là người nước ngoài.
Theo Dothivietnam