Lịch sử quy hoạch đô thị luôn được thúc đẩy do những nhu cầu của đời sống. Những nhu cầu về một nơi cư trú an toàn, thịnh vượng và gần gũi nhau là nguyên do con người đặt viên gạch đầu tiên xây bức tường phòng thủ quy ước hình thành đô thị. Trải qua hàng ngàn năm cho đến những đô thị hiện đại ngày nay, đô thị vẫn là pháo đài kiên cố và uy quyền nhất của loài người dựng lên để khẳng định sự thống trị tuyệt đối của mình trên hành tinh này, để bảo vệ cư dân của mình và cũng là để chống chọi với những đô thị khác. Mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và mỗi giai đoạn xã hội trưng ra những tính chất tiêu biểu nhất trong đô thị của mình, và quy hoạch đô thị được thực hiện tùy theo nhu cầu tầng lớp quyền lực chi phối khu vực trong thời điểm đó. Đáp ứng nhu cầu của thế lực thống trị là động lực dẫn dắt quy hoạch đô thị diễn biến. Tuy nhiên khi xã hội ngày càng phát triển phức tạp, mâu thuẫn giữa đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và nhu cầu của tầng lớp quyền lực đã biến đô thị thành một “vũng lầy” tối tăm của cuộc sống đô thị.
![]() |
Và ngay trong môi trường tối tăm và bệnh hoạn, con người đã có những ước mơ về một xã hội lý tưởng, những ước mơ không chỉ thể hiện trong văn học nghệ thuật mà còn thúc giục những nhà xã hội đi tìm cách cải tạo xã hội để vươn ra ánh sáng. Như Lenin nói “Uớc mơ! Không có ước mơ, con người sẽ biến thành con vật. Ước mơ thúc đẩy sự tiến bộ. Ước mơ vĩ đại nhất đó là chủ nghĩa xã hội.” Những tư tưởng sơ khai và những thí nghiệm cải tạo của chủ nghĩa xã hội không tưởng (Utopia) ban đầu của Robert Owen, Fourier .v.v. đã truyền cảm hứng cho thế hệ những nhà quy hoạch và các kiến trúc sư sau này cố tìm kiếm một mô hình đô thị lý tưởng cho chúng ta cư trú. Có nhận xét rằng nếu không có Utopia, không biết có còn ai dẫn dắt đô thị phát triển hiện đại như ngày nay.
Năm 1922, một mô hình lý tưởng khác gây tiếng vang do Le Corbusier đưa ra mang tên “Thành phố cho 3 triệu dân” (Le projet de ville contemporaine de trois millions d’habitants) trong cuộc “Triển lãm mùa thu” tại Paris. Đồ án thiết kế trên khu đất hình chữ nhật lớn, gồm các toàn nhà cao tầng ở giữa (66 tầng), xây dựng trong các công viên lớn với mật độ cực thấp, chỉ 5%. Các khu công nghiệp và các thành phố vườn đặt ở ngoại vi. Mặc dù Le Corbusier cố gắng đi tìm những chính quyền có khả năng xây dựng mô hình này, nhưng đều không có kết quả, tuy nhiên những nguyên tắc của đồ án này ảnh hưởng rộng đến những kiến trúc sư thiết kế đặc biệt như khái niệm về “nhà cao tầng trong công viên”.
