Kienviet.net – Mấy ngày qua dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ bởi hành vi phi nhân tính, bạo hành con trẻ của hai “ bảo mẫu” tại cơ sở giữ trẻ tư nhân Phương Anh ở Q.Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Một thời gian trước đó không xa, cũng tại Quận này, người giữ trẻ có tên là Hồ Ngọc Nhờ đã đánh chết cháu bé Đỗ Nhất Long, 18 tháng tuổi. Chuyện bạo hành trẻ em ở nơi trên và ở nhiều địa phương khác trên cả nước đã trở thành vấn nạn, là nỗi đau nhức nhối không chỉ của bố mẹ các cháu, mà còn của cả hệ thống chính trị xã hội trong đó có ngành giáo dục. Còn nhớ, khi còn sống, Bác Hồ kính yêu đã từng dạy “ Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan ”. Vậy nhưng, những cái búp trên cành non nớt và mong manh kia, những mầm non tương lai của đất nước kia đã và đang bị xâm hại, dẫm đạp không thương tiếc bởi một bộ phận người lớn đang làm cái nhiệm vụ cao quý là dạy người?! Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh và sau khi thoát ra khỏi chiến tranh, dù còn rất nghèo, ăn không đủ no, mặc chưa đủ ấm, nhưng Đảng và nhà nước ta vẫn lo được hệ thống nhà trẻ, trường mẫu giáo. Khi ấy không hề có nhà trẻ, trường mẫu giáo tư nhân. Tất cả hệ thống giáo dục là công lập, do chính quyền quản lý. Không một khu tập thể nào, khu nhà ở nào là thiếu nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học. Công nhân làm việc, lao động tại các nhà máy hay trên công trường xây dựng, đều rất yên tâm khi gửi con mình vào các nhà trẻ, mẫu giáo của nhà máy, xí nghiệp…. Các cô nuôi dạy trẻ, được đào tạo từ 18 tháng cho đến 2-3 năm theo hệ sơ cấp, trung cấp sư phạm. Dù cơ sở vật chất không được như bây giờ. Bữa ăn cho trẻ chỉ đủ no, chứ không nhiều thịt, trứng, cá. Sữa tươi thì hầu như không có. Đồ chơi cho trẻ thiếu đến mức các cô giáo với lòng yêu nghề, yêu trẻ tự mày mò làm dụng cụ học tập, đồ chơi cho các cháu bằng chính những tờ báo, bìa lịch cũ bỏ đi, hay những mảnh vải đủ màu sắc vốn từ các áo, quần cũ rách của chính mình…vậy mà trẻ con vẫn khỏe mạnh, hồn nhiên và lớn lên trong tình yêu thương của các cô nuôi dạy trẻ, của bố mẹ và của cộng đồng. Những tài năng lớn của Tổ quốc như Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu… là những người đã từng sống qua những nhà trẻ, trường mẫu giáo thiếu thốn về vật chất, nhưng giàu lòng yêu thương của các cô giáo trong thời kỳ đó!
Ngày hôm nay đời sống người dân chưa phải là giàu, nhưng đã đủ đầy gấp vài lần so với ngày trước. Người dân sống trong đô thị đã tính đến chuyện ăn ngon, bữa ăn phải đổi món cho khỏi chán. Mặc không chỉ đẹp mà phải hợp mốt, hợp thờ trang. Thậm chí với một bộ phận cộng đồng là phải hàng hiệu. Thế nhưng, vật chất đủ đầy, nhưng văn hóa và đạo đức, lối sống lại nghèo đi. Chung quanh chúng ta, vẫn còn đầy rẫy tội ác và nạn tham nhũng. Người lớn không chỉ ăn cắp tài sản của cộng đồng mà còn ăn cắp cả tuổi thơ của con trẻ. Người ta xây các khu đô thị mới chỉ toàn nhà là nhà để bán, để kinh doanh kiếm lời, chứ không xây nhà trẻ, trường học cho trẻ em. Thậm chí gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ của Chính phủ để vực dạy thị trường BĐS đang chết chìm cũng chỉ dành xây nhà ở xã hội?! Vậy khi các khu nhà ở xã hội xây xong, thì vốn nào, nhà đầu tư nào sẽ xây nhà trẻ, trường mẫu giáo công lập cho trẻ em của cư dân nghèo sống trong các nhà ở xã hội kia?! Và nếu thế, sẽ lại mọc lên hàng trăm nhà trẻ tư nhân, mà ai dám chắc rằng ở đó, trẻ em không bị bạo hành, bị vùi dập như câu chuyện đau lòng vừa xảy ra ở Quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh hay nhiều nơi khác nữa trên dải đất hình chữ S này./.
KTS Phạm Thanh Tùng