Dẫu là tượng đồng ghi danh giữa chốn phồn hoa đô thị, hay chỉ là văn bia lưu ký nép mình lặng lẽ nơi đình đền làng xã, những người có công xây dựng thành phố luôn được tôn vinh và lưu truyền trong ký ức người dân.
Sự nghiệp canh tân Paris với Georges Eugène Haussmann

Paris – Thủ đô hoa lệ của nước Pháp, kinh đô ánh sáng… với bao lời ngợi ca về cảnh đẹp Eiffel in hình lên trời cao, sông sông Seine uốn lượn quanh thành phố, những quảng trường rộng mở, đường phố thẳng tắp, vườn cây xanh tươi… Nhưng ít ai biết cho đến giữa thế kỷ 19, trung tâm Paris vẫn giữ nguyên từ thời Trung cổ: bên cạnh các lâu đài tu viện, tượng đài nguy nga là những ngôi nhà chen chúc, các khu phố bẩn thỉu trong những con đường nhỏ hẹp…
Người đầu tiên nghĩ đến việc chỉnh trang Paris là Vua Louis-Napoléon Bonaparte (tức Napoléon III). Bị ám ảnh bởi vẻ tân thời mới mẻ của khu vực Đông London được hồi sinh sau đại hỏa hoạn 1666, ông quyết chấn hưng Paris trên tinh thần “liberer les flux” – giải phóng, tự do hóa các nguồn lực và “lumières” – khai sáng.
Napoléon III trao trọng trách thực hiện dự án cải tạo Paris cho Georges Eugène Haussmann, tỉnh trưởng tỉnh Seine từ năm 1853. Cộng sự với ông có Victor de Persigny, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách tài chính với sự giúp đỡ của anh em nhà Pereire; kỹ sư Jean-Charles Alphand, nhà làm vườn Jean-Pierre Barillet-Deschamps chịu trách nhiệm cải tạo các công viên và hệ thống cây xanh cùng nhiều KTS tài năng khác.
Dự án của Haussmann đã biến thành phố Paris từ một đô thị trung cổ trở thành một đô thị hiện đại với các đại lộ lớn và các quảng trường thoáng đãng. Không chỉ tạo ra bộ mặt của Paris ngày nay, các cải tạo của Haussmann còn là một kho báu cho các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đô thị và sử gia. Dự án lớn này được thực hiện từ năm 1853 đến năm 1870.
Tuy gặp phải một số chỉ trích, bản thân Haussmann bị sa thải vào năm 1870, nhưng với nỗ lực quên mình trong gần 20 năm, mỗi khi nói đến cuộc canh tân vĩ đại Paris, không thể không nhắc đến tên ông.
Công tước Richelieu với Odessa – Thành phố bên bờ biển Đen
Được mệnh danh là Hòn ngọc của biển Đen, Odessa – thành phố cảng quan trọng của Ukraina, nơi có hơn 1 triệu cư dân nhưng đón hơn 5 triệu du khách mỗi năm. Nơi đây từng là địa bàn giành giật của các vương triều. Sau thời kỳ của đế chế Otoman là giai đoạn người Nga làm chủ vùng đất này. Năm 1794, Nga hoàng cho mời các nghệ sĩ lớn từ châu Âu đến để xây dựng thành phố theo phong cách châu Âu. Công tước Richelieu (Armand-Emmanuel de Vignerot du Plessis – Duc de Richelieu) đến từ nước Pháp, là cháu nội Hồng y giáo chủ Richelieu (nhân vật quan trọng trong câu chuyện Ba người lính ngự lâm). Là một người bạn của Sa hoàng Czar Alexander I, ông đã đến nước Nga sau những biến cố chính trị và được bổ nhiệm thống đốc Odessa.
Người Odessa kể rằng: Trong 11 năm ở vị trí đứng đầu Thành phố (1803-1814), ông kê bàn làm việc của mình tại quảng trường trung tâm, hàng ngày ông gặp gỡ cộng sự và những người dân để giải quyết tất cả công việc liên quan đến xây dựng thành phố. Thành phố được xây dựng không chỉ là trung tâm thương mại, hải cảng quốc tế lớn nhất trên biển Đen mà còn là trung tâm khoa học, giáo dục và văn hóa ở phương Nam của đế quốc Nga rộng lớn. Đến những năm 30 của thế kỷ 19, Odessa đã trở thành thành phố quan trọng thứ ba của đế quốc Nga, chỉ đứng sau St.Peterburg và Moskva.

Một trong những công trình để lại ấn tượng nhất của ông là Potemkin Stairs – “đại lộ bậc thang” dẫn vào thành phố từ bờ biển Đen – như đại lộ Champs Elysées dẫn vào Paris. Vận dụng luật thấu thị phối cảnh, kết hợp với cây xanh và kiến trúc phù trợ, Potemkin Stairs đã trở thành biểu tượng, điểm đến Odessa đầu tiên của du khách. Sau này kiến trúc sư vĩ đại người Phần Lan Alvar Aalto đã vận dụng, và đạt thành công khi thiết kế lối vào tòa thị chính thành phố Helsinki.

Khi Richelieu rời Odessa để trở về Pháp năm 1914, một nửa cư dân thành phố đã đứng bên đường tiễn ông. Năm 1828, người dân Odessa góp tiền dựng tượng đài ông bằng đồng và đặt ở vị trí đẹp nhất thành phố. Cho đến nay, tượng đài Richelieu là niềm tự hào của Odessa và đón hàng triệu người đến thăm viếng hàng năm.
Hà Nội từng có vườn hoa – tượng đài kiến trúc sư
Cho đến hôm nay, vườn hoa, tượng đài bác sĩ Yersin đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội. Nhưng ít người còn biết đến KTS Ernest Hébrard (1875 – 1933), giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Đông Dương – tác giả bản vẽ quy hoạch Hà Nội – thành phố vườn cây vào năm 1923. Phương án quy hoạch của ông đã biến Hà Nội với những mạng đường chỉ phục vụ đi lại trở nên duyên dáng, với những quảng trường vườn hoa, và mỗi công trình đều có vị trí xứng đáng, tô điểm thành phố.

Ông là tác giả nhiều công trình kiến trúc mang phong cách Đông Dương tuyệt đẹp của Hà Nội: Bảo tàng lịch sử, Trụ sở Bộ Ngoại giao, mặt đứng trường Đại học tổng hợp 19 Lê Thánh Tông, Viện Vệ sinh dịch tễ, nhà thờ Cửa Bắc… Ông tham gia giảng dạy cho các thế hệ KTS Việt Nam đầu tiên tại khoa Kiến trúc – Trường Mỹ thuật Đông Dương và là người khởi xướng phong cách kiến trúc Á Đông đặc sắc… đóng góp không nhỏ tạo nên diện mạo Hà Nội, cùng với Thượng Hải và Tokyo là 3 thành phố đẹp nhất châu Á vào những năm 1925-1930. Ông cũng là tác giả của đồ án quy hoạch thành phố hoa Đà Lạt, hoàn thành tháng 8 năm 1923.
Hà Nội đã từng xác định vị trí một vườn hoa nhỏ trên đường Hoàng Diệu và đã thiết kế phần đế đặt tượng đài mang tên KTS Ernest Hebrad, có lẽ nơi ấy vẫn còn đâu đó, dưới tán cây xanh trên đường Hoàng Diệu.
Thăng Long cũng có một người…
Phố Nguyễn Trung Ngạn nằm ở phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng được nhiều người biết đến là một trong ba con phố “ngắn nhất” ở Thủ Đô cùng với phố Nguyễn Xí và phố Hồ Hoàn Kiếm. Nhưng ít người biết đến ông là ai…
Trở về với lịch sử, nhà Lý định đô Thăng Long vào năm 1010. Qua hơn 200 năm sau, nhà Trần tiếp quản Thăng Long với ngổn ngang chiến trận giành quyền bính rồi chống giặc ngoại xâm. Thời chiến – thời loạn li tán đã đành. Đến thời bình, Thăng Long cũng không được yên ổn bởi nạn kiêu binh – các gia đình quý tộc lộng hành, coi thường phép nước, dựa vào đó nhiều kẻ a dua làm dân chúng thêm điêu đứng, lầm than.
Để Thăng Long yên ổn, phải vời người tài cao đức trọng quản lý Kinh thành: đó là Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn. Ông vốn người Hải Dương đỗ cao từ năm 16 tuổi. Khi đi sứ sang Nguyên ông có công giữ thể diện quốc gia. Khi đứng đầu phủ Thanh Hoa, Nghệ An, ông giữ được pháp luật nghiêm minh. Khi ra trận thì ông tổ chức vận chuyển binh lương tài tình, lúc yên bình thì ông cho dự trữ thóc gạo cứu trợ dân nghèo chu tất. Đến năm 1341, ông được cử làm Đại doãn kinh sư (tương đương Chủ tịch thành phố). Thăng Long từ ấy yên ổn trải mấy đời vua. Ông mất năm 82 tuổi, văn chương, chước tác truyền lại có Giới Hiên thi tập, Hoàng triều đại điển, Hình luật thư, Thanh chinh Đà Giang thực, Ma Nhai kỷ công bi văn. Thăng Long – Hà Nội có bảy nơi thờ Nguyễn Trung Ngạn: Đền Tiên Hạ (46A ngõ Phất Lộc), Đền Hương Tượng (64 Mã Mây), Đền Hương Nghĩa (13B Đào Duy Từ), Đình Mỹ Lộc (45 Nguyễn Hữu Huân), Đình Hương Bài (90 Trần Nhật Duật), Đình Ưu Nghĩa (2A Nguyễn Hữu Huân), Đình Phúc Lộc (6 Lương Ngọc Quyến).
Cho dù là dân phố hay dân làng cũng ước ao có không gian sinh sống an lành thịnh vượng và ấm áp tình người. Dù ở chốn thị thành hay tận non xa, sông bể thì cư dân cũng có khát vọng nơi chốn của mình trở nên đẹp đẽ, kiêu hãnh. Vì vậy, người dân dựng lên những đài tưởng niệm khang trang hay lưu danh sử sách tên tuổi các vị đã đem lại khung cảnh sống an bình thịnh vượng… tùy theo cách thể hiện tôn kính. Còn người Thăng Long – Hà Nội đã chọn cái cách âm thầm nhưng cháy bỏng, vượt qua những giới hạn để khấn niệm bậc thánh nhân đã làm nên hồn cốt của phố phường. Người “kẻ chợ” thờ Ngài “Kinh sư Phủ doãn” khi đang thụ hưởng tràn trề hạnh phúc, và gửi lời nguyện cầu đến ông nhiều hơn khi còn đó phố phường cảnh trí lộn xộn, tâm trí ngổn ngang với lo âu, khắc khoải, thất vọng tràn lan.
KTS Trần Huy Ánh