TS Danielle Labbé (giảng viên trường ĐH Montréal, Canada) đang hướng dẫn một nhóm các nhà nghiên cứu trẻ, đến từ nhiều nước thực hiện khảo sát về không gian công cộng dành cho giới trẻ ở Hà Nội. Theo TS Danielle, Hà Nội là thành phố có tỉ lệ địa điểm công cộng/người ở mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Tầm quan trọng của không gian công cộng
Thưa chị, tại sao nhóm nghiên cứu lại chọn đề tài về không gian công cộng cho người trẻ Việt Nam để nghiên cứu?
Cư dân đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ không có nhiều địa điểm để vui chơi hay để thực hiện các hoạt động dã ngoại. Họ sử dụng rất nhiều thời gian để ở nhà với gia đình, đến những tiệm café Wi-Fi hay chơi game và như thế sẽ không thực sự làm cho họ trở nên năng động, họ thiếu những hoạt động ngoài trời. Rõ ràng, để cải thiện sức khỏe và kỹ năng giao tiếp thì những địa điểm công cộng là tốt hơn. Tiếp xúc với những người lạ ở đó, bạn sẽ có cơ hội học được cách hòa đồng với mọi người.
Chị có thể giải thích rõ hơn?
Một địa điểm công cộng, về cơ bản là cần có nhiều cây cối, đó là một môi trường xanh, sạch đẹp. Các địa điểm công cộng còn cung cấp nơi cho mọi người gặp gỡ nhau, gặp gỡ hàng xóm, hay để tập thể dục. Ở Việt Nam, mọi người không thể tập thể dục trên vỉa hè bởi nó quá chật chội và nguy hiểm, còn ở những địa điểm công cộng thì họ được tự do hơn. Đó cũng là nơi mà bạn có thể học hỏi về ý thức, về các phép tắc ứng xử với cộng đồng, những điều bạn không nên làm như làm phiền người khác hay là vứt rác bừa bãi, bởi vì sẽ có người nhắc nhở bạn. Đây cũng là nơi bạn học được cách tôn trọng người khác, khi mà mọi người sinh hoạt cùng nhau với những người lạ mặt. Sống trong một thành phố là sống chung với tất cả các kiểu người, bạn phải học phải làm quen với điều đó ngay khi còn trẻ.
Trong khảo sát của mình, nhóm nghiên cứu thấy điều gì xảy ra với những địa điểm công cộng ở Hà Nội?
Trong những năm gần đây, tuy Hà Nội đã có thêm một số địa điểm công cộng nhưng chúng đều ở xa trung tâm thành phố (ví dụ như công viên Hòa Bình hay công trình ở Yên Sở). Ở khu vực nội thành, hầu như không có địa điểm công cộng nào được xây mới trong khoảng 10 năm gần đây. Thực tế còn cho thấy, có một số địa điểm đang trở nên nhỏ hơn và bị tư nhân hóa, ví dụ như công viên Tuổi Trẻ. Trước đây, công viên này là một địa điểm công cộng nhưng giờ họ đã mở ra nhiều loại hình kinh doanh: Cho thuê địa điểm làm đám cưới, công viên nước… và bạn phải trả tiền nếu bạn muốn sử dụng những dịch vụ đó. Như thế thì sinh viên từ những khu vực khác sẽ không muốn đến bởi vì họ không có tiền hoặc không muốn trả tiền. Số lượng những địa điểm công cộng đã ít và bị tư nhân hóa nhưng việc xây dựng thêm các tòa nhà vẫn tiếp tục diễn ra quanh các địa điểm này…
Hà Nội là thành phố có tỉ lệ địa điểm công cộng/người ở mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ này thấp hơn Băng Cốc rất nhiều, nó cũng thấp hơn Hồng Kông hay Tokyo…
Phải là không gian “sống”
Chị nghĩ sao về tình trạng thiếu an toàn tại các địa điểm công cộng tại Hà Nội?
Địa điểm công cộng thì cần phải là những địa điểm an toàn, cần chắc chắn rằng, không điều xấu nào có thể xảy ra. Bạn sẽ thấy rằng, khi những địa điểm này càng được sử dụng phổ biến thì nó càng an toàn. Ngược lại, khi có ít người sử dụng, nó sẽ trở thành nơi trú ngụ cho tội phạm, không mấy ai để tâm đến bạn, theo dõi xem bạn đang làm gì và nó trở nên nguy hiểm. Có những vấn đề xã hội phức tạp có thể chồng chéo lên nhau, vì vậy, chúng tôi cũng cho rằng, sử dụng các địa điểm này một cách thường xuyên là một cách để bảo vệ và làm cho những địa điểm này trở nên an toàn cho giới trẻ nói riêng và cho mọi người nói chung.
Theo chị, làm thế nào để tạo ra nhiều sân chơi công cộng hơn cho người trẻ?
Töi nghô rằng, có rất nhiều việc chính quyền có thể làm, chẳng hạn như sự phát triển các khu đô thị mới. Một thành phố cần có tiêu chuẩn về diện tích công viên tối thiểu cho mỗi khu đô thị và ở thời điểm hiện tại, Hà Nội đang cho thấy sự hạn chế về tầm nhìn quy hoạch. Theo tôi, bên cạnh việc xây dựng những công viên mới thì bảo vệ những công viên đang hoạt động cũng là một việc rất quan trọng, đặc biệt là những công viên nhỏ bên trong khu dân cư, nơi chúng thường bị trưng dụng làm bãi đỗ xe, như chúng ta vẫn thấy ở các khu tập thể.
Về phía các tổ chức, như Đoàn Thanh niên cũng có thể vận động người trẻ, kéo họ từ “đời sống phòng lạnh” ra tận hưởng sự trong lành của không gian công cộng. Trong các nghiên cứu của mình, chúng tôi đã chỉ ra rằng, những hoạt động như khiêu vũ, trượt patin… giúp người trẻ trở nên tự tin hơn, học được nhiều hơn. Thanh thiếu niên, thậm chí, có thể giành được điểm số cao hơn ở trường lớp, bởi họ được khuyến khích những hoạt động ngoài trời như thế.
Ở một số nước phát triển, họ làm gì để các không gian công cộng thực sự đóng góp được lợi ích cho cộng đồng, thưa chị?
Áp lực đối với các địa điểm công cộng là khá lớn đối với các thành phố hiện nay trên thế giới. Cách giải bài toán này ở các nước phát triển là họ làm cho người dân xung quanh công viên hiểu rằng, công viên đó chính là của họ và thế là mọi người đều quan tâm và có ý thức giữ gìn công viên đó. Nhờ thế, chính quyền phải chi trả ít hơn. Tôi cho rằng, điều này cũng có thể áp dụng cho Hà Nội, vì ở đây, chúng ta có các tổ dân phố hoặc những cộng đồng dân cư có thể phát huy được vai trò của họ trong việc duy trì những địa điểm công cộng.
Xin cảm ơn chị!
Lê Ngọc Sơn (Thực Hiện)
Bài đăng theo Sinh viên Việt Nam số 50 – Ra sáng thứ Hai ngày 16/12/2013