Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, 2 năm công bố Quy hoạch Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050, Hà Nội đang bắt tay vào vẽ lại quy hoạch các đường phố nội thành sau khi khẩn trương hoàn thành các bản vẽ quy hoạch chi tiết các huyện ngoại thành.
Ngay cả khi chưa có quy hoạch thì các dự án đô thị đã bám theo các trục đường lớn mở rộng ra bốn phía bên ngoài thành phố, nhưng có vẻ các đường phố bên ngoài không có mấy tác tác dụng giảm áp lực dồn nén từ ngoài vào trong trung tâm phố cũ. Những tuyến đường đi từ bên ngoài vào trung tâm thành phố luôn đông đặc xe cộ. Hơn chục chiếc cầu vượt tại các điểm giao cắt giữa đường vành đai 1, 2 với các trục đường xuyên qua trung tâm thành phố đã giảm đáng kể nạn tắc đường trầm trọng, nhưng điều lo ngại nay đã dần hình thành: những điểm tập trung xe cộ đang chuyển dần từ vòng ngoài vào phía trong.
Các dự án đô thị từ vành đai 3 trở ra cần có thời gian mới tạo nên hấp lực phát triển mới thì trung tâm Hà Nội cũ (tính từ vành đai 2 trở vào) vẫn gia tăng sức hút phát triển… bỏ qua những tính toán trong các phương án quy hoạch tốn nhiều công sức. Kịch bản này dường như lặp lại hậu hết các đô thị các nước mới phát triển và cả những nước vốn có lịch sử phát triển lâu đời. Vì vậy những kinh nghiệm khai thác không gian đô thị theo chiều cao và theo chiều sâu cũng cần được xem xét, hy vọng gợi ý cho Hà Nội có khả năng đối mặt với thách thức: giải tỏa áp lực nén ngày càng gia tăng ngay trong lòng trung tâm thành phố, nơi cái tên mới đô thị nén được nhắc đến trong các cuộc thảo luận mở rộng Hà Nội.
Lấy ví dụ thành phố Tokyo – nổi tiếng với những tuyến giao thông huyết mạch chạy ngầm trong lòng thành phố, nhưng trên mặt đất, những con đường trên cao dưới thấp len lỏi giữa các tòa nhà, biến khu trung tâm thành phố trở thành không gian đa chiều, du khách có thể đi bộ cả ngày trên các con phố trên cao nối liền với các phố trên cao nữa… để lại dưới mặt đất những đường phố mà không biết khi nào sẽ dừng lại khi ở cuối con phố mở ra con đường tiếp tục chạy sâu vào lòng đất.


Để thiết kế quản lý khai thác không gian ngầm nổi Tokyo, chắc hẳn các nhà quản lý thành phố có những bộ quy tắc khác hẳn với quản lý thành phố thông thường, nơi mà các công trình bên đường phố chỉ biết khai thác hạ tầng giao thông sẵn có.
Gần đây, ngành xây dựng đã tổ chức các cuộc bàn thảo về quy hoạch không gian ngầm thành phố, tuy vậy chứng kiến các cuộc tranh luận về vị trí ga tầu điện ngầm bên Hồ Gươm và bản giới thiệu thiết kế tuyến đường này thì có thể thấy rằng: tuyến đường chưa hề có sự liên kết nào với các công trình hai bên đường mà nó đi qua.


Để khai thác được không gian đa chiều của đường phố, người làm đường và phố cần có ngôn ngữ thống nhất. Ví dụ ở Hà Nội, chỉ khi nào bài toán thoát nước nội thành giải quyết ổn thỏa thì những con đường ngầm trong lòng đất mới an toàn và các công trình thương mại dịch vụ ngầm gắn với nó có cơ hội phát triển.


Những công trình thương mại cao tầng hai bên đường liên kết với nhau bằng những hành lang đi bộ sẽ làm gia tăng giá trị sử dụng: thay vì chỉ có một mặt bằng khai thác sẽ có nhiều hơn không gian khách hàng có thể tiếp cận, và đương nhiên các chủ đầu tư khai thác bất động sản cần có trách nhiệm hoàn trả cho xã hội phần đã khai thác không gian chung mang lại lợi ích cho mình.


Tại Việt Nam có thể thấy rất nhiều ô tô Nhật Bản, nhưng nhìn trên đường phố Tokyo qua những bức ảnh này thì có lẽ số xe trên đường ít hơn Hà Nội (có thể là cái nhìn của một du khách dừng chân quá ngắn ở Tokyo)


Nhưng có điều chắc chắn là số người Tokyo đi lại dưới ngầm đông hơn trên mặt đất nhiều và vỉa hè dành cho người đi bộ luôn rộng rãi.


Mỗi thành phố, quốc gia có hoàn cảnh phát triển riêng. Nhưng Hà Nội hôm nay, những chiếc cột đỡ đoàn tầu trên cao Hà Nội- Hà Đông đã gần hoàn thành, chả mấy mà đoàn tầu sẽ lăn bánh. Tuyến đường trên cao nối cầu Thanh Trì lên tới Mai Dịch cho dù lồi lõm thì cũng thông xe được gần 1 năm rồi, tuyến đường trên cao nối cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở cũng rục rịch khởi động. Tuyến tầu điện trên cao, đi ngầm nối sân bay Nội Bài với trung tâm Thành phố cũng đã vẽ xong. Nhưng những con đường kết nối với phố thế nào, những không gian chìm, nổi của Hà Nội sẽ đem lại lợi ích và tiện nghi cho cư dân thành phố ra sao, người dân sẽ phải đóng góp hay đựơc chia sẻ trách nhiệm của mình với những vận hội mới của Thành phố ra sao? Thiết tưởng được bày ra cùng bàn thảo từ bây giờ cũng không phải là quá sớm.
KTS Trần Huy Ánh
Nguồn ảnh minh họa: Hanoidata, tháng 10/2011


Theo Vietnamnet