Theo kiến trúc đô thị mặt đường cùng với vỉa hè là bộ phận quan trọng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó vỉa hè còn có chức năng chủ yếu là dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các đô thị Việt Nam thì hè đường còn đang được “trưng dụng” làm chức năng thương mại dịch vụ, mà đôi khi tính năng này còn lấn át cả chức năng chính.
Vỉa hè dù rộng đến đâu cũng không đủ với những hộ kinh doanh trà chanh
Đã 4 năm kể từ khi Hà Nội chính thức ban lệnh cấm buôn bán trên vỉa hè nhằm trả lại cho người đi bộ không gian giao thông này. Tuy nhiên, hoạt động giành giật lại vỉa hè thật sự khó khăn, người đi bộ chỉ được thảnh thơi dạo bước trên hè phố thênh thang mỗi khi cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc. Sau những chiến dịch ra quân ấy, hàng quán đang chạy loạn nơi khác lại xô dạt về nơi cũ.
Sở dĩ dẹp vỉa hè chỉ như cóc bỏ đĩa bởi có quá nhiều cơ quan cùng quản lý. Sở GTVT có nhiệm vụ tổ chức giao thông ở lòng đường, vỉa hè các tuyến phố, còn việc quản lý hoạt động ở vỉa hè lại do UBND TP. Thành phố lại giao cho quận và phường cấp phép sử dụng.Tuy nhiên, quận, phường vừa có trách nhiệm giữ trật tự đô thị, vừa được giao nhiệm vụ thu thuế kinh doanh trên phần diện tích cấp phép sử dụng. Vậy nên, người dân đóng thuế kinh doanh thì phường sẽ có nguồn thu mà để kinh doanh hiệu quả một cách triệt để thì phải lấn chiếm vỉa hè. Mà nhiều khu vực buôn bán sầm uất thì chính thuế phí cho thuê vỉa hè lại là nguồn thu chính của địa phương ví như các khu trung tâm, khu phố mua sắm. Và khi đã bày bán, đỗ xe trên vỉa hè thì giao thông lại trở nên hỗn loạn.
Không những vậy, quy định cấp phép kinh doanh trên vỉa hè ở mỗi phường lại khác nhau. Phường thì cho ô tô để trên vỉa hè, phường thì cho sắp xếp làm bãi đỗ xe máy, trong khi có phường lại cấm triệt để. Sự bất công bằng ấy khiến cho luật nghiễm nhiên trở nên thiếu nghiêm túc, và sự manh mún trong quản lý vỉa hè lại là tác nhân gây ra tình trạng lộn xộn ở các tuyến đường.
Điều đó cũng lời giải thích rất rõ ràng cho những tuyến phố có vỉa hè rộng rãi vẫn trở nên “mất hút”. Thậm chí nhiều tuyến phố dù đã có biển “Cấm buôn bán, để xe lấn chiếm vỉa hè” nhưng vẫn có không ít quán có trà chanh, dừa xiêm … thản nhiên hoạt động như không có chuyện gì xảy ra như Cát Linh, đường Thanh Niên, ngã Tư Sở…
Cá biệt như đường Thanh Niên vốn được thiên nhiên ưu đãi với 2 mặt hồ tuyệt đẹp là nơi được người dân lựa chọn để đi dạo mỗi tối thì nay cứ tầm 6h chiều là một hàng ghế dài án ngữ ven hồ.

Hay tại đoạn giữa phố Chùa Bộc, cứ sau 19h tối, các quán trà bát bảo … lại được dọn ra ngang nhiên trên hè phố. Và dĩ nhiên xe cộ sẽ được để “ngăn nắp” dưới lòng đường.
Ở cứ điểm Ngã Tư Sở, có dạo người dân đi đường gặp khá nhiều phiền toái khi bị chào mời thái quá của những quán trà chanh vỉa hè.
Khi vỉa hè bị trưng dụng làm thương mại thì tất nhiên người dân phải đi dưới lòng đường, an toàn và giao thông cũng từ đó mà phức tạp hơn. Bên cạnh đó, việc kinh doanh trái phép trên vỉa hè còn kéo theo rất nhiều rắc rối. Có khi vì giành khách mà cãi lộn, đánh nhau … Hàng loạt những sự lộn xộn mất trật tự trị an kéo theo cũng chỉ vì vỉa hè “đứt bóng”. Điều đó thực sự đã làm xấu đi rất nhiều hình ảnh Việt Nam trong mắt khách du lịch. Rõ ràng người dân Hà Nội sẽ còn rất lâu mới tìm được khoảng không giữa chốn đô thành nhộn nhịp này.
Ngày 27/5/2008, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Văn Khôi đã ban hành quyết định số 2064, phê duyệt danh mục các tuyến phố cấm buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè.
UBND TP Hà Nội chỉ đạo các ban ngành quận huyện phối hợp để trong tháng 6/2008 cắm biển báo các tuyến phố cấm buôn bán trên vỉa hè, đồng thời tiến hành tuyên truyền và nhắc nhở để từ 1/7 chính thức xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo đó có 62 tuyến phố thuộc 6 quận nội thành Hà Nội không được phép kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè, bao gồm:
Quận Hoàn Kiếm có 16 tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Bà Triệu (thực hiện cả tuyến phố trên địa bàn Hoàn Kiếm và quận Hai bà Trưng), Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Hàng Lược, Chả Cá, Hàng Cân, Lương Văn Can, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bài, Nhà Chung.
Quận Ba Đình có 26 tuyến phố: Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Chu Văn An, Độc Lập, Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Chùa Một Cột, Ông Ích Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Lê Trực, Sơn Tây, Thanh Niên, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Bắc Sơn, Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Chí Thanh, Vạn Phúc, Liễu Giai, Văn Cao, Phan Huy Ích, Vạn Bảo.
Quận Hai Bà Trưng có 3 tuyến phố: Bạch Mai, Phố Huế (thực hiện trên cả địa bàn 2 quận Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm), Trương Định.
Quận Đống Đa có 12 tuyến phố: Cát Linh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đào Duy Anh, Chùa Bộc, Thái Hà, Khâm Thiên, Đê La Thành.
Quận Cầu Giấy có 3 tuyến phố là Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng.
Quận Thanh Xuân có 2 tuyến phố là Nguyễn Huy Tưởng và Khương Trung.
|
Theo Songmoi
Bình luận từ Facebook