“May mắn thay nơi đây đã xây dựng theo đồ án của KTS Ernest Hébrard, khu vực này để lại một không gian đường phố, kiến trúc cảnh  quan có giá trị nhất không chỉ của Tp Hà Nội, Việt Nam mà còn là một trong những khu phố vườn đẹp nhất còn sót lại của các thành phố Đông Nam Á – nơi các khu phố tương tự hầu hết  đã bị hủy hoại.”

Sự hình thành các khu vưc cảnh quan kiến trúc đặc trưng quận Ba Đình

Quận Ba Đình là một quận trung tâm của thành phố Hà Nội, rộng hơn 9Km2, dân số khoảng 226 nghìn người, chia thành 14 phường. Có thể nói lịch sử nghìn năm Thăng Long hiện diện quanh khu vực  quận Ba Đình, bởi lẽ quận Ba Đình ôm trọn 1Km2 Thành cổ, hay 5 Km2  những làng cổ Thập tam trại Ngọc Hà đã có từ TK 11. Màn sương truyền thuyết Hồ Tây, Trúc Bạch còn lãng đãng xa xưa hơn, bờ bãi sông Hồng, Bến Nứa, Hàng Than…đâu đây trên bến dưới thuyền, mạch chảy từ kinh thành phương Đông cổ tích  bước sang  phố thị phương Tây tươi trẻ: phố chợ bên sông Hà Nội tới từ rất sớm để từ  đầu thế kỷ 20. Trải qua hơn một thế kỷ đô thị hóa, quận Ba Đình tập hợp những khu vực đô thị khác nhau, mỗi nơi mang theo diện mạo, dáng vẻ  mà duyên cớ sinh thành ra nó vậy.

Khu Thành cổ, lưu nhiều dấu tích cổ xưa nhất thì cũng là nơi biến đổi từ  năm1873, là nơi đô thị hóa theo lối Tây sớm nhất. Vốn là cơ sở đồn , lũy phòng thủ từ 1831, Thành Hà Nội từ 1873 chuyển dịch thành nơi đồn trú quân đội của Pháp và các công trình dân sự phục vụ đội quân chiếm đóng. Khi các bức tường thành dỡ b , một phần khu quân sự hòa nhập với chức năng hành chính, để rồi vào cuối TK 20, khu Thành cổ dân sự hóa, hội nhập với đường phố quận Ba Đình, nhưng vẫn tồn tại khu riêng biệt với các cơ quan quân sự và khu dân cư của các cựu sĩ quan quân đội bên cạnh  với khu bảo tồn lịch sử.

Bản đồ QH khu vực quận Ba Đình của Luis Pineau 1943 và Bản đồ Hiện trạng năm 1986
Bản đồ QH khu vực quận Ba Đình của Luis Pineau 1943 và Bản đồ Hiện trạng năm 1986

Khu phố Tây sang trọng, xuất hiện sau khi tường thành bị dỡ bỏ (1890).Thừa hưởng không gian rộng rãi, khoảng trống  của một nửa Thành cổ ( 1km X 0,5 Km ). Hào nước quanh Thành san lấp, lộ ra bãi trống phía Tây và dải đất phía Bắc của Thành cổ. May mắn thay nơi đây đã xây dựng theo đồ án của KTS Ernest Hébrard, khu vực này để lại một không gian đường phố, kiến trúc cảnh  quan có giá trị nhất không chỉ của Tp Hà Nội, Việt Nam mà còn là một trong những khu phố vườn đẹp nhất còn sót lại của các thành phố Đông Nam Á – nơi các khu phố tương tự hầu hết đã bị hủy hoại. Quy hoạch đô thị chuẩn mực: đường xá thuận tiện, hạ tầng đồng bộ, cây xanh tràn ngập, hiệu quả phối cảnh /thị cảm tao nhã tới từng vị trí công trình,công viên, quảng trường cây xanh bố trí sắp đặt cẩn trọng…Mỗi  công trình nhà riêng hay công cộng tại đây đều là tác phẩm kiến trúc rất giá trị.

Khu phố Ta xây thời Tây hình thành 1890-1945, xen giữa làng xóm cũ bên ngoài thành Hà Nội và khu phố Tây: phía Bắc là đê Yên Phụ, Nam là phố Quan Thánh, Đông là phố Hàng Đậu còn phía Tây là hồ Trúc Bạch .So với phố Tây, phố Ta bình dân hơn: cây xanh, thảm cỏ ít hơn, đường phố, khuôn viên từng nhà nhỏ hơn và hình thức khiêm tốn hơn …Cùng chung quy chuẩn đường xá, hạ tầng kỹ thuật, nhưng phố Ta ít biệt thự rộng rãi mà phần nhiều  là nhà hàng phố sát nhau, kéo dài hình ống tạo nên khung cảnh riêng của khu phố.

Ngoài Đê sông Hồng, bên hông của thành phố đang hình thành nhanh chóng, nơi dành cho bà con lao động và những người đến thành phố lập nghiệp muộn mằn, khu ngoài đê được Chính quyền Thành phố các giai đoạn  quan tâm bởi muốn đảm bảo an ninh  và vệ sinh cho các phố trong đê. Trải qua một thế kỷ  (1900-2000) phát triển chậm chạp và phi chính thức, dở dang, tạm bợ và lúng túng  trong quản lý đô thị và xã hội.

Có thể thấy khu phố Ta và phố Tây quận Ba Đình kế thừa những kinh nghiệm canh tân đô thị  Paris (1853-1870) do Haussmann thực hiện, họ đã từng  cải tạo lại Paris mà không phải tăng thuế, nhưng đã hiện đại hóa hầu hết mạng lưới đường xá, thành phố có thêm  2 nhà ga đường sắt , 24 công viên, diện tích cây xanh 1.800 ha, tăng gấp 10 lần trước đó… sử dụng tới 70.000 lao động và làm tăng giá đất ở Paris khoảng 12 lần.

Trong gần 60 năm (1954- 2013), quận Ba Đình có nhiều dự án xây dựng. Những dãy nhà ở tập thể cao thấp tầng KTT Giảng Võ, Thành Công (1960-1980) đã từng  tạo nên diện mạo mới, nhưng chất lượng xây dựng  thấp nên  xuống cấp nhanh chóng, những phương án cải tạo manh mún đang tạo nên nguy cơ thoái biến cảnh quan các KTT và những đường phố  tiếp xúc với nó. Sau 1990, nhiều khu nhà ở thương mại xây trên đất quân đội hay kho tàng quanh khu Quần Ngựa thì cố gắng tận dụng đất đai, chau chuốt chất lượng nhà ở phía trong  mà xem nhẹ kết nối với bên ngoài, để lại sự khu biệt, thiếu không gian công cộng và vắng tình thân hữu xóm giềng. Những khu nhà tái định cư xây trên nền ruộng của các làng cũ  thì chất lượng thấp cả trong lẫn ngoài, cho dù cố gắng cải thiện hệ thống giao thông cống rãnh chung quanh, biến làng quê và các mảnh ruộng xen kẹt thành một quần thể nửa phố nửa làng, có thể phải rất nhiều năm sau mới có thể hình thành một bản sắc thẩm mỹ  đô thị có giá trị cho những vùng dự án và phụ cận.

Khu các làng xóm cũ với 13 trại quanh Thăng Long vốn có lịch sử cả ngàn năm, cho đến 1990 thì vẫn làng xóm, ruộng vườn nguyên vậy, vậy mà  hơn chục năm sau đã biến mất không còn dấu vết. Khu vực này vốn đã có trong bản vẽ quy hoạch Hà Nội 1943 và xuất hiện trong các đồ án thiết kế Trung tâm chính trị 1955-1965. Vẽ quy hoạch nhiều nhưng nơi đây đô thị hóa hoàn toàn tự phát, cuối cùng là đối phó bằng những giải pháp bị động: hợp thức hóa, chỉnh sửa chắp vá. Từng được hy vọng sẽ xuất hiện những quần thể lớn thì nay để lại nhiều tồn tại cần khắc phục đòi hỏi nhiều nguồn lực và diễn ra trong thời gian dài.

Quận Ba Đình có một vài vị trí đầu tư xây dựng vài chục năm nay có cảnh quan đẹp: khu Quảng trường Ba Đình, từ nơi vốn đã được hình thành trước đó 50 năm (1920), năm 1970-1975 đã xây dựng thành quần thể lớn – thích hợp cho những sự kiện lớn và nơi  sinh hoạt công cộng ưa thích bậc nhất của Hà Nội. Một nơi dễ nhận ra là đoạn phố Kim Mã từ ĐSQ Thụy Điển đến ĐSQ Bungaria, một đoạn phố ngắn nhưng có nhiều cây xanh, thảm cỏ và các công trình bên đường đã tạo sự hấp dẫn. Một đoạn phố nhỏ Vạn Phúc, đoạn từ đầu đường Liễu Giai đến cổng sau KS La Thành: tuy ngắn ngắn nhưng là đường phố duyên dáng với vỉa hè rộng, ngập bóng cây xanh và các lối ngõ xinh xắn, đoạn phố có lợi thế hình thành bởi vây quanh là các cơ quan ngoại giao và khu nhà ở của cán bộ cao cấp.

QH Giao thông nội thành , trích khu vực quận Ba Đình và QH định hướng không gian 2030-2050
QH Giao thông nội thành , trích khu vực quận Ba Đình và QH định hướng không gian 2030-2050

Trong 20 năm (1993- 2013) Quận Ba Đình mới có và mở rộng 5 trục đường lớn: Đường Văn Cao – Liễu Giai có dải phân cách rộng, cây cỏ cắt tỉa công phu và đã từng được gắn biển là con đường đẹp nhất, nhưng khi chất thêm chức năng cầu vượt và bãi đỗ xe vảo đây thì con đường này đã xuống hạng. Đường Giảng Võ chỉ là đường mà không thể là phố vì các công trình hai bên đường không có mối liên hệ không gian nào với trục giao thông náo nhiệt tối ngày. Đường Kim Mã, Đào Tấn có số phận tương tự, mặc dù đoạn Kim Mã đi qua công viên Thủ Lệ lẽ ra rất hấp dẫn nhưng bị cắt vụn,đứt đoạn, thiếu chuyển tiếp tại vị trí khách sạn DEAWOO. Đường Bưởi vốn có địa hình cao thấp, cây xanh thảm cỏ phong phú, kề bên sông Tô Lịch uốn quanh…nhưng vẫn dang dở bởi dự án hạ tầng và chưa khai thác hiệu quả cảnh quan,không gian công cộng.

Chỉnh trang đường phố: Bản vẽ hình học hay kế hoạch phân bổ nguồn lực phát triển ?

Nói đến cảnh quan đường phố mới mở Hà Nội thì ai cũng liên tưởng đến nhà siêu mỏng, siêu méo mặt phố. Một câu hỏi đặt ra là chuyện  đó không xảy ra khi làm ra các đường phố Hà Nội cũ thời Pháp. Câu trả lời là các bản vẽ mở đường phố mới tại Hà nội hay tại các thành phố  của Pháp được nghiên cứu trên các bình đồ giải thửa: các chủ đất ven đường có số phận được định đoạt  từ khi nghiên cứu trên bản vẽ  chứ không phải tại thời điểm con đường đã làm xong. Nghiên cứu quy hoạch không chỉ can thiệp hình học đơn thuần  mà cần phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả: đường và các công trình bên đường có mối ràng buộc nghĩa vụ tài chính chặt chẽ: con đường chỉ được mở ra khi có một định chế hợp lý , cân đối “bảo đảm công khai, minh bạch và kết hợp hài hoà giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân. “ ( Điều 6 Luật Quy hoạch đô thị 2009). Dự án chỉnh trang đô thị cần thảo luận rộng rãi với tất cả các bên liên quan và được cân nhắc bởi phương án phân bổ nguồn lực toàn xã hội hợp lý chứ không  quyết định bởi bức tranh mầu sắc  bắt mắt của kiến trúc sư .

7-Tokyo

Giao thông và KGCC Tokyo: Tầu điện trên cao đi thẳng vào siêu thị, cầu dẫn nối sang ga và siêu thị khác.
Giao thông và KGCC Tokyo: Tầu điện trên cao đi thẳng vào
siêu thị, cầu dẫn nối sang ga và siêu thị khác.

Tại quận Ba Đình, mỗi đường phố, khu phố có đặc trưng riêng và cần những ứng xử phù hợp cho từng khu vực. Đi sâu vào giải pháp cải thiện, nâng cấp cảnh quan các trục đường lớn thì không chỉ đề xuất ra hình thức không gian kiến trúc mới, mà điều quan trọng tận dụng tối đa nguồn lực từ cơ hội sinh lợi từ các công trình hai bên đường để đầu tư nâng cấp đồng bộ đường và nhà ven đường. Cần kiểm soát không gian mở một cách chặt chẽ bằng cách cấp phép quyền sử dựng không gian được quy đổi/lượng hóa bằng nghĩa vụ tài chính …Đây chính là biện pháp đồng bộ nhằm phân bổ lại các nguồn lợi do các dự án phát triển đô thị đem lại thay vì các quy định hành chính vốn dung túng  cơ chế xin cho/nguy cơ tham nhũng cao và là nguyên nhân chính làm mất hiệu lực các quyền năng kiểm soát phát triển không gian đô thị/phá vỡ cảnh quan/làm suy giảm  chất lượng không gian đô thị.

Quy hoạch Giao thông nội thành, trích khu vực quận Ba Đình và quy hoạch định hướng không gian 2030-2050
Quy hoạch Giao thông nội thành, trích khu vực quận Ba Đình và quy hoạch định hướng không gian 2030-2050

5 - Ga vaoSieu th-Si (2)

Trục giao thông mới tạo cảnh quan đường phố mới: Bản đồ Bangkok, quanh tuyến đường sắt trên cao dầy đặc khách sạn, siêu thị. Một ga đường sắt trên cao nối với sảnh lớn của siêu thị Siem Dragon
Trục giao thông mới tạo cảnh quan đường phố mới: Bản đồ Bangkok, quanh tuyến đường sắt trên cao dầy đặc khách sạn, siêu thị. Một ga đường sắt trên cao nối với sảnh lớn của siêu thị Siem Dragon

Ví dụ như trục Kim Mã, khi trục đường này có tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội chạy qua – đây chính là cơ hội chỉnh trang trở thành trục đường hiện đại, mang biểu tượng một giai đoạn phát triển đô thị mới của quận Ba Đình và Tp Hà Nội. Việc tổ chức lại giao thông tại đây đồng thời xuất hiện các trung tâm thương mại dịch vụ, sinh hoạt công cộng tại các nhà ga/đầu mối giao cắt các trục/tuyến để đường, đồng thời với kết nối các phương tiện giao thông hay các nhánh đường phân cấp khác. Tạo lập  không gian công cộng dịch vụ thương mại lớn, cũng là quá trình tăng cường dồn điền tích thửa, triệt thoái các công trình siêu mỏng siêu méo hai bên đường. Để có một phương án nghiên cứu tích hợp đa ngành: kinh tế/văn hóa xã hội/ pháp lý/kỹ thuật hạ tầng/ kiến trúc cảnh quan… cần một cách tiếp cận khác, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác khảo sát, tính toán thiết kế, tối ưu hóa, mô hình hóa hiệu ứng tương tác, quản lý không gian và đặc biệt là quản lý tài chính đô thị thu được từ khai thác không gian đô thị … những giải pháp  đã từng dùng  tại các quốc gia Âu, Mỹ, Nhật Bản vài chục năm trước đã được sử dụng ở các nước quanh ta như Thailand, Indonesia,Trung Quốc hàng chục năm gần đây …hiện đang rất phổ biến tại Việt Nam, phần lớn các chuyên gia trong nước đã làm chủ công nghệ . Hy vọng với quyết tâm của các nhà quản lý, sự hợp tác của các chuyên gia trong nước và quốc tế, thực nghiệm nghiên cứu chỉnh trang tuyến phố Kim Mã sẽ thành công.

8-mochizuk-Si (1)
Một bản thiết kế Trung tâm thương mại kết hợp nhà ga tầu điện ngầm, tầu trên cao của TS.KTS Mochizuki

Ths KTS Trần Thọ Hiển 

Ảnh: Hanoidata

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more