Trên địa bàn Hà Nội có hai quần thể di tích đặc biệt quan trọng là Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long và Thành Cổ Loa. Nhằm phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn của hai khu di tích này, thành phố đang tập trung xây dựng quy hoạch, trong đó, chú trọng đến sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Sẽ phục dựng điện Kính Thiên
Ðể bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, tháng 11-2012, Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, bao gồm: Quy hoạch chi tiết khu Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội; Ðề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội; Nhiệm vụ quản lý quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Triển khai nhiệm vụ này, tháng 4-2013, thành phố đã thành lập Hội đồng quy hoạch, xác định phạm vi nghiên cứu đề án rộng 18 ha, bao gồm cả khu khảo cổ số 18 đường Hoàng Diệu. Mục tiêu chính của đề án là bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài những tư liệu lịch sử, minh chứng vô giá về sự hình thành kinh đô Việt Nam. Viện Quy hoạch – Kiến trúc nông thôn và đô thị được giao làm Chủ nhiệm đồ án.
Theo các nhà khoa học, mặc dù hiện trạng các công trình nổi trên mặt đất tại khu vực thành cổ không còn nhiều, kiến trúc nổi bật nhất là Ðoan Môn và đôi rồng đá thềm điện Kính Thiên, còn lại, các kiến trúc chủ yếu thuộc thời Nguyễn và các công trình xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng di tích Hoàng thành Thăng Long vẫn là minh chứng cho sự phát triển liên tục trong hàng nghìn năm lịch sử của kinh đô Thăng Long. Khu vực còn lưu giữ nhiều hiện vật khảo cổ có giá trị hiện nay nằm tại 18 đường Hoàng Diệu. Hai khu vực này bị chia cắt bởi đường Hoàng Diệu, cho nên việc giới thiệu, khai thác các giá trị chung bị ảnh hưởng. Giải quyết vấn đề này, kiến trúc sư Vũ Ðình Thành, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch – Kiến trúc nông thôn và đô thị, Chủ nhiệm đồ án đã đề xuất các phương án để kết nối không gian lịch sử giữa khu khảo cổ 18 đường Hoàng Diệu với Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long bằng cách xây dựng lối đi ngầm xuyên qua đường Hoàng Diệu hoặc tổ chức giao thông đường Hoàng Diệu thành tuyến phố đi bộ. Tuy nhiên, vấn đề này gặp một số ý kiến chưa đồng thuận, vì việc xây dựng đường ngầm sẽ động chạm đến rất nhiều dấu vết di tích đang còn nằm trong lòng đất tại khu vực này. Việc tổ chức đường Hoàng Diệu thành tuyến phố đi bộ là một phương án hay, tuy nhiên, theo định hướng của thành phố, đây vẫn sẽ là tuyến giao thông quan trọng của thành phố và chưa thể sử dụng làm phố đi bộ cho đến trước năm 2030. Vì vậy, đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra giải pháp tối ưu.
Hiện trong khu vực có 119 công trình, vì vậy, TP Hà Nội đề nghị Viện Quy hoạch – Kiến trúc nông thôn và đô thị nghiên cứu kỹ xem xét công trình nào cần bảo tồn, công trình nào cần phục dựng và công trình nào cần hạ giải hay bổ sung. Về vấn đề bổ sung, nội dung quan trọng nhất là thành phố dự kiến phục dựng điện Kính Thiên (nơi thiết triều của triều đình trước đây). Hiện tại, khu di tích chưa có được hình ảnh đặc trưng của khu vực Hoàng cung quy mô lớn, lộng lẫy như sử sách ghi lại. Vì vậy, việc phục dựng điện Kính Thiên là cần thiết. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đang xây dựng đồ án phục dựng điện Kính Thiên và sẽ sớm trình phương án để các nhà khoa học đóng góp ý kiến. Bên cạnh công tác bảo tồn, TP Hà Nội cũng đề nghị Viện Quy hoạch – Kiến trúc nông thôn và đô thị lưu ý quy hoạch hạ tầng giao thông chung quanh, nghiên cứu lại khu vực kết nối không gian giữa quảng trường Ba Ðình, khu Phủ Chủ tịch và khu di tích, để làm sao có thể phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch nhằm mục đích phát huy giá trị lâu bền của di tích.
Hiện nay, đồ án đã qua mười lần đóng góp ý kiến, nhận được sự nhất trí cao về cách thức đặt vấn đề, quan điểm quy hoạch và các giải pháp do đơn vị tư vấn đề xuất. Những vấn đề đặt ra sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh, xin ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Sẽ xây khu tái định cư để bảo tồn Thành Cổ Loa
Cùng với Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, Thành Cổ Loa cũng là một trong những di tích quan trọng, đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa được nghiên cứu gắn kết với định hướng phát triển không gian Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội soạn thảo, Viện Quy hoạch Kiến trúc đô thị và nông thôn tư vấn. Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân cũng như các cơ quan quản lý về bảo tồn và đầu tư xây dựng.
Ðồ án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa được xây dựng theo định hướng bảo tồn, phân vùng hoạt động, dự báo phát triển kinh tế – xã hội, các chỉ tiêu chung kiểm soát phát triển, định hướng phát triển hạ tầng, định hướng phát triển giao thông. Ranh giới nghiên cứu đồ án khoảng 860 ha. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất của triển khai quy hoạch là nhiều làng mạc đã hình thành và tồn tại trong phạm vi quy hoạch hàng trăm năm nay. Riêng xã Cổ Loa đã có gần 16 nghìn người dân. Con số này tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Ðể hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, thành phố đề nghị cần làm rõ những khu vực cần thiết phải thực hiện giãn dân, những khu vực dân cư tiếp tục được sinh sống, nhưng hạn chế tăng dân số cơ học, những khu vực hạn chế xây dựng nhà cao tầng… Rút kinh nghiệm từ vấn đề làng cổ Ðường Lâm, vấn đề giải quyết nhu cầu cuộc sống của nhân dân phải được quan tâm. Dự kiến, để giải quyết vấn đề giãn dân, hạn chế gia tăng dân số, thành phố sẽ dành một khu đất khoảng 25 ha để xây dựng khu tái định cư.
Bảo tồn hài hòa với phát triển luôn là bài toán khó, nhưng với việc thành phố chủ động triển khai quy hoạch đối với hai di tích đặc biệt này, hy vọng những vấn đề trên sẽ có lời giải thỏa đáng.
Theo Nhandan