Đến Vương quốc giàu có Brunei, mọi người chắc hẳn không khỏi ngạc nhiên về làng nước nổi trên sông. Khoảng 10% dân số Brunei sinh sống tại đây.
Văn hóa sông nước
Làng nước nổi Brunei (The water village hay còn gọi là làng Kampung Ayer) có lịch sử hơn 1.300 năm, là nơi thể hiện rõ nhất nền văn hóa sông nước của người dân bản địa. Lịch sử làng nước nổi gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của Brunei. Vì dân cư đầu tiên của Brunei là những người sống trên vùng sông nước này.
Những ngôi nhà trong làng được nối với nhau bởi các cây cầu gỗ (gọi là jembatan, có đến gần 40 km đường bằng gỗ trong làng). Hơn 4.000 công trình được xây dựng trên những cột cách mặt nước khoảng 2 mét, được chia ra làm khoảng 40 cụm. Mỗi cụm thường bầu ra tổ trưởng để quản lý, chăm coi các dịch vụ công cộng khác. Mỗi ngôi nhà đều có khoảng sân rộng phía trước để trồng hoa các loại. Trộm cắp, cướp giật hầu như không tồn tại trong ngôi làng này. Chính vì vậy mà không phải ngẫu nhiên có người đã ví đây là làng nước nổi độc đáo nhất thế giới. Khi chúng tôi ghé thăm, một căn nhà trong làng vừa bị cháy rụi và lan qua các căn nhà khác. Cũng may lính cứu hỏa đến kịp thời, nên chỉ có 2 căn nhà khác bên cạnh bị cháy. Vì đặc thù nhà làm bằng gỗ, việc bị cháy rất dễ lan sang các cụm nhà khác.
![Kampong Ayer - làng nổi lớn nhất thế giới ở Brunei [video] 28 80](https://kienviet.net/wp-content/uploads/2013/07/801-500x332.jpg)
Nhà ổ chuột… hiện đại
Dù sống trên nước, nhưng hầu như người nào cũng sở hữu một chiếc xe hơi và gửi ở bãi xe trên đất liền. Hằng ngày họ đón taxi nước vào bờ và lấy xe đi làm. Xem ra việc kinh doanh taxi nước khá hiệu quả, vì ngoài việc người dân cần phải sử dụng phương tiện này thì bất cứ du khách nào đến Brunei cũng không thể bỏ qua nét đặc sắc văn hóa ở làng nước nổi này. Khoảng 25 đô la Brunei (tương đương 300 ngàn VNĐ) cho một chuyến đi dạo quanh làng, nhưng điều này cũng tùy thuộc vào việc bạn có khéo trả giá hay không. “Tại sao không di chuyển vào đất liền sống để thuận tiện và thoải mái hơn?”- tôi hỏi. Haji Jaidi – một người làm dịch vụ taxi nước cười: “Đây là truyền thống của người dân vùng sông nước này lâu đời rồi. Không thể thay đổi được”. Jaidi còn cho biết ở trên sông này không khí rất thoáng đãng, mát dịu. Ông không thể nhớ được mình bắt đầu nghề này từ khi nào, chỉ biết là ngay từ nhỏ, sau một buổi đến trường, buổi còn lại ông đã biết làm quen với việc chở khách của bố và tiếp nối nghề này cho đến bây giờ. Gia đình của Jaidi có đến 3 chiếc tambang để chở khách tham quan. Nhà của Jaidi còn có một nhà hàng để phục vụ cơm nếu khách có nhu cầu. Thậm chí có gian hàng lớn bán hàng lưu niệm. Nếu muốn dừng tham quan ngôi nhà tiêu biểu, du khách còn có dịp thưởng thức loại bánh ngọt đặc biệt do người dân bản địa sản xuất. Dave – một người dân Brunei sống ở đất liền cho biết, khi sống ở đất liền, người dân dễ dàng xây dựng nhà cửa và muốn mở rộng khuôn viên cũng dễ hơn rất nhiều, vì ở trên sông rất giới hạn về diện tích và muốn mở rộng thêm cũng không được vì nhà bị bao bọc bởi những nhà khác.
Trong làng có đến 15 trường học, từ tiểu học đến trung học. Nếu muốn học lên đại học thì học sinh phải vào đất liền. Vì sống trên cảnh sông nước, nên người dân rất giỏi bơi lội. Tuy nhiên hằng năm đều có trường hợp thương tâm về việc trẻ em chết đuối khi bị rơi xuống nước. Chính vì vậy, những gia đình có trẻ nhỏ thường phải chốt cửa rất cẩn thận.
Xem thêm phim về ngôi làng độc đáo này: