Khi nhận xét về một phương án, hay một giải pháp, chi tiết kiến trúc nào đó, có người nói rằng: Trông có vẻ “thời trang” quá, e rằng chẳng mấy chốc lại thành lạc hậu, lại chán!
Cách nói đó hoàn toàn có cơ sở.
Khoảng 20 năm trở về trước, ở Hà Nôi có một thể loại công trình mọc như nấm sau mưa, gọi tên là “Café sinh viên” hay “Quán sinh viên”. Ra đời trong phong trào chơi và nghe nhạc rock của sinh viên giới trẻ Hà thành, đó là nơi các tín đồ rock đến tụ tập, ngồi đồng, uống cà phê, hút thuốc, lắc lư theo rock, nói chuyện về rock và trao đổi băng đĩa…”Café sinh viên” như một thứ mốt, mà nếu sinh viên không vào ngồi thì…chưa phải là sinh viên. Các loại quán này thường nằm gần trường đại học và có cùng một dạng, ấy là bộn bề tranh – tre – nứa – lá, cùng thúng, mẹt, dây thừng, …; và tất nhiên treo nhiều ảnh ban nhạc rock và các rocker; thêm vài cái guitar thùng cũ hỏng, để phụ họa. Không gian đậm đặc âm thanh của rock. Còn khách vào đây (đa phần là nam) thì cũng ăn mặc tương xứng, với áo phông đen, quần bò rách, ngồi quán thì phải cà phê đen cùng thuốc lá…
Chỉ là một thứ thời trang đúng nghĩa, “Café sinh viên” nở rộ lên rất nhanh và tàn lụi cũng nhanh. Một số quán nếu duy trì được tiếp cuộc chơi thì thực chất đã phải “đổi mốt” cả về kiến trúc quán cho tới phong cách chơi. “Café sinh viên” như ban đầu không thể hồi sinh, bởi sinh viên bây giờ khác quá, quán xá cũng khác, cách uống cà phê và cách nghe nhạc rock cũng khác…
Thời trang (hiểu theo nghĩa là một ngành mỹ thuật ứng dụng, với những xu hướng, trào lưu vô cùng phong phú) thường được đề xuất, khởi xướng bởi những nhà thiết kế hoặc từ những nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng trong cộng đồng, trong quan hệ xã hôi. Còn “thời trang” của kiến trúc lại phụ thuộc cả vào những yếu tố công nghệ, vật liệu… Tuy nhiên, giống với thời trang nói chung, diện mạo, hình thức kiến trúc cũng có “mốt” trong từng khoảng thời gian, từng giai đoạn. Thử dạo qua phố xá, đô thị trên cả nước khoảng chục năm gần đây, ta có thể nhận thấy rõ điều này: người ta bắt chước nhau làm nhà, kiến trúc sư cũng… nhìn nhau mà thiết kế.
Trong vài năm nay, cùng với xu hướng chung trên thế giới, nhiều công trình được dựng lên với tên gọi “Kiến trúc xanh”. Những công trình này được xây dựng với các tiêu chí tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, tận dụng vật liệu bản địa, khai thác các yếu tố tự nhiên… Không phủ nhận rằng có những công trình đã đạt được không ít những tiêu chí đó, và đã được vinh danh xứng đáng. Nhưng dường như có một số “kiến trúc xanh” đang hiện diện không khác gì một kiểu thời trang để phô diễn, để bắt mắt với hình ảnh trực quan là… nhiều màu xanh, nhiều cây xanh. Và thực tế cũng đã có công trình “kiến trúc xanh” thất bại, vì dù được thiết kế và xây dựng hoàn hảo nhưng nó không có linh hồn – yếu tố được tạo nên bằng cuộc sống và sinh hoạt của con người cũng những giá trị tinh thần bên trong./.
Bài và ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc Nhà Đẹp – số tháng 12/2012.