Ngày nay, nói đến Cầu Giấy hẳn nhiều người sẽ nghĩ về khu vực có tốc độ phát triển đô thị nhanh nhất Hà Nội với những khu đô thị mới san sát, những tòa cao ốc chọc trời và cả những căn hộ dát vàng có giá hàng triệu đô. Nhưng ở một góc khuất khiêm nhường, Cầu Giấy ôm trong lòng mình cả những địa chỉ một thời lưu danh ẩn tích: chùa Hà nổi tiếng linh thiêng nguyên vẹn trăm năm; Sông Tô Lịch và giai thoại về những câu chuyện trấn yểm kỳ bí; Cốm làng Vòng vượt biên giới thơm tận xứ người…Ngay cả khi đã lên phường, lên quận, Cầu Giấy vẫn còn những cái tên mộc mạc thuần Việt trong ký ức người dân ngoại thành: xóm Tăng, thôn Tiền, thôn Hậu, Dịch Vọng…Trong muôn nẻo những bon chen, chuyển mình ấy, Cầu Giấy lưu giữ chỉ có 04 di tích lịch sử cách mạng trong số hàng trăm di tích rải khắp Hà Nội, nhưng những di tích chưa hề mai một mà vẫn đang thầm thì kể chuyện lịch sử thủ đô hào hùng chưa xa. Một trong những địa chỉ lịch sử đó có cái tên rất giản dị: Nhà bà Hai Nhã!

1

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Hà Nội là nơi nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.

Ở ngoại thành, khu vực Bưởi, vùng Cổ Nhuế – Chèm – Phương Cát… thuộc khu an toàn của Trung ương và của xứ ủy, cơ sở của Đảng và các đoàn thể quần chúng. Từ giữa năm 1944, vùng Bưởi – Cầu Giấy – Dịch Vọng đã trở thành vùng đứng chân và bàn đạp của Ban cán sự Đảng thành phố để mở rộng cơ sở cách mạng vào nội thành cũng như toàn vùng ngoại thành.

Cuốn “Thủ đô Hà Nội lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1945 – 1954) có ghi lại, vào buổi tối lịch sử ngày 17 tháng 8 năm 1945 trong lúc Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ họp phiên bất thường để quyết định xúc tiến khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội và Hà Đông thì tại nhà bà Hai Nhã (thôn Duệ Tú, xã Dịch Vọng) Ủy ban Quân sự Cách mạng cũng họp Hội nghị cán bộ mở rộng, thảo luận rất kỹ phương thức và kế hoạch khởi nghĩa đồng thời nêu lên hai vấn đề cụ thể vô cùng quan trọng: Quyết định khởi nghĩa vào ngày, giờ nào để bảo đảm thắng lợi và nên có thái độ như thế nào với Nhật? Hội nghị đã nhất trí quyết định phải khởi nghĩa gấp bằng cách huy động khoảng 10 vạn quần chúng, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, tiến hành mít tinh, tuần hành chiếm những cơ quan trọng yếu của ngụy quyền tại nội thành.

Trong ký ức của những người con gia đình nhà nho yêu nước Lê Chính Nhã vẫn còn bồi hồi khi kể về buổi tối lịch sử ấy. Cả gia đình được báo có nhiệm vụ đón và canh phòng, bảo vệ cho cuộc họp bí mật. Dẫu không hỏi nhưng ai cũng hiểu mức độ quan trọng của cuộc họp, bởi điểm mặt khách toàn những cán bộ chỉ huy cốt cán: Nguyễn Huy Khôi, Nguyễn Quyết, Nguyễn Duy Thân, Lê Trọng Nghĩa; Trần Ngọc Minh, Hà Minh Tân, Hoàng Mười…Trong căn phòng hẹp chừng hơn chục mét vuông, dưới ánh đèn tù mù, những mái đầu chụm lại, căng thẳng. Khi màn đêm bao phủ, cuộc họp kết thúc, mọi người tản ra theo đường hầm chạy từ buồng nhà, xuyên suốt hàng chục mét ra phía bờ ao, lẫn vào màn đêm đen kịt.

Để có được một cơ sở cách mạng bí mật an toàn ngay trong lòng địch như vậy, không thể không nhắc tới vai trò người chủ nhà, cụ bà Nguyễn Thị Bảy mà mọi người thường gọi thân mật “bà Hai Nhã”. Dưới cái vỏ vợ một nhà nho nhưng lại là nông dân thuần túy, cực đảm đang việc đồng áng, cấy cày, cụ bà thường xuyên nuôi giấu, tiếp tế cho cán bộ hoạt động cách mạng. Không ít lần chúng bắt bớ cụ ông giam cầm, không khai thác được gì. Cuối cùng, với bản chất tham lam, bọn chúng nhận những đồng tiền mồ hôi hòa máu của cụ bà đút lót lại thả cụ ông ra.

Vợ ông Lê Công, dâu trưởng cụ Nhã kể: “Mẹ tôi hoạt bát, nhanh nhẹn và đặc biệt gan dạ! Có lần Tây càn đến đầu ngõ, tôi biết chắc chắn trong nhà có tài liệu mật nên run lắm nhưng mẹ chồng tôi vẫn bình thản nằm võng ầu ơ ru cháu ngủ. Bọn chúng lục soát một hồi, không tìm được gì, tức tối quát tháo rồi bỏ đi. Mẹ tôi ngồi dậy, bình thản đặt cháu xuống, rút tài liệu giấu trong lòng cất cẩn thận”. Cụ bà từng được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất.

Những người con của cụ Nhã năm nay cũng đã đến tuổi cổ lai hy, người mất, người còn cũng chẳng nhớ được nhiều kỷ niệm. Nhưng có một điều may mắn là với truyền thống yêu nước, niềm tự hào gia đình cách mạng, các con, cháu cụ đã gắng giữ gìn, tôn tạo di tích gần như nguyên vẹn…Cháu cụ, Chủ tịch HĐQT TCty Cơ khí Xây dựng (COMA) Lê Văn Khương là con ông Lê Văn Cống – con trai thứ 5 của cụ Hai Nhã. Tại ngôi nhà cũ giữa khu đất vàng, thế hệ con cháu cụ đang bảo nhau gìn giữ chu tất, cố gắng không thay đổi cảnh quan ngôi nhà từ chiếc cổng, lớp ngói rêu phong, con ngõ nhỏ quanh co, ngôi nhà gỗ 5 gian. Mấy năm trước, người cháu đích tôn của cụ, anh Lê Văn Phương đứng ra đầu tư, tu tạo di tích đã xuống cấp với số tiền trị giá tỷ đồng, bằng tất cả niềm tôn kính gia tiên và trân trọng lịch sử. Anh Phương cho biết, việc tu bổ theo đuổi mục tiêu cơ bản nhất là gia cố tăng cường độ bền vững của di tích, đảm bảo các điều kiện cần thiết để di tích có thể tồn tại lâu dài ở dạng nguyên gốc: Từ hình dáng, cơ cấu kiến trúc, màu sắc, đường nét trang trí mỹ thuật đến vật liệu xây dựng v.v…

Đây là những cố gắng rất đáng trân trọng bởi theo nhiều nhà sử học đánh giá, di tích cách mạng – kháng chiến là một bộ phận cấu thành hệ thống các di tích lịch sử – văn hoá, là những địa điểm cụ thể, công trình kiến trúc có sẵn (nhà ở, đường phố…), là những công trình được con người tạo nên phù hợp với mục đích sử dụng (địa đạo, hầm bí mật…) gắn liền với những sự kiện cụ thể, nhân vật lịch sử cụ thể mà trở thành di tích. Loại hình di tích này rất đa dạng, phong phú, có mặt ở khắp mọi nơi, khó nhận biết, đồng thời cũng rất dễ bị lãng quên, dễ biến dạng theo mục đích sử dụng, theo thời tiết và theo thời gian. Bởi vậy các di tích này vừa khó bảo tồn vừa khó phát huy tác dụng nếu không được quan tâm đặc biệt.

Huệ Anh – Theo Baoxaydung

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more