![]() |
Cũng phải thấy, chủ đầu tư dự án Nguyễn Công Trứ rất kiên trì với dự án này. Những dự án cải tạo CCC cùng thời điểm như Khương Thượng, Văn Chương… đến nay hầu như không được nhắc tới. Hàng loạt dự án khác như Giảng Võ, Thành Công… cũng mới loanh quanh khâu nghiên cứu quy hoạch. Những dự án đã khởi công chỉ là khối nhà đơn lẻ, thường có vị trí đắc địa cho kinh doanh và cơ bản là GPMB không quá phức tạp, đòi hỏi nguồn tài chính lớn. Để chuẩn bị cho dự án Nguyễn Công Trứ, chủ đầu tư đề xuất và được TP chấp thuận cho xây dựng hẳn những khu tạm cư khang trang, hiện đại; thành lập cả bộ phận để tiếp nhận, vận hành, cung cấp dịch vụ cho nhân dân đến sinh sống. Nói đến GPMB, tạm cư, xin nhắc lại, chỉ riêng việc thu hồi hai khối nhà A1, A2, chủ đầu tư, chính quyền địa phương mất khá nhiều thời gian. Mãi đến cuối năm 2012, những hộ cuối cùng mới di chuyển, bàn giao mặt bằng.
Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội cho biết, dự án được thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, trong đó nhà A1, A2 thực hiện trước tiên. Trên mặt bằng hai nhà này, chủ đầu tư xây dựng chung cư mới, toàn bộ khoảng 270 căn hộ dành cho tái định cư, dự kiến hoàn thành sau 30-36 tháng. Hiện tại, cùng với việc khởi công dự án, chủ đầu tư, chính quyền địa phương đang triển khai GPMB khu nhà B, E. Qua 10 năm triển khai dự án có thể thấy, việc cải tạo CCC cần nguồn lực rất lớn, có sự vào cuộc của Nhà nước, trước hết là việc lập kế hoạch cải tạo, xác định lộ trình, phân loại CCC, có chính sách, quy định cụ thể hơn về việc đền bù, di chuyển nhằm phục vụ lợi ích của số đông, có thời hạn, biện pháp cụ thể đối với những trường hợp cố tình cản trở… Việc này cũng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, không chỉ của chủ đầu tư mà còn của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể chính trị tại địa phương.