Vinh, một trong những thành phố quy mô trung bình của Việt Nam, đã chịu đựng một lịch sử tàn phá (nhiều lần bị phá hủy trong chiến tranh). Khu vực đô thị có chất đất nghèo (vì vậy năng suất nông nghiệp thấp), một khí hậu khắc nghiệt (với gió Lào nóng khô) và rất ít đầu tư từ bên ngoài. Tuy vậy, dân số đô thị đã tăng trưởng tới mức báo động (hơn 2% mỗi năm) và việc phát triển đô thị tràn lan, kể cả những vùng đất trũng đòi hỏi phải có những suy nghĩ lại, vượt ra khỏi phương thức quy hoạch sử dụng đất truyền thống. Đồng thời, việc chuyển đổi từ một văn minh nước sang một văn minh đường bộ đã biến hệ thống nước thành kênh thoát nước thải dân dụng và công nghiệp, trở thành mặt trái của đô thị.
Về phương diện truyền thống và giao thông thì Vinh nằm ở một vị trí quan trọng, trên cả bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Thành phố nằm trên con đường kinh lý Bắc Nam (mạch giao thông đường bộ và đường sắt) cũng như trên trục thông thương Đông Tây (đường thủy và đường bộ dọc thung lũng), giữa những thành phố lớn của Việt Nam và Lào. Chính vị trí chiến lược này đã là nguyên nhân cho sự tàn phá đối với thành phố trong thời kỳ chiến tranh. Ngày nay, vị trí này có thể hấp dẫn đầu tư cho phát triển mới.
Ví dụ đưa ra ở đây là tổng hợp kết quả nghiên cứu của một luận án tiến sỹ tại khoa Kiến trúc, Đô thị (ASRO) của trường đại học tổng hợp KU Leuven, và Chương trình Nghị sự 21 – Địa phương hóa của UN-Habitat, một chương trình kéo dài 10 năm (1994-2004) với sự tham gia trực tiếp của khoa này. Chương trình nâng cao năng lực địa phương này đã đưa ra những tầm nhìn và xác định những dự án chiến lược cho ba thành phố cấp hai, đó là Vinh, Nakuru (Kenya) và Essaouira (Marốc). Tại mỗi thành phố, một đội ngũ nhân sự ở địa phương được thành lập và những hội thảo kỹ thuật được tổ chức nhằm giúp các đối tác làm việc với nhau. Tầm nhìn về Vinh là một đô thị xanh, đô thị sông nước và đô thị năng động, được cụ thể hóa thông qua hàng loạt dự án chiến lược tại những địa điểm có vị trí trọng yếu trong cấu trúc và có tác động đòn bẩy cho phát triển.
Vinh, tỉnh lỵ của tỉnh Nghệ An, cách Hà nội 295km về phía Nam và cách Huế 300km về phía Bắc. Khu vực ven biển phía Đông Bắc của Vinh có địa hình chỉ cao hơn mực nước biển 1 – 2m. Cảnh quan được tạo bởi các khu vực đã xây dựng (dọc theo các dải đất cao hơn so với các cánh đồng lúa 1,5 – 1,7m), và các vùng đất còn chưa xây dựng – đất dự trữ, là đất sản xuất, vùng cảnh quan được bảo vệ có thể dùng cho nghỉ ngơi.
Trong nhiều thế kỷ, Vinh là tiền tuyến phía Nam của đất nước. Từ thế kỷ 15 trở đi, tầm quan trọng của thành phố và tỉnh ngày càng tăng, về cả kinh tế lẫn chính trị, quân sự. Đô thị cổ Vinh là một trung tâm hành chính và quân sự và thành cổ năm 1831 là trọng tâm của đô thị. Trong quá trình đô hộ, người Pháp đã tìm cách đưa vào đây ý đồ kinh tế của mình và những đội ngũ thân Pháp. Và, mặc dù Vinh là một trong những trung tâm của phong trào chống Pháp (Duiker 2000, tr.15), nhưng nó đã bị chiếm đóng vào năm 1885 và sau đó trở thành thủ phủ một tỉnh của Bắc bộ thuộc Pháp. Một ngành thương mại và thủ công non trẻ nhưng mạnh mẽ đã dần được hình thành. Những dự án giao thông quốc gia và quốc tế càng khẳng định vị thế địa lý quan trọng của thành phố vào đầu thế kỷ 20. Cảnh quan xây dựng và không xây dựng ở Vinh đã được thay đổi cực đoan và thành phố được xác định là một đô thị hoàn chỉnh, được cấu trúc bởi một lưới đường rộng rãi với những hàng cây, kết nối với vùng hậu phương sản xuất bằng giao thông hiện đại và một khu nghỉ dưỡng ven biển.
Điểm nhấn lịch sử – Một bức ảnh thời Pháp về thành cổ Vinh (xây dựng năm 1831) cho thấy Vinh là một trung tâm hành chính và quân sự.
Khu sản xuất thời thuộc địa – Bến Thủy được thiết lập thành một trung tâm kỹ nghệ ở bờ Tây sông Lam, được cấu trúc bởi hệ thống kênh rạch chạy song song với sông. Khu nhà xưởng lớn (hình trên) và bến cảng sông (hình dưới) chứng tỏ vai trò công nghệ của thành phố.
Đáng tiếc là cấu trúc đô thị rất giàu bản sắc của thành phố cổ và thuộc địa này đã bị xóa sổ trong những giai đoạn tiếp theo. Nhà cửa, công trình công cộng, hệ thống truyền thông và cả những vùng đô thị đã bị phá hủy trong hai cuộc chiến tranh và trong trận cháy lớn năm 1957, điều đã khiến cho kế hoạch tái kiến thiết Vinh thành một trung tâm công nghiệp đa dạng của năm 1954 không trở thành hiện thực. Trong suốt lịch sử của mình, Vinh đã tái hồi phục nhiều lần. Thành phố này có một năng lực hồi sinh mãnh liệt trong những sóng gió vô cùng khắc nghiệt. Vinh đã chịu nhiều tàn phá hơn bất kỳ đô thị Việt Nam nào và việc xoá trắng làm lại từ đầu đã trở thành một thói quen quy hoạch ở đây. Nỗ lực tái kiến thiết trên diện rộng ở Vinh bắt đầu vào năm 1974 và tập trung vào việc khôi phục đường quốc lộ và hệ thống thủy lợi. Hiện đại hóa, đô thị hoá và công nghiệp hóa được nối tiếp, nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Với mục đích tái xây dựng một đô thị xã hội chủ nghĩa, hình thái đô thị Vinh đã tuân theo cấu trúc xã hội chủ nghĩa về phát triển nhà ở, thương mại và công nghiệp. Hàng loạt dự án nhà ở đã mọc lên nhanh chóng khắp nơi. Một loạt khối chung cư tầm cao trung bình là quà tặng, biểu tượng cho tình hữu nghị anh em giữa Việt nam và các nước Xã hội chủ nghĩa. Năm 1974, Cộng Hoà Dân Chủ Đức không những tài trợ cho khu chung cư Quang Trung mà còn cố vấn kỹ thuật cho việc thiết kế phục hồi toàn thành phố Vinh, bao gồm cả nhà ga, trường đại học và chợ.
Cấu trúc không gian thuộc địa (ảnh bên trái)/Tái cấu trúc theo Chủ nghĩa xã hội (ảnh bên phải)
Cấu trúc không gian thuộc địa: Trong thời gian thuộc địa Pháp, sự phát triển của Vinh và vùng phụ cận trong thành phố được tập trung tại ba khu vực (cạnh thành cổ, cảng Bến Thủy và một vùng ở giữa, với khu vực sửa chữa đường sắt). Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng Cửa Lò được định hình, cách Vinh 8km.
Tái cấu trúc theo Chủ nghĩa xã hội: Hình dạng và trung tâm hấp dẫn của đô thị xã hội chủ nghĩa (xanh đậm) khác hẳn khu phố Pháp (xanh nhạt) Một chiến lược đô thị hóa phân tán được mở đầu bằng những dịch vụ trọng yếu và những công trình nhà nước lớn: 1- Ga Vinh, 2 khu chung cư Quang Trung, 3- Chợ trung tâm Vinh và 4- Trường đại học Vinh.
Khu chung cư Quang Trung năm 1974: Dự án nhà ở đầu tiên sau giải phóng từng và vẫn là niềm tự hào của Vinh, thể hiện trong ảnh người phụ nữ bế con lấy mặt tiền phía Tây của phố Quang Trung làm nền.
Thần tượng hóa tốc độ: Sau nhiều thập kỷ chiến tranh tàn phá, nỗ lực tái kiến thiết đô thị bao gồm việc nâng cấp trục đường kinh lý, ngày nay là Quốc Lộ 1A. Mặt cắt rất rộng của con đường còn được nhấn mạnh qua việc lùi tất cả các công trình về phía sau.
Nghiên cứu về những lớp lịch sử của Vinh được bổ trợ bằng một hệ thống bản đồ rất chi tiết về hiện trạng và những thách thức tương lai. Bản điều chỉnh quy hoạch tổng thể (theo chương trình Agenda 21) tìm cách hiệu chỉnh một loạt cấu trúc cho bản quy hoạch đã được phê duyệt. Những tranh luận ở Vinh, với sự tham gia của nhiều đối tác, về tầm nhìn, các dự án chiến lược và nghiên cứu chiến lược thiết kế được hỗ trợ hữu hiệu bởi những phân tích hiện trạng và hệ thống bản đồ diễn giải.
Master Plan của Vinh tới 2010 (ảnh bên trái) / Master Plan của Vinh tới 2010
Master Plan của Vinh tới 2010 , trước chương trình Agenda 21: Những chỉ tiêu kinh tế xã hội được dịch trực tiếp thành mét vuông và bố trí dưới dạng quy hoạch sử dụng đất: Vùng công nghiệp (vàng), khu thương mại và hành chính (đỏ), không gian trống (xanh). Cấu trúc đô thị phức tạp của Vinh bao gồm một tổ hợp đa dạng những công nghiệp nhỏ, nông nghiệp đô thị đan xen với nhà ở đã biến mất trong hệ thống các vùng công năng.
Master Plan của Vinh tới 2020, theo chương trình Agenda 21: Sự khác biệt lớn nhất của quy hoạch này so với bản quy hoạch cũ là sự kết nối giữa phát triển đô thị và cảnh quan cũng như việc bảo vệ và phát triển không gian công cộng (khác với khái niệm công trình công cộng nghĩa là công trình dịch vụ đô thị như vẫn được hiểu ở Việt nam). Không gian trống được coi là một mạng liên kết của những không gian công cộng (có thể dùng làm nơi chứa nước vào mùa lũ). Khu ở (vàng) và những khu ở tương lai (cam) được trộn lẫn với phát triển thương mại, còn hành chính thì được kết hợp vào mạng lưới đô thị.
Sự phong phú trên mặt cắt
Những khu ở được gắn kết với hạ tầng giao thông nằm trên một mạng khảm của những mảnh ruộng trên đất trũng.
Logic cảnh quan hiện hữu:
Bản đồ hình nền của thành phố làm nổi bật cấu trúc dải hướng tâm, với mật độ cao hơn ở khu trung tâm, loãng dần ra phía ngoại ô rồi lại đặc dần lại ở khu vực Cửa Lò.
Đề xuất cải tạo:
Cấu trúc cảnh quan hiện hữu có thể trở thành một hệ thống những dải đất cao xen lẫn với dải đất thấp, cho phép thoát lũ theo mùa của sông Lam và sông Vinh qua vùng đô thị mà không ảnh hưởng đến đô thị.
Giải pháp thay thế: Đô thị dạng bọt biển
Một mối quan hệ biện chứng giữa các vùng đất thấp và cao, ướt và khô, sản xuất và tiêu dùng, thẩm thấu và không thẩm thấu được tái thiết lập. Cảnh quan nước hiện hữu với hệ thống giao thông rời rạc sẽ được cải thiện và mở rộng để tạo thành những mạng kết nối liên hoàn. Những máy điện gió có thể được sử dụng để tận dụng lợi thế thời tiết địa phương.
Đô thị năng động (ảnh 1): Tìm cách tái định vị vai trò chiến lược của địa điểm Vinh bằng cách kết nối hệ thống đường sắt, đường bộ, đường thủy và sân bay hiện hữu thành một mạng lưới hạ tầng đồng bộ.
Đô thị xanh (ảnh 2): Được xây dựng dựa trên đặc điểm nội tại của Vinh là ấn tượng xanh và phát triển một hệ thống đất trũng và đất cao, cho phép thành phố có thể hoạt động như một miếng bọt biển phục vụ quản lý lũ lụt theo mùa.
TẦM NHÌN VÀ CÁC DỰ ÁN CHIẾN LƯỢC
Trong khuôn khổ chương trình Agenda 21, Vinh đã phát triển một loạt tầm nhìn nhằm củng cố bản sắc nội tại của khu vực và hướng tới một cá tính độc đáo, tận dụng những tiềm năng văn hóa xã hội, địa lý và lịch sử của Vinh và vùng phụ cận. Tầm nhìn Vinh là một thành phố sông nước được mở rộng để bao hàm nội dung sinh thái, trong đó toàn bộ thành phố Vinh có thể được coi như một miếng bọt biển (một vùng đất thẩm thấu có khả năng hấp thụ lượng nước mặt dư thừa trong mùa lũ), nhằm đối phó với việc ngập lụt gia tăng ngày càng nghiêm trọng. Tầm nhìn Vinh là đô thị xanh được củng cố thông qua việc kết nối hệ thống không gian công cộng. Hai dự án chiến lược đã được phát triển để làm rõ tính khả thi của tầm nhìn cho Vinh. Dự án thứ nhất cho khu vực sông Lam, nơi đang phát triển chậm và lộn xộn. Thay vì con sông là mặt sau để thải rác, dự án lấy con sông làm mặt tiền mới của đô thị, với những không gian công cộng và hàng loạt chương trình sử dụng. Theo hướng Đông Tây, song song với đường bờ sông, bố trí xen kẽ giữa các khối nhà đa năng trên cột và vùng trống cho phép vùng đất trũng này có thể trở thành khu vực chứa nước trong mùa lũ và là yếu tố cảnh quan đô thị vào lúc bình thường. Dự án thứ hai là tái cấu trúc khu vực chợ Vinh, không những làm thay đổi diện mạo và công năng của công trình và vùng trống ở đây, mà còn thay đổi vai trò của sông Vinh. Phía sau chợ (hiện đang là khu đổ rác bất hợp pháp) sẽ trở thành mặt tiền, làm sạch và tạo điểm nhấn cho dòng sông thành nơi họp chợ và điểm dừng cho hệ thống giao thông đường thủy.
CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 21 – Địa phương hóa, OSA
Nội dung chính trong bài viết được biên tập và tổng hợp từ Sổ tay thiết kế đô thị Việt Nam – Đan Mạch/Chương trình Hợp tác Phát triển trong lĩnh vực môi trường 2005 – 2010/Hợp phần ‘Phát triển bền vững môi trường trong các khu đô thị nghèo” (SDU).
Thái Linh – Kienviet.net