Tình cảm mến thương Hà Nội sâu đậm trong trái tim biết bao thế hệ sinh viên đã từng đến học tập, làm việc tại Thủ Đô. Có nhiều bài viết, phương án dự thi làm đẹp Hà Nội có đóng góp của các bạn sinh viên. Nhưng làm thế nào để có những công trình cụ thể thì không đơn giản, có bạn dành những ngày nghỉ để đến Hồ Gươm nhặt rác, hay tẩy đi những chữ viết bẩn trên tường, tình nguyện chỉ dẫn giao thông hay trồng cây những dịp lễ Tết…
Các bạn sinh viên tình nguyện (SVTN) khoa Khoa Kiến trúc Quy hoạch – ĐH Xây dựng Hà Nội thì có cách làm đẹp Hà Nội tình nguyện tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân Hà Nội.
Mùa hè 2012, các bạn đã cùng bà con phường Hạ Đình tổ chức khảo sát các không gian công cộng (KGCC) trong phường. Cùng với các KTS tình nguyện, các thầy cô giáo các bạn đã phát hiện những KGCC còn chưa được quan tâm, khai thác để đề xuất phương án nâng cấp, tôn tạo. Đồ án được đem ra thảo luận bàn bạc phương thức thực hiện, và sau đó chính các bạn là người cùng bà con tiến hành thi công công việc đó. Mỗi công trình là thêm một bài học mới, một chút trải nghiệm nghề nghiệp và cũng là một đóng góp thiết thực cho mảnh đất Hà Nội – nơi các bạn đã học tập, tu dưỡng để trở thành một KTS có trách nhiệm với Hà Nội, với quê hương, đất nước.
Nâng cấp cải tạo nhà văn hóa cụm 1 : hy vọng lớn từ những thay đổi nhỏ
Nằm sâu trong số nhà 28 ngõ 122 đường khương đình phường Hạ Đình là NVH cụm dân cư số 1, nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt của cụm dân cư có hàng trăm nhân khẩu .
Nguyện vọng của bà con là mong muốn thêm mầu xanh cho công trình, sân trước trở thành nơi sinh hoạt giao tiếp cho người già và trẻ nhỏ. Nhưng với không gian chật hẹp bó cứng , tài chính eo hẹp nên cần sự nỗ lực của các KTS.
Giải pháp đưa ra là dàn cây xanh sân trước cửa, mở trống không gian tầng 1 để làm nơi vui chơi chạy nhẩy cho trẻ em, các sinh hoạt tập thể. Tầng 2 là phòng học, CLB đọc sách. Nâng tầng tầng 3 để mở rộng không gian giải trí, làm dàn cây xanh trên mái….Thử nghiệm nhiều vật liệu tre nứa, gỗ vỏ thùng, chai lọ để trang trí, làm đèn, làm bàn ghế và trồng cây hoa với giải pháp làm mát, tận dụng nước mưa để tưới cây. Đề xuất một cách cất trữ nước đơn giản và rẻ tiền: nước mưa gom vào bể trên mái, khi mưa to tràn vào ống dẫn xuống tầng 1, xuyên sâu dưới nền để bổ sung nước ngầm. Khi mùa khô hạn sẽ lại bơm nước giếng khoan lên để tưới cây.
Công trình đã nhỏ lại chia nhiều giai đoạn thực hiện nhưng đã truyền đi một thông điệp về ngôi nhà thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
Nâng cấp không gian tưởng niệm nhà văn hóa Đặng Trần Côn
Làng Hạ Đình xưa có nhiều di tích gắn bó bó lịch sử Thăng Long, cư dân lâu đời bên sông Tô Lịch. Quá trình đô thị hóa, những di sản VH-LS này là chất kết dính kỳ diệu tình làng nghĩa xóm của một Hà Nội làng trong phố. Không gian tưởng niệm nhà văn hóa Đặng Trần Côn là niềm tự hào của người Hạ Đình xưa cũng là nguồn cổ vũ tinh thần hiếu học, coi trọng lịch sử VH của các thế hệ hôm nay. Nhưng hiện tại cây hoang cỏ dại mọc bừa bãi, bất tiện cho các hoạt động nghi lễ. Những công trình nhà ở chung quanh mở cửa sau, phơi phóng quần áo làm khung cảnh trở thành nhếch nhác. Giải pháp đưa ra là dàn cây xanh che những thứ xấu xí, bố trí cây xanh, sân vườn cho trang trọng và sinh động.
Cùng thời điểm, có một đơn vị xây dựng cũng trình bầy một kế hoạch nâng cấp cải tạo di tích: nhiều hạng mục được tân trang, làm mới…tuy vậy, phương án không được các cơ quan bảo vệ văn hóa địa phương chấp thuận. Mặc dù có kinh phí nhưng thiếu hiểu biết luật lệ …dẫn đến phương án ngày càng khó khăn, bế tắc.
Sự khác biệt của phương án do các SVTN đề xuất là ghi chép hiện trạng cẩn thận, đánh giá/phân tích tỉ mỉ các mặt mạnh yếu, những hạng mục có thể và không thể tác động. Phương án hài hòa, không đụng vào những rào cản của luật lệ, can thiệp khéo léo và thận trọng, huy động sự đồng thuận tham gia ….và rất tiết kiệm.
Hồ Hạ Đình – đánh thức không gian Xanh bị quyên lãng
Hà Nội xưa vốn là TP sông hồ nhưng nay sông hồ bị san lấp, ô nhiễm hàng ngày. Phường Hạ Đình có hồ rộng 10 Ha để đảm nhận chức năng điều hòa thoát nước và quy hoạch khu công viên. Tuy nhiên 15 năm qua tranh cãi liên miên làm cho dự án này không biết bao giờ mới trở thành hiện thực.Cây xanh, thảm cỏ, mặt nước đáng nhẽ ra sẽ tạo nên một bộ mặt tươi mát cho phường thì đang bị sử dụng một cách lãng phí, luôn bị đe dọa lấn chiếm , sử dụng tùy tiện . Hồ vốn đào sâu , chung quanh hồ trống trải rất nguy hiểm cho trẻ em .Công trường dở dang để lại phế liệu khiến khung cảnh nhếch nhác ô nhiễm … Đây cũng là thực trạng phổ biến tại các địa phương có dự án treo Hà Nội. Bà con cụm 3A, 3B , cụm 4 quanh hồ mong muốn có một lối đi dạo an toàn vệ sinh quanh hồ , thu gom nước thải không đổ thẳng xuống hồ và công tác quản lý bảo vệ cây xanh mặt nước được tăng cường.
Giải pháp cần dễ thực hiện, giá rẻ mà còn mang tính thân thiện cao: kết nối đường đi dạo ven hồ, thu gom nước thải đang đổ tự phát vào hồ dẫn vào hệ thống thoát nước chung, làm lan can an toàn , làm tiểu cảnh bằng cây xanh vật liệu gỗ tre dễ tháo lắp nhưng rất chắc chắn. Phương án đã được trình bày với bà con và nhận được sự ủng hộ, bà con sẵn lòng chung tay thực hiện.
Trong khi chờ đợi một viễn cảnh kỳ vĩ thì đâu đó ở Hà Nội vẫn phơi ra nhưng thực trạng dang dở, phương án của các SVTN mong muốn đóng góp cho một góc nhỏ của Hà Nội một lời giải thực tiễn hơn “ rằng chúng ta cần thiết và có thể bắt tay ngay từ lúc này, ngay bây giờ và tại đây vì một Hà Nội Xanh – Sạch có thật “.
![]() |
Hiện trạng không gian thoáng đãng ven hồ còn chưa an toàn cho các cháu nhỏ và phương án cải tạo nâng cấp của bạn Phạm Minh Giang lớp 52 KD7 |
Ba công việc nhỏ của các bạn SVTN khoa Kiến trúc Quy hoạch – ĐHXD Hà Nội cho thấy khả năng làm đẹp Hà Nội của các KTS ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường rất phong phú – đây chỉ là vài ví dụ trong đề án “Cộng đồng chung tay giám sát và bảo vệ không gian công cộng” đã được Ban tổ chức VACI-2011 trao giải thưởng. Việc làm của các bạn khích lệ các bạn SV ngành Kiến trúc Quy hoạch trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Phương Đông, Đông Đô , ĐH mở Hà Nội cùng tham gia vào các hoạt động tương tự. Chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu những hoạt động này trong thời gian tới .
KTS Trần Huy Ánh
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc