Chúng ta hiện đang còn thiếu những định hướng, ngộ nhận trong việc thiết kế kiến trúc nhà ở nông thôn mới. Đừng nhìn công việc này với suy nghĩ sẽ thiết kế mẫu nhà với những bản vẽ khoa học, theo đúng hoài niệm ba gian hai chái như xưa. Hãy nhìn thẳng vào thực tế để trả lời các câu hỏi: Ai là đối tượng ở của ngôi nhà này, họ làm gì và họ cần gì? Sử dụng vật liệu truyền thống hay hiện đại? Đó là bài toán đang thiếu, cần trả lời cho thiết kế nhà ở nông thôn ở tất cả các vùng miền để có được những mẫu thiết kế đi vào cuộc sống.

THIẾT KẾ MẪU NHÀ Ở CHO AI?

Khi đến nông thôn, đầu tiên cần tránh một số ngộ nhận về phát triển nông thôn với việc dùng những từ ngữ như đô thị hóa nông thôn, hay một vài địa phương đang đề xuất đưa cả tỉnh thành “siêu đô thị”. Trên thế giới, những nơi được gọi là đô thị mới đó tính bản sắc rất mong manh. Dubai là một ví dụ – thành phố đang ghi tên bản đồ đô thị thế giới với những kỷ lục hoành tráng nhưng nhìn vào đó không thấy được chút bản sắc nào.

Chính vì vậy, nông thôn vẫn được coi là nơi lưu giữ được giá trị bản sắc. Việt Nam cũng vậy. Nông thôn Việt một thời gian rất dài, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, đều hết sức thuần khiết với những mái nhà, hàng cau, sân gạch… bởi xã hội nông nghiệp xưa có đặc thù biến đổi rất chậm. Nông thôn muôn đời là như vậy. Nhưng khi chuyển hóa, tác động, thì lại rất nhanh. Đô thị hóa nhanh và mạnh làm rơi vãi những giá trị truyền thống đi đâu đó. Đây là tình trạng đáng buồn bởi bản sắc nông thôn nằm trong các giá trị nội hàm rất độc lập với đô thị. Những phát triển nhanh chóng về hướng hiện đại của xã hội quá rõ ràng. Xã hội hiện đại không chấp nhận những giá trị bản sắc nhưng xưa cũ, chậm chạp thậm chí lạc hậu đó. Một cái ao làng xưa ý nghĩa là vậy nhưng hiện tại đang lạc hậu về công năng, chỉ còn đôi chút giá trị về cảnh quan. Cái ao mà cả làng xúm ra tắm giặt nay đã không còn và khi công năng không còn phù hợp, hình thức cũng sẽ bị mai một. Nếu giữ lại thì sợ lỗi thời, còn vội vàng bỏ đi thì lại coi chừng dễ bị mất nhiều thứ.

Điều cực kỳ nhạy cảm là nông thôn đang bị nát ra một cách cực kỳ nhanh chóng bởi chính nhu cầu của con người nơi đây. Một trong những sai lầm rất lớn là xã hội vội vã bàn nhiều về mẫu nhà cho nông thôn, mẫu nhà miền núi, đồng bằng… trong khi chưa có một cái tổng kết đúng đắn về những gì đang diễn ra, sắp diễn ra đối với số phận của những con người nông thôn. Có những gia đình bao đời làm nghề nông nhưng con cái đều tốt nghiệp đại học. Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó? Ngôi nhà với nếp ngói ba gian hai chái chắc chắn sẽ không còn được giữ lại khi những người con tốt nghiệp ra trường, thay vào đó sẽ là nhà mới hiện đại. Chưa kể nếu họ ở lại thành phố sống và làm việc. Như vậy, mẫu nhà để ở bây giờ dành cho ai? Nếu không xác định được chủ thể sử dụng, một ngàn mẫu, một chục ngàn mẫu cũng vẫn sẽ là con số không vì nó không có đối tượng chính xác và đúng đắn. Lâu nay người ta hay nói đến mẫu nhà nông thôn, nhưng có mẫu nhà đẹp mà không phù hợp với đối tượng sử dụng thì cũng không biết cho ai ở?

maunha

Một dạng kiến trúc đang xuất hiện nhiều ở nông thôn

Nông thôn giờ có những ngôi nhà rất hoành tráng, rất đẹp nhưng lại không ăn nhập gì với cảnh quan xung quanh. Chính vì vậy, nông thôn hiện tại là một vấn đề rất nhạy cảm mà ở một góc độ nào đó cần phải báo động nhiều hơn đô thị. Nó là sự mong manh, có thể biến mất bất cứ lúc nào trong một thời gian rất nhanh. Ngay cả những làng có giá trị truyền thống lâu đời, nào tượng phật, đình chùa, nhà gỗ lim cổ… đều đang mất dần. Vấn đề nông thôn, báo động cả một môi trường kiến trúc chứ không chỉ riêng kiến trúc ngôi nhà. Ở một số quốc gia, người ta bảo vệ nông thôn của họ bằng luật và bằng những nghiên cứu hết sức cẩn trọng, tinh tế. Cuối cùng đặt ra vấn đề, hoặc là vào đô thị sống, hoặc là ở nông thôn thì phải chấp nhận cách sống, cách quy hoạch đó để giữ gìn những giá trị truyền thống. Không gian sống ở nông thôn hiện tại đang là vấn đề cấp bách. Ai cũng muốn làm cho nhanh, nhưng nghiên cứu về nó là chưa đủ.

ĐỂ CÓ MẪU NHÀ ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Câu chuyện về nhà ở nông thôn, như tôi nói, người kiến trúc sư là người có những kiến thức nhất định về vấn đề kiến trúc, xây dựng, kể cả một số vấn đề kỹ thuật, nhưng người nông dân ở nông thôn phần lớn họ phải tự xây lấy chỗ ở cho mình. Do vậy, vấn đề nhà ở nông thôn bên cạnh việc thiết kế còn là vấn đề chính sách. Theo ý kiến chủ quan, không nên quan niệm thiết kế có một ngôi nhà hoàn chỉnh từ đầu tới cuối để áp đặt người dân xây dựng. Ở nông thôn, người dân không có thu nhập cao, môi trường kỹ thuật, môi trường dịch vụ để phục vụ cho việc xây một căn nhà cũng không dễ dàng.

Nhà ở cho các vùng nông thôn, đặc biệt là những vùng phải đối mặt với thiên tai, với sự nghèo khó và mức sống còn thấp thì phải được hoạch định theo những mục tiêu chung. Việc hình thành ngôi nhà ở nông thôn được nghiên cứu theo các tiêu chuẩn mô đun hóa, dễ dàng xây dựng và mở rộng từng phần theo khả năng tài chính của từng hộ gia đình. Như vậy mới được coi có hiệu quả, tránh tình trạng kiến trúc sư và Nhà nước đưa ra hàng ngàn mẫu nhà mà rốt cuộc không đi vào cuộc sống.

Khoảng những năm 80, liên hiệp KTS thế giới có tổ chức cuộc thi với đề tài: KTS phục vụ cho người sử dụng, người tự tạo lấy chỗ ở của mình. Ý tưởng này có thể ứng dụng tốt với nông thôn. Ở nông thôn người dân luôn có xu hướng tự làm một phần do mỗi gia đình mỗi sở thích, phần vì mỗi gia đình có một yêu cầu sử dụng riêng, ngôi nhà không chỉ để ở mà còn là nơi sản xuất, phơi phóng, làm nghề phụ… Ngoài ra cũng cần tính đến điều kiện kinh tế mỗi gia đình. Ở nông thôn, chuyện mỗi nhà trữ ít ngói, ít gạch dần dần để làm nhà là chuyện không hiếm. Do vậy, những khái niệm trong việc thiết kế mẫu nhà ở nông thôn, một mặt chưa đúng ở việc xác định đối tượng, mặt khác có biết bao mẫu nhà ở nông thôn do các KTS vẽ ra? Hàng ngàn mẫu, tại sao người dân không theo? Đó là bởi nó chưa trúng!

Đối với nhà nông thôn cực kỳ khó, nhà cho công nhân có thể làm giống nhau nhưng nông thôn thì gần như không nhà nào giống nhà nào nhưng lại phải làm cho nó hài hòa, đồng bộ. Về nhà ở nông thôn lâu nay có nhiều phát biểu nói lên sự quan tâm đến nó nhưng quan tâm với rất nhiều ngộ nhận dẫn đến những sự ‘chập choạng’ trong đó.

Đã là nhà ở nông thôn, dù là vùng đồng bằng hay trung du miền núi, miền biển đều có cách đặt vấn đề giống nhau. Người dân nông thôn giờ tiếp cận thị trường rất nhanh. Họ một mặt rất chủ động, nhanh nhạy trong việc xây dựng nơi ở theo nhu cầu của mình. Nay xây thêm chuồng bò, mai xây thêm nhà kho… Mặt khác, người dân cũng có xu hướng bắt chước nhau. Nào nhà ống, nào nhà tầng đan xen khi chưa có một quy hoạch cụ thể. Cần có mẫu nhà hàng hóa, tức là được phân ra làm nhiều linh kiện, dễ ứng biến tùy theo nhu cầu của người dân. Đồng thời, những linh kiện có thể là “nhiều trong một”. Tức là, cũng cùng một linh kiện đó người ta làm một cây cầu bắc qua mương, dựng lên thành cái vách, trải ra thành sàn nhà… Tiện dụng và đa năng sẽ làm những thiết kế điển hình này đi vào cuộc sống nông thôn một cách nhanh nhất, kinh tế, phù hợp nhất.

VẬT LIỆU ĐỊA PHƯƠNG CẦN HỖ TRỢ VỀ GIẢI PHÁP

Việc sử dụng vật liệu địa phương vừa là thói quen, vừa là văn hóa, vừa là cảm xúc, sự an lành khi người ta sử dụng những vật liệu quen thuộc làm tổ ấm của mình. Với nhà ở nông thôn, nên khuyến khích sử dụng các chủng loại vật liệu địa phương. Ứng dụng công nghệ mới là để sử dụng vật liệu địa phương hợp lý hơn, thông minh hơn. Với mỗi quốc gia, càng lâu năm nhu cầu nhà ở càng mang đậm dấu ấn bản địa. Chỗ ở là nhu cầu của mọi loài động vật, với con người là phức tạp nhất. Mỗi dân tộc qua hàng ngàn năm phát triển, rút kinh nghiệm từ đời này qua đời khác, con người đã cực kỳ tinh tế trong việc giữ gìn và lưu truyền những kinh nghiệm tốt về xây dựng bởi đó là chuyện sống còn của họ. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.

maunha2

Thiết kế ở biệt thự vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội

Ở miền Tây, mái nhà lợp lá dừa nước đã trở thành truyền thống từ lâu và có rất nhiều ưu điểm. Có một thời gian người dân không dùng vì cho rằng như vậy là lạc hậu, nhưng trong các thiết kế khu du lịch, resort cao cấp, vật liệu lá dừa nước góp phần tạo nên nét tính cách riêng, dân tộc mà sang trọng. Với hiện tại, lá dừa được xử lý hóa chất sẽ có độ bền tới 14 năm. Ngoài hóa chất phức tạp, có thể sử dụng thêm các kỹ thuật xử lý vật liệu truyền thống hay hiện đại làm gia tăng độ bền cho sản phẩm. Vật liệu xây dựng mái tranh thay vì lợp bình thường nếu nhúng vào bột hồ nếp và trộn thêm hàn the có thể dùng tới hơn 10 năm.

Hiện tại, công nghệ, kỹ thuật, hóa chất đã phát triển đầy đủ hỗ trợ tối đa việc sử dụng, ứng dụng những kinh nghiệm, kỹ thuật lắp ghép, kỹ thuật xây dựng bằng truyền thống, có sẵn tại địa phương cho công trình nhà ở nông thôn mới. Miền Đông Nam Bộ đất cát pha sét nhẹ, làm gạch không nung xây nhà, rất mát. Nhưng khi gặp mưa lại bị xói. Người ta khắc phục điều này bằng cách dùng nhựa cây như dâm bụt, nhồi nát và lấy chất nhớt trộn trong đất nhằm chống thấm hoặc trộn thêm một ít phân bò khô làm cho đất kết dính với nhau tốt hơn, không bị nứt gãy. Tường vách đất, sau đó lăn sơn nước có công nghệ chống thấm cũng sẽ rất đẹp và phù hợp. Khi một vật liệu đã là truyền thống cũng rất phù hợp với kiến trúc hiện đại. Ví dụ như vật liệu tre, tranh trước đây bị thay thế bởi bê tông cốt thép vì độ bền của nó. Nếu được xử lý mối mọt tốt, độ bền của vật liệu này khá cao. Do vậy, câu chuyện của nhà nông thôn là câu chuyện ngôi nhà bền vững của con người sống trong đó phù hợp với lối sống và mức sống của họ.

Nhà ở khu vực Năm Căn (Cà Mau) trong một cuộc thi mà tôi tham gia là một ví dụ. Ngôi nhà dùng gỗ đước, lá dừa nước và nhà vùng ngập nước nên phải làm sàn. Những ngôi nhà ở đây phải làm bám kênh rạch và nằm lấp ló trong các khu rừng đước hai bên, dùng chính thân đước để làm nhà. Tuy nhiên, do nước biển ngập lên hạ xuống hàng ngày nên tất cả gỗ đều bị mục. Cần giúp người dân an cư hơn trong ngôi nhà mà họ sẽ không phải dỡ ra cất lại hai ba năm một lần. Khi đó, kỹ thuật được đưa ra là làm nhà sàn. Thay bằng phương pháp truyền thống, giải pháp về mặt cấu kiện là chấp nhận cho mục nhưng khi nó mục có thể thay thế mà không phải dỡ nhà, nhà đẹp và được xây không cần thợ mà người dân có thể tự làm nên cấu trúc phải đơn giản, dễ hiểu.Tất cả những lắp ráp ở đó theo kiểu chồng gá, không dùng đinh hay những kỹ thuật lắp mộng phức tạp. Cần nhà nước hỗ trợ bằng việc xây dựng khu mẫu để người dân nhận thấy và làm theo.

Với nhà ở nông thôn, yêu cầu bản sắc và né tránh sự hiện diện thô bạo của kỹ thuật và vật liệu công nghiệp giúp tôi chiêm nghiệm về giá trị của sự hết lòng và chân thật với những cảm xúc của mình trong kiến trúc. Tôi cho rằng kiến trúc là thiên nhiên thứ hai của con người. Một kiến trúc thành công sẽ ra đời thật tự nhiên nhưng mạnh mẽ, thân thiện, đúng như một thiên nhiên thứ hai, toả sáng lâu dài và nâng đỡ cuộc sống con người. Việc đưa ra các mẫu nhà cho các vùng nông thôn, vấn đề không phải là cái mẫu nhà đơn thuần, vấn đề là cả một chính sách về vấn đề nhà ở nông thôn. Bất kỳ ngôi nhà nào cũng dính đến các mối quan hệ về hàng hóa, phân phối, trao đổi, lợi nhuận, để huy động một lực lượng rất lớn trong xã hội cùng tham gia.

KTS.Nguyễn Văn Tất – Phó Chủ Tịch Hội KTS Việt Nam
Trần Anh (Ghi)
Nguồn ảnh:Internet
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam 

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more