Khi còn là Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Hà Nội, thuộc Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (VIAP), TS. KTS Nguyễn Trúc Anh từng trực tiếp tham gia nghiên cứu đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHC Hà Nội). Tại đồ án nói trên, liên danh tư vấn nước ngoài PPJ là tư vấn chính, còn VIAP là tư vấn đối tác Việt Nam. Tiếp đó, KTS Nguyễn Trúc Anh đảm nhiệm vị trí Phó Vụ Trưởng- Phó chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô Hà Nội với nhiệm vụ trọng điểm trong thời gian tới là chỉ đạo công tác điều chỉnh quy hoạch vùng Hà Nội. Đồ án này sẽ có sự tham gia của tư vấn nước ngoài (TVNN). Chính vì vậy, KTS Nguyễn Trúc Anh có nhiều ý kiến chia sẻ về sự hợp tác tư vấn nội – ngoại.
PV: Thưa anh, trở lại thời điểm VIAP phối hợp với PPJ triển khai đồ án QHC Hà Nội, điều gì ở tư vấn nước ngoài gây ấn tượng mạnh với anh?
TS. KTS Nguyễn Trúc Anh
TS. KTS Nguyễn Trúc Anh: Trong đồ án QHC Hà Nội, PPJ là tư vấn chính, làm từ đầu đến cuối. Điều dễ nhận thấy nhất là họ làm việc rất nghiêm túc. Họ đưa chuyên gia sang Việt Nam, nằm vùng hàng tháng để nghiên cứu ý tưởng… Chúng tôi học hỏi được từ TVNN phương pháp lý luận, phương pháp đặt vấn đề, giải quyết vấn đề hoàn toàn dựa trên phân tích khoa học. Tất nhiên không phải tư vấn Việt Nam không khoa học mà tôi muốn nhấn mạnh rằng tư vấn ngoại hoàn toàn không bị tác động bởi chính trị hay lợi ích nhóm. Họ chỉ dựa trên những dữ liệu “đầu vào” là dân số, điều kiện xã hội, tự nhiên, v.v. mà đặt vấn đề và giải quyết vấn đề…
PV: Anh đánh giá như thế nào về hiệu quả của sự tham gia TVNN trong đồ án nói trên?
TS. KTS Nguyễn Trúc Anh: Theo quan điểm của tôi thì ở giai đoạn đầu – giai đoạn làm ý tưởng, vai trò của TVNN rất là tốt. Tuy nhiên, đến giai đoạn sau là làm hồ sơ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, báo cáo cộng đồng dân cư và các bộ ngành nhằm tạo sự đồng thuận, trình duyệt thì tư vấn ngoại không thể tham gia được hết. Trong giai đoạn này, vai trò của tư vấn nội rất quan trọng. Nhờ đó, QHC Hà Nội đã được triển khai bài bản. Đây là đồ án QH đầu tiên được triển lãm tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP.HCM, nhằm lấy ý kiến đóng góp, và đã quy tụ được sự đồng thuận của đông đảo người dân. Đồ án cũng được báo cáo ở nhiều cấp, từ địa phương đến Trung ương…
Tuy nhiên, do nước ngoài là tư vấn chính, nắm vai trò quyết định nên tư vấn nội – đối tác – phải dành nhiều thời gian để giải thích những điều kiện của địa phương để họ hiểu. Vì vậy, để đi đến sự đồng thuận giữa hai tư vấn ngoại – nội đòi hỏi rất nhiều thời gian.
PV: Được biết, trong đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (QHV Thủ đô) sẽ được triển khai trong thời gian tới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đồng tình về mặt chủ trương là mời TVNN hoặc tham gia nghiên cứu hoặc phản biện đồ án… Vậy xin hỏi, Ban chỉ đạo có những kỳ vọng gì từ TVNN?
TS. KTS Nguyễn Trúc Anh: Có thể nói, trong đồ án QHV Thủ đô cũng như QHC Hà Nội, ở Việt Nam chưa có tiền lệ, tư vấn nội địa chưa có nhiều kinh nghiệm, nên chúng ta cần sự tham gia của TVNN. Bởi ở nước họ, vấn đề phát triển QHV, quản lý vùng có từ lâu đời rồi. Họ đã phải đối mặt với các bài toán mang tính vùng như biến đổi khí hậu mang tính vùng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mang tính vùng. Có những bài toán xảy ra trong ranh giới vùng mà chính quyền một địa phương không thể giải quyết được vì vượt quá ranh giới hành chính của địa phương đó, không gian của vấn đề bao trùm nhiều địa giới hành chính khác nhau. Chính vì vậy, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo QH và đầu tư xây dựng vùng thủ đô Hà Nội là làm sao cố gắng tư vấn cho lãnh đạo Bộ Xây dựng và Chính phủ đưa ra được một đồ án QHV thủ đô tốt nhất và khả thi.
Theo quan điểm của tôi, rút từ kinh nghiệm triển khai đồ án QHC Hà Nội, trong đồ án QHV thủ đô, tư vấn nội nên là nhà thầu chính. Những phần việc mà mình chưa làm được, thiếu kinh nghiệm thì mình thuê nước ngoài. Không đâu bằng, nhất là trong lĩnh vực QH, phải là người nội địa tự quyết định những vấn đề của bản thân vì mình biết đâu là thực tế vấn đề cần bức xúc cần giải quyết nhất. Những phần nào mà mình chưa có kinh nghiệm, kiến thức chưa đủ thì mình cần phải thuê và lựa chọn một đối tác thích hợp, có kinh nghiệm thực sự. Trong quá trình làm thì TVNN được mời tham gia sẽ cung cấp cho mình những kiến thức, phương pháp, kinh nghiệm, các giải pháp so sánh, mình cần học hỏi một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, chẳng hạn như bài toán đầu tư cấp vùng, việc xử lý uyển chuyển lợi ích phát triển giữa các địa phương, mô hình quản lý vùng… Cần phải công nhận rằng khi mời TVNN tham gia vào quá trình nghiên cứu hoặc phản biện, mình đã nâng cao được chất lượng đồ án. Nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn phải là tư vấn chính – tư vấn nội, vì tư vấn nội hiểu rõ nhất mọi vấn đề góc cạnh và cái địa phương thực sự cần giải quyết.
Việc mời tư vấn ngoại tham gia điều chỉnh QHV thủ đô theo từng học phần, theo tôi sẽ đạt được 2 mục đích: Thứ nhất là tiết kiệm ngân sách. Thứ hai, tư vấn ngoại đáp ứng thiết thực nhất các yêu cầu đặt ra theo từng thời điểm học phần trong quá trình triển khai nghiên cứu đồ án.
PV: Có một thực tế khá phổ biến hiện nay là các địa phương đua nhau mời TVNN lập QH đô thị. Anh ủng hộ hay không ủng hộ xu thế này?
TS. KTS Nguyễn Trúc Anh: Từ kinh nghiệm làm việc với TVNN của bản thân, tôi nhận thấy, việc mời TVNN sẽ chỉ hiệu quả khi địa phương hình dung được một cách rõ nhất cái mình muốn làm, muốn giải quyết. Nghĩa là địa phương phải ý thức được vấn đề của mình một cách rõ nhất và đặt “đầu bài” càng cụ thể bao nhiêu càng tốt bây nhiêu. Từ đầu bài, dựa vào số liệu nghiên cứu thực tế và kinh nghiệm, các giải pháp so sánh, TVNN mới có thể đề xuất giải pháp giải quyết phù hợp tư vấn cho chính quyền địa phương quyết định. Địa phương nào mà xao nhãng những vấn đề trên, khoán trắng cho tư vấn nước ngoài thì rất khó đạt được thành quả tốt.
PV: Theo anh, liệu có tồn tại trường hợp: Địa phương thuê TVNN, TVNN lại thuê tư vấn Việt Nam triển khai? Tức là trên thực tế, tư vấn nội làm chính trong khi địa phương phải trả tiền cho tư vấn ngoại khiến cho TV nội thiệt đơn thiết kép?
TS. KTS Nguyễn Trúc Anh: Trong một hợp đồng kinh tế bao giờ cũng phân chia rõ ràng trách nhiệm nhà thầu tư vấn chính và nhà thầu phụ, và được giám sát bằng luật pháp và sự quản lý, can thiệp của các cơ quan có trách nhiệm. Do vậy, chuyện sau khi ký hợp đồng, tư vấn chính – nước ngoài khoán lại cho nhà thầu tư vấn phụ – trong nước làm hết những phần việc mà nhà thầu chính phải làm là tự nhà thầu nước ngoài đã hại chính mình vì vi phạm luật pháp và nếu nhà thầu trong nước không giỏi thì là tự hạ uy tín của chính mình. Theo tôi việc này cũng cần phải có một cơ chế kiểm soát và cơ chế quản lý giám sát hiệu quả như nêu tên đích danh các nhà TVNN vi phạm, đưa ra các tiêu chí và xếp hạng TVNN dựa trên các kết quả hoạt động cụ thể tại Việt Nam, ngoài ra có thể đưa ra các cơ chế kiểm soát nằm trong chính nội dung hợp đồng đã ký kết như bảo lãnh, đặt cọc, điều khoản phạt nếu không đưa chuyên gia sang làm việc…
Thứ nữa, về đạo đức nghề nghiệp thì nhiệm vụ của anh phải làm cái gì thì anh phải làm cái đấy, không có chuyện đi khoán trắng cho người khác làm thay nhiệm vụ của mình, vấn đề thương hiệu là sống còn trong lĩnh vực nghề tư vấn nhất là với TVNN. Hơn nữa, giống như vấn đề chuyển giao công nghệ, khi nhà thầu chính khoán trắng lại cho nhà thầu phụ trong nước thì nhà thầu trong nước không học hỏi được gì, chính quyển sở tại thiệt đơn thiệt kép. Ít nhất họ thuê lại mình nhưng họ có chủ trì giỏi, mình vẫn học hỏi được rất nhiều, từ kiến thức, kỹ năng và nhiều vấn đề khác thì vẫn có lợi. Nhưng nếu họ khoán trắng để nhà thầu phụ làm thì đó là sai, là không hoàn thành trách nhiệm, và chính quyền không được lợi gì cả. Cơ quan quản lý nhà nước phải giám sát việc đó. Ở các nước thì các hiệp hội và cơ quan chuyên ngành đóng vai trò rất mạnh. Họ đưa ra các danh sách các nhà thầu nước ngoài có năng lực, làm ăn tử tế cho các địa phương tham khảo trước khi lựa chọn TVNN. Như vậy, việc lựa chọn nhà thầu nước ngoài phải rất cẩn thận. Chất lượng nhà thầu chính như thế nào phụ thuộc vào sự lựa chọn của địa phương dưới góc độ hướng dẫn và gợi ý của các cơ quan chuyên trách.
PV: Tức là quan điểm của anh, không nên quá lo âu về việc tư vấn nội trở thành “B phẩy”?
TS. KTS Nguyễn Trúc Anh: Đúng, vì mình có cơ chế kiểm soát rồi chứ không phải không. Đơn cử như Luật Đấu thầu, cơ chế giám sát những Cty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, hồ sơ tài chính, hồ sơ năng lực thể hiện năng lực của nhà thầu… Kiểm soát càng chặt chẽ càng tốt và sẽ không xảy ra chuyện tư vấn chính khoán trắng lại cho tư vấn phụ. Hơn nữa nếu đúng nghĩa là “B phẩy” của TVNN thì mình cũng học hỏi được từ họ giống như chuyển giao công nghệ vậy. Theo tôi khi TVNN vào Việt Nam nên bắt buộc phải liên danh với một tư vấn trong nước để hành nghề, không nên để họ làm 100% việc, hoặc khoán lại toàn bộ cho tư vấn nội, cả hai việc trên đều bất lợi.
PV: Trở lại với đồ án QHC Hà Nội, khi làm việc với nhà thầu chính là tư vấn ngoại, với tư cách là tư vấn đối tác – tư vấn nội, anh có cảm thấy bị thiệt thòi không?
TS. KTS Nguyễn Trúc Anh: Thiệt thòi ở khía cạnh họ là nhà thầu chính, phải làm xuyên chuỗi tất cả các khâu, phải là chuyên gia trong các khâu ấy. Nhưng trong quá trình triển khai đồ án, có những khâu mà tư vấn nội rất là mạnh và phải làm thay tư vấn chính như lấy ý kiến cộng đồng, lấy thông tin, đánh giá hiện trạng và phát hiện các vấn đề nội tại địa phương, trình báo cáo các cấp…
Chính vì thế, tôi nhắc lại, trong phân chia công việc, có những khâu nhà thầu nước ngoài rất hữu dụng, nhưng có những khâu nhà thầu Việt Nam lại làm rất tốt, rất giỏi, nhưng mức phí lại trả cho nhà thầu chính trọn gói. Họ thuê lại tư vấn nội nên tư vấn nội bị thiệt thòi vì phải qua một lần “cầu”.
PV: Trận trọng cảm ơn ông!
Theo Báo xây dựng