Dù đã có luật tác quyền,vấn đề vi phạm quyền tác giả trong kiến trúc vẫn còn phổ biến. Trước hết là do luật chưa sát hợp, dẫn đến việc chưa thực sự coi trọng chất xám, chưa đặt tác phẩm kiến trúc vào vị trí tương xứng trong thang giá trị xã hội. Mặt khác, hợp đồng tư vấn thiết kế kiến trúc khi chưa có luật KTS, không có cách đối xử nào với KTS khác hơn là bên được thuê, mà sự hài lòng của bên thuê có ý nghĩa quyết định. Bên được thuê nhân danh lợi ích gì mâu thuẫn với sự hài lòng của chủ đầu tư đều bất lợi cho việc sinh nhai của chính mình. Tâm lý thực dụng nảy mầm từ mảnh đất màu mỡ này.

Một trong những nội dung quan trọng của quyền tác giả là tác phẩm được đánh giá đúng mức, và giá trị đó được đảm bảo quyền thụ hưởng. Với tác phẩm kiến trúc là định mức thiết kế phí. Phải nói thẳng ra rằng không ở đâu mà chính sách thiết kế phí bất hợp lý đến mức bèo bọt như ở Việt Nam. Trung bình phí thiết kế ở nước ta là 2% trên giá trị dự toán xây lắp. Trong khi đó phí thiết kế này, theo thông lệ quốc tế, trung bình cũng ở mức 10% trên mức tổng đầu tư. Hơn nữa trong khi suất đầu tư ở ta khoảng 500 USD/m2 thì công trình tương đương ở láng giềng Singapore hay Malaysia suất đầu tư đã gấp 3 hay 4 lần. Như vậy chênh lệch giá trị không phải chỉ khoảng 5 lần (tính theo phần trăm) mà có thể lên 15 hay 20 lần (tính theo giá trị công việc thực chất).

Nguyên nhân chính là chúng ta còn bị ảnh hưởng nặng nề, dai dẳng theo nếp tư duy thời bao cấp, mọi thứ đều đưa ra định mức, kể cả sự sáng tạo. Sáng tạo thì khó có định mức. Vì vậy phải chọn lựa giữa việc quên nó đi hoặc chấp nhận một định mức tượng trưng hoàn toàn thiếu sự động viên hiệu quả.

Chính những quy định, ràng buộc thiếu thực tế đã khiến cho vấn đề tác quyền trong kiến trúc bị xâm hại nghiêm trọng. Có thể thấy trong tất cả các quy định về thiết kế hiện hành không có khoản nào trả cho ý tưởng kiến trúc. Chỉ bắt đầu trả phí khi làm thiết kế cơ sở (trên một ý tưởng kiến trúc miễn phí trước đó thông qua thi cử hoặc tự nguyện của KTS).

 tacquyen1

Luật đấu thầu và các bước quản lý thiết kế đã góp phần làm cho các công trình kiến trúc sinh ra như những đứa con mù mờ lý lịch. Cụ thể, KTS đã làm thiết kế cơ sở thì không được làm thiết kế thi công; thiết kế thi công thì không được giám sát… để rồi KTS “đẻ” đứa con kiến trúc ra nhưng không được bảo vệ quyền “nuôi nấng” thì còn gì là quyền tác giả!

Bản thân tôi cũng như biết bao đồng nghiệp khác thường xuyên bị rơi vào trường hợp này. Bao nhiêu ý tưởng, công sức thực hiện hồ sơ cơ sở với chi phí rất khiêm tốn để chủ đầu tư lấy được phê duyệt dự án.

Bước tiếp theo chỉ là khai triển nhưng chiếm phần chi phí chủ yếu thì lại bị yêu cầu đấu thầu. Và hầu hết các đơn vị không phải là tác giả có khi dám giảm giá đến 50% vì không phải “mang nặng đẻ đau” giai đoạn sáng tác, thì KTS tác giả đành ngậm ngùi chia tay tác phẩm của mình. Điều quan trọng là đơn vị trúng thầu triển khai cũng chẳng buồn hỏi ý kiến tác giả trong giai đoạn “vẽ râu bôi mặt” tiếp theo, bởi chẳng có gì ràng buộc rõ ràng về quyền tác giả. Vậy là tác phẩm Kiến trúc rơi vào cảnh “May nhờ rủi chịu”, đẹp thì âm thầm hãnh diện, lem luốc nhếch nhác thì cũng không trách ai được.

Ở đây, bảo vệ bản quyền tác giả trong kiến trúc không chỉ là bảo vệ quyền lợi cho KTS mà là vì lợi ích chung của cộng đồng. Hãy cứ thẳng thắn nhìn nhận trên khắp đất nước ta có được bao nhiêu công trình kiến trúc có thể tự hào với khu vực, với thế giới? Thay vào đó là một diện mạo kiến trúc tầm tầm thực dụng, xô bồ, lai căng, ăn cắp… và hậu quả là cộng đồng, xã hội sẽ gánh chịu hệ quả nặng nề.

 tacquyen2

Ngay cả khi đã có luật tác quyền phù hợp thì lại cần những định chế pháp lý hiệu quả. Những quy định pháp lý phải được chuyển hóa vào các quy trình quản lý một cách thực tế, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của KTS. Tránh trường hợp như trong luật tác quyền chỉ bảo vệ bản quyền trên bản vẽ là không đúng, nếu không nói là ngây ngô. Tác quyền kiến trúc không giống như tác quyền một tác phẩm hội họa. Bản vẽ kiến trúc không phải là tác phẩm, mà chỉ là thông tin về tác phẩm, và không thể tách rời tác phẩm kiến trúc thật sự là công trình được xây dựng hoàn thành. Quyền tác giả trong kiến trúc vì vậy khá phức tạp. Quyền tác giả không chỉ trên bản vẽ mà còn là công trình kiến trúc hiện hữu. Không đơn giản quyền sở hữu trí tuệ mà còn là quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng, quyền nhân thân…

Chính từ những bức xúc trên mà liên tục từ năm 1994 đến nay, Hội KTS Việt Nam đã nỗ lực vận động và thúc đẩy sự ra đời của luật Kiến trúc sư. Trong đó, nhiều chương của luật bao hàm sự đảm bảo về quyền tác giả.

Luật KTS sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để lao động nghệ thuật và kỹ năng chuyên nghiệp cao của KTS sẽ không bị rẻ rúng bằng sự cạnh tranh đơn thuần về giá cả. Đạo đức KTS đối với nghề, thân chủ, xã hội và đồng nghiệp được đề cao. Điều quan trọng là tạo ra môi trường làm nghề lành mạnh và hiệu quả để các thế hệ KTS chuyển giao kinh nghiệm, trải nghiệm nghề nghiệp của mình cho thế hệ tiếp nối.

KTS.Nguyễn Văn Tất
Nguồn ảnh:Internet
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam 

Bình luận từ Facebook
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
36 head
Phỏng vấn Koen Olthius của WaterStudio.nl

Kiến trúc sư Koen Olthuis của Waterstudio.nl được Inhabitat đánh giá là kiến trúc sư ngoại lệ, người đi mở Read more

58 head
Vật liệu trồng cỏ sân để xe

Bạn đã bao giờ muốn trồng cỏ ở khu vực cua xe ô tô vào nhà, nhưng bạn lại không Read more

317 head
Nhà thông minh của Honeywell lần đầu đến Việt Nam

Hệ thống hoạt động dựa trên web được điều chỉnh theo yêu cầu có khả năng kết nối được với Read more

363 head
Phỏng vấn Ken Yeang

CNN đã trao đổi với Ken Yeang, kiến trúc sư và cũng là nhà sinh thái học, nguyên lý thiết Read more

Đèn điểm – SCHOTT

Loại đèn này có một tính năng đặc biệt cho phép đèn diode (LED) có thể bố trí và phát Read more

Tác động của những hiển thị tổng hợp cỡ lớn đến Kiến Trúc và Đô Thị

Những phát triển trong công nghệ hiển thị và vật liệu xây dựng đang dẫn đến những hình thức kiến Read more