Chùa Trăm gian những ngày đầu trùng tu “tự phát” – Ảnh: Thái Linh – Kienviet.net
Chùa Trăm Gian (thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ra đời vào khoảng năm 1185. Đây là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, được xếp hạng là di tích quốc gia từ hơn 40 năm trước. Tuy nhiên mới đây, trước sự xuống cấp của công trình, nhà chùa đã tự hạ giải và dựng mới 2 hạng mục là gác khánh và nhà tổ, làm mới bậc cấp sân trước tiền đường vi phạm Luật Di sản Văn hóa. Sự việc này không chỉ gây xôn xao dự luận về nỗi lo chùa Trăm Gian bị tàn phá mà một lần nữa lại làm nóng các vấn đề xung quanh việc quản lý, bảo vệ, trùng tu di tích vốn được bàn cãi rất nhiều, đến nay vẫn chưa hồi kết.
Không bị phá hoàn toàn
Có mặt tại chùa Trăm Gian ngày 3/9, chúng tôi ghi nhận, bậc tam cấp trước sân tiền đường đã hoàn tất việc xây mới. 2 hạng mục gác khánh và nhà tổ xây dựng mới trên nền cũ đã dừng thi công theo đúng chỉ đạo của TP. Dù vậy, không khó để nhận ra, cả 2 hạng mục cơ bản hoàn thành việc lắp dựng các kết cấu chính. Tất cả đều là kết cấu gỗ mới. Cốt nền của 2 hạng mục cao hơn cốt nền của các hạng mục còn lại của chùa như các gian thờ 18 vị la hán, gian thờ Tam bảo chừng 70 – 90cm. Trong khu vực xây dựng gác khánh, bên cạnh cốt nền mới là khoảng sân vườn cũ ngổn ngang viên ngói cũ, chân cột đá mới…
Cũng bằng con mắt của những người không có chuyên môn về trùng tu tôn tạo di tích, chúng tôi dễ dàng nhận thấy, khu vực thờ Tam bảo và các gian thờ khác tuy chưa bị động chạm trong lần nhà chùa tự ý “trùng tu” lần này nhưng cũng mang nhiều dấu ấn của các trùng tu trước. Bằng chứng các kết cấu gỗ gian thờ Tam bảo đã được xử lý, gia cố bằng công nghệ hiện đại. Gian thờ các vị La Hán khá bền vững, các kết cấu gỗ cũng tương đối mới…
Bị xâm hại ở mức độ nào?
Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập đến việc trong các lần chùa Trăm Gian trùng tu trước đúng hay sai, bài bản đến đâu mà khoanh lại: Trong lần “trùng tu” này, chùa Trăm Gian bị tác động mức độ nào. Câu trả lời chính thức sẽ còn phải chờ kết luận của Ban thanh tra của TP và Bộ VHTT&DL trong thời gian tới. Chỉ biết rằng, ngay thời điểm này, có thể khẳng định, 3 hạng mục được nhà chùa thi công không dựa trên thiết kế đã được phê duyệt và vi phạm Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, về mức độ nghiêm trọng của sự việc, chính giới chuyên môn cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Theo Nhà nghiên cứu Di sản Văn hóa Dân gian Trần Lâm Biền: Hiện những dấu tích cũ ở chùa không còn nhiều, giá trị chủ yếu nằm ở gác chuông (thế kỷ XVII) và nền cao của tòa Thượng điện, thuộc quãng thời gian từ thời Lý đến thời Mạc. Khách quan nhìn nhận, kiến trúc của nhà tổ và gác khánh không liên quan gì đến các dấu tích ngàn năm, niên đại cũng chỉ khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. “Tất cả các kiến trúc đó chỉ là kiến trúc phụ, nó hoàn toàn không ảnh hưởng đến các kiến trúc chính. Nơi thờ tự chính, ngôi chùa chính thì người ta chưa động đến. Như vậy, ảnh hưởng của nó chỉ có giới hạn thôi. Nói chung là không có sự tác động tàn bạo đối với di sản này”, GS Biền nói. Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thì nhận định: “Đây là sự xâm hại di tích nghiêm trọng. Với các hiện vật có tuổi đời 100 năm đã có thể coi là báu vật. Chúng ta phải nhìn nhận, giá trị của ngôi chùa chính là ở các lớp phủ thời gian”.
Tại cuộc họp báo về các vấn đề liên quan đến chùa Trăm Gian (giữa đại diện Sở VHTT&DL Hà Nội, chính quyền địa phương và Viện Bảo tồn Di tích) ngày 30/8, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Phạm Quang Long mặc dù đính chính rằng không phải chùa Trăm Gian bị tàn phá hoàn toàn mà chỉ có “2 hạng mục quan trọng là gác khánh, nhà tổ cùng với bậc cấp sân trước tiền đường bị phá hoại” nhưng cũng thừa nhận: “Di sản bị xâm hại là nghiêm trọng. Vì nghiêm trọng nên mới phải đình chỉ ngay”.
Có thể khôi phục ở mức độ nào?
Tại cuộc họp báo nói trên, ông Phạm Quang Long cho biết: Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở VHTT&DL tiếp tục thực hiện việc tu bổ, bảo tồn, tôn tạo theo đúng Luật. Sở mời Viện Bảo tồn Di tích là tư vấn xem xét phục dựng các hạng mục đã bị phá hủy theo đúng văn bản của Bộ VHTT&DL. Trước đó, Bộ cũng đã có công văn yêu cầu cụ thể: Gỗ, chân cột đá, ngói đã bị làm hỏng phải được phục dựng và thành lập Tiểu ban chuyên môn (gồm Cục Di sản, Viện Bảo tồn Di tích, các chuyên gia) đánh giá các chi tiết, sau đó khôi phục đúng bản vẽ chi tiết nhà tổ, gác khánh. Hồ sơ bản vẽ đó được lập trước khi xảy ra vụ phá hoại ba hạng mục.
Còn tại thông báo của Văn phòng UBND TP Hà Nội kết luận của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo về tình hình vi phạm di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Trăm Gian, thông báo nhấn mạnh: Nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà tổ, gác khánh và bậc cấp sân trước tiền đường trên cơ sở tái sử dụng tối đa cấu kiện cũ của công trình và thiết kế đã được thỏa thuận.
Câu hỏi đặt ra là vậy những hạng mục đã bị xâm hại ở chùa Trăm Gian có cơ hội phục hồi ở mức độ nào? Bởi khi hạ giải để bảo tồn, các nhà chuyên môn phải tư liệu hoá, lập hồ sơ khoa học chi tiết, trân trọng từng cái cột, từng viên ngói, từng viên đá một đồng thời đánh số, phân loại, bảo quản và sắp xếp để còn lắp dựng lại. Đằng này, chùa Trăm Gian hạ giải để xây mới thì liệu các kết cấu cũ có được tư liệu hóa, có được cất giữ cẩn thận?
Về vấn đề này, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích Lê Thành Vinh cho biết: Điều may mắn nhất là chúng ta có cơ sở khoa học để tiến hành. Chúng tôi có hồ sơ rất đầy đủ, thậm chí có cả hồ sơ từ thời Pháp thuộc để lại, cũng như hồ sơ Sở chuẩn bị từ trước khi lập dự án tu bổ. Rất may trong những cấu kiện dỡ xuống, chúng tôi kịp lên đó khảo sát bước đầu thì còn nguyên các cấu kiện chính như đầu bẩy, kẻ góc quyết định góc, đấu ngồi thẳng trên cột cái… Chúng cho phép phục dựng lại đúng cấu trúc của công trình và là gốc để có thể phục chế theo mẫu trong trường hợp thiếu. Nhưng ông Vinh cũng nhấn mạnh: Trùng tu di tích không cái gì có thể phục hồi nguyên trạng khi đã phá. Đưa công trình trở lại mẫu nguyên trạng là mục tiêu quan trọng nhất, còn được bao nhiêu phần trăm thì chưa thể trả lời ngay.
Vì sao nên nỗi?
Năm 2006, Cục Di sản văn hóa và Sở VHTT&DL Hà Nội đã lên phương án trùng tu chùa Trăm Gian. Năm 2010, thiết kế trùng tu chùa Trăm Gian đã được Cục phê duyệt trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc giá trị của ngôi chùa. Tuy nhiên từ đó đến nay, dự án vẫn chưa triển khai, lý do thiếu vốn. Ngày 04/9, tại cuộc họp “Bàn thực hiện thông báo kết luận về tình hình chùa Trăm Gian của Chủ tịch UBND TP Hà Nội”, do Huyện ủy, UBND huyện Chương Mỹ tổ chức, sư thầy Thích Đàm Khoa đã khóc và thừa nhận những sai phạm trong việc tháo dỡ, hạ giải và xây mới hai hạng mục là gác khánh và nhà tổ. Dự kiến 06/9, UBND huyện Chương Mỹ sẽ mời đại diện TP, các sở ban ngành cùng phối hợp kiểm kê, phân loại hiện vật, thống nhất giải pháp và xây dựng lộ trình phục dựng lại hạng mục thềm đá trước sân tiền đường, gác khánh và nhà tổ. |