Zaha Hadid, sinh ngày 31 tháng 10 năm 1950 là một nữ Kiến trúc sư nổi tiếng người Anh gốc Iraq. Bà đã khẳng định thành quả của hướng tiếp cận kiến trúc mới mẻ theo trường phái mà bà hằng theo đuổi – trường phái Kiến trúc “Giải Tỏa Kết Cấu”. Năm 1972 Zaha Hadid theo học khoa Kiến trúc tại Trường Architectural Association ở London, Anh Quốc và nhận bằng tốt nghiệp năm 1977. Trong thời gian này bà được mời làm thành viên của The Office for Metropolitan Architecture (OMA) – một cơ quan chuyên khảo sát những công trình Kiến trúc tại Anh. Năm 1979, Hadid thành lập hãng thiết kế riêng ở London. Không những là một Kiến trúc sư nổi tiếng Zaha Hadid còn được biết đến như là tác giả của các tác phẩm thiên về nghệ thuật sắp đặt, hội họa và thiết kế nội thất.
KTS Zaha Hadid. Ảnh Zaha-hadid.com
Các công trình của bà mang nặng tính ý tưởng với những hình khối động và những giải pháp đặc biệt để tiếp cận cũng như giải quyết công trình. Bà liên tục tham gia các cuộc thi thiết kế quốc tế, mặc dù có rất nhiều đồ án thắng cuộc nhưng không được xây dựng. Trong số đó, nổi bật có The Peak Club ở Hồng Kông năm 1983, nhà hát Opera ở vịnh Cardiff, xứ Wales năm 1994.
Năm 1988, bà tham dự Triển lãm Kiến trúc Giải tỏa kết cấu ở Bảo tàng nghệ thuật hiện đại MoMA, Thành phố New York. Năm 2002, Hadid thắng trong Cuộc thi quốc tế Thiết kế tổng mặt bằng Trung tâm khoa học Singapore. Năm 2004, bà là nữ kiến trúc sư đầu tiên nhận giải thưởng Pritzker. Năm 2005, bà thắng trong cuộc thi thiết kế một sòng bạc mới ở Basel, Thụy Sĩ . Bà cũng được trao tặng Huân chương Vương Quốc Anh, tước sĩ quan (CBE). Hiện nay, bà là thành viên của Ban biên tập Bách khoa toàn thư Britannica (Encyclopædia Britannica). Zaha Hadid có mặt trong danh sách 10 kiến trúc sư “định hình” thế giới.
Bà là giáo sư giảng dạy nhiều đại học lớn trên thế giới, trong số đó có Trường Nghệ thuật Thị giác (Hochschule für Bildende Künste) ở Hamburg (Đức), Trường thiết kế tại Đại học Harvard, Đại học Chicago, Đại học Columbia tại Thành phố New York. Hiện bà đang giảng dạy tại Đại học Nghệ thuật ứng dụng Wien ở Áo. Hadid cũng là tác giả dự án Cung thể thao nước 20. 000 chỗ ngồi cho Thế vận hội mùa hè 2012 sắp tới sẽ diễn ra ở London, nước Anh.
Một nữ kiến trúc sư hàng đầu
KTS Zaha Hadid, người phụ nữ đầu tiên được nhận giải thưởng Pritzker. Ảnh Zaha-hadid.com
Năm 2004 Zaha Hadid nhận giải thưởng Pritzker, đánh giá các công trình kiến trúc mà bà đã xây dựng thành công, ban giám khảo của giải thưởng đã mô tả những công trình trên với những từ ngắn ngọn: rất khác biệt, rất táo bạo, rất năng động, rất riêng, vẫn giữ được nét giá trị truyền thống, rất can đảm, có tầm nhìn xa, trừu tượng, phức tạp và ấn tượng.
Giám khảo Frank Gehry nhận xét về bà như sau: “Đây có lẽ là một trong những kiến trúc sư trẻ nhất đoạt giải thưởng và là người có quỹ đạo phát triển nghệ thuật kiến trúc rõ ràng nhất mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều năm nay. Mỗi công trình của bà đều mở ra một niềm hứng thú mới và một sự cải tiến mới”.
Giám khảo Karen Stein giải thích thêm: “Trong 1/4 thế kỷ qua, Zaha Hadid đã xây dựng một sự nghiệp vượt qua những rào cản từ bấy lâu nay – rào cản về không gian kiến trúc, về tính thực tiễn, tính điển hình và cả về cấu trúc xây dựng”.
Còn theo giám khảo Jorge Silvetti: “Những thành tựu mà bà Zaha Hadid đạt được là sự xây dựng khéo léo không thể bắt chước được từ những bức tường, những mặt phẳng trên đất, những mái che đến những khoảng không gian trống trải, hòa trộn hay trong suốt. Đây là những bằng chứng sống động nhất của bà nhằn chứng tỏ rằng kiến trúc là một môn mang tính nghệ thuật cao, không bao giờ cạn nguồn tưởng tượng”.
Zaha Hadid trong lễ ký kết giai đoạn thiết kế trụ sở mới cho Ngân hàng Trung ương Iraq. Ảnh Zaha-hadid.com
Trong năm 2010, Hadid đã được ủy quyền bởi chính phủ Iraq để thiết kế các tòa nhà mới cho Ngân hàng Trung ương Iraq. Đây sẽ là dự án đầu tiên của bà tại quê hương Iraq của mình.
Những công trình kiến trúc nghệ thuật
Trạm cứu hỏa Vitra, Weil am Rhein, Đức, 1993. Ảnh Wikipedia
Đối với Zaha Hadid, kiến trúc thật sự là một ngành nghệ thuật tuyệt vời và ý tưởng. Chỉ một vài thập kỷ trước, một số ý tưởng của bà bị coi là quá xa lạ nhưng nay đã được nhiều thành phố và các tổ hợp công ty lớn trên toàn thế giới công nhận. Bà đã thiết kế nhiều tòa nhà với các phong cách khác nhau như: nhà cứu hỏa ở Đức, khu trượt tuyết ở Áo và một trung tâm hội họa ở Cincinnati (Mỹ), ga tàu điện ở Strasbourg (Pháp).
Khu trượt tuyết ở Innsbruck, nước Áo. Ảnh Wikipedia
Phần lớn các công trình của bà được thiết kế bằng không gian nổi, hoàn hảo về mặt hình học và vật liệu xây dựng nhưng thường đi trước thời đại. Từ nhiều năm nay bà đã thắng thầu trong các cuộc thi thiết kế uy tín để xây dựng những tòa nhà chưa từng có. Điển hình là công trình kiến trúc Trung tâm nghệ thuật đương đại Rosenthal (Mỹ) ở Cincinnati. Đây là nơi cung cung cấp không gian dành để phục vụ các cuộc trưng bày, triển lãm, ngoài ra thiết kế các trang thiềt bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy và quản lý. Công trình là những khối vật liệu cắt lớp đen trắng làm bằng kính trong, tọa lạc trên một khu có diện tích nhỏ, trông giống như một khối Rubic hình vuông và chữ nhật với một cầu thang xoắn ốc ở giữa.
Trung tâm nghệ thuật đương đại Rosenthal (Mỹ). Ảnh Austinreed.wordpress.com
Nhà phê bình kiến trúc của tờ Dallas Morning David Dillon phải thốt lên: “Thật tuyệt vời khi khai thác được khả năng sáng tạo trong một không gian chật hẹp như vậy”.
Hay như công trình Trạm cứu hỏa Vitra (Vitra Fire Station) ở Đức được xây dựng trên khu vực một nhà máy bỏ hoang. Theo các chuyên gia kiến trúc, tòa nhà đã thể hiện được tinh thần “tập trung cao độ của con người trong tình trạng sẵn sàng tham gia chữa cháy trong bất kỳ lúc nào, và thể hiện khả năng có thể dập tắt bất kỳ đám cháy nào một cách nhanh chóng nhất. Các bước từng được thiết trải dài, trượt sát với nhau, trong khi đó những cánh cửa trượt xem giống như là những bức tường di động“. Bà đã chú tâm tạo sự khác biệt tạo sự sắc nhọn của những rìa và cạnh của toà nhà đúc bê tông, tránh làm các mái nhọn, khung cửa sổ hoặc tạo lớp phủ mà có thể làm mờ đi khối lăng trụ đã được thiết kế đơn giản.
Cầu Pavilion ở Zaragoza, Aragon, Tây Ban Nha. Ảnh Wikipedia
Trong những năm qua, công ty thiết kế của bà mang tên Zaha Hadid Co., Ltd tại London đã tăng gấp nhiều lần số nhân viên do đơn đặt hàng quá lớn. Công ty đang có một số dự án ở tất cả các châu lục như những công trình nổi tiếng tòa tháp Trung tâm Nghệ thuật ở Oklahoma, Trung tâm Nghệ thuật ở Roma và Viện Bảo tàng Guggenheim ở Đài Loan v.v…
Những công trình được coi là biểu tượng
Nhà hát opera Quảng Châu, như một biểu tượng “điểm đến của văn hóa châu Á” tại cửa ngõ Quảng Châu. Tổ hợp này rộng 70,000 m2 này được đặt tại trung tâm khu đô thị văn hóa của thành phố với mục đích tạo nên mối liên kết giữa sông Pearl với phía Nam đồng thời đóng vai trò phát triển chức năng đô thị thông qua việc kết nối bờ sông và cảng biển ở đây. Công trình được làm từ những vật liệu hiện đại quen thuộc theo phong cách của Zaha: bê-tông, thép và kính, bao gồm 2 khối tích được bọc trong lớp vỏ với vân hình tam giác, uốn éo uyển chuyển tạo nên những không gian chuyển tiếp trong, ngoài vô cùng mới lạ, hấp dẫn.
Nhà hát opera Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh Archdaily
Cung thể thao dưới nước được xây dựng để phục vụ Thế vận hội mùa hè 2012 tổ chức tại London (Anh). Đây sẽ là nơi thi đấu các loại hình như bơi lội, lặn, bơi nghệ thuật, phần thi dưới nước của năm môn điền kinh phối hợp, các vận động viên khuyết tật cũng sẽ thi môn bơi lội tại đây. Theo lịch sắp xếp, đây sẽ là nơi tổ chức 192 sự kiện thi đấu diễn ra trong kỳ thi đấu.
Phần mái của cung thể thao dưới nước được thiết kế mô phỏng nững đường cong lượn sóng. Ở phần mái nhô cao vừa mang vẻ đẹp sáng tạo, vừa tận dụng thêm khoảng không gian cho hàng ghế vòng ở khán đài.
Công trình có một cây cầu dành cho người đi bộ, nối liền giữa cầu Stratford và các cung thể thao của Thế vận hội mùa hè London 2012. Hơn 2/3 khán giả dự kiến sẽ di chuyển bằng lối này. Phía dưới cây cầu là hồ bơi huấn luyện hiện đại, phần mái thiết kế mở nên nhận được ánh sáng mặt trời. Hồ thi đấu dài 50m và hồ lặn nằm ở sảnh lớn.
Phần mái gợn sóng của cung thể thao dưới nước là một cấu trúc độc đáo, có chiều dài 160m và phần rộng nhất là 90m với khung đỡ mái nặng 3.000 tấn. Phần ngoại thất được phủ lớp sơn màu kim loại và cột gỗ.
Cung thể thao dưới nước phục vụ cho Thế vận hội mùa hè 2012 tại London, Anh. Ảnh Dezeen
Bà phụ trách thiết kế Trung tâm biểu diễn nghệ thuật trên hòn đảo nhân tạo Saadiyat thuộc các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Đây là một trong bốn công trình được thiết kế trên hòn đảo nhân tạo này gồm Tadao Ando thiết kế bảo tàng dưới biển, Frank Gehry với bảo tàng Abu Dhabi, Zaha Hadid với trung tâm biểu diễn nghệ thuật Saadiyat và Jean Nouvel thiết kế bảo tàng Louvre. Một tổ hợp dự án với sự tham gia thiết kế của bốn Kiến trúc sư nổi tiếng thế giới đã đoạt giải Pritzker. Sau khi hoàn thành việc xây dựng thì đảo Saadiyat sẽ trở thành một điểm đến văn hoá mới mang tầm cỡ thế giới.
Ảnh Designyourway
Trong ý tưởng Trung tâm biểu diễn nghệ thuật của Hadid, 1 toà nhà cao 62 m được thiết kế thành 5 rạp hát – phòng nhạc, phòng hoà nhạc, nhà hát opera, nhà hát kịch và 1 nhà hát linh động với khả năng chứa đựng 6,300 ghế ngồi. Trung tâm này cũng có thể là viện biểu diễn nghệ thuật.
Toà nhà này trở thành kết cấu chung kéo dài từ bảo tàng hải quân ở phía nam đến bảo tàng Guggenheim ở phía bắc. Cả khối trung tâm nằm ở mép nước, trung tâm biểu diễn nghệ thuật tập trung vào khối dọc theo trục chính của vị trí này. Việc bố trí như vậy sẽ làm gián đoạn cả khối ở đường Arterial, tạo tầm nhìn mở hướng ra biển.
Ảnh Designyourway
Phòng hoà nhạc nằm phía trên 4 nhà hát, ánh sáng ban ngày có thể chiếu soi vào bên trong và từ đó có thể nhìn ra biển và đường chân trời của thành phố qua những cửa sổ khổng lồ. hành lang cục bộ đều hướng ra biển tạo cho du khách sự liên hệ bằng thị giác với không gian xung quanh.
Ảnh Designyourway
Một số công trình nổi tiếng
Trạm cứu hỏa Vitra, Weil am Rhein, Đức, 1993
Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Rosenthal, Cincinnati, Ohio, Mỹ, 1998
Ga phía bắc Hoenheim, Strasbourg, Pháp, 2001
Cầu trượt tuyết Bergisel, Innsbruck, Áo, 2002
Ordrupgaard annexe, Copenhagen, Đan Mạch, 2005
Trung tâm Khoa học Phaeno, Wolfsburg, Đức, 2005
Ga tàu điện trên cao Nordketten, Innsbruck, Áo, 2005
Toà nhà trung tâm trong tổ hợp sản xuất xe hơi BMW, Leipzig, Đức, 2005
Ga tàu điện cao tốc ở Afragola, Ý, 2008
MAXXI – Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật thế kỷ 21, Rome, Italy, 2010
Nhà hát Quảng Châu , Quảng Châu , Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 2010
Học viện Evelyn Grace ở Brixton, London, Vương quốc Anh, 2010
Trung tâm London dưới nước, Thế vận hội mùa hè 2012 , London, Vương quốc Anh, 2011
Giải thưởng
2001 Giải thưởng Equerre d’argent
2003 Giải thưởng Kiến trúc đương đại Liên minh châu Âu
2004 Pritzker Prize
2005 Thiết kế của năm cho thiết kế Miami
2005 Giải thưởng RIBA Châu Âu cho BMW Central Building
2006 Giải thưởng RIBA Châu Âu cho Trung tâm Khoa học Phaeno
2007 Huy chương Thomas Jefferson trong Kiến trúc
2008 Giải thưởng RIBA Châu Âu cho Nordpark Cable Railway
2009 Praemium Imperiale
2010 Giải thưởng RIBA châu Âu cho MAXXI
2010 Giải thưởng Stirling cho MAXXI – Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật thế kỷ 21
2011 Giải thưởng Stirling cho Học viện Evelyn Grace , London
Nguyễn Văn Đức – Kienviet.net ( Tổng hợp )