Bài báo này muốn nói đến thực trạng kiến trúc nói chung ở nhiều thành phố hiện nay và đôi điều nghĩ ngợi của người viết mong được bàn bạc thêm. Nhưng để đỡ loãng, đỡ làm phiền bạn đọc, trong bài chỉ nhắc đến Hà Nội. Đấy là lấy điểm mà nói diện chứ không định nhằm riêng thành phố này…
Nói đến văn học – nghệ thuật, người ta hay nhắc thơ, tiểu thuyết, tranh, kịch… ít khi nói đến kiến trúc. Tiếng là nghệ thuật, loại hình nghệ thuật tổ chức không gian, nhưng kiến trúc lại thường bị lẫn lộn với làm vườn hoa, xây cất nhà cửa và như vậy là gắn liền với tiền, với quyền nhiều hơn cái đẹp nên nếu có quên nó, hay lỡ xếp nó chung trong “rổ kinh tế” cũng chưa chết ai. Chính vì bị quên, bị khuất nẻo trong sự chú ý của công luận như thế nên kiến trúc trở thành nơi mặc cho những ý tưởng kỳ dị của nhà đầu tư ít chữ nhưng lắm tiền lộng hành; mặc cho những bản thiết kế của những nghệ sĩ non tay, bất tài nhưng lại hám tiền ra đời và tồn tại; mặc cho các dự án, công trình xây dựng tiền tỷ – cả công và tư – trở thành đĩa mắm tham nhũng, mỗi người khoắng đũa một tý. Cho đến một lúc giật mình, không thể chịu đựng hơn được nữa…
Tòa nhà cao tầng mọc lên phía sau Tháp Rùa nhỏ bé khiến Hồ Gươm nhìn như một cái ao làng.
Bài báo này muốn nói đến thực trạng kiến trúc nói chung ở nhiều thành phố hiện nay và đôi điều nghĩ ngợi của người viết mong được bàn bạc thêm. Nhưng để đỡ loãng, đỡ làm phiền bạn đọc, trong bài chỉ nhắc đến Hà Nội. Đấy là lấy điểm mà nói diện chứ không định nhằm riêng thành phố này.
Mới đây, một cuộc giao ban khá thẳng thắn giữa lãnh đạo của thành phố với lãnh đạo các quận, huyện về quản lý xây dựng đã được tổ chức. Tại hội nghị này, nhiều người đã nêu thực trạng đáng buồn về quản lý và trật tự xây dựng của Thủ đô. Cũng mới đây, thành phố đã làm đến nơi đến chốn việc “cắt ngọn” gần chục ngôi nhà xây không đúng giấy phép, chủ yếu là xây vượt số tầng và chiều cao cho phép. Tiếp đó là việc cắt tầng ở khu nhà 55A, 55B phố Bà Triệu vì đã vi phạm giấy phép xây dựng và cũng đã kỷ luật không ít người liên quan đến việc này. Như vậy không phải là Hà Nội không biết, không quyết tâm quản lý xây dựng, nhưng…
Về nhiều mặt, trong lịch sử của mình, Hà Nội không phải không đẹp, không có nhiều đường phố, các công viên xanh, hồ nước, vườn hoa, kiến trúc nổi tiếng gần xa. Nếu chưa tin điều ấy, chỉ cần thoáng qua các phố cổ, phố cũ sẽ thấy. Vẫn đường ấy, nhà ấy, hàng cây ấy, chỉ cần tước đi những phần cơi nới, đắp điếm thêm, quét vôi lại, thế là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp có tuổi đời gần trăm năm sẽ hiện ra, khiến mọi người Hà Nội cũng phải trầm trồ, tự hào. Nói đến Hà Nội là người ta nhớ tới Vườn hoa Thống Nhất và ngay người Hà Nội cũng rất mê vườn hoa này. Nhớ lại cách đây nửa thế kỷ, nơi này còn là bãi rác, hồ nước tù đọng và khu nhà ổ chuột. Trong hoàn cảnh nước còn nghèo, dân còn đói, nghe theo lời Bác Hồ, hàng chục vạn lượt người Hà Nội đã góp sức bằng tay không, cuốc, xẻng, xe cải tiến để làm nên nó. Cho nên xấu đẹp trong kiến trúc không hoàn toàn phụ thuộc vào đồng tiền. Nhưng dù sao đấy cũng là những qui hoạch cũ, kiến trúc cũ. Ngay bây giờ, người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung cũng không phải không biết làm kiến trúc. Bằng chứng là khá nhiều ngôi nhà, tuyến phố mới được qui hoạch và xây dựng khá đẹp. Không chỉ vậy, chúng ta còn nổi tiếng vì đã giành rất nhiều giải cao trong các cuộc thi kiến trúc quốc tế mà tác giả nhiều bản thiết kế, đồ án được giải là người Hà Nội, học ở Hà Nội.
Một góc Hà Nội với những ngôi nhà… chẳng giống ai.
Vậy vì sao hiện trạng kiến trúc Hà Nội ngày càng nhức nhối? Có lẽ nếu nói Hà Nội đang thuộc loại lộn xộn, manh mún, bẩn thỉu nhất trên thế giới kể cả các nước đang phát triển trong khu vực về kiến trúc và quản lý xây dựng đô thị cũng không quá lời. Bên cạnh những đường phố, khu đô thị có thể nói là đẹp, ít ra là bên ngoài, đơn cử như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Lý Thường Kiệt, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ… là vô số những tuyến phố, khu đô thị xấu xí, bẩn thỉu, cái ra cái vào, cái cao cái thấp, quảng cáo lộn xộn, đường dây điện, dây thông tin nhằng nhịt đến phát ngượng với khách từ nơi xa đến. Nhà ở Hà Nội hiện nay có lẽ nhỏ bé, khấp khểnh, lộn xộn hơn bất cứ thủ đô một nước nào trên thế giới. Sở dĩ có tình trạng ấy trước hết là do thành phố đã buông lỏng quản lý xây dựng trong một thời gian dài. Việc xin cấp phép xây dựng không minh bạch, rất phiền hà nhưng giấy phép lại không được tôn trọng. Giấy phép ở hầu hết các nhà dân sự mới xây đều chỉ là lấy lệ, tuy bên ngoài giữ nguyên nhưng các cấu trúc trong nhà hầu như đều bị thay đổi so với bản vẽ được duyệt. Hầu hết các công trình dân sự ở những làng xóm đang đô thị hóa đều không có giấy phép, các đường, các ngõ hiếm được qui hoạch cẩn thận. Hệ thống quản lý xây dựng, thanh tra xây dựng, cán bộ cấp phường, xã, quận, huyện đang có khá nhiều người coi những vấn đề liên quan đến xây dựng là chỗ để tham nhũng, kiếm lợi cho mình. Cơ chế phạt hiện nay, nhất là hình thức phạt vi phạm hành chính cho tồn tại quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Thực ra, con số mà lãnh đạo thành phố nêu trong hội nghị vừa qua là đã có 1.700 trường hợp vi phạm bị phát hiện, trong đó 800 trường hợp chưa được xử lý tưởng là lớn nhưng còn quá ít so với thực tế.
Đó là thực trạng và nguyên nhân của thực trạng này như vừa nói ở trên đã khá nhiều người biết. Nhưng còn những nguyên nhân ít được biết hơn đó là kiến trúc, với tư cách là một loại hình nghệ thuật đang không được tôn trọng như nó đáng được hưởng.
Chỉ vài chục năm nữa, 45% dân số nước ta sẽ sống ở thành phố, theo một dự báo xa hơn sẽ là 75% trong thế kỷ này. Như thế có nghĩa là chẳng bao lâu nữa, khoảng 50 triệu người Việt Nam sẽ sống trong các căn hộ, các ngôi nhà đô thị. Kiểu dáng nhà của họ ra sao. Nội thất như thế nào? Mối liên hệ giữa nhà họ và láng giềng, với đường phố, với thành phố? Tất cả những cái đó là kiến trúc, là những lĩnh vực cần đến thẩm mỹ nhưng ở nước ta, không có nơi nào dạy một cách tỷ mỷ, chuyên sâu về kiến trúc đô thị, nội thất đô thị, qui hoạch đô thị. Kết quả là những kiến trúc sư được đào tạo thì nhiều nhưng họ đều là những nhà kiến trúc “vạn năng”, cái gì cũng biết, cái gì cũng làm được nhưng không giỏi một cái gì cả.
Những kiến trúc sư đó phân bổ về các doanh nghiệp xây dựng, các cơ quan nhà nước và họ được làm ra hoặc tham gia phê duyệt những dự án qui hoạch, xây dựng chẳng giống ai. Đó là những đường phố mới mà sau khi mở ra, mạnh ai nấy xây theo ý mình. Những lô nhà “biệt thự liền kề” đều chằn chặn, nhàm chán, đứng xa trông rất giống một dãy mộ trong nghĩa trang hoặc một dãy chuồng chim buồn tẻ. Gần hai trăm ngôi nhà siêu mỏng siêu méo. Những khu đô thị mới nhà một đằng hạ tầng điện nước một nẻo… vv… Tệ hại hơn là tâm lý tự ti, vì nể, nhiều khi là dốt nát trong phê duyệt các công trình có yếu tố nước ngoài.
Có khá nhiều công trình có thể nói thất bại về kiến trúc quanh Bờ Hồ và khu vực Hồ Gươm, cách xa ta về thời gian là nhà Bưu điện, trụ sở UBND, gần hơn là khách sạn Mélia, ngôi nhà Hàm Cá Mập, suýt nữa thì Khách sạn Vàng, trung tâm thương mại EVN… như nhiều báo đã nêu. Có những công trình tuy khá xa Hồ Gươm nhưng lại làm hỏng nó. Chẳng hạn, nếu đứng từ phía đường Lê Thái Tổ (khu nhà Báo Nhân Dân) nhìn về phía Tháp Rùa, ta sẽ thấy giờ đây, ngọn tháp cổ kính trở nên bé nhỏ đến thảm hại, nép mình vào tòa nhà Vietcombank đồ sộ ở tít ngoài bờ sông Hồng…
Những thất bại như vậy rất nhiều. Phố cổ, đó là kiến trúc đô thị phong kiến, kết hợp hài hòa tinh hoa của kiến trúc Việt Nam và kiến trúc Trung Hoa. Phố cũ, mang nét đẹp đặc trưng của kiến trúc phương Tây, cụ thể là kiến trúc Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, nhiều công trình còn được hòa quyện với chất phương Đông, chất Việt Nam. Nhiều công trình sau năm 1954 mang đậm phong cách Đông Âu, nhất là Liên Xô, tuy không phải tất cả đã đẹp nhưng cũng không phải không đẹp tất cả. Thế còn những công trình kiến trúc mới mang đậm phong cách Việt Nam, kết quả tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm của hàng nghìn người thuộc nhiều thế hệ kiến trúc sư được đào tạo khá bài bản suốt gần 70 năm qua? Gần như không có gì cả. Một nền kiến trúc sau hơn nửa thế kỷ mà không rõ đặc trưng và phong cách, không để lại một công trình nào thật đáng kể. Vấn đề thật nghiêm trọng.
Bởi vì những sai lầm trong kiến trúc là những sai lầm rất khó sửa, sửa rất tốn kém, nhiều khi là không sửa được. Bởi vì không thể, ngay giữa Thủ đô mà không có lấy một công trình kiến trúc nào ghi dấu ấn thời đại để tự hào. Bởi vì không thể sau ít năm nữa, người dân Hà Nội thu nhập 7.000 USD mỗi năm nhưng vẫn phải ở những ngôi nhà xấu, những đường phố xấu và cả một thành phố xấu
Vũ Duy Thông – Theo CAND