Đến một địa phương nào đó, bao giờ người ta cũng nhìn chợ để đánh giá mức độ phát triển kinh tế, văn hóa thông qua các sinh hoạt mua bán, trao đổi. Trong không gian sôi động đó cũng xuất hiện nhiều khuôn mặt, nhiều cảnh đời, cách giao tiếp, những lời mặc cả, tâm sự rồi đến cả cách ăn quà.
Để trở nên sạch, đẹp thì Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác cần các mô hình siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại.
Và, không ít người đến chợ chỉ để ngắm hàng hóa, ăn một thức quà nào đó rồi hả hê ra về. Cái nề nếp sinh hoạt có phần giản dị ấy ăn sâu vào máu thịt nhiều người dân, đến nỗi không đến chợ là thấy nhớ, thấy thèm. Du khách, nhất là người nước ngoài đến các vùng quê đều rất quan tâm đến chợ, bao giờ cũng hòa vào không gian mua bán đó để thưởng thức những nét văn hóa được giữ gìn từ nhiều đời, như vậy càng chứng tỏ chợ là hình thức sinh hoạt quan trọng ở mỗi địa phương.
Chợ đô thị, chợ làng quê nói chung giống nhau, nhưng khác nhau ở địa điểm họp. Chợ quê thường họp trên bãi đất rộng, lều bạt đơn giản, kết cấu một tầng và thường họp theo phiên. Chợ đô thị phức tạp, nhiều loại hơn: chợ rau xanh thường họp ven đường vào một thời điểm nhất định; chợ cóc là loại xuất hiện trong phố, chủ yếu bán thực phẩm, rau quả, rất cơ động nên bị đuổi chỗ này có thể chuyển ra chỗ khác; chợ phố là loại tồn tại trong các con ngõ, thậm chí chiếm luôn một đoạn phố, có vẻ bền vững, tiêu biểu nhất là chợ trong Ngõ chợ Khâm Thiên.
Từ nhiều năm nay, chợ quê, chợ truyền thống ở thành phố vẫn giữ “sự ngưng đọng”, chẳng thể nào “lớn lên” bởi tư duy kinh tế tiểu nông, tự cung tự cấp. Người nông dân vẫn thực hiện vai trò đi bán sản vật của mình, mua lấy sản vật khác mình cần hơn. Và kiểu kinh doanh nhỏ, lẻ, lặt vặt ấy vẫn tồn tại ở những nơi đang được đô thị hóa, tồn tại cả ở hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong đô thị, chợ truyền thống, chợ cóc, chợ phố… vẫn thể hiện nhiều mặt tiện lợi của nó. Đầu tiên, tiện lợi cho người tiêu dùng, chỉ cần đi một đoạn ngắn, thậm chí bước ra khỏi nhà là đã có thể mua được thứ mình cần. Người đi xe máy chỉ cần dừng xe vẫn có thể mua hàng rồi đi luôn. Nhưng các chợ này cũng tồn tại nhiều bất cập, nó luôn chiếm hè phố, người đi bộ gặp khó khăn, gây ách tắc, cản trở giao thông. Quan trọng hơn, kiểu chợ này luôn gây ô nhiễm môi trường bởi người bán thiếu ý thức, vứt rác thải bừa bãi, kèm theo những quán hàng ăn uống mất vệ sinh. Chợ cóc, chợ phố cũng vẫn hoạt động một cách lộn xộn, tùy tiện, làm mất mỹ quan thành phố. Đây cũng là đối tượng rất khó quản lý về mọi mặt như vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, nhất là không thu được thuế…
Để trở nên sạch, đẹp thì Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác cần phải quy hoạch chợ, giải tán dần chợ cóc, quản lý chặt chẽ, tạo thói quen mua sắm ngăn nắp, quy củ, văn minh. Tiếp đó, phát triển các mô hình siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mai (TTTM) tập trung khối lượng hàng lớn, đa dạng, phục vụ nhiều người. Đồng thời, cũng phải tính toán kỹ tạo nguồn sống cho những người nghèo đang buôn bán hàng rong, bán tại các chợ cóc, vỉa hè… Ai cũng biết, với kiểu kinh doanh chuyên nghiệp trong các siêu thị, TTTM khá tiện cho cuộc sống hiện đại, người dân đi một lần để mua thực phẩm cho cả tuần. Ở đó, việc quản lý chất lượng, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cũng tốt hơn ở ngoài, nhưng tính toán làm sao cho hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo cho nhiều người dân có việc làm là điều vô cùng khó khăn. Khó khăn lớn nhất là nó sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, cả người bán và người mua đã quen với nề nếp tiện lợi, nhỏ lẻ, nhanh gọn. Nhưng chẳng lẽ, chúng ta lại không muốn đổi sự nhếch nhác đó để lấy một nơi chốn hoạt động khang trang hơn? Vấn đề là, chúng ta sẽ lấy kiến trúc phản ánh đúng bản chất của sinh hoạt chợ và phố chợ. Chúng ta không cổ vũ cho hình thức “may áo đẹp nhưng mặc không vừa”, nhưng chắc chắn, để không chuốc lấy những thất bại như đã thấy ở các khu chợ được phát triển thành TTTM, thì vẫn rất cần xây dựng mô hình chợ truyền thống. Chợ này thiết kế một tầng, thông thoáng, có các sạp hàng nhìn ra lối đi rộng, đủ để dành cho khách ghé mua, không cần xuống xe.
Chợ truyền thống, chợ quê có sức sống lâu bền cùng với việc giữ gìn và phát huy văn hóa. Và để việc quy hoạch đô thị trở nên hoàn thiện thì việc tạo không gian cho chợ cũng thật cần thiết. Người dân chờ đợi những ngôi chợ sau khi cải tạo vẫn sẽ được “thở” một cách khoáng đạt, chứ không phải là những TTTM phô trương, bưng kín, “nuốt” hết không gian văn hóa truyền thống. Đó là điều rất cần sự trăn trở, quan tâm, sát sao của cơ quan chức năng, tạo nên bức tranh quy hoạch có tầm cỡ, khoa học, tránh đi vào những sai lầm mà các nước phát triển từng vấp phải.
PGS.TS. KTS Tôn Đại
Theo Đại đoàn kết